Bệnh Cường Kinh

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Cường kinh là một trong những rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở nữ giới, phổ biến không kém chứng rong kinh. Bản chất của cường kinh là sự rối loạn nội tiết tố.  Nhưng tiềm ẩn phía sau là dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, bắt buộc phải can thiệp điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của chị em. 

Tổng quan

Kinh nguyệt ở nữ giới có bình thường hay không được đánh giá dựa trên rất nhiều yếu tố như số ngày hành kinh, số lượng máu kinh, khoảng thời gian lặp lại chu kỳ... Trong đó, cường kinh là tình trạng máu kinh ra ồ ạt, đột ngột, > 80ml/ chu kỳ và kéo dài trong nhiều ngày liên tục. Kèm theo đó là một số triệu chứng như máu vón cục, sẫm màu hơn bình thường và kèm theo đau bụng dữ dội.

Cường kinh là tình trạng hành kinh kéo dài, máu kinh ra nhiều > 80ml/ chu kỳ

Tình trạng này thường xảy ra ở nhóm nữ giới trẻ tuổi chưa có chu kỳ kinh kèm rụng trứng và chị em phụ nữ bước vào độ tuổi mãn kinh. Đây có thể là tình trạng sinh lý bình thường hoặc dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và khả năng sinh sản của nữ giới.

Nhiều chị em thường nhầm lẫn giữa chứng cường kinh và rong huyết. Nhưng trên thực tế 2 bệnh này có bản chất khác nhau. Trong đó, rong huyết là tình trạng máu kinh rỉ dai dẳng và kéo dài qua nhiều chu kỳ. Tốt nhất chị em nên thăm khám sớm để chẩn đoán bệnh và điều trị đúng phương pháp, ngăn ngừa biến chứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân sinh lý 

Bản chất của bệnh cường kinh là tình trạng rối loạn nội tiết tố, xảy ra ở một số giai đoạn nhất định như trẻ gái trong độ tuổi dậy thì hoặc phụ nữ tiền mãn kinh. Lúc này, lượng hormone estrogen sụt giảm bất thường, không ổn định gây rối loạn kinh nguyệt. Và cường kinh là một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng rối loạn rụng trứng này.

Cường kinh là hậu quả của tình trạng rối loạn nội tiết tố do dùng thuốc tránh thai

Ngoài ra, các yếu tố sau cũng có thể gây ra cường kinh:

  • Sử dụng hoặc lạm dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài;
  • Vòng tránh thai bị lệch;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc giảm đau như aspirin, thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu...;
  • Stress, căng thẳng kéo dài;
  • Phơi nhiễm tia cực tím;

Nguyên nhân bệnh lý 

Ngoài nguyên nhân sinh lý, cường kinh cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như:

Cường kinh là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm về tử cung hoặc viêm nhiễm phụ khoa

  • Polyp nội mạc tử cung;
  • Polyp cổ tử cung;
  • U xơ tử cung;
  • Ung thư nội mạc tử cung;
  • Ung thư cổ tử cung;
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS);
  • Chứng nhược giáp;
  • Các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa như viêm tiểu khung, viêm vùng chậu, nhiễm trùng đường tiết niệu...;
  • Ảnh hưởng từ một số bệnh lý tự miễn như đái tháo đường, lupus ban đỏ...;
  • Rối loạn chức năng đông máu;
  • Sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bạn có thể nhận biết bệnh cường kinh thông qua các dấu hiệu điển hình sau:

Máu kinh ra liên tục, kéo dài nhiều ngày kèm theo mệt mỏi, đau bụng khó chịu

  • Máu kinh ra ồ ạt, số lượng nhiều > 80ml/ chu kỳ;
  • Người bệnh phải thay băng vệ sinh liên tục, 2 - 3 tiếng/ lần, kể cả ban đêm;
  • Máu vón cục, kích thước lớn hơn 1/4 miếng băng vệ sinh thông thường;
  • Kèm theo biểu hiện rong kinh (hành kinh > 7 ngày) và các triệu chứng toàn thân như buồn nôn, mệt mỏi, đau bụng từng cơn dữ dội...;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán xác định tình trạng cường kinh, trước tiên bệnh nhân sẽ được thăm khám lâm sàng thông qua việc thông báo cặn kẽ về các triệu chứng, bác sĩ khai thác các thông tin về tuổi tác, tiền sử bệnh, thói quen sinh hoạt, vệ sinh vùng kín, tiền sử dùng thuốc... để đưa ra phán đoán khách quan về tình trạng bệnh.

Sau đó, kết hợp thực hiện với các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định và phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự khác:

Siêu âm là kỹ thuật hình ảnh giúp phát hiện các tổn thương trong buồng tử cung, khung chậu để xác định nguyên nhân gây cường kinh

  • Thử thai: Đo định lượng hCG để loại trừ khả năng mang thai ngoài tử cung hoặc sảy thai. Xét nghiệm này cần được thực hiện đầu tiên trước khi nghĩ đến các xét nghiệm can thiệp khác.
  • Siêu âm: Siêu âm phụ khoa thường được thực hiện qua ngả âm đạo, giúp quan sát và đánh giá cấu trúc khung chậu, phát hiện các bất thường về buồng trứng, nội mạc tử cung như dày, có polyp, tổn thương lạc nội mạc... Có thể kết hợp siêu âm với bơm dịch vào lòng tử cung để quan sát kỹ hơn các bất thường sâu trong lòng tử cung.
  • Nội soi: Ống nội soi mềm được đưa vào cơ thể thông qua ngả âm đạo giúp quan sát một cách chi tiết về cấu trúc buồng tử cung, phát hiện tổn thương chẩn đoán nguyên nhân gây cường kinh.
  • Sinh thiết mô nội mạc tử cung: Nội soi kết hợp lấy mẫu mô nội mạc tử cung để làm sinh thiết, xét nghiệm giúp phát hiện các tế bào ung thư.
  • Các xét nghiệm khác:
    • Xét nghiệm công thức máu và kiểm tra chức năng rối loạn đông máu;
    • Đo nồng độ nội tiết nhằm kiểm tra mức độ rối loạn nội tiết, rối loạn đông máu, thiếu máu...;
    • Chụp MRI (nếu cần thiết);

Biến chứng và tiên lượng

Rất nhiều chị em phụ nữ mắc chứng cường kinh nhưng chủ quan nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi và tâm lý e ngại do đang hành kinh, dẫn đến ra máu liên tục trong nhiều tháng liền mới bắt đầu thăm khám. Sai lầm này khiến chị em phụ nữ dễ gặp phải nhiều rủi ro khó lường như:

Cường kinh kéo dài không điều trị gây thiếu máu nghiêm trọng và kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe phức tạp khác

  • Thiếu sắt, thiếu máu khiến cơ thể suy nhược, xanh xao, thường xuyên hoa mắt, chóng mặt và mệt mỏi;
  • Biến chứng khó thở, suy hô hấp và tăng nguy cơ khởi phát các bệnh lý tim mạch do thiếu máu nghiêm trọng;
  • Vô sinh, hiếm muộn do các bệnh lý gây cường kinh như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung... không được điều trị sớm;

Chứng cường kinh là bệnh lý không quá nguy hiểm và lành tính nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Sau các thăm dò, xét nghiệm và đánh giá kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ nhanh chóng đưa ra chỉ định về phương pháp điều trị dựa theo nguyên nhân. Tùy từng trường hợp có thể điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.

Điều trị

Tùy từng trường hợp cụ thể với các nguyên nhân gây cường kinh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Về cơ bản có 2 phương pháp là:

1. Điều trị nội khoa

Dùng thuốc là phương pháp điều trị tạm thời nhằm ổn định hormone, cải thiện triệu chứng và hỗ trợ ngăn chặn tiến triển bệnh cường kinh ở một số nhóm nguyên nhân thông thường.

Dùng thuốc trị cường kinh chủ yếu nhằm mục đích ngăn chặn ra máu kinh và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng tùy theo từng bệnh lý

Một số loại thuốc dùng trong điều trị cường kinh phổ biến như:

  • Liệu pháp hormone: Thực chất chính là thuốc ngừa thai. Nhóm thuốc này có chứa nội tiết tố nhằm bổ sung lượng hormone thiếu hụt, làm giảm lượng máu kinh nhanh chóng cho các chị em bị cường kinh do rối loạn rụng trứng, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung... Một số trường hợp dị ứng với thuốc nội tiết có thể áp dụng thay thế bằng biện pháp đặt dụng cụ chứa nội tiết vào trong tử cung.
  • Nhóm thuốc đồng vận GnRH: Loại thuốc này có khả năng gây ngưng kinh hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ làm giảm kích thước khối u xơ tử cung. Qua đó, vừa giúp hỗ trợ điều trị u xơ vừa cải thiện chứng cường kinh. Tuy nhiên, tác dụng này chỉ phát huy khi dùng thuốc, nếu ngưng thuốc triệu chứng sẽ tái phát trở lại, nên đây chỉ là biện pháp tạm thời.
  • Các loại thuốc khác:
    • Nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID): hỗ trợ giảm cơn đau bụng kinh và kiểm soát tình trạng chảy máu;
    • Thuốc cầm máu Tranexamic acid cho bệnh nhân cường kinh;
    • Thuốc chống miễn dịch đối với chứng cường kinh do các bệnh tự miễn;
    • Truyền máu, tiêm vitamin K hoặc các chế phẩm máu khác... có tác dụng hỗ trợ cải thiện triệu chứng;

Tuy thuốc đem lại hiệu quả cao, nhưng nếu sử dụng kéo dài hoặc lạm dụng liều cao mức có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn. Do đó, khuyến cáo người bệnh chỉ được sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

2. Điều trị ngoại khoa 

Những trường hợp cường kinh do các bệnh lý phụ khoa nghiêm trọng, không có khả năng tự khỏi hoặc không đáp ứng điều trị bằng thuốc sẽ được chỉ định can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Phẫu thuật loại bỏ tác nhân gây cường kinh là giải pháp điều trị triệt để và hiệu quả nhất

Một số biện pháp phẫu thuật điều trị cường kinh được áp dụng phổ biến như:

  • Mổ nội soi: Nội soi buồng tử cung để tiến hành bóc tách khối hoặc cắt bỏ khối u xơ tử cung gây cường kinh;
  • Thuyên tắc động mạch tử cung: Đây là phương pháp đem lại hiệu quả cao trong điều trị u xơ tử cung gây cường kinh, không cần can thiệp phẫu thuật và an toàn, bảo tồn chức năng sinh sản, có tính thẩm mỹ cao. Được thực hiện bằng cách sử dụng các hạt thuốc nhỏ nhằm tiêu diệt nguồn máu nuôi dưỡng khối u xơ tử cung;
  • Đốt nội mạc tử cung: Phương pháp này được thực hiện bằng cách dùng nhiệt laser phá hủy lớp nội mạc tử cung để ngăn chặn lượng máu kinh. Tuy hiệu quả nhưng kỹ thuật này có thể gây suy giảm chức năng sinh sản. Bệnh nhân cường kinh sau điều trị bằng phương pháp này sẽ rất khó thụ thai tự nhiên.;
  • Cắt bỏ tử cung: Là phương pháp được chỉ định cuối cùng trong điều trị cường kinh do ung thư ác tính ngăn ngừa khối u di căn hoặc áp dụng các biện pháp khác không hiệu quả. Tuy nhiên, cắt bỏ tử cung cũng đồng nghĩa với việc nữ giới mất đi khả năng sinh sản. Do đó, hãy thận trọng và cân nhắc trước khi thực hiện;

Phòng ngừa

Không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu đối với bệnh cường kinh. Tuy nhiên, chị em phụ nữ vẫn có thể tránh khỏi những hệ lụy khó lường của bệnh lý này bằng một lối sống lành mạnh và vệ sinh khoa học.

Chăm sóc sức khỏe vùng kín và theo dõi chu kỳ kinh nguyệt phòng ngừa các bệnh lý phụ khoa

  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, không thụt rửa sâu...
  • Thay băng vệ sinh thường xuyên khi đang trong chu kỳ hành kinh giúp phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, giảm nguy cơ mắc chứng cường kinh.
  • Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh gây rối loạn nội tiết hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia để sử dụng thuốc nội tiết phù hợp.
  • Có chế độ ăn uống dinh dưỡng khoa học, tăng cường bổ sung sắt, sinh hoạt lành mạnh, tập luyện thể chất điều độ mỗi ngày, ngủ nghỉ đúng giờ giấc, tránh stress, căng thẳng, tránh làm việc quá sức... giúp điều hòa kinh nguyệt và nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật, trong đó có bệnh cường kinh.
  • Sử dụng viên uống bổ sung sắt trong chu kỳ kinh nguyệt nhằm bù đắp lượng sắt mất đi qua việc hành kinh, duy trì sức khỏe ổn định.
  • Tạo thói quen thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ, nhất là những chị em có tiền sử mắc các bệnh phụ khoa nhằm sớm phát hiện các bất thường về cơ quan sinh dục và tiến hành điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Chu kỳ hành kinh của tôi kéo dài > 10 ngày có phải cường kinh không?

2. Tôi trên 50 tuổi nhưng bị cường kinh có sao không?

3. Nguyên nhân khiến tôi bị cường kinh?

4. Chứng cường kinh gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và khả năng sinh sản của tôi?

5. Nếu tôi không điều trị, chứng cường kinh có tự khỏi không?

6. Bệnh cường kinh có phải bệnh lý phụ khoa nguy hiểm không?

7. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán cường kinh?

8. Phương pháp điều trị bệnh cường kinh hiệu quả nhất đối với trường hợp bệnh của tôi?

9. Những lợi ích và rủi ro xoay quanh các chỉ định điều trị cường kinh?

10. Quá trình điều trị cường kinh mất bao lâu? Sau điều trị bệnh có tái phát không?

11. Điều trị cường kinh có tốn kém không? Có được dùng BHYT không?

12. Tôi cần làm gì để chăm sóc vệ sinh vùng kín sau điều trị phòng ngừa tái phát cường kinh?

Bệnh cường kinh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, đời sống tình dục và đặc biệt là khả năng sinh sản. Do đó, chị em phụ nữ cần chú ý theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bản thân, nếu có bất thường hãy thăm khám và điều trị ngay. Đồng thời, nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe phụ khoa bằng cách vệ sinh vùng kín kỹ lưỡng và khám định kỳ.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Bệnh Đổ Mồ Hôi Trộm
Đổ mồ hôi trộm là tình trạng hay xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Thời điểm ra mồ hôi trộm nhiều nhất là vào ban đêm, chủ…
Giãn Ống Dẫn Sữa
Giãn ống dẫn sữa là mối lo ngại của không…
Bệnh Hạ Canxi Máu
Hạ canxi máu xảy ra khi mức canxi trong máu…
Bệnh U Tuyến Yên
U tuyến yên là khối u lành tính (không phải…
Bệnh Addison (suy tuyến thượng thận nguyên phát)

Bệnh Addison là bệnh lý khá hiếm gặp. Xảy ra khi cơ thể không sản sinh đủ lượng homorme cần…

Hội chứng Waterhouse-Friderichsen

Hội chứng Waterhouse-Friderichsen là bệnh lý nhiễm trùng hiếm gặp gây tổn thương các mạch máu ở tuyến thượng thận…

Bệnh Cường Giáp

Cường giáp là một dạng rối loạn miễn dịch gây tăng sinh hormone tuyến giáp quá mức cần thiết. Phát…

Bệnh Bướu Cổ

Bướu cổ là một dạng tổn thương tuyến giáp, xảy ra khi tuyến này phát triển lớn hơn bình thường.…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua