Trẻ bị hắt hơi sổ mũi là bệnh gì và nên uống thuốc gì?
Trẻ bị hắt hơi sổ mũi là hiện tượng thường gặp khi bé mắc các bệnh lý như viêm mũi dị ứng, viêm xoang hay cảm lạnh… Cần xác định chính xác nguyên nhân để có cách điều trị hiệu quả cho bé.
Trẻ bị hắt hơi sổ mũi là bệnh gì?
Hiện tượng hắt hơi sổ mũi xảy ra khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong những năm đầu đời, sức đề kháng của bé còn khá non yếu, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện khiến cho các tác nhân gây bệnh dễ dàng tấn công vào cơ thể. Chúng có thể gây ra nhiều bệnh lý ở đường hô hấp và dẫn đến hắt hơi sổ mũi.
Khi bé bị hắt hơi sổ mũi, cha mẹ nên đề phòng với các căn bệnh sau:
1. Bệnh cảm cúm
Cảm cúm là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính xảy ra quanh năm, đặc biệt là vào mùa xuân và những lúc thời tiết giao mùa. Bệnh ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ nhỏ do virus cúm gây ra. Loại virus này có khả năng lây lan trực tiếp từ đối tượng bị bệnh sang trẻ khi nói chuyện, sử dụng chung các dụng cụ như đũa, thìa hoặc khi bé được hôn.
Bệnh cảm cúm có thời gian ủ bệnh rất ngắn, chỉ sau khoảng 2 ngày kể từ khi virus tiếp xúc với cơ thể, chúng đã gây ra những biểu hiện rõ rệt trên cơ thể bé như:
- Sốt, ban đầu chỉ sốt nhẹ nhưng sau đó nhiệt độ tăng dần. Bé có thể sốt cao lên tới hơn 39 độ.
- Bé sợ gió, rét run, có cảm giác ớn lạnh trong người
- Ho
- Hắt hơi
- Niêm mạc họng sưng đỏ
- Đau tai, đau họng, nhức đầu, đau nhức trong hốc mắt và các cơ
- Chảy nước mắt, nước mũi
Thông thường ở trẻ khỏe mạnh, sau khoảng 4 – 7 ngày, các triệu chứng trên sẽ thuyên giảm dần rồi biến mất. Tuy nhiên, một số bé cảm cúm vẫn tiếp tục tiến triển nặng hơn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bé.
2. Bệnh viêm mũi dị ứng
Khi trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị hắt hơi sổ mũi liên tục, cha mẹ cũng cần đặc biệt chú ý đến bệnh viêm mũi dị ứng. Đây là căn bệnh có tính chất di truyền xảy ra khi hệ miễn dịch của bé phản ứng quá mức với các tác nhân bên trong và ngoài cơ thể, chẳng hạn như thực phẩm, phấn hoa, hóa chất, mùi hương, nấm mốc, lông chó mèo, thay đổi thời tiết…
Bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em có thể xảy ra vào từng thời điểm nhất định hoặc quanh năm. Khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên, hệ miễn dịch của bé sẽ ngay lập tức giải phóng nhiều histamin – một chất trung gian có thể kích hoạt phản ứng dị ứng ở nhiều vị trí trên cơ thể, bao gồm cả mũi. Hiện tượng này khiến cho niêm mạc mũi của bé bị viêm, sưng, phù nề kèm theo nhiều dấu hiệu khó chịu khác như:
- Hắt hơi liên tục, mỗi lần hắt hơi cả tràng dài
- Đau nhức hai bên sống mũi, cơn đau có khi còn lan lên cả đầu
- Nghẹt mũi hoặc chảy nhiều nước mũi
- Thường xuyên có mũi đặc chảy xuống cổ họng khiến bé buồn nôn, khạc đàm liên tục
- Bé có cảm giác ngứa ngáy dữ dội ở mũi, mắt và hai bên ống tai. Chúng khiến trẻ phải dụi mắt, dụi mũi và cào cấu tai liên tục.
- Đỏ mắt
Mặc dù không quá nguy hiểm song bệnh viêm mũi dị ứng lại có tính chất dai dẳng, không thể chữa khỏi. Nó kéo dài trong suốt cuộc đời của bé và có thể tái phát bất cứ lúc nào khiến trẻ bị hắt hơi sổ mũi triền miên và gặp nhiều phiền toái, khó chịu trong cuộc sống.
3. Cảm lạnh cũng khiến trẻ hắt hơi sổ mũi
Nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh và các bé đang trong giai đoạn tập đi có thể bị cảm lạnh tới 8 – 10 lần mỗi năm. Bệnh xảy ra khi trẻ không được mặc đủ ấm trong mùa lạnh, đặc biệt là các thời điểm từ tháng 9 – tháng 4 trong năm.
Hắt hơi, sổ mũi là triệu chứng đặc trưng của bệnh cảm lạnh ở trẻ em. Ngoài ra, bé còn có thể phải đối mặt với nhiều triệu chứng khó chịu khác như:
- Hay quấy khóc
- Mệt mỏi
- Chán ăn, dễ bị nôn trớ khi ăn
- Vận động thiếu linh hoạt, kém chơi
- Ho
- Sốt
Nếu được chăm sóc tốt thì bệnh cảm lạnh ở trẻ có thể tự khỏi sau khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Trong quá trình đó, nếu bé bị nôn ói nhiều và không thể ăn uống được, cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ theo dõi và điều trị.
4. Bé bị hắt hơi sổ mũi do bệnh viêm xoang
Bệnh viêm xoang chỉ tình trạng nhiễm trùng trong các hốc xoang của trẻ do vi khuẩn, nấm, virus gây ra. Bệnh có thể xảy ra do dị ứng hoặc do bé mắc các bệnh lý như viêm họng, viêm amidan, viêm mũi mà không được điều trị triệt để. Các vi sinh vật gây bệnh sẽ lây lan đến các xoang và gây viêm nhiễm.
Các triệu chứng bệnh viêm xoang ở trẻ khá nghèo nàn và khó phát hiện hơn so với người lớn. Bệnh được chia thành hai giai đoạn cấp và mãn tính với các biểu hiện sau:
- Viêm xoang cấp tính: Trẻ bị sốt nhẹ, sổ mũi kéo dài kèm theo viêm họng trong một đến vài tuần liên tiếp. Sau đó sẽ xuất hiện thêm nhiều triệu chứng khác nữa như hắt hơi, ho, đau đầu, quấy khóc, không chịu chơi đùa, mệt mỏi, biếng ăn, ngủ kém, da xanh.
- Viêm xoang mãn tính: Bệnh tái phát nhiều đợt trong năm với các triệu chứng tương tự như trên. Nếu không được kiểm soát tốt, trẻ có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm màng não, viêm amidan…
5. Bệnh viêm VA
Bệnh viêm VA còn được biết đến với tên gọi khác là sùi vòm mũi họng. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ từ 1 – 5 tuổi. VA về bản chất là một tổ chức lympho đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp trên khỏi nhiễm khuẩn.
Khi bị viêm, VA sẽ sưng to tiết dịch gây chảy nhiều nước mũi thường xuyên. Nước mũi có thể trong hoặc có màu xanh, vàng như mủ. Cùng với đó là các triệu chứng khác như:
- Hắt hơi
- Ho do nước mũi chảy ngược xuống gây kích thích cổ họng
- Nghẹt mũi: Bệnh nhẹ thì chỉ gây nghẹt về đêm nhưng nếu nặng có thể khiến bé bị nghẹt mũi suốt cả ngày đến nỗi phải thở bằng đường miệng.
- Khả năng ngửi mùi của bé kém
- Ăn uống không ngon miệng, biếng ăn, lười bú…
6. Các nguyên nhân khác khiến trẻ bị hắt hơi sổ mũi
Bên cạnh các bệnh lý kể trên, trẻ còn bị hắt hơi sổ mũi vì những nguyên nhân sau:
- Bị polyp mũi
- Viêm mũi thông thường
- Hen suyễn
- Lệch hoặc vẹo vách ngăn mũi
- Vướng dị vật trong mũi
- Không khí quá khô hanh
- Thời tiết thay đổi đột ngột…
Như vậy, trẻ em hay trẻ sơ sinh hắt hơi sổ mũi không đơn thuần chỉ là một triệu chứng thông thường mà còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý ở đường hô hấp. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc bé có biểu hiện bệnh nghiêm trọng như sốt quá 2 ngày, bỏ ăn, nôn ói nhiều…, bạn hãy nhanh chóng tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ để sớm khắc phục được bệnh cho con.
Cách chữa hắt hơi sổ mũi cho trẻ
Nếu tình trạng hắt hơi sổ mũi của bé không quá nghiêm trọng, cha mẹ có thể tự khắc phục bệnh cho con bằng mẹo tự nhiên kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và chăm sóc cho bé đúng cách. Tuy nhiên, một số bé phải dùng đến thuốc tây mới có thể khống chế được bệnh.
1. Điều trị hắt hơi sổ mũi cho bé tại nhà
Khi trẻ bị hắt hơi sổ mũi, mẹ hãy thử áp dụng ngay những mẹo dân gian dưới đây. Nếu may mắn, các triệu chứng khó chịu bé đang gặp phải có thể chấm dứt sau vài ngày mà không cần phải dùng đến thuốc tân dược.
– Tắm nước ấm cho bé:
Tắm nước ấm có thể giúp giảm bớt hiện tượng sổ mũi, hắt hơi cho bé bằng cách kích thích khả năng lưu thông máu ở đường hô hấp, giúp tổn thương được cung cấp nhiều dưỡng chất hơn và nhanh chóng được chữa lành. Qua đó, lượng dịch tiết trong xoang mũi cùng hiện tượng hắt hơi sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Mẹ có thể để bé ngâm mình trong bồn nước ấm ở nơi kín gió khoảng 5 phút mỗi ngày. Có thể pha thêm vào nước tắm một chút tinh dầu tràm hay dầu khuynh diệp để giữ ấm cơ thể cho bé và hỗ trợ sát trùng đường thở. Mẹo trị bệnh này rất an toàn, có thể áp dụng được cho cả trẻ sơ sinh bị hắt hơi sổ mũi.
– Cách chữa hắt hơi sổ mũi cho trẻ bằng gừng
Gừng được nhiều cha mẹ sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để đối phó với chứng hắt hơi sổ mũi mỗi khi con yêu bị bệnh. Nhờ chứa chất kháng viêm, giảm đau, tự nhiên, gừng có thể giúp chống lại tình trạng hắt hơi sổ mũi do cảm lạnh, cảm cúm, đồng thời giảm hiện tượng viêm nhiễm, đau nhức trong mũi xoang của bé.
Nguyên liệu này hầu như luôn có sẵn trong gian bếp của mọi nhà. Mẹ có thể tận dụng ngay để khắc phục bệnh cho con theo hướng dẫn sau:
- Cách 1: Giã nát 1 nhánh gừng rồi đem nấu nước cho bé ngâm chân. Áp dụng mỗi ngày 1 lần trước khi đi ngủ vào buổi tối.
- Cách 2: Lấy 1 thìa gừng bằm nhuyễn bỏ vào ấm. Chế nước sôi vào ủ khoảng 10 phút cho thành trà. Lọc bỏ xác gừng, thêm một chút mật ong vào cho bé uống mỗi ngày 3 lần khi còn ấm. Lưu ý chỉ dùng gừng theo đường uống cho bé bị hắt hơi sổ mũi trên 1 tuổi.
- Cách 3: Thêm vài giọt nước cốt gừng vào trong chậu nước tắm của bé.
– Bài thuốc trị hắt hơi sổ mũi cho trẻ từ lá húng quế kết hợp với tỏi
Húng quế với tỏi đều chứa chất chống khuẩn, kháng virus tự nhiên. Đặc biệt, thành phần kháng sinh allicin trong tỏi còn giúp đẩy lùi bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng hay cảm cúm cho bé một cách an toàn, đồng thời tăng cường chức năng miễn dịch của trẻ.
Cách sử dụng khá đơn giản, mẹ hãy lấy 3 – 4 tép tỏi nướng vàng, sau đó giã nát cùng với vài lá húng quế. Thêm vào 3 muỗng nước đun sôi để nguội, quậy đều. Lọc hỗn hợp qua rây lấy nước cho bé uống ngày 3 lần.
– Bấm huyệt nghinh hương chữa hắt hơi sổ mũi cho trẻ
Khi con bị hắt hơi sổ mũi, mẹ có thể tác động vào huyệt nghinh hương để khắc phục triệu chứng khó chịu này cho con. Huyệt nghinh hương nằm ở hai bên cánh mũi.
Mẹ chỉ cần dùng ngón tay trỏ lần lượt day ấn vào huyệt ở từng bên, mỗi bên khoảng 3 phút. Kết hợp lấy 2 ngón tay vuốt dọc theo sống mũi của bé bắt đầu từ chân mày xuống chóp mũi. Thực hiện 2 – 3 lần trong ngày sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu đến khu vực bị bệnh, làm mũi bé thông thoáng dễ thở hơn.
– Cách chữa hắt hơi sổ mũi cho trẻ bằng giấm táo
Thành phần axit trong giấm táo có khả năng sát khuẩn, giảm viêm mũi xoang và cắt cơn hắt hơi cho trẻ. Dân gian thường sử dụng giấm táo làm thuốc xông mũi mỗi cho con trẻ mỗi khi bé bị nhiễm trùng đường hô hấp.
Cách sử dụng: Đun sôi 500ml nước rồi thêm vào 2 thìa cà phê giấm táo. Gạn nước ra một cái tô, đưa đầu bé lại gần và trùm khăn kín lại để xông hơi. Khuyến khích trẻ hít thở đều đặn để hơi nước đem theo các chất trong dấm táo đi sâu vào trong các khoang mũi giúp phát huy được tối ưu hiệu quả của nguyên liệu này.
Tham khảo thêm: 10cách chữa sổ mũi cho bé bằng dân gian giúp khỏi nhanh
2. Trẻ bị hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì?
Những cách chữa hắt hơi sổ mũi cho trẻ bằng mẹo tự nhiên không phải lúc nào cũng thành công và cho hiệu quả tốt đối với mọi trường hợp. Bệnh tình của bé có thể kéo dài và ngày càng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Lúc này cần dùng đến thuốc tây để khống chế tốt bệnh và ngăn ngừa biến chứng cho bé.
Bé bị hắt hơi sổ mũi có thể được chỉ định các thuốc sau:
- Siro uống: Children’s Cold & Flu Relief, Prospan, Sambucol Cold and Flu Kids, Ích Nhi… Chúng được bào chế từ các loại thảo dược thiên nhiên. Nếu dùng đúng hướng dẫn sẽ rất an toàn cho trẻ bị hắt hơi sổ mũi, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
- Thuốc kháng histamin: Bao gồm các thuốc dạng viên nén hoặc dung dịch uống như Clopheniramin, Desloratadin. Nhóm thuốc này được chỉ định cho các trường hợp trẻ hắt hơi sổ mũi do viêm mũi xoang dị ứng. Thuốc kháng histamin có thể gây buồn ngủ, cha mẹ có thể cho con uống thuốc vào buổi tối.
- Thuốc kháng sinh: Trẻ bị hắt hơi sổ mũi do nhiễm khuẩn mới được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là các thương hiệu thuốc như Cefaclor, Zinnat, Claminat, Augmentin… Trong quá trình sử dụng thuốc kháng sinh, con bạn có thể bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Hãy cho bé uống thuốc sau khi ăn no để giảm thiểu tác dụng phụ này.
- Thuốc kháng viêm chứa corticoid: Dùng cho các bé bị viêm mũi, viêm xoang nặng dẫn đến hắt hơi, chảy nước mũi kéo dài.
- Thuốc xịt mũi: Có tác dụng sát khuẩn tại chỗ, làm thông thoáng lỗ mũi, giảm hiện tượng hắt hơi sổ mũi cho trẻ trên 2 tuổi. Naphazolin hay Oxymetazolin là những loại thông dụng nhất. Do tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, chúng thường chỉ được sử dụng trong vòng 2 – 3 ngày. Nếu cha mẹ có ý định sử dụng thuốc xịt dài ngày cho bé, cần có sự cho phép của bác sĩ.
- Thuốc hạ sốt: Nếu trẻ bị hắt hơi sổ mũi kèm theo sốt, mẹ có thể cho bé uống Paracetamol và lau mát cho trẻ liên tục cho đến khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống. Uống thuốc sau mỗi 4 – 6 giờ nếu trẻ bị sốt trở lại.
Cách chăm sóc khi trẻ bị hắt hơi sổ mũi
Trẻ được chăm sóc đúng cách sẽ mau hết hắt hơi sổ mũi và nhanh chóng phục hồi sức khỏe hơn. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho cha mẹ trong việc chăm sóc bé hàng ngày mỗi khi con yêu bị bệnh:
- Làm sạch mũi và giúp bé dễ thở hơn bằng cách nhỏ mũi cho bé mỗi ngày 4 – 6 lần bằng nước muối sinh lý. Sử dụng thêm thiết bị hút mũi nếu cần thiết.
- Cho bé ngủ ở tư thế nâng cao đầu cũng có thể giúp bé giảm bớt hiện tượng nghẹt mũi, sổ mũi trong lúc ngủ, đồng thời mang đến cho con yêu của bạn một giấc ngủ ngon hơn.
- Cho bé uống nhiều nước ấm, nước trái cây hoặc tăng số lần bú sữa đối với trẻ sơ sinh bị hắt hơi sổ mũi. Tuyệt đối không để bé uống nước lạnh hoặc các thức uống có tính kích thích.
- Giữ phòng ngủ của bé sạch sẽ, yên tĩnh để trẻ được nghỉ ngơi nhiều. Như vậy mới có sức chiến đấu tốt hơn với các tác nhân gây bệnh.
- Tập cho trẻ thói quen đánh răng, súc nước muối hàng ngày để loại bỏ mầm bệnh xâm nhập vào trong khoang miệng và cổ họng. Đây là cách đơn giản để phòng ngừa các bệnh lý ở đường hô hấp cho bé.
- Bữa ăn của bé nên chia làm nhiều bữa nhỏ với các thức ăn mềm, lỏng dễ tiêu hóa như cháo, súp, trái cây chín, rau xanh để bé được nạp đầy đủ chất dinh dưỡng và đảm bảo không bị nôn trớ khi ăn. Tránh sử dụng các món nhiều dầu mỡ như gà rán, khoai tây chiên, xúc xích, hamberger trong thực đơn của .
- Khi chăm sóc trẻ bị hắt hơi sổ mũi mẹ cũng nên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn thường xuyên để tránh lây nhiễm bệnh qua lại. Không đưa bé đến những nơi đông người.
Bạn nên tìm hiểu thêm:
- Cách trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh an toàn mẹ nên biết
- Danh sách thuốc trị sổ mũi cho bé từ thảo dược
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!