Bệnh Viêm đa cơ
Viêm đa cơ là bệnh tự miễn hiếm gặp gây ảnh hưởng đến các cơ, gây viêm và yếu cơ. Viêm đa cơ gây ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là ở người trưởng thành, tỷ lệ mắc của nữ giới cao hơn nam giới. Khuyến cáo bệnh nhân cần chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và hướng dẫn biện pháp điều trị phù hợp.
Tổng quan
Viêm đa cơ (Polymyositis) là một dạng viêm cơ, liên quan đến tình trạng viêm và yếu cơ mãn tính với các triệu chứng kéo dài. Đây là một bệnh rối loạn tự miễn dịch khá hiếm gặp, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ đối tượng nào, từ người lớn đến trẻ em.
Đặc trưng tổn thương là triệu chứng sưng các mô, cơ xương liên quan, gây ra yếu và đau nhức ở cả hai bên cơ thể. Bệnh hiếm khi gặp ở những người dưới 20 tuổi, độ tuổi phát bệnh phổ biến từ 30 - 60 tuổi. Viêm đa cơ còn phát triển kèm theo một số bệnh lý khác, điển hình là ung thư như ung thư buồng trứng, vú, hạch, phổi, ruột kết...
Căn bệnh này không có cách chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, việc điều trị y tế tích cực bằng thuốc kết hợp vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện đáng kể chức năng và sức mạnh cơ bắp.
Phân loại
Bệnh viêm đa cơ được chia làm 2 loại chính dựa vào căn nguyên gây ra, bao gồm:
- Thể vô căn: Đây là thể viêm đa cơ phổ biến nhất, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công đến các cơ, gây viêm và các tổn thương khác mà không rõ nguyên nhân.
- Thể thứ phát: Thể viêm đa cơ thứ phát xảy ra do một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào đó. Chẳng hạn như ung thư, nhiễm virus hoặc các bệnh lý mô liên kết.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính xác gây viêm đa cơ vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu khoa học, sự khởi phát của tổn thương viêm đa cơ có liên quan đến một dạng rối loạn tự miễn dịch. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công ngược đến các mô khỏe mạnh trong cơ thể, do nhầm lẫn chúng với những tác nhân gây hại từ bên ngoài.
Căn bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Nhưng phổ biến nhất là ở người trưởng thành từ 30 - 60 tuổi, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới, hiếm khi xảy ra ở trẻ em.
Một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ phát triển viêm đa cơ bao gồm:
- Các bệnh rối loạn tự miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren...;
- Nhiễm virus như HIV/AIDS;
- Các bệnh lý gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như statin giúp kiểm soát nồng độ cholesterol;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bản chất của bệnh viêm đa cơ là do tình trạng viêm ở cơ, gây yếu cơ, chủ yếu ở các bộ phận như cổ, vai, đùi, hông, cánh tay, vùng lưng trên... Các triệu chứng điển hình của viêm đa cơ bao gồm:
- Yếu cơ: Đây là triệu chứng rất phổ biến, xảy ra ở hầu hết các trường hợp bị viêm đa cơ. Bệnh nhân có thể bị yếu cơ nhẹ hoặc nặng, hạn chế khả năng đi lại hoặc khi thực hiện các công việc hàng ngày như rời khỏi giường, leo cầu thang hoặc khuân vác vật nặng.
- Mệt mỏi: Bệnh nhân bị viêm đa cơ khiến cơ thể không sản xuất đủ nguồn năng lượng, dẫn đến mệt mỏi ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Hậu quả gây khó khăn trong việc thực hiện các công việc hàng ngày, thiếu tỉnh táo, khó tập trung, lâu ngày dẫn đến suy nhược cơ thể.
- Khó nuốt: Thường được gây ra bởi sự suy yếu các cơ kiểm soát cổ họng và thực quản. Gây khó khăn trong việc ăn uống, khó nuốt, dễ nghẹt thở hoặc sặc do viêm phổi.
- Một số triệu chứng khác:
- Đau cơ, khớp;
- Phát ban mặt và phần trên cơ thể;
- Sốt;
- Nhịp tim không đều nếu có dấu hiệu bị viêm cơ tim;
- Sụt cân do dinh dưỡng kém;
Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm đa cơ thường khó khăn do các triệu chứng của bệnh khá giống với các bệnh lý khác. Quá trình chẩn đoán bao gồm nhiều bước, bao gồm:
- Khám sức khỏe: Bác sĩ thường bắt đầu việc chẩn đoán viêm đa cơ bằng các câu hỏi về triệu chứng và khai thác tiền sử bệnh. Những thông tin này giúp bác sĩ dễ dàng khoanh vùng dạng bệnh lý mà bệnh nhân đang mắc phải. Từ đó, đưa ra các chỉ định chẩn đoán cận lâm sàng phù hợp.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm cho phép phát hiện nồng độ enzyme trong cơ tăng cao, cho phép phát hiện tổn thương cơ. Đồng thời, kiểm tra mẫu máu cũng giúp kiểm tra các protein bất thường hình thành đối với các bệnh lý tự miễn, hỗ trợ chẩn đoán viêm đa cơ.
- Kiểm tra hình ảnh: Một số kiểm tra hình ảnh như chụp X quang ngực, tuyến vú hoặc chụp MRI cho phép quan sát hình ảnh tổn thương viêm trong cơ.
- Đo điện cơ (EMG): Xét nghiệm điện cơ kết hợp nghiên cứu tốc độ dẫn truyền thần kinh cho phép phát hiện những bất thường điển hình của bệnh viêm đa cơ. Cách này còn giúp loại trừ các bệnh lý về thần kinh - cơ khác. Đồng thời, hỗ trợ tìm ra vị trí tổn thương để lấy mẫu sinh thiết cơ.
- Sinh thiết cơ: Thủ thuật này được thực hiện bằng cách lấy mẫu mô cơ tại vị trí bị tổn thương ra để làm kiểm tra. Kỹ thuật này giúp xác nhận sự hiện diện của tình trạng viêm cơ, gợi ý chẩn đoán chính xác viêm đa cơ.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm đa cơ là bệnh tự miễn hiếm gặp gây ảnh hưởng đến các cơ, gây viêm và yếu cơ. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, các triệu chứng của viêm đa cơ có thể tiến triển nặng và phát sinh thành các biến chứng nghiêm trọng như:
- Tổn thương thực quản gây ảnh hưởng đến ăn uống, lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng và suy nhược cơ thể;
- Tăng nguy cơ viêm phổi do vô tình hít phải thức ăn hoặc chất lỏng;
- Các vấn đề về hô hấp do ngực bị ảnh hưởng, nặng hơn có thể gây khó thở hoặc suy hô hấp nặng;
Viêm đa cơ được đánh giá là căn bệnh không quá nguy hiểm và hiếm khi đe dọa đến tính mạng. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời, ngoài các biến chứng khó lường trên, bệnh nhân có thể bị tàn phế. Ngoài ra, sự phát triển của viêm đa cơ cũng làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn khác, ung thư hoặc loãng xương.
Tiên lượng của bệnh viêm đa cơ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Mặc dù không có cách chữa trị hoàn toàn, nhưng với những biện pháp điều trị y tế tích cực, hầu hết bệnh nhân đều có tiên lượng phục hồi tốt, lấy lại chức năng và sức mạnh cơ bắp.
Điều trị
Bản chất của bệnh viêm đa cơ là một tình trạng mạn tính và xuất phát từ việc rối loạn miễn dịch từ chính cơ thể. Do đó, không có cách chữa trị đặc hiệu đối với căn bệnh này. Nhưng một số biện pháp điều trị dưới đây có thể giúp kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Điều trị viêm đa cơ thường bao gồm dùng thuốc kết hợp vật lý trị liệu. Cụ thể như sau:
Dùng thuốc
Để điều trị viêm đa cơ, có 2 loại thuốc được kê toa sử dụng phổ biến là:
- Thuốc chống viêm: Những loại thuốc thường được dùng là thuốc steroid hoặc corticosteroid, tác dụng chính là giảm thiểu tình trạng viêm trong cơ thể. Chỉ cần kiên trì sử dụng toa thuốc, triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh chóng trong vòng 4 - 6 tuần. Loại thuốc được dùng phổ biến nhất là prednisone, nhưng trong trường hợp nặng có thể chọn dùng methylprednisone.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Để dùng thuốc chống viêm không có tác dụng hoặc muốn tăng hiệu quả điều trị, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Thuốc có tác dụng chính là ngăn chặn hoặc ức chế sự hoạt động của hệ thống miễn dịch. Một số loại loại thuốc thường dùng như:
- Methotrexate (Rheumatrex hoặc Trexall);
- Azathioprine (Imuran hoặc Azasan);
- Cyclophosphamide (Cytoxan);
- Clorambucil (Leukeran);
- Cyclosporine (Sandimmune, Neoral hoặc Gengraf);
- Tacrolimus (Hecoria, Astagraf hoặc Prograf);
- Mycophenolate (Cellcept hoặc Myfortic);
- Truyền glubolin: Trong những trường hợp bị viêm đa cơ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định truyền tĩnh mạch globulin miễn dịch (IVIG). Phương pháp này được đánh giá là hiệu quả khi có tác dụng tăng cường kháng thể khỏe mạnh chống lại tổn thương viêm đa cơ.
Các liệu pháp trị liệu và chăm sóc tại nhà
Các biện pháp vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong phác đồ điều trị và phục hồi các tổn thương do viêm đa gây ra. Một số phương pháp trị liệu bao gồm:
- Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu giúp cải thiện và duy trì sức mạnh, khả năng linh hoạt của cơ. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ tạo ra một kế hoạch tập luyện cá nhân hóa giúp tác động vào các nhóm cơ cụ thể bị ảnh hưởng. Việc tập luyện tích cực còn giúp ngăn ngừa biến chứng teo cơ.
- Trị liệu ngôn ngữ: Sự ảnh hưởng của viêm đa cơ khiến cơ nuốt bị suy yếu rõ rệt. Tình trạng này còn tác động đến khả năng phát âm. Trong trường hợp tổn thương nghiêm trọng, người bệnh có thể thực hiện liệu pháp ngôn ngữ để cải thiện.
- Chế độ dinh dưỡng: Trong suốt quá trình điều trị và phục hồi viêm đa cơ, cần đảm bảo xây dựng chế độ ăn uống khoa học, vừa đủ dinh dưỡng vừa dễ nuốt và dễ tiêu hóa.
- Liệu pháp massage: Massage xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị ảnh hưởng giúp cải thiện tuần hoàn, hỗ trợ tuần hoàn và giảm đau, giảm viêm. Việc xoa bóp cần đảm bảo đúng kỹ thuật và nhẹ nhàng, phù hợp với khả năng chịu đựng của bệnh nhân.
- Châm cứu: Trong một số trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể chọn thực hiện điều trị tại nhà bằng phương pháp châm cứu. Phương pháp này liên quan đến việc sử dụng những chiếc kim mỏng châm vào một số điểm cụ thể trên cơ thể, tác dụng chính là giảm viêm, đau, cải thiện chức năng cơ và thúc đẩy quá trình chữa lành.
- Kiểm soát căng thẳng: Các kỹ thuật thư giãn như bài tập hít thở sâu, yoga, thiền định... vừa giúp giảm căng thẳng vừa cải thiện sức khỏe tổng thể. Góp phần cải thiện các triệu chứng viêm đa cơ và tránh làm cho bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.
Phòng ngừa
Vì nguyên nhân chính xác gây viêm đa cơ vẫn chưa được xác định rõ nên không có cách nào có thể ngăn ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, chỉ cần thay đổi lối sống tích cực có thể giúp giảm nguy cơ phát triển tình trạng này. Bao gồm:
- Xây dựng thời gian biểu sinh hoạt khoa học để có một thể trạng khỏe mạnh, duy trì miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh.
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày giúp tăng cường miễn dịch phòng ngừa phát triển viêm đa cơ.
- Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng bằng cách giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Đặc biệt, tránh tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh nhiễm trùng.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm đa cơ?
2. Những dấu hiệu cho thấy tôi bị viêm đa cơ?
3. Bệnh viêm đa cơ có nguy hiểm không?
4. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán viêm đa cơ?
5. Nếu không điều trị, bệnh viêm đa cơ có thể gây ra biến chứng gì?
6. Điều trị viêm đa cơ bằng phương pháp gì tốt nhất?
7. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị viêm đa cơ?
8. Tôi cần làm gì để cải thiện các triệu chứng viêm đa cơ tại nhà?
9. Thời gian điều trị viêm đa cơ mất bao lâu?
10. Tôi có cần tái khám lại sau điều trị không?
Mặc dù viêm đa cơ không có cách điều trị đặc hiệu, nhưng vẫn còn rất nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị và chăm sóc tích hỗ trợ cải thiện bệnh. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải chủ động thăm khám sớm để phát hiện dấu hiệu bệnh và điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm:
- Đau cơ lưng là bị gì? Cách khắc phục, chữa trị nhanh
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!