Kinh nguyệt là gì? Và các vấn đề mà con gái cần phải biết
Khi bước vào lứa tuổi dậy thì, các bé gái sẽ gặp phải hiện tượng chảy máu ở âm đạo – được gọi là kinh nguyệt, báo hiệu những thay đổi về cả sinh lý lẫn tâm lý.
Kinh nguyệt là gì? Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt là hiện tượng máu chảy tử cung sau khi trứng rụng nhưng không được thụ tinh. Trứng sau khi rụng sẽ theo ống dẫn trứng đi về phía tử cung. Ở đầu chu kỳ, hormone estrogen do buồng trứng tạo ra sẽ tác động đến nội mạc tử cung (lớp niêm mạc mềm, xốp, bao bọc về mặt bên trong của tử cung), khiến chúng dày lên, sẵn sàng nhận trứng thụ tinh làm tổ, chuẩn bị cho thai kỳ. Nếu quá trình thụ tinh không diễn ra, lớp nội mạc này sẽ bị bong ra. Quá trình loại bỏ lớp nội mạc thành tử cung được gọi là hành kinh.
Máu hành kinh có màu đỏ thẩm, là hỗn hợp của máu và chất nhầy – vốn là màng tróc ra của niêm mạc tử cung. Máu hành kinh không bị đông, những cục máu đông là các mảng tróc của niêm mạc tử cung.
Mặc dù trông như mất rất nhiều máu nhưng thực tế, phụ nữ chỉ mất khoảng 2 – 6 thìa máu (5ml đến 25ml) trong suốt chu kỳ. Những trường hợp chảy máu kinh quá ít (chỉ 1 -2 ngày là sạch kinh) hoặc quá nhiều (phải thay băng vệ sinh 6 – 8 lần/ ngày, thay băng lúc nửa đêm) cần đến cơ sở y tế để thăm khám và xác định nguyên nhân.
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu hành kinh của chu kỳ này đến ngày đầu hành kinh của chu kỳ tiếp theo. Một chu kỳ bình thường sẽ kéo dài khoảng 28 ngày. Chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể ngắn hơn (21 ngày) hoặc dài hơn (35 ngày).
Kinh nguyệt xuất hiện lần đầu tiên khi nào?
Hiện tượng kinh nguyệt có tính chất chu kỳ, mỗi tháng một lần, ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ (tính từ tuổi dậy thì đến mãn kinh). Thông thường, kinh nguyệt thường bắt đầu ở độ tuổi 15 -18. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, do tác động của chế độ dinh dưỡng, tâm sinh lý mà kinh nguyệt xuất hiện sớm hơn thông thường (khoảng 11 – 12 tuổi). Khi đến tuổi 45 – 50, phụ nữ sẽ không còn rụng trứng hay thấy hành kinh nữa, giai đoạn này được gọi là mãn kinh.
Các triệu chứng thường gặp trong một đợt hành kinh
Vào những ngày “đèn đỏ”, phụ nữ thường xuất hiện các biểu hiện như sau:
- Tâm trạng thất thường: Vào những ngày hành kinh, các bạn gái dễ nổi nóng, tính khí thất thường, hay sốt ruột, suy nghĩ tiêu cực. Đây là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường. Sau khi trứng rụng, progesterone – hormone có tác dụng trấn tĩnh hệ thần kinh trung ương bị thiếu hụt nên gây hội chứng căng thẳng.
- Đau bụng, đau lưng: Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể trong chu kỳ kinh nguyệt khiến cho tử cung co bóp nhiều hơn bình thường, gây tình trạng đau bụng, đau lưng. Các cơn đau thường xuất hiện trước hoặc trong 1 – 2 ngày đầu hành kinh. Triệu chứng đau bụng kinh ở mỗi người không giống nhau. Có người đau âm ỉ nhưng cũng có trường hợp đau dữ dội, không thể học tập hay làm việc. Cơn đau bụng kinh có thể được cải thiện bằng cách vận động nhẹ, chườm nóng, uống nước gừng ấm…
- Mệt mỏi: Hầu hết phụ nữ đều trải qua cảm giác mệt mỏi, uể oải, cảm giác bồn chồn trong giai đoạn tiền kinh nguyệt (PMS).
- Mặt nổi mụn: Trong chu kỳ kinh nguyệt, hormon thay đổi khiến cho tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, đặt biệt là khu vực chữ T. Sự tăng hoạt động của tuyến bã nhờn kết hợp với vi khuẩn trên bề mặt da có thể hình thành mụn trứng cá, mụn viêm hoặc mụn mủ. Hiện tượng này sẽ giảm dần khi hết đợt hành kinh.
- Đầy hơi: 73% phụ nữ tham gia khảo sát cho biết, họ thường thấy đầy hơi trước và trong thời gian hành kinh. Nguyên nhân gây nên tình trạng trên là do tử cung co bóp quá mức khiến cho các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa bị tác động, dẫn đế triệu chứng đầy hơi, táo bón, buồn nôn, tiêu chảy.
Nên vệ sinh như thế nào trong chu kỳ kinh nguyệt?
Để giữ cho máu kinh không gây trở ngại cho cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, bạn cần dùng đến biện pháp hỗ trợ sau đây:
Dùng sản phẩm thấm hút máu kinh
- Băng vệ sinh: Băng vệ sinh (BVS) thực chất là một miếng lót thấm hút dành cho nữ giới đang trong đợt hành kinh, sau khi sinh nở hoặc cần phải thấm hút một dòng máu chảy ra từ âm đạo. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại băng vệ sinh đa dạng về hình dáng, chất liệu, khả năng thấm hút…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nữ giới.
- Tăm bông: Tăm bông là băng vệ sinh có dạng que, nhỏ bằng đầu ngón tay, được dùng bằng cách đưa vào âm đạo để thấm hút lượng máu kinh trong những ngày hành kinh. Ở cuối tăm bông có một đoạn dây dài để điều chỉnh, kiểm soát hoặc lấy ra sau khi dùng. Tương tự băng vệ sinh, tăm bông được thiết kế với nhiều kích thước và độ thấm hút khác nhau. Tuy nhiên, tăm bông lại nhỏ gọn, dễ cất giữ và tiện dụng hơn băng vệ sinh trong nhiều trường hợp.
- Cốc nguyệt san: Cốc nguyệt san là sản phẩm làm từ được làm bằng silicone y tế, dùng để thay thế băng vệ sinh và tăm bông ở phụ nữ. Cốc nguyệt san được cho trực tiếp vào âm đạo để hứng kinh nguyệt trong những ngày “rụng dâu”, giúp phụ nữ tự tin vận động, thập chí là bơi lội thoải mái. Do kích thước tương đối lớn nên cốc nguyệt san thường thích hợp cho phụ nữ đã lập gia đình, có âm đạo giãn hơn bình thường.
Vệ sinh vùng kín đúng cách
Môi trường âm đạo là nơi dễ phát sinh vi khuẩn, đặc biệt là trong những ngày “dâu rụng”. Để giảm bớt mùi hôi khó chịu và ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, bạn cần chú ý vệ sinh đúng cách:
- Rửa vùng kín bằng nước ấm, có thể dùng một số dung dịch vệ sinh vùng kín dịu nhẹ để làm sạch. Không nên dùng xà bông để làm sạch vì chúng có chứa nhiều kiềm, dễ gây cảm giác căng kít, thô ráp, khó chịu.
- Thay băng vệ sinh khoảng 4 tiếng một lần.
Mặc quần áo rộng, thoải mái
Các trang phục bó sát người thường gây cảm giác nóng, bí, và sinh mùi khó chịu ở vùng kín. Do đó, bạn nên chọn quần áo thoáng mát, dễ thấm hút để mồ hôi dễ dàng thoát ra ngoài.
Bổ sung lợi khuẩn và vitamin
Sữa chua, nước ép trái cây chính là nguồn dinh dưỡng bạn cần bổ sung trong những ngày hành kinh. Các loại thực phẩm này không chỉ giúp bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể mà còn giảm đau bụng kinh hiệu quả.
Các dạng rối loạn kinh nguyệt phổ biến
Sở dĩ kinh nguyệt có tính chất đều đặn, nhịp nhàng là nhờ vào sự điều tiết của hệ thống nội tiết bên trong cơ thể, bao gồm: buồng trứng, tuyến yên, vùng dưới đồi. Bất kỳ rối loạn ở bộ phận trên đều có thể gây rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới:
Một số dạng bất thường kinh nguyệt thường gặp:
- Kinh nguyệt không đều: hiện tượng hai chu kỳ kinh cách nhau trên 20 ngày sau khi quan sát, theo dõi trong 90 ngày.
- Vô kinh: không có kinh trong vòng 90 ngày.
- Rong kinh: tình trạng hành kinh kéo dài quá 8 ngày.
- Cường kinh: hiện tượng máu kinh ra nhiều, gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt, thể chất.
- Thống kinh: đau bụng dữ dội mỗi khi hành kinh.
- Kinh ít: lượng máu kinh được sản sinh rất ít, chỉ sau 1 – 2 ngày là sạch kinh.
Khi gặp phải tình trạng được đề cập trên, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân và có biện pháp khắc phục sớm.
Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường, cho biết cơ quan sinh dục nữ đã hoàn thiện. Tuy nhiên, khi chu trình kinh nguyệt diễn ra bất thường, bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định biện pháp khắc phục phù hợp.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!