Hội Chứng Plica
Hội chứng Plica là tình trạng gây ảnh hưởng đến sức khỏe khớp gối. Đặc trưng bởi tình trạng viêm một nếp gấp bên trong khớp gối, gây sưng viêm, đau nhức và hạn chế cử động. Tác nhân chủ yếu gây ra hội chứng này là do sử dụng khớp gối quá mức, chịu áp lực hoặc lặp đi lặp lại các hoạt động căng thẳng. Các chọn lựa điều trị hiệu quả như dùng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu hoặc một số ít trường hợp có thể phẫu thuật.
Tổng quan
Hội chứng Plica (Plica Syndrome/ Plica synovialis) là tập hợp các dấu hiệu và triệu chứng thứ phát do chấn thương hoặc hoạt động quá mức. Plica là các nếp gấp hoạt dịch, có cấu trúc chắc chắn nằm trong khớp đầu gối. Nếp gấp này có nhiệm vụ bảo vệ khớp gối và hỗ trợ khả năng cử động. Mỗi người thường có 4 nếp gấp Plica ở mỗi bên đầu gối.
Khi bị tổn thương kích thích phản ứng sưng viêm, người bệnh thường có xu hướng đau nhức đầu gối dữ dội, nhất là khi di chuyển, đi lại hoặc khuân vác vật nặng. Bên trong khớp phát ra âm thanh lách cách khi cử động.
Hội chứng này thường xảy ra phổ biến khi gặp chấn thương, té ngã do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Hoặc thường gặp ở các vận động viên chơi thể thao như chạy bộ điền kinh hoặc đạp xe. Theo thống kê, có khoảng 10% dân số trên thế giới mắc phải hội chứng Plica này.
Phân loại
Hội chứng Plica được phân chia làm 4 loại phổ biến gồm:
- Hội chứng Plica trung gian: Đây là dạng hội chứng Plica phổ biến nhất. Các nếp gấp phát triển ở mặt trong của khớp gối, nằm ở vị trí song song với xương bánh chè. Tổn thương xuất hiện xảy ra khi màng hoạt dịch lớp trong và lớp màng hoạt dịch ở xương bánh chè phát triển dấu hiệu viêm. Điều này gây sưng tấy ở lớp giữa và có nguy cơ cao hình thành một khối u ở bên trong đầu gối.
- Hội chứng Plica trên xương bánh chè: Vị trí cơ trên xương bánh chè nằm trong túi trên xương bánh chè. Đây là khu vực phía sau xương bánh chè kéo dài lên đến phía sau đoạn gân cơ tứ đầu. Hình dạng cơ trên có hình vòm hoặc lưỡi liềm, nằm ở vị trí giữa bao hoạt dịch trên xương bánh chè và khớp gối. Nó có thể được kết nối với một phần của cơ trong. Hội chứng Plica trên xương bánh chè xảy ra khi lớp cơ này bị dính với giữa cơ khớp, xương bánh chè, lồi cầu xương đùi.
- Hội chứng Plica nằm dưới xương bánh chè: Lớp dưới xương bánh chè còn được gọi là dây chằng niêm mạc. Nó được hình thành giống như một sợi dây mỏng hoặc có hình chuông. Vị trí của nó ở bên trong giữa khớp gối, kết hợp với dây chằng chéo trước, được gắn vào lớp mỡ dưới xương bánh chè. Đây là loại cơ dưới xương bánh chè phổ biến nhất trong số 4 cơ ở đầu gối, nhưng nó ít có khả năng phát triển thành hội chứng Plica.
- Hội chứng Plica niêm mạc bên: Đây là thể ít phổ biến nhất trong tổng số 4 loại của hội chứng Plica. Cơ bên nằm ở mặt ngoài của đầu gối, chạy xuống xương bánh chè bên và gắn vào lớp mỡ dưới xương bánh chè.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hội chứng Plica có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể kể đến như:
- Hoạt động khớp gối quá mức: Việc sử dụng quá mức khớp gối khi hoạt động thể thao, lao động hoặc sinh hoạt hàng ngày. Điều này thường xảy ra ở những vận động viên thể thao hoặc lao động tay chân, thực hiện các cử động lặp đi lặp lại gây căng thẳng khớp gối. Tình trạng này vô tình kích thích phản ứng viêm ở nếp gấp Plica, gây đau nhức khó chịu.
- Chấn thương: Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng Plica. Tổn thương thường do chịu một cú đánh trực tiếp ở đầu gối. Có thể do té ngã, va chạm mạnh khi tham gia giao thông, chơi thể thao... gây tổn thương khớp gối, khởi phát các triệu chứng sưng viêm, đau khớp gối.
- Bất thường bẩm sinh: Những người mang gen di truyền đột biến liên quan cũng góp phần vào quá trình phát triển hội chứng Plica. Cụ thể, những người sinh ra đã mang gen đột biến, có lớp cơ dày hơn bình thường. Điều này có thể dễ khởi phát triệu chứng kích thích gây viêm.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng của hội chứng Plica có thể biểu hiện khác nhau ở từng người. Một số trường hợp chỉ phát sinh các triệu chứng nhẹ, nhưng một số khác có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Có thể kể đến một số triệu chứng điển hình ở hội chứng Plica bao gồm:
- Đau nhức khớp gối;
- Cơn đau có xu hướng nặng hơn khi thực hiện các hoạt động như chạy, nhảy, leo cầu thang, đạp xe...;
- Cứng khớp hoặc sưng đầu gối;
- Có cảm giác đầu gối không ổn định, suy yếu;
- Khớp gối phát ra âm thanh lách lách khi di chuyển;
- Hạn chế khả năng đi lại;
Chẩn đoán
Chẩn đoán hội chứng Plica thường gặp nhiều vấn đề khó khăn. Do các triệu chứng của bệnh thường giống với các vấn đề tổn thương đầu gối khác như rách sụn chêm hoặc chấn thương dây chằng. Do đó, bệnh nhân cần thăm khám chuyên khoa để bác sĩ yêu cầu thực hiện các chỉ định chẩn đoán chính xác hội chứng Plica.
Một số kỹ thuật chẩn đoán hội chứng Plica phổ biến gồm:
- Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ bắt đầu thăm khám sức khỏe, kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, đánh giá mức độ sưng, đau và khả năng chuyển động của khớp gối. Kết hợp khai thác tiền sử bệnh lý cá nhân và của gia đình để khoanh vùng các nhóm bệnh liên quan.
- Kiểm tra hình ảnh: Sau chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân được chỉ định thực hiện một loạt các xét nghiệm hình ảnh, giúp loại trừ các vấn đề sức khỏe khác xảy ra ở đầu gối. Bao gồm:
- Chụp X quang: Kiểm tra hình ảnh này tuy không hiển thị rõ ràng tổn thương viêm màng hoạt dịch plica, nhưng nó có thể đem lại lợi ích trong việc loại trừ các tổn thương đầu gối.
- Siêu âm hoặc chụp MRI: Những xét nghiệm hình ảnh này có thể giúp phát hiện rõ ràng các tổn thương, xác nhận chẩn đoán về hội chứng Plica. Đồng thời, hỗ trợ tìm kiếm và xác định vị trí cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm.
- Nội soi khớp: Đây vừa là phương pháp chẩn đoán vừa điều trị loại bỏ tổn thương do hội chứng Plica gây ra. Nội soi khớp là thủ tục xâm lấn tối thiểu, thực hiện bằng cách luồn ống mềm có gắn camera vào trong khớp gối để quan sát cơ khớp và các cấu trúc khác. Hình ảnh nội soi giúp xác nhận chẩn đoán và xác định bất kỳ tình trạng bất thường nào xảy ra ở đầu gối.
Để đảm bảo việc chẩn đoán và hướng dẫn biện pháp điều trị phù hợp, bác sĩ cũng sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt giữa hội chứng Plica với một số vấn đề sức khỏe đầu gối khác. Chẳng hạn như:
- Hội chứng đau xương bánh chè;
- Nhuyễn sụn xương bánh chè;
- Xương bánh chè lưỡng cực;
- Viêm gân bánh chè;
- Viêm xương sụn Dissecans;
- Viêm màng bao hoạt dịch;
- Xương bánh chè lưỡng cực;
Biến chứng và tiên lượng
Đa số các trường hợp mắc phải hội chứng Plica đều không quá nghiêm trọng. Tiên lượng bệnh thường tốt nếu được phát hiện sớm nếu được điều trị kịp thời. Thời gian phục hồi các triệu chứng và khả năng vận động sau khoảng 6 - 8 tuần với một liệu trình điều trị y tế kết hợp vật lý trị liệu tích cực.
Riêng những trường hợp tổn thương nghiêm trọng, bắt buộc phải phẫu thuật, thời gian hồi phục thường lâu hơn khoảng 2 - 3 tháng. Đặc biệt là ở những người gặp phải một số biến chứng hậu phẫu cắt bỏ khớp như:
- Nhiễm trùng;
- Chảy máu nhiều;
- Tổn thương động mạch;
- Tổn thương thần kinh;
- Hình thành các cục máu đông;
- Tăng nguy cơ sốc phản vệ do dị ứng với thuốc gây mê;
Điều trị
Mục tiêu điều trị hội chứng Plica chủ yếu nhằm giảm viêm ở nếp gấp hoạt dịch, cải thiện triệu chứng, phục hồi chức năng khớp gối và ngăn chặn biến chứng. Có nhiều phương pháp điều trị hội chứng Plica khác nhau, tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị nội khoa
Đa phần các trường hợp mắc hội chứng Plica đều không quá nghiêm trọng và có tiên lượng tốt khi thực hiện các biện pháp điều trị sau:
Các biện pháp chăm sóc tại nhà kết hợp dùng thuốc và vật lý trị liệu giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng hội chứng Plica
- Nghỉ ngơi: Để tạo điều kiện cho khớp đầu gối phục hồi tổn thương và thúc đẩy quá trình tự chữa lành, bệnh nhân cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Việc nghỉ ngơi không có nghĩa là bệnh nhân phải nằm yên tại chỗ, vẫn có thể cử động nhẹ nhàng, sinh hoạt cơ bản bình thường. Chỉ cần không thực hiện các hoạt động dùng sức lớn.
- Chườm nhiệt: Để cải thiện triệu chứng sưng viêm, đau nhức, hãy thường xuyên chườm đá hoặc chườm ấm. Tần suất thực hiện có thể nhiều lần trong ngày, mỗi lần 15 - 20 phút, lần sau cách lần trước khoảng 3 tiếng.
- Dùng thuốc: Để giảm đau, giảm viêm nhanh chóng, bệnh nhân có thể sử dụng nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ có tác dụng hiệu quả với những triệu chừng mức độ nhẹ.
- Tiêm steroid: Với những cơn đau nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể khuyến nghị tiêm corticosteroid.
- Các bài tập trị liệu: Một số bài tập cơ bản sẽ được chuyên gia hướng dẫn cho bệnh nhân thực hiện nhằm nâng cao sức mạnh, phục hồi sự linh hoạt cho cơ tứ đầu, hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của hội chứng Plica. Động tác đặc biệt được khuyến nghị là căng giãn gân kheo, giúp giảm áp lực lên phía trước đầu gối.
Điều trị ngoại khoa
Đối với những trường hợp tổn thương do hội chứng Plica gây ra quá nghiêm trọng, không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa. Mục đích phẫu thuật được thực hiện nhằm cắt bỏ cơ để khắc phục tình trạng viêm và khắc phục triệu chứng.
Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật mổ hở hoặc mổ nội soi. Hiện nay, kỹ thuật mổ nội soi thường được ưu tiên hơn do có nhiều ưu điểm như vết mổ nhỏ, ít chảy máu, ít gây đau, thời gian mổ và thời gian phục hồi nhanh chóng.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ phát triển hội chứng Plica, cần tập trung vào việc bảo vệ khớp bằng các loại bỏ các yếu tố rủi ro cũng như tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc khớp.
- Tránh thực hiện các hoạt động khớp gối quá mức, thường xuyên và lặp đi lặp lại liên tục nhằm giảm thiểu nguy cơ chấn thương.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, duy trì điều độ và vừa sức, duy trì sức khỏe thể chất và sức khỏe xương khớp.
- Bảo vệ đầu gối bằng cách sử dụng miếng đệm hoặc đeo nẹp cố định khi gặp tổn thương.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra xương khớp thường xuyên để kịp thời phát hiện các dấu hiệu tổn thương bất thường và điều trị kịp thời.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao đầu gối của tôi thường xuyên bị đau nhức, sưng cứng, yếu cơ và hạn chế cử động?
2. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán căn nguyên gây ra?
3. Nguyên nhân tại sao tôi mắc hội chứng Plica?
4. Tôi mắc hội chứng Plica thể nào? Có nguy hiểm không?
5. Phương pháp điều trị hội chứng Plica tốt nhất dành cho tôi?
6. Tôi có cần phẫu thuật không? Khi nào nên phẫu thuật?
7. Tôi cần thực hiện những biện pháp gì để cải thiện triệu chứng hội chứng Plica tại nhà?
8. Chi phí điều trị hội chứng Plica tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?
9. Hội chứng Plica có tái phát sau điều trị không?
Hội chứng Plica gây tổn thương đến khớp gối, đặc trưng bởi tình trạng viêm, gây đau nhức, sưng cứng khớp, ảnh hưởng đến khả năng di chuyển. Đây là bệnh xương khớp phổ biến, ít nguy hiểm và có tiên lượng tốt khi được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Do đó, chỉ cần chủ động điều trị sớm và tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc hàng ngày để phòng ngừa hội chứng Plica.
Xem thêm:
- Đau phía sau đầu gối là bệnh gì? Triệu chứng & cách trị
- Các bài thuốc trị đau khớp gối hiệu quả cao, dễ thực hiện
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!