Bệnh Viêm Ống Thận Cấp
Viêm ống thận cấp là một trong những bệnh lý về thận phổ biến, có liên quan mật thiết đến các đợt suy thận cấp. Bệnh được đánh giá nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời. Điều trị viêm ống thận cấp tùy thuộc vào triệu chứng, nguyên nhân và biến chứng của bệnh trong từng giai đoạn cụ thể.
Tổng quan
Viêm ống thận cấp (Acute interstitial nephritis - AIN) còn được gọi là bệnh ống kẽ thận cấp hoặc chứng hoại tử ống thận cấp. Đặc trưng của bệnh là những tổn thương hoại tử tại liên bào ống thận. Các biểu hiện của viêm ống thận cấp thực chất là hội chứng suy thận cấp tiến triển kèm theo viêm gan cấp (nếu do nguyên nhân ngộ độc).
Đây là bệnh lý về thận tương đối nghiêm trọng, tiến triển nhanh và dễ phát sinh biến chứng nếu không được điều trị kịp thời, thậm chí gây tử vong. Theo thống kê, có khoảng 10 - 15% trường hợp bệnh nhân bị suy thận cấp do viêm ống thận cấp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Theo cấu trúc giải phẫu học, ống thận được cấu tạo từ nhiều bộ phận gồm ống lượn gần, ống lượn xa, quai Henle và ống góp. Ống thận nằm ở vị trí tiếp nối với cầu thận có nhiệm vụ tái hấp thu và bài tiết các chất dịch dư thừa, thải vào nước tiểu.
Cơ chế bệnh sinh viêm ống thận cấp có sự xuất hiện của nhiều vấn đề bất thường như: tắc nghẽn ống thận, giảm lọc cầu thận và hiện tượng dịch lọc cầu thận bị khuếch tán ngược trở lại vào thận. Trong đó, cơ chế suy giảm chức năng lọc cầu thận là chủ yếu:
- Giảm chức năng lọc của cầu thận: Thường là do:
- Giảm dòng máu đến thận;
- Giảm tính thấm tại cầu thận;
- Tình trạng tái phân bố dòng máu đến thận;
- Ống thận tắc nghẽn: do sự tăng sinh quá mức của các tế bào hoại tử gây tắc nghẽn ống thận, cản trở quá trình bài tiết nước tiểu, gây thiểu niệu, vô niệu.
- Khuếch tán dịch lọc ngược lại thận: Xảy ra do ống thận bị hoại tử làm tăng tính thấm tại chỗ, tạo điều kiện cho dịch lọc cầu thận bị tái hấp thu ngược trở lại thông qua các mạch máu nằm xung quanh ống thận.
Có nhiều nguyên nhân khiến ống thận bị viêm, trong đó có 3 nguyên nhân chính gồm:
- Viêm ống thận cấp sau hiếu máu:
- Nguồn gốc trước thận: Bị thiếu máu do chấn thương, tai nạn, sau phẫu thuật, sảy/ nạo phá thai, mất muối, mất nước, bỏng nặng, sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc là nguyên nhân gây cản trở tuần hoàn máu, giảm lưu lượng máu đến thận. Tình trạng này kéo dài khiến thận tổn thương, hoại tử các mô liên bào cầu thận, dẫn đến viêm ống thận cấp.
- Nguồn gốc tại thận: Nguyên nhân thường gặp nhất là do tác dụng phụ của thuốc ở một số bệnh nhân có cơ địa đặc biệt nhạy cảm (bệnh nhân hẹp động mạch thận hai bên). Điển hình như thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc ức chế men chuyển...
- Dị ứng: Nguyên nhân dị ứng gây viêm ống thận cấp còn được gọi là bệnh viêm thận kẽ dị ứng (NIA immuo - allergique). Tỷ lệ mắc bệnh viêm ống thận cấp dạng này khá cao. Loại dị ứng thường gặp nhất là dị ứng thuốc như:
- Thuốc lợi tiểu;
- Thuốc kháng viêm không steroid;
- Methicilline;
- Penicilline;
- Cimetidine;
- Ngộ độc: Tình trạng ngộ độc có thể tác động trực tiếp đến các tế bào ống thận hoặc gián tiếp thông qua cơ chế tuần hoàn máu. Ngộ độc kéo dài gây thiếu máu đến thận. Độc tố thường xuất phát từ các yếu tố sau:
- Thuốc:
- Thuốc kháng sinh, thường là nhóm Aminosides;
- Thuốc chống khối u như Cyclosporine, Ciplastine, Interféron...;
- Các loại thuốc chứa iod cản quang;
- Thuốc gây mê Methoxyfluzan, thuốc Phenylbutazones...;
- Các loại hóa chất như cồn Metylic, Tetra Cloruacarbon (CCI4);
- Độc tố tiết ra từ các loại sinh vật như mật cóc, mật cá trắm, cá chép, cá mè...;
- Thuốc:
Không chỉ người lớn, trẻ em cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm ống thận cấp. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng, sức đề kháng yếu kém hoặc các yếu tố vệ sinh không đảm bảo khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn. Cụ thể như:
- Trẻ < 3 tuổi: Viêm cầu thận cấp thường xảy ra sau các đợt nhiễm khuẩn do bệnh viêm ngoài da như chốc đầu, ghẻ lở, viêm da...;
- Trẻ > 3 tuổi: Viêm cầu thận cấp sau các đợt viêm amidan, viêm họng...;
Tham khảo: Các bệnh về thận thường gặp và thông tin cần biết
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bản chất của viêm ống thận cấp là hội chứng suy thận cấp kèm theo viêm gan cấp (đối với trường hợp bị ngộ độc). Có rất nhiều trường hợp gây bộc phát viêm ống thận cấp và bệnh được biểu hiện dưới nhiều tình huống lâm sàng như:
- Thiểu, vô niệu;
- Phát hiện khi cơ thể có các biến chứng nặng, điển hình như hiện tượng ứ dịch ngoại bào, đặc trưng bởi triệu chứng tăng huyết áp và phù phổi;
- Rối loạn cân bằng các chất điện giải;
- Triệu chứng bệnh cảnh tương tự như hội chứng tăng ure máu;
- Ở trẻ em có thể kèm theo sốt, đau vùng thận, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, tiểu ra máu...;
Triệu chứng viêm ống thận cấp ở từng giai đoạn được biểu hiện khác nhau, cụ thể như sau:
- Giai đoạn tấn công đến thận: Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh mà thời gian bộc phát triệu chứng sẽ khác nhau. Đối với đợt cấp xảy ra đột ngột gây sốc và xuất huyết, trường hợp kháng sinh độc với thận có triệu chứng tiến triển chậm, kéo dài;
- Giai đoạn vô niệu, thiểu niệu nhẹ: Thường xuất hiện trong vòng 24 - 72 giờ kể từ giai đoạn tấn công thận ban đầu. Đặc trưng với các biểu hiện sau:
- Hiện tượng ứ dịch ngoại bào: khó thở, thở gấp, phù ngoại biên, tăng cân...;
- Hiện tượng tăng nitơ protein: gây rối loạn tiêu hóa, phát ban xuất huyết dưới da;
- Giai đoạn vô niệu, thiểu niệu nặng: Xảy ra sau 7 - 21 ngày, đặc trưng tình trạng này với các triệu chứng của hội chứng tăng urê máu.
- Giai đoạn tiểu nhiều: Hiện tượng vô niệu xảy ra khoảng 3 tuần sẽ bắt đầu đến giai đoạn tiểu nhiều, một vài trường hợp sớm hơn. Tuy lượng nước tiểu tăng dần lên, nhưng một số bệnh nhân phải tiến hành lọc máu, truyền dịch để bù đắp lượng dịch lỏng, chất điện giải bị thiếu hụt.
- Giai đoạn phục hồi: Sau quá trình điều trị dựa theo các triệu chứng lâm sàng, chỉ số ure và creatinine dần trở lại ngưỡng bình thường, đẩy lùi tình trạng suy thận cấp và phục hồi chức năng thận.
Ngoài thể viêm ống thận cấp thông thường này, một số trường hợp triệu chứng trên lâm sàng của viêm ống kẽ thận cấp khác như không vô niệu, thiểu niệu, vẫn có nước tiểu... thường gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Tuy nhiên, dựa trên các tổn thương thận đặc trưng, trường hợp này vẫn được chẩn đoán là viêm ống thận cấp, nguyên nhân thường là do lạm dụng thuốc lợi tiểu Furosemide hoặc thuốc giãn mạch.
Chẩn đoán
Ngoài thu thập và đánh giá các triệu chứng đặc trưng của viêm ống thận cấp, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm điển hình nhằm phát hiện tổn thương hoại tử ống thận và xác định suy thận cấp.
Một số biện pháp xét nghiệm phổ biến như:
- Xét nghiệm máu: đánh giá các chỉ số creatinine, ure, kali, natri, canxi, phosphat...;
- Xét nghiệm rối loạn toan kiềm phát hiện nhiễm toan;
- Kết hợp chẩn đoán phân biệt viêm ống thận cấp với các nguyên nhân gây suy thận cấp khác như sỏi tắc niệu quản, viêm cầu thận cấp, suy thận cấp thực thể hoặc suy thận cấp chức năng do nhiều nguyên nhân khác gây ra...;
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm ống thận cấp xảy ra với các triệu chứng đột ngột và nguy hiểm. Nếu không xử lý kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường như:
- Biến chứng tại ống thận:
- Ống thận giãn, dẹt dị dạng, thường xảy ra ở ống lượn xa;
- Hoại tử liên bào ống thận;
- Mất các chất nguyên sinh và nhân trong tế bào ống thận;
- Nghiêm trọng hơn gây hoại tử ống thận từng đoạn hoặc đứt thành từng đoạn cực kỳ nguy hiểm;
- Các biến chứng toàn thân khác:
- Phù não lên cơn co giật;
- Trụy tim mạch;
- Phù phổi cấp;
Tiên lượng điều trị viêm ống thận cấp tính tương đối tốt trong trường hợp phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Thông thường, sau khoảng 6 - 8 tuần điều trị tích cực, chức năng thận sẽ được phục hồi tốt. Nhưng trên thực tế, việc phục hồi không hoàn toàn và có thể tái phát trở lại với tiên lượng xấu, đặc biệt là trong trường hợp viêm ống thận cấp do ngộ độc thuốc NSAIDs.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị viêm ống thận cấp chủ yếu là điều trị triệu chứng, ngăn chặn tổn thương hoại tử, phục hồi sau biến chứng và bảo tồn chức năng thận. Tùy từng nguyên nhân và giai đoạn bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
1. Điều trị viêm ống thận cấp giai đoạn sớm
Ở giai đoạn này, ưu tiên xử lý nguyên nhân gây viêm ống thận cấp bằng cách:
- Loại bỏ độc tố trong cơ thể đối với bệnh nhân mắc bệnh do ngộ độc;
- Hoặc bù dịch và bù máu đối với bệnh nhân mắc bệnh do nguyên nhân thiếu máu;
- Điều trị sốt rét trong trường hợp bệnh nhân bị sốt rét tiểu huyết sắc tố gây viêm ống thận cấp;
Có 2 cách được áp dụng chính là:
- Dùng các loại thuốc tác động trực tiếp đến mạch máu như Dopamin với liều khuyến cáo là 3µg/kg/phút nhằm cải thiện sự lưu thông dòng máu đến thận;
- Kiểm soát huyết áp bằng cách truyền dung dịch keo như plasma, albumin hoặc dung dịch muối đẳng trương;
2. Giai đoạn thiểu niệu - vô niệu
Ở giai đoạn này, mục tiêu điều trị chính là giữ cân bằng nội môi, kiểm soát chỉ số ure và kali máu. Cụ thể bằng các phương pháp sau:
- Bù nước: Bệnh nhân viêm ống thận cấp gây thiểu niệu, vô niệu cần đảm bảo bổ sung đủ lượng nước bị mất đi, nhưng phải cân bằng lượng nước vào phải ít hơn lượng nước ra. Trung bình khoảng 500ml nước bao gồm cả ăn và uống. Kết hợp bù dịch nếu vô niệu kèm theo mất muối, mất nước;
- Điều trị tăng kali máu:
- Tránh đưa thêm kali vào cơ thể thông qua thực phẩm hoặc các chế phẩm sinh học;
- Điều trị nhiễm khuẩn và xử lý loại bỏ các ổ hoại tử bằng kháng sinh;
- Dùng thuốc lợi tiểu có tác dụng hỗ trợ loại bỏ kali, thường dùng trong trường hợp bệnh nhân không bị tắc nghẽn sau thận. Liều dùng khuyến cáo như:
- Lasix liều tiêm tĩnh mạch 20mg x 4 ống hoặc tăng dần lên 200 - 500mg/ 24 giờ;
- Furosemide liều 1000mg/ 24 giờ bằng cách truyền tĩnh mạch chậm hoặc bơm tiêm điện;
- Có thể thay thế bằng acideetacrynic hoặc bumetamide;
- Bệnh nhân vẫn có nước tiểu có thể tiêm hoặc truyền tĩnh mạch natribicarbonat 1.4% hoặc 4.2%. Trường hợp được yêu cầu hạn chế nước nạp vào cơ thể dùng loại natricarbonat 8.4% nhằm kiểm soát toan máu, hạn chế việc kali di chuyển từ nội bào ra ngoại bào;
- Tiêm canxi qua đường tĩnh mạch chậm nếu bệnh nhân bị tăng kali máu nghiêm trọng đến mức phải cấp cứu do xuất hiện triệu chứng tim mạch;
- Truyền insulin kèm glucose có tác dụng hỗ trợ đẩy kali vào trong khu vực nội bào;
- Chỉ định thải kali qua đường phân bằng Resin trao đổi ion, điển hình như Kayexalats, Resonium liều 30g/ 24 giờ;
- Cân nhắc chỉ định lọc máu ngoài thận trong trường hợp đo chỉ số kali máu ≥ 6,5 mmol/l;
- Điều trị tăng urê máu:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, bổ sung đủ calo khoảng 35kcal/kg/24 giờ, giảm đạm và tăng vitamin từ rau xanh, củ quả;
- Dùng các loại thuốc có tác dụng tăng đồng hóa protid như Testosterone liều 25mg/ ngày, Durabolin liều 25mg/ ngày, kết hợp Ketosteril dạng viên 600mg cho mỗi 5kg cân nặng/ ngày;
- Chỉ định loại bỏ ổ nhiễm khuẩn và lọc máu bằng phương pháp chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân màng bụng. Cho các trường hợp chỉ số kali, ure, creatinine đều vượt ngưỡng cho phép;
- Điều trị một số các rối loạn điện giải khác
- Trường hợp hạ canxi máu trong viêm ống thận cấp thường chỉ định dùng canxi gluconate hoặc canxi clorua;
- Trường hợp hạ natri và clo máu do ứ nước cần phải hạn chế lượng nước nạp vào cơ thể, sau đó bù natri;
3. Điều trị giai đoạn tiểu nhiều
Tuy các rối loạn về chất điện giải đã được kiểm soát, có lại nước tiểu nhưng chức năng thận vẫn chưa hồi phục nhiều. Việc tiểu nhiều hơn khiến hao hụt nhiều chất điện giải, nên mục tiêu điều trị trong giai đoạn này là:
- Hạn chế bổ sung các loại thực phẩm chứa protid để tránh làm tăng ure máu hoặc chỉ ăn khi chỉ số này đã về ngưỡng bình thường (10mmol/l);
- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, giữ ấm kỹ lưỡng;
- Truyền dịch để bù nước và các chất điện giải bị thiếu hụt. Tùy theo lượng nước tiểu thải ra mà bù lại lượng lịch phù hợp;
4. Điều trị giai đoạn phục hồi chức năng thận
Thông thường, sau khoảng 4 tuần điều trị thì chức năng thận có xu hướng phục hồi trở lại, bệnh nhân có thể được xuất viện nhưng vẫn phải đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để đảm bảo tiến độ phục hồi. Đồng thời, tái khám định kỳ theo lịch hẹn với bác sĩ để phục hồi chức năng thận hoàn toàn.
5. Điều trị biến chứng
Tùy theo từng biến chứng gặp phải do viêm ống thận cấp sẽ được chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp:
- Điều trị phù phổi cấp
- Thở oxy;
- Chích máu;
- Tiêm morphin;
- Đặt garo trong trường hợp quá thiếu máu;
- Đặt ống nội khí quản để hỗ trợ hô hấp (khi cần thiết);
- Điều trị suy thận cấp
- Đảm bảo cung cấp calo, đạm đầy đủ, giảm kali, natri;
- Cân bằng các chất điện giải;
- Lọc máu ngoài thận sớm;
Phòng ngừa
Để phòng ngừa viêm ống thận cấp cũng như suy thận và nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, mỗi người trong chúng ta cần thực hiện các biện pháp tích cực sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây, giảm chất béo, đường và thịt nhiều đạm.
- Những người > 40 tuổi nên ăn uống thanh đạm, giảm muối để phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý về thận, tránh làm tăng huyết áp.
- Người trưởng thành nên uống từ 2 - 3 lít nước/ ngày để làm loãng nước tiểu và hỗ trợ thận loại bỏ độc tố khỏi cơ thể tốt hơn.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày và tập vừa sức, phù hợp với thể trạng. Việc duy trì các hoạt động thể lực giúp ổn định huyết áp, đường huyết, giảm nguy cơ mắc các bệnh về thận, trong đó có viêm ống thận cấp.
- Duy trì cân nặng phù hợp, tránh thừa cân béo phì cũng là giải pháp tốt nhằm giảm nguy cơ gây tổn thương đến chức năng thận.
- Từ bỏ thuốc lá và các chất kích thích có hại khác.
- Không được tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm khi chưa có sự cho phép của bác sĩ để tránh gây ngộ độc, dẫn đến tổn thương thận.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý nhiễm khuẩn càng sớm càng tốt để phòng ngừa nhiễm trùng lây lan gây viêm cầu thận cấp.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra chức năng thận thường xuyên để sớm phát hiện các bất thường và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm: Làm gì tốt cho thận? Bí kíp giữ thận luôn khỏe mạnh
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm ống thận cấp?
2. Bệnh viêm ống thận cấp có nguy hiểm không?
3. Bị viêm ống thận cấp có gây tử vong không?
4. Tiên lượng tình trạng bệnh viêm ống thận cấp đối với trường hợp bệnh của tôi?
5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán nào để đánh giá bệnh viêm ống thận cấp?
6. Phác đồ điều trị viêm ống thận cấp tốt nhất dành cho tôi?
7. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị viêm ống thận cấp?
8. Bệnh viêm ống thận cấp có thể chữa khỏi dứt điểm hoàn toàn không?
9. Tôi cần thực hiện chế độ ăn uống và chăm sóc tại nhà như thế nào trong quá trình điều trị viêm ống thận cấp?
10. Sau điều trị viêm ống thận cấp tôi có cần tái khám hay không?
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh lý viêm ống thận cấp. Hy vọng những kiến thức này đã giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh lý này để tự đánh giá mức độ bệnh. Nhưng khuyến cáo tốt nhất của các chuyên gia là nên chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời bằng phác đồ phù hợp, phòng ngừa biến chứng về sau.
Tham khảo thêm:
- Các thực phẩm tốt cho thận – Nên bổ sung mỗi ngày
- Tư thế ngồi, nằm tốt cho thận của bạn – Kiến thức hay
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!