Bệnh Thận Nhiễm Mỡ
Thận nhiễm mỡ là bệnh lý tự miễn phổ biến do hệ thống miễn dịch gây tổn thương các tế bào thận. Bệnh có tính chất mạn tính, dai dẳng và tái đi tái lại thường xuyên, kéo dài trong nhiều năm không thể chữa khỏi. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, thận nhiễm mỡ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và đe dọa cả tính mạng.
Tổng quan
Thận nhiễm mỡ (Dyslipidaemia in nephrotic syndrome) hay còn gọi là rối loạn lipid máu trong hội chứng thận hư. Đây là tình trạng tích tụ các tế bào mỡ bên tron ốngg thận , xảy ra khi chức năng cầu thận suy giảm do tổn hoặc viêm nhiễm, gây bài tiết protein quá mức vào nước tiểu. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng dư thừa protein trong nước tiểu, giảm protid máu nhưng lại tăng lipid máu, các tế bào ống thận nhiễm mỡ và gây phù người.
Đây là một trong những dạng bệnh tự miễn về thận phổ biến. Xảy ra do rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hiểu đơn giản là cơ thể tự sản sinh các kháng thể tấn công và tiêu diệt các tế bào thận khỏe mạnh. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ em đến người trưởng thành và có liên quan mật thiết với các yếu tố như ăn uống, sinh hoạt, vận động... kém khoa học.
Phân loại
Dựa vào nguyên nhân gây thận nhiễm mỡ, bệnh được chia làm 2 nhóm chính gồm nhóm nguyên phát và thứ phát.
- Hội chứng thận nhiễm mỡ nguyên phát: Là những bệnh nhân bị thận nhiễm mỡ do các tổn thương, viêm nhiễm tại thận, gây suy giảm chức năng lọc thải của cầu thận. Độc tố tích tụ trong cơ thể, ứ đọng nước tiểu gây viêm nhiễm, phù toàn thân, tiểu đạm, tăng chỉ số đạm niệu, giảm đạm máu và tăng mỡ máu;
- Hội chứng thận hư nhiễm mỡ thứ phát: Là những trường hợp bệnh xảy ra sau khi mắc các bệnh về nhiễm trùng, liên quan đến đường tiêu hóa, dạ dày hoặc tiểu đường type 2...;
Tham khảo thêm: Hội chứng thận hư ở trẻ em và thông tin cần biết
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Bản chất của thận nhiễm mỡ là hội chứng thận hư tiên phát đơn thuần với những tổn thương tối thiểu xảy ra ở ở màng đáy cầu thận. Cho đến nay, nguyên nhân gây thận nhiễm mỡ vẫn còn khá mơ hồ, chưa xác định rõ. Nhưng cơ chế bệnh sinh thận nhiễm mỡ được nghiên cứu rất kỹ như sau:
- Các tế bào podocyte bị tổn thương, các lỗ mang lamina densa giãn ra khiến protein thoát vào nước tiểu;
- Chỉ số đạm niệu quá cao làm giảm protid máu và tạo áp lực keo trong máu gây thoát nước trong lòng mạch, dẫn đến phù và tiểu ít;
- Lượng nước thoát ra càng nhiều càng làm tăng nguy cơ tắc xẹp các tĩnh mạch mạc treo gây đau bụng quặn thắt;
- Giảm protid, đặc biệt là giảm IgG (y-globulin) gây suy giảm sức đề kháng, phát sinh các biến chứng nhiễm trùng, đặc biệt khi đang trong giai đoạn điều trị bằng Corticoid;
- Giảm các chất kìm hãm tổng hợp Cholesterol làm tăng nồng độ cholesterol và lipid trong máu;
Yếu tố nguy cơ
Có nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ gây thận nhiễm mỡ như:
- Lối sống sinh hoạt kém khoa học, lười vận động;
- Ăn uống thiếu chất, ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo;
- Tác dụng phụ của các loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid;
- Người có tiền sử mắc các bệnh về thận khác như viêm thận, xơ cầu thận, thận ứ nước... ;
- Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh thận nhiễm mỡ cao hơn người lớn;
- ...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Một số triệu chứng đặc trưng ở bệnh nhân thận nhiễm mỡ như:
- Phù cục bộ (chân, tay, mặt, mí mắt...) hoặc phù toàn thân nhanh chóng;
- Tiểu ít, lượng nước tiểu giảm so với bình thường, thay đổi màu sắc nước tiểu, vàng đậm;
- Tăng huyết áp;
- Chán ăn, tiêu hóa kém, sụt cân, mệt mỏi do thiếu hụt dinh dưỡng;
Chẩn đoán
Chẩn đoán thận nhiễm mỡ thường được thực hiện thông qua thu thập các triệu chứng do bệnh nhân cung cấp, đánh giá các triệu chứng lâm sàng khi khám trực tiếp và khai thác tiền sử bệnh cá nhân, thói quen sinh hoạt, ăn uống, các loại thuốc đang sử dụng...
Sau đó, bệnh nhân được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu hơn để đưa ra kết luận chính xác. Chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm nước tiểu
- Siêu âm thận
- Chụp X quang ổ bụng, chụp CT scan
- ...
Biến chứng và tiên lượng
Chứng thận hư nhiễm mỡ thuộc nhóm bệnh tự miễn về thận thường gặp. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường cho sức khỏe như:
- Gây hại cho tim mạch: Chỉ số albumin máu giảm quá mức do lipid tăng cao gây áp lực lớn lên gan, bắt buộc phải hoạt động nhiều hơn để tổng hợp lượng albumin bù lượng thiếu hụt. Quá trình này vô tình sản sinh thêm nhiều cholesterol và triglycerid không tốt cho sức khỏe tim mạch.
- Tắc nghẽn tĩnh mạch: Suy giảm chức năng cầu thận khiến protein thoát vào nước tiểu. Tuy nhiên, do protein có tác dụng chống đông máu nên khi tồn tại trong các tĩnh mạch sẽ hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn, cản trở tuần hoàn. Biểu hiện thông qua các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, suy nhược cơ thể, suy giảm trí nhớ...
- Suy thận cấp: Một trong những biến chứng nguy hiểm của thận nhiễm mỡ là suy thận cấp. Xảy ra do thận tổn thương kéo dài, suy giảm chức năng lọc máu nhưng không được điều trị sớm. Ở giai đoạn nặng gây suy thận, bệnh nhân phải tiến hành lọc máu chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
- Suy thận mạn tính: Thận nhiễm mỡ nghiêm trọng đã nhiều lần phát sinh các đợt suy thận cấp diễn ra trong nhiều năm sẽ biến chứng thành suy thận mạn. Người bệnh bắt buộc phải lọc máu thường xuyên hoặc ghép thận để bảo toàn tính mạng.
- Một số biến chứng khác: Thận nhiễm mỡ còn làm tăng nguy cơ gây:
- Suy dinh dưỡng, tăng huyết áp;
- Phát sinh u nang tuyến cận giáp thứ phát;
- Mắc các bệnh nhiễm trùng, viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu, viêm phổi,...
- Trẻ thiếu dinh dưỡng, chậm lớn, kém phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ;
Tiên lượng điều trị thận nhiễm mỡ khá tốt nếu được phát hiện sớm và áp dụng đúng phác đồ. Đồng thời, kết hợp chế độ chăm sóc tích cực và tuân thủ các chỉ định điều trị y tế của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu. Càng chủ quan và lơ là trong điều trị càng khiến tiến triển bệnh ngày càng nặng, phát sinh biến chứng đe dọa sức khỏe, tính mạng và khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp.
Điều trị
Tuy nguyên nhân gây thận nhiễm mỡ vẫn chưa rõ nhưng dựa trên cơ chế bệnh sinh, bệnh có thể chữa khỏi được. Đa số trường hợp bị thận nhiễm mỡ đều đáp ứng điều trị nội khoa, kết hợp với các biện pháp chăm sóc tích cực tại nhà.
1. Điều trị bằng thuốc
Các trường hợp phát hiện thận nhiễm mỡ giai đoạn sớm, thường ưu tiên điều trị bằng thuốc nhằm kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn tiến triển bệnh, phòng ngừa biến chứng và dự phòng tái phát.
Một số loại thuốc thường dùng trong điều trị thận nhiễm mỡ như:
- Thuốc Corticoid:
- Hầu hết bệnh nhân thận nhiễm mỡ đều đáp ứng điều trị bằng nhóm thuốc Corticoid. Thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch, ngăn chặn tiến triển thận nhiễm mỡ.
- Liều dùng khuyến cáo từ 1.5 - 2mg/kg/ngày x 4 lần, uống sau mỗi bữa ăn khoảng 15 - 20 phút;
- Vì tác dụng của thuốc Corticoid khá mạnh nên tốt nhất là uống cách ngày, 1 ngày uống 1 ngày ngưng và dùng tối đa không quá 3 tháng;
- Trường hợp bệnh nhân thận nhiễm mỡ kháng Corticoid sẽ được kết hợp với Prednisolon và Cyclophosphamit để đạt hiệu quả tối ưu;
- Thuốc lợi tiểu: Có tác dụng hỗ trợ đào thải nước và muối dư thừa tích tụ trong thận, giúp bệnh nhân đi tiểu thường xuyên hơn và cải thiện triệu chứng phù. Các loại điển hình như Verospiron, Lasix...
- Thuốc huyết áp: Để kiểm soát chỉ số huyết áp, duy trì ở ngưỡng ổn định, bác sĩ sẽ kê toa nhóm thuốc hạ huyết áp với liều dùng phù hợp. Thường dùng nhất là Zestril, Renitec, Coversyl...
- Thuốc kháng sinh: Bệnh nhân thận nhiễm mỡ có các triệu chứng nhiễm trùng tại thận hoặc đường tiết niệu cần dùng thêm thuốc kháng sinh. Thuốc có tác dụng tiêu diệt và loại bỏ vi khuẩn, giúp phục hồi các tổn thương do nhiễm trùng gây ra.
- Truyền Albumin máu: Giảm protein máu kéo theo giảm albumin trầm trọng. Lúc này, bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm hoặc truyền bù đắp lượng albumin thiếu hụt, phục hồi chức năng thành mạch, giữ cho nước không thoát ra ngoài.
Lưu ý sử dụng thuốc trị thận nhiễm mỡ ở từng trường hợp là khác nhau, nhất là về liều dùng và loại thuốc. Do đó, chỉ được dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được dùng tùy tiện hoặc lạm dụng thuốc trong thời gian dài để hạn chế phát sinh các tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe.
2. Kết hợp chăm sóc tích cực tại nhà
Song song với dùng thuốc, bệnh nhân thận nhiễm mỡ cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe tích cực để phác đồ thuốc phát huy tác dụng tối đa và sớm khỏi bệnh.
- Đảm bảo thực đơn ăn uống hàng ngày đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như protein, năng lượng và các vitamin khoáng chất;
- Tăng cường bổ sung các loại rau củ quả, trái cây tươi, thực phẩm giàu omega-3, các loại thực phẩm giàu đạm (như thịt, cá, trứng, sữa...), thực phẩm giàu kali (như chuối, cam, chanh, cà rốt, thịt bò, trứng gà, trứng vịt, thịt nạc, bắp cải, rau ngót, bầu bí, rau muống...;
- Duy trì chế độ ăn nhạt trong suốt quá trình điều trị thận nhiễm mỡ, đặc biệt là khi đang điều trị bằng Prednisolone;
- Uống nước bình thường, lượng nước tùy theo nhu cầu của từng người, không uống quá nhiều cũng không quá ít;
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh xa môi trường ô nhiễm nhằm tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể;
- Giữ ấm cơ thể, phòng tránh nguy cơ nhiễm lạnh hoặc tìm cách hạ thân nhiệt ngay khi bị sốt;
Phòng ngừa
Chỉ cần nâng cao kiến thức về các hệ lụy của bệnh thận, trong đó có thận nhiễm mỡ và thực hiện lối sống lành mạnh đã giúp bạn giảm nguy cơ mắc chứng thận nhiễm mỡ.
- Ăn uống khoa học bằng một chế độ thực đơn đầy đủ chất dinh dưỡng và đa dạng các nguồn thực phẩm lành mạnh, nhất là các loại thực phẩm tốt cho thận.
- Bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, nước sẽ giúp thận hoạt động lọc thải hết các độc tố trong cơ thể, giảm nguy cơ nhiễm trùng, ổn định huyết áp,
- Tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày, vận động tích cực đem lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe, đặc biệt là tăng tuần hoàn máu đến thận.
- Duy trì cân nặng phù hợp, phòng tránh thừa cân béo phì hoặc lên kế hoạch giảm cân ngay từ bây giờ nếu trọng lượng cơ thể đang ở mức báo động để giảm nguy cơ mắc chứng thận nhiễm mỡ.
- Từ bỏ những thói quen xấu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như thức khuya, ngủ muộn, dùng thuốc tùy tiện, quan hệ tình dục không an toàn...
- Điều trị triệt để các bệnh lý về thận như viêm cầu thận cấp, xơ cứng bì thận... hoặc các bệnh nhiễm trùng ngoài da như chốc lở, mụn nhọt... (nếu có).
- Thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/ lần và thường xuyên tự đo huyết áp hoặc thử nước tiểu tại nhà để sớm phát hiện các bất thường để điều trị kịp thời.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Thận nhiễm mỡ có phải chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi không?
2. Nguyên nhân khiến tôi mắc chứng thận nhiễm mỡ?
3. Các biến chứng nguy hiểm của thận nhiễm mỡ tôi có thể gặp phải?
4. Những hệ lụy khó lường của thận nhiễm mỡ khi tôi không điều trị?
5. Tôi cần thực hiện biện pháp xét nghiệm nào để chẩn đoán thận nhiễm mỡ?
6. Điều trị thận nhiễm mỡ bằng phương pháp nào tốt nhất?
7. Dùng thuốc Corticoid điều trị thận nhiễm mỡ dài lâu có được không? Có gây ra tác dụng phụ không?
8. Tôi cần làm gì để xử lý các tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị thận nhiễm mỡ?
9. Những điều tôi cần làm để chăm sóc sức khỏe trong quá trình điều trị thận nhiễm mỡ?
10. Sau điều trị thận nhiễm mỡ, bệnh có tái phát không?
Thận nhiễm mỡ tuy là bệnh mạn tính nhưng vẫn có thể điều trị khỏi được nếu người bệnh chủ động thăm khám sớm và phối hợp với bác sĩ trong thực hiện các chỉ định điều trị cần thiết. Việc này có ý nghĩa quan trọng đối với những người bị thận nhiễm mỡ nặng có xu hướng biến chứng suy thận, duy trì sức khỏe và bảo tồn chức năng thận.
Tham khảo thêm:
- Bệnh Suy Thận: Tổng quan, nguyên nhân, điều trị & phòng ngừa
- Bệnh thận yếu: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!