Chàm sữa ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh có tên dân gian là lác sữa, thường ảnh hưởng đến trẻ em từ 2 tháng đến 2 tuổi. Bệnh khiến da khô ráp, nổi mẩn đỏ kèm theo những vảy nhỏ li ti.
Bệnh chàm sữa là gì?
Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh là một dạng chàm thể tạng. Bệnh có tổn thương da ở dạng nổi mẩn đỏ, khô ráp và hình thành những vảy nhỏ li ti, thường ảnh hưởng đến mặt.
Chàm sữa xảy ra khi lớp da ngoài cùng bị hư tổn, mất đi khả năng bảo vệ da. Điều này khiến các tác nhân dễ dàng xâm nhập, da bị viêm và kích ứng.
Nguyên nhân gây ra bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Trẻ bị chàm sữa thường do những nguyên nhân sau:
- Có cơ địa dễ bị dị ứng
- Tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc các bệnh hen suyển, mề đay, dị ứng thời tiết.
- Bú sữa từ người mẹ ăn nhiều hải sản, giàu chất đạm. Bệnh xảy ra khi cơ thể bé không thích ứng với thực phẩm.
- Một số tác nhân bên ngoài như khói bụi, thời tiết, lông chó mèo…
Dấu hiệu nhận biết chàm sữa
Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh có những dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Ban đầu nổi những mẩn đỏ trên da, khô da xuất hiện trên mặt và ở các nếp gấp trên cơ thể như khuỷu chân, khuỷu tay…
- Chạm vào có cảm giác thô ráp
- Xuất hiện vảy nhỏ li ti. Những mẩn đỏ,
- Mẩn đỏ nổi khắp người, các mụn nước bị vỡ gây bết trên vùng da chàm, tạo thành lớp sừng bì cứng.
- Sau khoảng 1 tuần, da non bắt đầu tái tạo và bong dần gây ngứa và khó chịu, hình thành các vết nứt nẻ lớn và rỉ máu, gây nhiễm trùng. Nếu không điều trị có thể để lại sẹo.
- Bé khó chịu, ngủ không ngon, thường xuyên quấy khóc và ít bú mẹ.
Những triệu chứng của bệnh thường sẽ tự khỏi khi trẻ lên 5 – 7 tuổi, chỉ có một số ít trẻ bị bệnh phát triển đến lúc trưởng thành.
Cách điều trị bệnh chàm sữa cho trẻ
Chàm sữa là một loại bệnh thuộc về cơ địa, không thể điều trị dứt điểm. Mục đích của việc điều trị là giúp làn da trở lại bình thường, hạn chế bệnh tái phát.
1. Điều trị bằng thuốc
Khi ở giai đoạn đầu của bệnh, mẹ nên hạn chế để bé tiếp xúc với nguồn bệnh và chăm sóc da đúng cách. Có thể dùng những sản phẩm đặc trị chàm ở giai đoạn đầu.
Những tổn thương da nặng nề hơn có thể được điều trị bằng những loại thuốc và kem bôi trị chàm sữa dưới đây:
- Dung dịch mang tính sát khuẩn nhẹ: Thuốc tím 0,001%, Milan,…
- Corticosteroid: Bôi cho bé các loại kem chứa corticosteroid với nồng độ thấp như Eumovat sau khi vùng da tổn thương đã bắt đầu khô, tróc vảy.. Chỉ nên bôi trong trong thời gian ngắn 7 – 10 ngày.
- Salicylic acid: Nếu da của bé có dấu hiệu dày sừng, dùng các loại thuốc mỡ chứa corticosteroid hoặc phối hợp với chất tiêu sừng như salicylic acid.
- Kem giữ ẩm cho da bé: Cetaphil, ceradan,…
Lưu ý dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tham khảo thêm: Cách chữa chàm sữa bằng lá trầu không ba mẹ nên biết?
2. Cách chăm tại nhà
Bên cạnh việc điều trị bệnh, bố mẹ cần có những biện pháp chăm sóc da cho bé, tránh những kích thích giúp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa bệnh nặng thêm.
+ Chế độ dinh dưỡng
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bố mẹ cũng nên xây dựng cho bé một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Tránh cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm dễ gây kích ứng hoặc thực phẩm lên men, chẳng hạn như đồ biển, trứng, đậu phộng,…
- Duy trì cho bé bú sữa mẹ, đa dạng thức ăn cho bé từ 6 tháng trở lên.
+ Tắm rửa hàng ngày
Tắm rửa hàng ngày và đúng cách sẽ góp phần điều trị bệnh chàm ở trẻ sơ sinh. Không nên tắm bằng nước nóng để tránh da bé bị khô; không dùng xà phòng có tính tẩy rửa cao. Một số loại sữa tắm tốt cho trẻ như Cetaphil, Saforell,…
+ Lưu ý khác
- Thường xuyên cắt móng tay, chân cho bé. Không để bé gãi vào các vùng bị mẫn ngứa.
- Chọn cho bé các loại quần áo mềm, thấm hút mồ hôi, được làm bằng chất liệu bông để tránh làm tổn thương da. Không mặc những loại quần áo bằng len gây bí tắc.
- Giữ da bé luôn khô ráo, nên thay tả ít nhất 3 lần/ngày, tránh để lâu gây ẩm ướt.
Cách phòng ngừa bệnh chàm sữa cho trẻ sơ sinh
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh có thể được ngăn ngừa bằng các cách sau:
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên. Chăn, gối, đệm, giường của bé luôn phải sạch sẽ.
- Không nên cho bé tiếp xúc với chó, mèo khi có cơ địa nhạy cảm
- Khi trẻ còn bú, mẹ nên thường xuyên ăn cá biển. Thực phẩm này cung cấp omega-3 và tăng ARA, giúp bé chống lại dị ứng. Hạn chế ăn trứng, trứng cá, các loại nội tạng, mỡ động vật và trứng vịt lộn để tránh gây dị ứng cho trẻ thông qua nguồn sữa mẹ.
Bài viết trên đây đã giúp mẹ giải đáp được các thắc mắc về bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh. Hy vọng với những thông tin trên có thể giúp mẹ bảo vệ sức khỏe của bé thật tốt.
Xem ngay:
- Khi con bị chàm sữa mẹ cần kiêng ăn gì?
- Cách chữa chàm sữa bằng dầu dừa hiệu quả, giúp khỏi nhanh khỏi
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!