Viêm gân là gì? Cách nhận biết và phương pháp điều trị
Viêm gân là bệnh lý rất dễ khởi phát khi vận động quá mức. Tình trạng này đặc trưng bởi những cơn đau cấp tính có thể kích hoạt trong một vài tuần. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bệnh có thể trở thành mãn tính với những ảnh hưởng nghiêm trọng.
Viêm gân là gì?
Viêm gân là tình trạng gân bị kích ứng, tổn thương khi có tác động mạnh khiến các phản ứng viêm phát sinh. Lúc này, triệu chứng sưng đau sẽ xuất hiện khiến cho hoạt động của khớp xương cũng có thể bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm gân
Nguyên nhân gây bệnh viêm gân hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, tình trạng này chủ yếu liên quan đến việc vận động quá mức. Nhất là sự lặp đi lặp lại của các chuyển động trong công việc khiến cho gân phải chịu nhiều áp lực.
Các nhóm dễ mắc bệnh:
- Vận động viên thể thao
- Người lao động nặng
Bệnh viêm gân hiếm khi phát sinh do nhiễm trùng nhưng đã có trường hợp ghi nhận do lậu – một loại vi khuẩn lây qua đường tình dục. Bệnh cũng dễ xuất hiện ở người mắc bệnh tiểu đường hay nhóm đối tượng đang điều trị với kháng sinh.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể liên quan đến sự khởi phát của bệnh:
- Chấn thương
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm cột sống dính khớp
- Làm việc sai tư thế
- Thoái hóa gân do tuổi tác
- Rối loạn chuyển hóa
Tham khảo: Viêm Bao Gân Cổ Tay – Dấu Hiệu Nhận Biết và Điều Trị
Các vị trí dễ kích hoạt nhất
Viêm gân thường xảy ra ở các vị trí sau do vận động quá mức:
- Khuỷu tay: Vận động viên thể thao vợt, ném (quần vợt, cầu lông, bóng chày).
- Vai: Người thường xuyên vận động vai (họa sĩ, giáo viên, thợ sơn, vận động viên bóng chuyền, bơi).
- Đầu gối: Cầu thủ bóng rổ, đá bóng, vận động viên điền kinh (viêm gân bánh chè).
- Cổ tay: Dạng De Quervain, thường gặp ở người phải đánh máy, viết nhiều.
- Gót chân: Gân Achilles, người chạy nhảy nhiều, mang giày cao gót hoặc sai kích cỡ.
Các dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm gân
Để nhận biết viêm gân, bạn nên chú ý các dấu hiệu sau:
- Đau nhức: Cảm giác âm ỉ ở gân và khu vực xung quanh, tăng khi vận động.
- Vị trí đau: Phụ thuộc vào gân bị viêm, thường gặp ở vai, khuỷu tay, cổ tay, hoặc gót chân.
- Nóng, sưng đỏ: Khu vực gân viêm thường nóng và sưng đỏ khi sờ vào.
- Triệu chứng khác: Nếu do nhiễm trùng (như lậu), có thể có sốt, phát ban, tiết dịch bất thường.
Nếu triệu chứng nhẹ, có thể tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu ảnh hưởng đến sinh hoạt, cần thăm khám bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.
Chẩn đoán viêm gân như thế nào?
Chẩn đoán viêm gân bao gồm các bước:
- Thăm Khám Lâm Sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng đau và thu thập thông tin về tiền sử bệnh và chấn thương.
- Thảo Luận Triệu Chứng: Bác sĩ có thể hỏi về vị trí, tần suất, mức độ đau, triệu chứng khác, và hoạt động gần đây.
- Thử Nghiệm Thể Chất: Bạn sẽ được yêu cầu thực hiện các động tác để bác sĩ quan sát vị trí và mức độ đau.
- Xét Nghiệm Cận Lâm Sàng:
- Xét nghiệm máu: Loại trừ viêm khớp, bệnh gút.
- Chụp X-quang: Kiểm tra gãy xương, trật khớp, vấn đề xương khác.
- Chụp MRI: Đặc biệt cho viêm gân gót chân, đánh giá tổn thương gân.
Qua các bước này, bác sĩ sẽ xác định chính xác tình trạng và mức độ viêm gân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Xem ngay: Viêm bao hoạt dịch là gì? Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị
Phương pháp điều trị chứng viêm gân
Đối với bệnh viêm gân, càng điều trị sớm sẽ càng dễ kiểm soát triệu chứng. Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau.
1. Chườm lạnh
Chườm lạnh có thể giảm đau và giảm viêm khi gân và mô cơ bị tổn thương. Sử dụng túi chứa đá lạnh áp vào vùng đau giúp co mạch, hạn chế viêm và giảm cảm giác đau sưng trong 10-20 phút.
Khi chườm vùng khuỷu tay hay cổ tay, thời gian nên giảm xuống còn 10 phút và không chườm đá trực tiếp lên da để tránh gây bỏng lạnh.
2. Đeo nẹp và chú ý nghỉ ngơi
Đeo nẹp giúp bảo vệ và hạn chế vận động mạnh cho khu vực bị viêm gân, nhưng không nên giữ bất động hoàn toàn để tránh cản trở lưu thông máu và quá trình hồi phục. Thay vào đó, cần cử động khớp nhẹ nhàng và tránh cử động đột ngột. Cần nghỉ ngơi đủ, có thể từ vài ngày đến vài tuần, và tránh vận động mạnh cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
3. Dùng thuốc Tây
Sử dụng thuốc là phương pháp phổ biến trong điều trị viêm gân, bao gồm:
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như aspirin, naproxen, và ibuprofen, giúp giảm viêm và đau nhanh chóng. Tuy nhiên, chỉ dùng trong thời gian ngắn do nó ảnh hưởng đến dạ dày, gan và thận.
- Thuốc kháng viêm tại chỗ dưới dạng gel hay kem, được chỉ định khi viêm gân ở gần bề mặt da, giúp giảm viêm và đau hiệu quả.
- Tiêm corticosteroid giúp giảm viêm tạm thời và cải thiện vận động. Nhưng nếu lạm dụng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng như suy yếu gân, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, teo cơ và giảm chức năng miễn dịch.
Thuốc giảm đau thông thường và thuốc giãn cơ thường không được khuyến khích cho viêm gân do không giải quyết được nguyên nhân gây viêm.
Đọc thêm: Viêm khớp gối tràn dịch có nguy hiểm không?
4. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu cho viêm gân mãn tính giúp giảm đau và cải thiện chức năng vận động thông qua:
- Siêu âm trị liệu
- Xoa bóp, massage
- Các bài tập vận động
Các liệu pháp này có mức độ an toàn cao nhưng thời gian điều trị thường kéo dài. Điều này, đòi hỏi người bệnh phải thật kiên trì và thực hiện nghiêm túc.
5. Phương pháp PRP
PRP, hay huyết tương giàu tiểu cầu, là phương pháp mới chưa phổ biến, dùng trong điều trị viêm gân mãn tính. Quy trình bao gồm lấy máu bệnh nhân, tách tiểu cầu và tiêm vào gân viêm, giúp giảm viêm và thúc đẩy chữa lành mô với ít tác dụng phụ. Thời gian hồi phục phụ thuộc vào mức độ và vị trí viêm, có thể kéo dài vài tháng.
6. Can thiệp ngoại khoa
Khi các phương án điều trị khác không thể đáp ứng thì phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng.
Phẫu thuật nội soi là phương pháp được áp dụng phổ biến hơn. Bởi mổ nội soi ít gây xâm lấn và thời gian hồi phục sau phẫu thuật sẽ nhanh chóng hơn. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ đi các mô sẹo ra khỏi gân bị viêm. Từ đó có thể tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của các mô lành.
Cách ngăn ngừa tình trạng viêm gân khởi phát
Sẽ rất khó để phòng tránh bệnh một cách tuyệt đối nhưng những khuyến nghị sau sẽ giúp bạn hạn chế phần nào nguy cơ mắc bệnh:
- Dành thời gian cho việc khởi động làm nóng cơ thể trước khi bắt đầu bất cứ môn thể thao hay bài tập nào.
- Cần bắt đầu rèn luyện với cường độ thấp rồi nâng dần lên để tránh việc gân cơ và khớp xương phải chịu đựng áp lực đột ngột.
- Với đối tượng phụ nữ, cần tránh việc di chuyển thường xuyên trên dày cao gót, bởi sẽ rất dễ gặp các vấn đề như bong gân, trật khớp…
- Chú ý cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Đồng thời thường xuyên đi lại, vận động, tránh duy trì quá lâu trong một tư thế.
- Hãy chú ý bảo vệ an toàn khi quan hệ tình dục bởi bệnh có thể khởi phát do lậu.
Bệnh viêm gân có thể không quá nghiêm trọng lúc đầu nhưng có nguy cơ gây biến chứng khi không được xử lý đúng cách. Nếu tự điều trị tại nhà không mang lại kết quả, nên tìm kiếm sự tư vấn y khoa ngay để tránh những hậu quả lâu dài, đảm bảo khả năng vận động không bị ảnh hưởng.
Có thể bạn quan tâm
- Viêm bao gân là gì, có nguy hiểm không và cách điều trị
- Cách điều trị viêm da cơ địa ở bàn tay, ngón tay hoàn toàn từ thảo dược
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!