Tiểu són là gì? Nguyên nhân và cách trị tiểu són cho nam – nữ
Tiểu són mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh sinh ra tâm lý e ngại, xấu hổ. Vậy tiểu són là gì, nguyên nhân và cách điều trị ra sao cho cả nam lẫn nữ.
Tiểu són là gì?
Tiểu sóng là tình trạng nước tiểu cứ rỉ ra hoặc chảy ra trước khi ta kịp đến nơi có thể tiểu do không kiểm soát được nước tiểu. Cũng có thể hiểu, đây là tình trạng thoát nước tiểu ngoài ý muốn khiến người bệnh thường tiểu ra quần, thậm chí nhiều người phải mang tã khi đi ra đường.
Theo thống kê, tiểu són là bệnh thường gặp ở phụ nữ, cứ 10 phụ nữ trong độ tuổi từ 20 – 55 thì có đến 1 – 3 người mắc phải chứng bệnh này. Ở mức độ nhẹ người bệnh có thể bị són tiểu khi thực hiện các hoạt động mạnh như ho nhiều, làm việc gắng sức, xách nặng, chơi thể thao. Ở mức độ nặng, cười, hắt hơi, thay đổi tư thế cũng có thể gây thoát nước tiểu.
Són tiểu có thể được chia thành 3 loại theo nguyên nhân:
- Són tiểu gắng sức: Do nhão yếu các cơ nâng đỡ tầng sinh môn khiến niệu đạo di động quá mức khi làm việc gắng sức.
- Són tiểu bàng quang tăng hoạt tính: Do tăng áp lực hoặc co bóp bất thường cơ bàng quang dù ít nước tiểu.
- Són tiểu hỗn hợp: Là tình trạng có sự kết hợp giữa són tiểu bàng quang và són tiểu gắng sức.
Nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu són
Để điều trị són tiểu thì phải xác định được nguyên nhân gây bệnh. Mặc dù là bệnh thường gặp ở nữ giới nhưng không có nghĩa là nam giới sẽ không mắc căn bệnh này.
Nguyên nhân gây bệnh ở phụ nữ
Theo các bác sĩ chuyên khóa, chứng tiểu són ở phụ nữ xảy ra khi niệu đạo hoặc cổ bàng quang không đóng kín. Thường gặp ở người có các cơ và tổ chức liên kết nâng đỡ niệu đạo yếu, nhão. Chủ yếu do tuổi tác, suy yếu cơ sàn chậu ở phụ nữ mang thai, sinh con nhiều lần, do thay đổi nội tiết tố…
Ngoài ra, tình trạng này còn xuất hiện do:
- Do bọng đái yếu hoặc “quá hăng hái” ở phụ nữ lớn tuổi.
- Do mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiểu, bệnh về hệ thần kinh, các hệ thống khác của cơ thể hoặc do xạ trị, tổn thương vùng chậu.
- Do lớp niêm mạc âm đạo bị mỏng, khô hoặc suy thoái bắp thịt ở bàn tọa.
- Do tâm lý, chỉ cần quá lo lắng, nghe thấy tiếng nước chảy khiến nước tiểu chảy ra quần lúc nào không hay.
- Do sử dụng quá nhiều thuốc lợi tiểu, cà phê, rượu bia.
Nguyên nhân gây bệnh ở nam giới
So với phụ nữ, đàn ông ít mắc tiểu són hơn do khác nhau về cấu trúc giải phẫu cơ thể. Nguyên nhân chính gây tiểu són ở nam giới là do:
- Bàng quang tăng hoạt động: Do cơ bàng quang bị kích thích co bóp quá mức gây són tiểu, thường gặp ở người béo phì, căng thẳng thường xuyên…
- Do sử dụng nhiều rượu bia, cà phê, thuốc lá, bị táo bón kéo dài.
- Thiểu năng co thắt: Thường gặp ở người sau khi mổ u tuyến tiền liệt.
- Do ứa tràn nước tiểu liên quan đến tình trạng bí tiểu mạn tính do phì đại tuyến tiền liệt hoặc bất đồng vận hành điều khiển thần kinh.
- Do các bệnh lý như tai biến mạch máu não, đái tháo đường, Parkinson…
Triệu chứng tiểu són thường gặp
Dấu hiệu nhận biết bệnh són tiểu cụ thể là:
- Tiểu tiện không tự chủ, không thể kiểm soát được nước tiểu.
- Tiểu lắt nhắt, cứ hai tiếng đồng hồ đi tiểu một lần hoặc trên 7 lần/ngày/
- Thường xuyên tiểu đêm, tiểu gắt, đái dầm.
Chẩn đoán tiểu són
Trước khi đưa ra phương pháp điều trị, các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp điều trị hiệu quả.
Chẩn đoán lâm sàng
Thực ra, chẩn đoán són tiểu không khó, việc chẩn đoán dựa trên các câu hỏi như:
- Bệnh bắt đầu từ thời điểm nào? Bệnh nhân có tiền sử bệnh gì hay không, có từng trải qua các phẫu thuật hoặc từng chấn thương vùng tiểu khung không?
- Những loại thuốc đang sử dụng, số lần bị són tiểu và số lượng nước tiểu trong vòng 1 – 2 ngày?
- Số lượng nước và chất lỏng, cà phê, rượu trong thời gian đó.
- Riêng với phụ nữ, sẽ hỏi thêm về số lần có thai.
Xét nghiệm
Ngoài những câu hỏi trên, bác sĩ sẽ khám tổng quát và tiến hành một số thử nghiệm để đo lượng nước tiểu ở mỗi lần đi tiểu, số nước tiểu còn trong bàng quang sau khi đi. Ngoài ra còn khám bụng tìm dấu hiệu cầu bàng quang, thăm trực tràng, xét nghiệm chức năng thận, nước tiểu. Bên cạnh đó, cũng có thể áp dụng các phương pháp khám đặc hiệu khác như soi, chụp bàng quang niệu đạo, niệu động học…
Cách trị són tiểu ở nữ
Tiểu són không chỉ khiến phụ nữ tự ti, ngại tham gia các hoạt động xã hội thậm chí là ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục mà còn có thể gây viêm da kích ứng, các bệnh về vùng kín nhất là khi thường xuyên sử dụng băng vệ sinh.
Có thể điều trị chứng tiểu són ở phụ nữ bằng các phương pháp sau đây:
1. Thay đổi thói quen
Bước điều trị đầu tiên để hạn chế tình trạng tiểu đêm, thoát nước tiểu không kiểm soát ở người mắc bệnh nhẹ chính là phải thay đổi thói quen hàng ngày:
- Hạn chế uống nhiều nước nhất là vào ban đêm nhưng phải đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể là từ 1,5 – 2 lít nước/ngày.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn hoặc có chứa caffeine vì sẽ ảnh hưởng đến chức năng của bàng quang.
- Nếu mắc phải tình trạng ho mãn tính thì phải nhanh chóng điều trị sẽ giúp cải thiện nguy cơ són tiểu.
2. Sử dụng thuốc Tây
Ở Hoa Kỳ, không có loại thuốc nào được phép sử dụng cho việc điều trị tiểu són. Trong khi đó, ở châu Âu với trường hợp người bệnh mắc các vấn đề về tâm lý gây ra hiện tượng này thì có thể được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Một số thuốc hỗ trợ điều trị có thể tham khảo là:
- Anticholinergics: Sử dụng trong trường hợp bàng quang hoạt động quá mức.
- Estrogen: Hỗ trợ giảm các triệu chứng tiểu són.
- Mirabegron: Hỗ trợ giãn các cơ bàng quang và tăng lượng nước tiểu.
3. Điều trị bằng các bài tập ở cơ chậu dưới
Để kiểm soát việc đi tiểu, người bệnh nên áp dụng các bài tập cơ chậu dưới. Cụ thể:
- Trước tiên, cần hình dung mình đang cố gắng nhịn tiểu.
- Thắt các cơ lại giữ trong 5 giây để ngừng việc đi tiêu, lặp lại sau 5 giây tiếp theo.
- Giữ các cơn co thắt trong 10s, thực hiện liên tục 10 lần/ngày.
4. Các liệu pháp hành vi
Có thể áp dụng các phương pháp sau đây để kiểm soát hành vi và việc đi tiểu:
- Đi vệ sinh theo kế hoạch
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
- Thực hiện bài tập phục hồi bàng quang theo hướng dẫn của bác sĩ
- Kích thích điện bằng cách đưa điện cực vào âm đạo hoặc trực tràng để kích thích nhẹ vùng cơ chậu dưới.
- Đi tiểu đôi: Sau khi đi tiểu thì đợi một vài phút rồi quay vào nhà vệ sinh thêm 1 lần nữa giúp bàng quang hoàn toàn trống rỗng.
5. Can thiệp y tế
Đối với các trường hợp nặng, có thể điều trị bằng cách:
- Kiểm soát nguyên nhân gây tiểu són, ngăn ngừa rò rỉ nước tiểu bằng cách chèn các thiết bị y tế vào niệu đạo hoặc sử dụng đồ đặt tử cung.
- Tiêm bulking, botox hoặc chất kích thích dây thần kinh.
- Phẫu thuật nhằm cải thiện sự đóng cửa của cơ vòng. Có thể áp dụng phương pháp đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua lỗ bịt gọi là T.O.T, dùng thuốc tiêm tăng áp, mổ nội soi hoặc bằng vết mổ ở bụng, phẫu thuật đặt mesh nâng đỡ cổ bàng quang…
Cách trị tiểu són ở nam giới
Việc điều trị tiểu són phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân gây bệnh. Tùy vào từng trường hợp mà có cách điều trị khác nhau. Cụ thể:
1. Trị tiểu són do thiểu năng cơ thắt
Với trường hợp này, có thể điều trị bằng cách áp dụng các bài luyện tập phục hồi chức năng theo nguyên tắc co thắt các cơ vùng tầng sinh môn. Nếu sau 6 – 12 tháng mà không thấy hiệu quả thì phải tiến hành phẫu thuật đặt dải băng TOT. Đây là phương pháp điều trị có giá thành rẻ, hiệu quả điều trị tốt phù hợp với bệnh nhân tổn thương bàng quang, niệu đạo sau khi phẫu thuật tuyến tiền liệt.
Cũng có thể dùng van niệu đạo nhân tạo để điều trị sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, phương pháp này lại có chi phí đắt đỏ, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số người Việt Nam.
2. Trị tiểu són do bí tiểu mạn tính
Việc điều trị phải tuân theo nguyên tắc loại bỏ tắc nghẽn nếu có bằng cách nội soi cắt tuyến tiền liệt hoặc phẫu thuật nếu niệu đạo hẹp. Nếu có liên quan đến thần kinh thì có thể áp dụng biện pháp đặt ống thông niệu đạo bàng quang hàng ngày.
Với trường hợp són tiểu do bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt thì có thể điều trị bằng thuốc đông y hoặc tây y. Khi các phương pháp này không thể mang lại hiệu quả thì bắt buộc phải điều trị bằng cách mổ.
3. Trị tiểu són do bàng quang tăng hoạt tính
Đa số các trường hợp này đều sẽ được điều trị bằng Anticholinergics. Bên cạnh đó, cũng có thể áp dụng phương pháp Neuromodulation, tức là cấy bảng kích thích điện cực thần kinh bàng quang ở xương cụt. Phương pháp này hiện đang được sử dụng phổ biến trên thế giới và mang lại những kết quả điều trị khả quan.
Biện pháp phòng ngừa
Tiểu són mắc dù không phải chứng bệnh nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều vấn đề rắc rối cho cuộc sống của người bệnh. Do đó, có thể phòng ngừa bằng cách:
- Đi tiểu đều đặn dù chưa thấy “mắc tiểu”
- Ăn nhiều chất xơ, hạn chế sử dụng trà, cà phê, thuốc lá, chất kích thích.
- Giữ cân nặng ổn định, tránh các tổn thương cơ thắt nhất là khi mổ. Với bệnh nhân phải phẫu thuật tuyến tiền liệt, cần kiên trì tập co thắt niệu đạo theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Luyện tập điều khiển sự co giãn của bàng quang, điều tiết sự đi tiểu theo bài tập với người có bàng quang co bóp quá mức, luôn cảm thấy buồn tiểu quặn lên trước khi són tiểu.
- Hạn chế sử dụng chocolate, đường, đồ uống có gas, đồ ăn cay nóng, trái cây họ cam quýt, nước ép nam việt quất.
- Ngoài ra, cũng cần hạn chế sử dụng thuốc tim mạch, hạ huyết áp, giãn cơ, chống co giật với người có chứng tiểu són.
Có thể thấy, tiểu són là một bệnh thường gặp, cần có sự hỗ trợ của bác sĩ để kịp thời chữa trị khi bệnh còn có thể cứu chữa bằng các phương pháp đơn giản. Trong quá trình thăm khám, người bệnh nên thẳng thắn trả lời các câu hỏi của bác sĩ, không nên vì mắc cỡ, e ngại ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán.
Có thể bạn quan tâm
- Đái dầm – Tại sao người lớn vẫn đái dầm và cách chữa
- Mắc tiểu liên tục – Đi tiểu nhiều lần trong ngày là bệnh gì?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!