Bệnh U nang biểu bì
U nang biểu bì là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp. Đa số trường hợp được chẩn đoán u nang biểu bì đều là khối u lành tính và vô hại, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Trong trường hợp u nang tiến triển, không điều trị có thể gây ra một số biến chứng như viêm nhiễm, áp xe da... Trường hợp cần thiết có thể tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u nang hoàn toàn để ngăn chặn nhiễm trùng.
Tổng quan
U nang biểu bì (Epidermoid Cyst) là những khối u nang có kích thước nhỏ và phát triển dưới da, chúng lành tính và không phải khối u ung thư. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên da, nhưng phổ biến nhất là vùng cổ, thân, mặt, tay, chân hoặc cơ quan sinh dục (âm hộ, bìu, dương vật)...
Đa số các trường hợp phát triển u nang biểu bì đều không quá nguy hiểm. Vì bản chất của khối u nang là tổ chức lành tính dưới da, tiến triển chậm và cũng không gây đau. Do đó, việc điều trị trong phần lớn các trường hợp là không cần thiết. Tuy nhiên, can thiệp điều trị y tế vẫn có thể được chỉ định nếu khối u nang có dấu hiệu nhiễm trùng, vỡ và gây sưng đau.
Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể gặp phải u nang biểu bì. Nhưng phổ biến nhất là trong độ tuổi trưởng thành từ 20 - 60 tuổi. Rất ít trường hợp trẻ trong độ tuổi dậy thì phát triển u nang biểu bì. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh này cao hơn nữ giới gấp 1.5 lần.
Phân loại
U nang biểu bì được phân chia làm 2 loại chính gồm thể nguyên phát và thể thứ phát. Trong đó:
- Thể nguyên phát: Những khối u nang nguyên phát được hình thành khi các tế bào da bị cản trở phát triển và mắc kẹt ở bên dưới bề mặt da, thường là do tình trạng tắc nghẽn nang lông.
- Thể thứ phát: Thể u nang thứ phát xảy ra khi các tế bào da bị kẹt lại và tích tụ dưới da thành khối u, do các tổn thương hoặc chấn thương trên bề mặt da.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
U nang biểu bì là một trong những dạng u nang da thường gặp nhất. Chúng được hình thành khi các tế bào có nhiệm vụ tạo ra lớp ngoài cùng của da (biểu bì) không hoạt động đúng cơ chế. Các nang lông bị phá vỡ khiến chúng mắc kẹt dưới da, nhưng vẫn tiếp tục sản sinh ra protein keratin (chất tạo sừng) và tạo thành khối u nang chứa đầy chất dịch lỏng bên trong.
Tuy nhiên, cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này vẫn chưa chưa được hiểu rõ. Nhưng các chuyên gia khoa cho biết căn bệnh này có liên quan đến một số điều kiện di truyền và sự tác động của các yếu tố môi trường. Chẳng hạn như:
Điều kiện di truyền
Các điều kiện di truyền có thể liên quan đến sự hình thành của u nang biểu bì như:
- Hội chứng Gorlin (còn gọi là hội chứng Nevus tế bào đáy);
- Hội chứng Gardner (Chứng đa polyp đại trực tràng tuyến gia đình);
- Hội chứng Favre-Racouchot;
- Chứng Pachyonychia congenita type 2 (Bệnh dày móng di truyền type 2);
- Các rối loạn di truyền liên quan đến bệnh da liễu khác;
Yếu tố môi trường
Một số yếu tố hàng đầu góp phần vào sự phát triển của các khối u nang biểu bì gồm:
- Rối loạn nội tiết tố;
- Cơ địa tiết nhiều mồ hôi;
- Thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại;
- Chấn thương va chạm, rách hoặc bỏng da;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ phát triển u nang biểu bì như: chất ức chế BRAF, Cyclosporin hoặc Imquimod...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Tùy vào vị trí và kích thước khối u nang biểu bì mà các triệu chứng sẽ biểu hiện khác nhau. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Xuất hiện nốt sưng nhỏ, tròn ẩn dưới da;
- Sờ mềm do chứa chất dịch lỏng bên trong;
- Dịch có thể màu trắng hoặc màu vàng;
- Sưng đỏ, đau nhức và ngứa ngáy vùng da xung quanh u nang;
Chẩn đoán
Bệnh u nang biểu bì thường được chẩn đoán bởi chuyên gia, bác sĩ da liễu. Dựa vào đặc điểm, tính chất khối u nang và các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể đưa ra kết luận chung về bệnh và mức độ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện soi tế bào da hoặc sinh thiết để phân tích, tìm kiếm các dấu hiệu bất thường, loại trừ ung thư và một số bệnh lý khác như:
- Mụn nhọt;
- Mụn thịt;
- U nang lông;
- U nang mỡ;
- Các tổn thương da do hội chứng Gardner;
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết các trường hợp phát hiện u nang biểu bì đều được chẩn đoán là lành tính, rất hiếm trường hợp xảy ra ác tính. Tuy nhiên, dù lành tính nhưng sự hình thành và phát triển của các khối u nang mức độ nặng đều có thể gây ra những ảnh hưởng cụ thể đến sức khỏe của bệnh nhân.
Các biến chứng thường gặp của u nang biểu bì như:
- Sưng đau, viêm nhiễm;
- Vỡ u nang tăng nguy cơ nhiễm trùng;
- Nhiễm trùng nặng tăng nguy cơ áp xe da;
- Hình thành mô, sẹo;
- Một số trường hợp hiếm u nang biểu bì có thể phát triển thành ung thư da;
Điều trị
Đa số những bệnh nhân phát triển u nang biểu bì mức độ nhẹ, kích thước nhỏ và không có triệu chứng, việc điều trị có thể không cần thiết. Tuy nhiên, nếu khối u không tự thuyên giảm kích thước bắt buộc phải can thiệp điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u hoàn toàn.
Một số kỹ thuật phẫu thuật được áp dụng phổ biến gồm:
- Liệu pháp laser: Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng tia laser nhằm phá hủy các khối u nang cùng các mô lân cận.
- Liệu pháp áp lạnh: Phương pháp này liên quan đến việc sử dụng nguồn khí lạnh từ nitơ lỏng để đóng băng và phá hủy khối u nang.
Tuy nhiên, việc phẫu thuật cần được trì hoãn nếu bệnh nhân đang có dấu hiệu nhiễm trùng, vì mặt phẳng tổn thương nhiễm trùng gặp khó khăn trong việc bóc tách. Đối với trường hợp này, ưu tiên phương pháp chích rạch dẫn lưu loại bỏ chất dịch lỏng loại bỏ nhiễm trùng. Kết hợp gây tê cục bộ bằng epinephrine giảm nguy cơ chảy máu.
Ngoài ra, còn một phương pháp điều trị khác đó là phẫu thuật thay thế. Được thực hiện bằng kỹ thuật sinh thiết bấm lỗ và loại bỏ khối u nang thông qua vết rạch nhỏ. Trong quá trình phẫu thuật, nếu có dấu hiệu nhiễm trùng có thể tiêm triamcinolone vào vị trí tổn thương để kiểm soát tình trạng viêm.
Lưu ý: Tuyệt đối không được cố ý làm vỡ khối u nang hay chích rạch tại nhà để giảm nguy cơ hoặc lây lan nhiễm trùng.
Phòng ngừa
U nang biểu bì thường được hình thành nhiên do nhiều tác nhân khác nhau. Chúng ta không thể phòng ngừa tuyệt đối nguy cơ mắc bệnh. Nhưng có thể làm giảm nguy cơ phát triển khối u này, chẳng hạn như:
- Luôn giữ cho làn da sạch sẽ, khô ráo sau khi tắm hoặc đổ nhiều mồ hôi.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với hóa chất.
- Trong công việc, tốt nhất nên mặc quần áo bảo hộ để hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ phát triển u nang biểu bì.
- Tránh mặc quần áo quá chật, làn da nếu bó sát quá mức tạo cơ hội cho mồ hôi và vi khuẩn xâm nhập, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tốt nhất nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để làn da luôn khô ráo.
- Sinh hoạt khoa học và an toàn để hạn chế tổn thương, chấn thương da;
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh u nang biểu bì?
2. U nang biểu bì có nguy hiểm không?
3. Khối u nang biểu bì có thể phát triển thành ung thư không?
4. Tôi có thể gặp những biến chứng nào nếu không điều trị u nang biểu bì?
5. Bệnh u nang biểu bì có tự khỏi không?
6. Phương pháp điều trị tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
7. Tôi có thể dùng thuốc thay thế thay vì phẫu thuật không?
8. Quá trình điều trị mất bao lâu thì khỏi?
9. Tôi cần làm gì để chăm sóc vết mổ giảm nguy cơ nhiễm trùng?
10. Tôi phải làm gì nếu khối u nang tái phát sau phẫu thuật?
Bất kỳ khối u trên da nào cũng đều có thể là dấu hiệu cảnh báo các bất thường về sức khỏe. Tuy bản chất của u nang biểu bì là những khối u lành tính, vô hại, nhưng trong trường hợp cần thiết vẫn cần điều trị y tế để loại bỏ khối u, ngăn ngừa nhiễm trùng. Đồng thời, thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực và phòng ngừa để giảm nguy cơ tái phát về sau.
Có thể bạn quan tâm
- Bệnh U nang màng nhện- Triệu chứng và cách điều trị
- Bệnh U nang bã nhờn và những thông tin cần biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!