Viêm VA cấp tính và giải pháp điều trị
Viêm VA cấp tính là tình trạng viêm cấp ở tổ chức lympho nằm phía sau vòm miệng. Bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 7 tuổi. Điều trị bệnh lý này chủ yếu là cải thiện triệu chứng, nâng cao thể trạng và sử dụng kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn.
VA là gì?
VA (Vegetations Adenoides) là tổ chức lympho (mô bạch huyết) nằm phía sau vòm miệng – nơi tiếp giáp giữa mũi và họng. VA có chức năng tương tự như amidan nhưng không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Khi vi khuẩn và virus xâm nhập, VA sẽ sàng lọc các virus và vi khuẩn có hại, sau đó tạo ra kháng thể ức chế tác nhân gây hại và ngăn ngừa viêm nhiễm đường hô hấp. VA chỉ hoạt động trong những năm đầu đời (thường ở trẻ dưới 6 tuổi) và dần tiêu biến khi trẻ trưởng thành.
Viêm VA cấp tính & Dấu hiệu nhận biết
– Triệu chứng toàn thân:
- Tình trạng sốt khởi phát đột ngột, có thể sốt đến 40 độ C
- Trẻ mệt mỏi, ăn kém hoặc bỏ bú
- Một số trẻ có thể bị tiêu chảy và buồn nôn
– Triệu chứng cơ năng:
- Chảy nước mũi ra phía sau vòm họng, ban đầu có màu trắng trong sau chuyển thành trắng đục.
- Ngạt mũi khiến trẻ khó khăn khi bú, khó thở và phải thở bằng miệng
- Sau 1 – 2 ngày, trẻ bắt đầu ho do dịch mũi ứ đọng ở cổ họng.
- Hơi thở có mùi hôi
- Nghe kém
- Ù tai
- Trẻ lớn hơn có thể ngáy khi ngủ
– Triệu chứng thực thể:
- Sờ vào góc hàm nhận thấy có hiện tượng nổi hạch nhỏ, ấn vào thấy hơi đau nhẹ
- Cổ họng bị đỏ, có phủ lớp nhầy vàng hoặc trắng
=> ĐỌC NGAY: Viêm VA mãn tính và giải pháp điều trị
Nguyên nhân gây viêm VA cấp
VA có thể bị viêm do sự xâm nhập của một số virus và vi khuẩn như:
- Virus: Rhinovirus, Myxovirus, Adenovirus,…
- Vi khuẩn: Haemophilus influenzae, tụ cầu vàng và liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A,…
Bệnh viêm VA cấp tính thường khởi phát sau khi trẻ bị viêm mũi họng (bệnh cảm lạnh).
Viêm VA cấp tính có nguy hiểm không?
Viêm VA cấp là bệnh lý tai mũi họng thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy không quá nghiêm trọng nhưng các triệu chứng của bệnh có thể khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, sụt cân và suy giảm hệ miễn dịch.
Trong trường hợp không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn VA mãn tính (viêm VA quá phát). Tình trạng này gây nghẹt mũi kéo dài, khó thở, thở bằng miệng, ngáy to hoặc ngưng thở khi ngủ.
Một số biến chứng khác có thể xảy ra do viêm VA cấp như:
- Viêm tai giữa
- Viêm mũi họng
- Viêm xoang
- Viêm đường ruột
- Viêm phế quản
- Viêm thanh khí phế quản
- Trẻ kém thông minh do thở kém và nghe kém
- Viêm ổ mắt
Chẩn đoán bệnh viêm VA cấp tính
- Thăm khám lâm sàng (triệu chứng toàn thân và cơ năng)
- Khám họng, tai và nội soi vùng mũi sau
- Xét nghiệm công thức máu
- Chẩn đoán phân biệt (trẻ có VA to những không bị viêm, ngạt mũi do lệch vách ngăn/ viêm xoang, áp xe thành sau họng, polyp cửa mũi sau,…)
=> BẬT MÍ: Viêm VA có lây không? Cách phòng ngừa hiệu quả
Phương pháp điều trị cho bệnh viêm VA cấp tính
1. Điều trị y tế
Các loại thuốc thường được dùng để điều trị viêm VA cấp tính, bao gồm:
- Thuốc nhỏ mũi sát trùng nhẹ (Argyron 1%, Ephedrin 1%)
- Thuốc dạng khí dung mũi có chứa kháng sinh và corticoid
- Thuốc giảm đau hạ sốt (Paracetamol)
- Kháng sinh toàn thân (loại kháng sinh được chỉ định dựa vào nhóm vi khuẩn gây nhiễm trùng)
Với những trường hợp viêm VA cấp kéo dài gây tụ mủ, có thể kết hợp dùng kháng sinh liều cao và nạo VA khi cần thiết.
2. Biện pháp chăm sóc
- Thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý để làm thông thoáng đường thở.
- Cho trẻ xông hơi và tắm với nước ấm làm giảm nghẹt mũi.
- Cho trẻ uống nước mật ong ấm, trà nghệ, nước chanh gừng,…
- Áp dụng các biện pháp hạ thân nhiệt an toàn như tắm nước mát, chườm khăn, giữ không gian sống thông thoáng,…
- Cho trẻ uống nhiều nước.
Bị viêm VA cấp tính có nên nạo VA hay không?
Nạo VA thường được chỉ định cho trẻ bị viêm VA quá phát (mãn tính). Tuy nhiên phương pháp này cũng có thể được chỉ định cho viêm VA cấp trong những trường hợp sau:
- Bệnh tái phát nhiều lần (khoảng 5 – 6 lần trong vòng 1 năm)
- Viêm VA gây ra các biến chứng như viêm tai giữa, viêm họng, viêm amidan, viêm xoang,…
Nạo VA là thủ thuật ngoại khoa đơn giản và ít gây biến chứng. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ được thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
=> ĐỪNG BỎ QUA: Phân biệt viêm VA và viêm amidan – Cái nào nguy hiểm hơn?
Phòng ngừa viêm VA cho trẻ nhỏ
- Nâng cao thể trạng và hệ miễn dịch của trẻ bằng cách ăn uống khoa học và khuyến khích trẻ vận động thường xuyên.
- Cho trẻ chích ngừa và thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần.
- Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi đột ngột.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Hạn chế đưa trẻ ra ngoài trời khi đang có dịch bệnh bùng phát.
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh tay thường xuyên.
- Cần điều trị cảm lạnh đúng cách để giảm nguy cơ tái phát viêm VA.
- Với trẻ lớn, nên cho trẻ chải răng 2 lần/ ngày và súc miệng với nước muối thường xuyên.
- Rửa mũi cho trẻ 2 – 3 lần/ tuần, đồng thời thường xuyên sử dụng dung dịch rửa tai để tránh tình trạng tắc nghẽn vòi nhĩ.
Viêm VA cấp tính thường có đáp ứng tốt khi được điều trị và chăm sóc kịp thời. Bên cạnh đó, phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của con trẻ.
THAM KHẢO THÊM
- Nhận biết viêm VA độ 1-2-3-4 và cách khắc phục
- Cách chữa viêm VA bằng bài thuốc dân gian dễ kiếm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!