Đau nhức từ mông xuống bắp chân phải – trái là bệnh gì?
Đau nhức từ mông xuống bắp chân phải – trái là triệu chứng điển hình của bệnh đau dây thần kinh tọa. Tuy nhiên thực tế cho thấy, triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thoát vị đĩa đệm, chấn thương, hội chứng khớp cùng chậu và viêm bao hoạt dịch.
Đau nhức từ mông xuống chân là bệnh gì?
Cơn đau nhức từ mông lan tỏa xuống vùng bắp chân trái – phải kéo dài có thể là biểu hiện của các bệnh lý xương khớp. Nếu không xác định nguyên nhân và tiến hành điều trị, triệu chứng này có thể kéo dài, tiến triển mãn tính và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động.
Một số khả năng có thể gây ra triệu chứng đau nhức từ mông xuống bắp chân, bao gồm:
1. Đau thần kinh tọa
Cơn đau nhức khởi phát từ vùng thắt lưng, đi qua mông và lan tỏa xuống bắp chân trái – phải là triệu chứng điển hình của bệnh đau thần kinh tọa (đau thần kinh hông to). Dây thần kinh tọa là dây thần kinh lớn và dài nhất cơ thể, bắt nguồn từ vùng thắt lưng, kéo dài xuống chi dưới và các cơ quan lân cận như đường ruột, bàng quang,…
Khi vận động mạnh, mang vác nặng, ngồi sai tư thế trong một thời gian dài, dây thần kinh này có thể bị chèn ép và dẫn đến các triệu chứng như đau nhức, tê bì và ngứa ran chạy dọc từ vùng mông xuống bắp chân. Ngoài ra trong một số trường hợp, bệnh đau thần kinh hông to cũng có thể hệ quả do thoát vị đĩa đệm gây ra.
2. Chấn thương
Chấn thương ở vùng mông có thể gây tổn thương dây chằng, mô mềm và dây thần kinh lân cận. Tổn thương ở vùng mông có thể làm phát sinh cơn đau lan tỏa xuống vùng bắp chân trái, phải kéo dài trong một đến vài tuần.
3. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cũng có thể là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau nhức từ mông xuống bắp chân trái và phải. Bệnh lý này xảy ra khi đĩa đệm ở vùng lưng bị nứt, vỡ, dẫn đến tình trạng thoát dịch nhầy ra bên ngoài.
Lượng dịch nhầy bị thoát vị có thể chèn ép lên dây thần kinh, làm phát sinh cơn đau và triệu chứng tê bì từ mông lan tỏa xuống chi dưới.
4. Hội chứng khớp cùng chậu
Hội chứng khớp cùng chậu xảy ra khi sụn bọc ở khớp cùng chậu bị bào mòn và phá hủy, dẫn đến tình trạng tăng áp lực khi vận động và làm phát sinh cơn đau. Cơ chế tổn thương ở bệnh lý này tương tự như các bệnh lý thoái hóa khác (viêm khớp gối, khớp cổ chân).
Hội chứng khớp cùng chậu có thể gây đau ở lưng dưới, hông, mông và di chuyển dọc xuống bắp chân. Cơn đau có thể bùng phát mạnh sau khi đứng quá lâu, di chuyển nhiều hoặc mang vác nặng.
5. Viêm bao hoạt dịch
Bao hoạt dịch là cơ quan tiết dịch nhầy nhằm giúp ổ khớp vận động trơn tru. Tuy nhiên khi lạm dụng khớp quá mức, bao hoạt dịch có thể bị kích thích và dẫn đến tình trạng viêm.
Trong trường hợp bao hoạt dịch ở khớp háng bị tổn thương, bạn có thể nhận thấy cơn đau xảy ra ở vùng mông và chạy dọc xuống bắp chân trái và phải. Ngoài triệu chứng này, bạn cũng có thể nhận thấy bề mặt da bên ngoài khớp có xu hướng đỏ và sưng phù.
Cách chữa đau nhức từ mông xuống bắp chân trái – phải
Tình trạng cơn đau nhức ở mông di chuyển xuống chi dưới có thể khiến bạn khó chịu và giảm khả năng vận động. Để cải thiện triệu chứng này, bạn có thể áp dụng một số cách khắc phục sau đây:
1. Chườm lạnh/ nóng
Chườm nóng/ lạnh là biện pháp giảm đau dễ thực hiện và đem lại tác dụng nhanh chóng. Trong trường hợp đau nhức không kèm theo hiện tượng viêm và sưng, bạn nên chườm nóng lên vùng mông/ thắt lưng trong vòng 15 – 20 phút. Nhiệt độ từ túi chườm có thể kích thích tuần hoàn máu, nới rộng không gian cột sống và làm giảm áp lực lên rễ thần kinh.
Trong trường hợp bị đau nhức kèm theo hiện tượng viêm, bạn nên thực hiện chườm lạnh. Phương pháp này dùng nhiệt độ lạnh để làm co mạch và giảm lượng máu tuần hoàn đến vị trí đau nhức. Từ đó làm cải thiện tình trạng viêm và sưng nóng.
2. Xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp giảm đau tận dụng lực từ bàn tay nhằm đả thông kinh mạch, phá huyết ứ và tiêu viêm. Phương pháp này giúp cải thiện cơn đau và phục hồi chức năng của dây thần kinh hông to.
Cách xoa bóp bấm huyệt trị đau nhức từ mông xuống bắp chân:
- Xoa vùng lưng: Sử dụng gốc bàn tay xoa nhẹ lên vùng đau nhức theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Thực hiện trong 2 – 3 phút để làm nóng vùng lưng và kích thích tuần hoàn máu.
- Miết: Chà xát 2 bàn tay vào nhau cho nóng rồi sau đó đặt tay phải chồng lên tay trái. Tiến hành chà xát dọc theo đốt sống vùng thắt lưng từ 10 – 15 lần. Sau đó chà xát theo chiều ngang (từ trái sang phải) trong 10 lần.
- Day ấn: Dùng hai bàn tay ôm nhẹ phần thắt lưng, sử dụng ngón tay cái xoay tròn trong vòng 3 – 5 phút.
- Bấm huyệt: Sau khi xoa bóp, bạn có thể bấm vào các huyệt Thiên Khu, Thận du, Đại trường du, Túc tam lý để giảm tình trạng đau nhức vùng thắt lưng và chi dưới.
3. Tập luyện thể thao
Tập luyện thể thao là thói quen đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe nói chung và hệ xương khớp nói riêng. Các chuyên gia cho biết, dành 20 – 30 phút mỗi ngày tập luyện có thể cải thiện cấu trúc cột sống, tăng phạm vi chuyển động của khớp và phục hồi chức năng của dây thần kinh.
Tập luyện đều đặn có thể giảm thiểu tần suất, mức độ cơn đau, đồng thời ngăn ngừa tiến triển của quá trình thoát vị và thoái hóa mô sụn.
Tuy nhiên khi bị đau nhức từ mông xuống bắp chân, bạn nên tập trung vào các bộ môn có cường độ vừa phải và có khả năng kéo giãn phần đốt sống như bơi lội và yoga. Ngoài ra bạn cũng có thể thực hiện các bài tập kéo giãn cột sống theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu.
4. Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa
Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể cải thiện triệu chứng bằng cách sử dụng thuốc giảm đau không kê toa. Các loại thuốc này giúp giảm viêm và đau nhức trong thời gian ngắn nhưng không tác động đến tiến triển của bệnh.
Vì vậy bạn cần tránh tình trạng lạm dụng thuốc, đồng thời nên phối hợp với lối sống lành mạnh để ngăn chặn bệnh chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực.
Một số loại thuốc giảm đau không kê toa:
- Paracetamol: Là loại thuốc giảm đau phổ biến và có độ an toàn khác cao. Thuốc giúp cải thiện cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình và giảm tình trạng sưng nóng ở vùng khớp bị tổn thương. Tuy nhiên không nên sử dụng loại thuốc này cho người bị suy gan và suy thận nặng.
- Thuốc giảm đau tại chỗ: Các loại thuốc giảm đau tại chỗ bao gồm miếng dán chứa Lidocaine, Capsaine hoặc kem bôi chứa Ibuprofen. So với dạng uống, thuốc điều trị tại chỗ có mức độ an toàn vì hầu như không đi vào tuần máu.
- NSAID đường uống: NSAID (thuốc chống viêm không steroid) có tác dụng giảm đau nhức và chống viêm. Nhóm thuốc này được chỉ định khi cơn đau không có đáp ứng khi dùng thuốc giảm đau tại chỗ hoặc Paracetamol. Tuy nhiên NSAID làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, đột quỵ nên cần thận trọng khi dùng cho người bị viêm loét dạ dày tiến triển và bệnh nhân mắc vấn đề về tim mạch.
Mặc dù các loại thuốc giảm đau không kê toa có thể được sử dụng mà không cần chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên việc lạm dụng thuốc có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng thuốc trong những trường hợp cần thiết, đồng thời cần tham khảo ý kiến dược sĩ để biết liều lượng cụ thể.
5. Tìm gặp bác sĩ chuyên khoa
Nếu nhận thấy cơn đau thường xuyên tái phát và có mức độ nặng nề hơn từng ngày, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Xương khớp. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp chẩn đoán (thăm khám lâm sàng, xét nghiệm hình ảnh và dịch khớp) để xác định nguyên nhân gây đau nhức từ vùng mông xuống bắp chân trái và phải.
Sau khi có kết quả, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa (nghỉ ngơi, dùng thuốc, vật lý trị liệu,…) hoặc can thiệp phẫu thuật nếu tổn thương có mức độ nặng nề.
Triệu chứng đau nhức từ mông lan tỏa xuống bắp chân là dấu hiệu của nhiều vấn đề xương khớp. Trong trường hợp triệu chứng không có đáp ứng khi chăm sóc và khắc phục tại nhà, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để thực hiện chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!