Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Triệu chứng và Hướng điều trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Thiếu máu tim cục bộ là bệnh lý tim mạch thường gặp, cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý về tim mạch. Trước đây, căn bệnh này đa phần chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, người có bệnh lý về tim mạch về mạch máu, tuy nhiên hiện nay, căn bệnh này ngày càng có xu hướng gia tăng, xảy ra nhiều ở những người trẻ và rất trẻ. Bệnh tim thiếu máu cục bộ rất nguy hiểm, cần được hiểu rõ để sớm nhận biết và có phương pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả.

Bệnh thiếu máu tim cục bộ là gì?

Bệnh thiếu máu tim cục bộ còn được gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh mạch vành tim, bệnh động mạch vành hay bệnh suy vành. Căn bệnh này xảy ra khi một phần cơ tim bị tổn thương do thiếu hụt lượng máu, oxy và dưỡng chất nuôi dưỡng. Tình trạng thiếu máu tim cục bộ có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Nguyên nhân chủ yếu là do tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch vành khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở, lượng máu đến tim bị hạn chế.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ xảy ra khi lượng máu đến tim giảm sút khiến cơ tim không được cung cấp đủ máu, oxy và dưỡng chất cần thiết
Bệnh tim thiếu máu cục bộ xảy ra khi lượng máu đến tim giảm sút khiến cơ tim không được cung cấp đủ máu, oxy và dưỡng chất cần thiết

Bệnh tim thiếu máu cục bộ thường gây tổn thương tim do giảm lưu lượng máu, khiến oxy và dưỡng chất cần thiết không đủ để nuôi dưỡng cơ tim. Sự tắc nghẽn bất ngờ, đột ngột của động mạch vành là nguyên nhân gây ra một cơn đau tim nghiêm trọng (nhồi máu cơ tim). Ngoài ra, căn bệnh này cũng khiến khả năng bơm máu của tim trở nên kém hiệu quả, gây ra hiện tượng nhịp tim tăng giảm bất thường, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. 

Thông thường, nguyên nhân chính gây hẹp lòng động mạch vành là do sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa. Ban đầu khi lòng mạch hẹp ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe, cũng không thấy có triệu chứng bất thường nào. Tuy nhiên, khi mảng xơ vữa dày lên, lòng mạch hẹp đi nhiều, lượng máu đến tim giảm đi hẳn thì các triệu chứng tim thiếu máu cục bộ sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Triệu chứng nhận biết bệnh tim thiếu máu cục bộ

Đau ngực là một trong những triệu chứng điển hình được đánh giá để nhận biết bệnh tim thiếu máu cục bộ. Người ta thường chẩn đoán bệnh dựa vào các cơn đau thắt ngực điển hình và đau thắt ngực không điển hình. Trong đó:

  • Cơn đau thắt ngực điển hình: Thường xảy ra khi gắng sức như sau khi ăn cơm, khi thời tiết thay đổi hoặc khi đi một quãng đường nhất định. Vị trí đau thường là ở sau xương ức, đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị hoặc lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái. Người bệnh thường cảm giác đè ép, siết chặt, co thắt, xoắn vặn, nặng ngực hoặc có cảm giác nghẹt thở, nóng bỏng ở ngực. Các cơn đau thường kéo dài vài phút (dưới 20 phút), giảm đi khi nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc nitroglycerin. Đôi khi kèm theo một số triệu chứng khác như vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp, lo âu. 
  • Cơn đau thắt ngực không điển hình: Thường gây ra cảm giác đau ở vùng thượng vị hoặc mỏm ức, đau lan ra giữa hai bả vai, xuống bụng. Người bệnh có cảm giác tức nặng ở vùng trước tim kèm theo ho, nghẹt thở, tê tay trái, cơn đau có thể xuất hiện khi nghỉ ngơi, nhất là vào ban đêm. Các triệu chứng của cơn đau thắt ngực không ổn định thường thất thường, xảy ra liên tiếp, cường độ đau tăng dần, thời gian ngày càng kéo dài hơn trước, không giảm đi ngay cả khi nằm nghỉ, không thuyên giảm khi dùng thuốc nitroglycerin. 

Nhìn chung, bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể không gây ra triệu chứng điển hình, một số trường hợp chỉ có thể nhận biết thông qua kết quả từ việc đo điện tâm đồ. Nhiều trường hợp sẽ gây ra những cơn đau thắt ngực ổn định (điển hình) và đau thắt ngực không ổn định (không điển hình). Có thể nhận biết bệnh qua các triệu chứng chung sau đây: 

  • Cảm giác đau ở ngực trái, vùng trước tim hoặc vùng thượng vị, đôi khi chỉ có cảm giác tức nặng ngực hoặc nóng bỏng, co thắt, xoắn vặn ở ngực
  • Đau như bị đè ép, xuất phát từ trước ngực hoặc sau xương ức lan đến cổ, hàm, vai trái, cánh tay trái, hai bả vai hoặc lan xuống bụng
  • Cơn đau ngực có thể kèm theo các triệu chứng khác như vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, hồi hộp, lo âu, đánh trống ngực, choáng váng, khó thở, ho
  • Tần suất cơn đau không ổn định, có thể vài tuần, vài tháng xuất hiện một lần thậm chí có thể xảy ra nhiều lần trong một ngày
  • Ban đầu, cơn đau thường chỉ kéo dài trong vài phút, thường không quá 5 phút. Sau tăng dần, có thể kéo dài từ 15 – 20 phút, với trường hợp này, bệnh nhân không nên chủ quan, cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ vì có thể đây là dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim. 

Cơn đau thắt ngực do bệnh tim thiếu máu cục bộ đa phần sẽ giảm đi khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc nitroglycerin (thuốc giãn mạch vành). Tuy nhiên, những cơn đau thắt ngực không ổn định thường không giảm đi, cường độ cơn đau kéo dài, xuất hiện vài phút rồi biến mất sau đó lại xuất hiện thì bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Các dạng của tim thiếu máu cục bộ thường gặp

Thiếu máu tim cục bộ là tình trạng cơ tim không được cung cấp đủ lượng oxy và dưỡng chất cần thiết. Bệnh được chia làm 2 dạng chính là thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính và thiếu máu cơ tim cục bộ cấp tính. Trong đó, thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính còn được gọi là bệnh mạch vành tim, suy vành, bệnh động mạch vành, thường gây ra các cơn đau thắt ngực ổn định.

Căn bệnh này được chia làm 2 dạng là cấp và mãn tính
Căn bệnh này được chia làm 2 dạng là cấp và mãn tính

Trong khi đó, thiếu máu cơ tim cục bộ cấp tính gây ra các cơn đau thắt ngực không ổn định, là nguyên nhân hàng đầu gây nhồi máu cơ tim. Tình trạng này xảy ra khi bệnh mạch vành không được điều trị, dẫn đến sự xuất hiện của cục máu đông gây tắc nghẽn lòng mạch, làm gián đoạn quá trình lưu thông máu. Lúc này, cơ tim có thể bị tổn thương một phần hoặc toàn bộ, dẫn đến hoại tử mô tim, làm ảnh hưởng đến khả năng cung cấp máu nuôi dưỡng các cơ quan khác trong cơ thể. 

Ngoài ra, dựa vào triệu chứng bệnh, người ta cũng chia thiếu máu cơ tim thành 2 thể là thể không có đau ngực và thể có đau ngực. Trong đó:

  • Thể không có đau ngực (bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng): Thường xảy ra ở người cao tuổi, người mắc bệnh tiểu đường. Bệnh không gây ra cảm giác đau thắt ngực hay tức nặng ở vùng ngực và không có triệu chứng điển hình của bệnh tim thiếu máu cục bộ. Chỉ phát hiện qua điện tâm đồ, do đó đa số người bệnh thường chủ quan, không nghĩ mình mắc bệnh và không điều trị. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột tử cao.
  • Thể có đau ngực: Đặc trưng bởi những cơn đau tức ngực xảy ra khi làm việc nặng, khi gắng sức, khi xúc động mạnh hoặc khi thời tiết quá lạnh. Nếu cơn đau xuất hiện cả khi nghỉ ngơi mà không có bất kỳ tác động nào, bạn cần phải được theo dõi và điều trị vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm của bệnh thiếu máu cơ tim.

Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ

Như đã đề cập, nguyên nhân chính gây ra căn bệnh tim thiếu máu cục bộ cấp tính là do tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch vành. Trong khi đó, thiếu máu tim cục bộ mạn tính chủ yếu có liên quan đến sự hình thành và phát triển của mảng xơ vữa động mạch. Sự dày lên của các mảng xơ vữa này khiến lòng động mạch bị hẹp, làm giảm lưu lượng máu cần thiết để nuôi dưỡng cơ tim. Ngoài ra, đôi khi thiếu máu tim cục bộ có thể xảy ra do cơn co thắt vành đột ngột làm giảm lưu lượng máu đến tim. 

Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính do mảng xơ vữa làm hẹp lòng động mạch xảy ra rất phổ biến. Ban đầu, các mảng xơ vữa chưa ảnh hưởng nhiều đến lưu lượng máu. Sau một thời gian, mảng xơ vữa ngày càng tích tụ, khiến lòng động mạch dày lên, hẹp đi, gây cản trở đến quá trình cung cấp máu cho tim. Tình trạng này thường kéo dài, làm ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào cơ tim và chức năng bơm máu cơ tim. Có nguy cơ gây ra các cục máu đông, dẫn đến nhồi máu cơ tim, một trong những căn bệnh có nguy cơ tử vong cao nhất hiện nay. 

Có nhiều yếu tố thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa động mạch, có thể kể đến như:

  • Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Những người dễ bị xơ vữa động mạch thường có chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu khoa học trong thời gian dài. Nhất là những người thường xuyên ăn thịt mỡ, nội tạng động vật, dùng dầu động vật, hay ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, ăn quá nhiều đồ ngọt, ăn mặn với lượng muối trên 5g/ngày… 
  • Huyết áp cao: Những người bị huyết áp cao dễ gặp vấn đề về huyết động làm tổn thương lớp nội mô, tạo điều kiện cho mảng xơ vữa hình thành và phát triển. Không chỉ vậy, cao huyết áp dễ làm tăng sinh tế bào cơ trơn, làm tăng elastin, chất keo và glycosaminoglycans, làm tăng tính thấm cholesterol ở lớp nội mạc khiến mảng xơ vữa dày lên nhanh chóng, làm hẹp lòng động mạch gây thiếu máu cơ tim cục bộ. 
  • Rối loạn lipid máu: Những người bị rối loạn lipid máu có thể do chế độ ăn uống, sinh hoạt, lười vận động hay có liên quan đến bệnh lý thường có hàm lượng cholesterol xấu LDL cao, cholesterol toàn phần cao và lượng cholesterol tốt HDL thấp. Khi LDL được hấp thu nhiều và bị oxy hóa, sẽ khiến lớp xơ vữa động mạch dày lên nhanh chóng, làm hẹp lòng động mạch, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu cho tim, từ đó gây thiếu máu tim cục bộ. 
  • Thừa cân, béo phì, lười vận động: Lười vận động, công việc phải thường xuyên ngồi, đứng một chỗ ít đi lại sẽ khiến cơ thể không thể sử dụng hết lượng cholesterol nội sinh được sản sinh, gây tích tụ cholesterol trong cơ thể. Lười vận động còn là nguyên nhân hàng đầu gây thừa cân, béo phì, khi chất béo, mỡ thừa, cholesterol tích tụ nhiều trong cơ thể có thể dẫn đến sự phát triển của mảng xơ vữa động mạch. 
  • Tuổi tác: Các bệnh lý về tim mạch, trong đó có bệnh tim thiếu máu cục bộ dễ xảy ra ở người cao tuổi. Theo thống kê, có đến 80% người cao tuổi bị xơ vữa động mạch, đây là kết quả của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, cùng với sự tích tụ và phát triển của mảng xơ vữa theo năm tháng. Động mạch vành lão hóa, dễ mắc bệnh lý, thêm vào đó là sự dày lên của mảng xơ vữa khiến lòng động mạch hẹp đi làm giảm đáng kể lượng máu đến tim, gây ra bệnh thiếu máu cơ tim. 
  • Các yếu tố khác: Các yếu tố khác có thể là nguyên nhân thúc đẩy sự xuất hiện của căn bệnh thiếu máu cơ tim có thể kể đến như di truyền, giới tính, hút thuốc lá, uống rượu bia, lạm dụng chất kích thích. Ngoài ra cũng có thể là do tác dụng phụ của một số thuốc điều trị, do các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh về tim mạch khác ảnh hưởng… 

Bệnh tim thiếu máu cục bộ nguy hiểm như thế nào?

Như đã đề cập, thiếu máu tim cục bộ là căn bệnh nguy hiểm, nằm trong top những nguyên nhân hàng đầu gây ra nguy cơ tử vong trong nhóm bệnh lý về tim mạch. Trước hết, căn bệnh này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bị thiếu máu tim hay đau tức ngực, mệt mỏi, khó chịu mỗi khi hoạt động gắng sức. Người bệnh dễ bị khó ngủ, mất ngủ, hay đau đầu, chóng mặt, choáng váng, trí nhớ kém, không thể chạy hoặc vận động nhiều…

Bệnh thường gây ra các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân
Bệnh thường gây ra các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân

Việc thiếu máu tim thường xuyên, nghiêm trọng nếu không được sớm phát hiện và điều trị sẽ gây rối loạn nhịp tim, đặc trưng với hiện tượng thay đổi nhịp tim thất thường, lúc nhanh lúc chậm. Người bị rối loạn nhịp tim có nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim rất cao.  Không chỉ vậy, thiếu máu cơ tim kéo dài là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy tim do tim không được cung cấp đủ lượng máu, oxy, dưỡng chất cần thiết. Điều này khiến khả năng bơm máu và chức năng tim giảm sút, gây ra bệnh suy tim. Căn bệnh này rất nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều đến não và hệ tuần hoàn của cơ thể. 

Đặc biệt, thiếu máu cơ tim mãn tính sẽ gây biến đổi cấu trúc tim, có thể làm hở hoặc hẹp van tim. Bệnh cũng gây nguy cơ nhồi máu cơ tim cao, người bệnh dễ chủ quan cho rằng cơn nhồi máu cơ tim là triệu chứng đau thắt ngực của thiếu máu tim cục bộ, dẫn đến việc chỉ nghỉ ngơi, chờ cơn đau qua đi mà không sớm thăm khám kịp thời. Kết quả là cơ tim hoại tử, chết dần, gây tổn thương tim nghiêm trọng thậm chí phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao. 

Ngoài ra, căn bệnh này cũng có thể gây ra ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Do tim có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi dưỡng các cơ quan trong hệ tuần hoàn. Khi hoạt động, chức năng tim bị ảnh hưởng, các cơ quan khác chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo. Rõ ràng nhất là suy giảm chức năng thận, suy giảm chức năng não bộ và hệ tiêu hóa… 

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ

Các bệnh lý tim mạch, nhất là thiếu máu cơ tim cục bộ ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng điển hình. Không chỉ vậy, một số trường hợp mắc thiếu máu tim cục bộ thầm lặng hầu như không có triệu chứng bất thường, rất khó nhận biết. Chính vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta nên thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời, phù hợp. Thông thường, thiếu máu cơ tim cục bộ sẽ được chẩn đoán và điều trị như sau:

Phương pháp chẩn đoán

Trước hết, các bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh lý đặc biệt là các bệnh lý về tim mạch của bệnh nhân và người thân trong gia đình. Sau đó tiến hành đo huyết áp, nghe nhịp tim… Khi bệnh nhân muốn được chẩn đoán chính xác nguy cơ thiếu máu cơ tim hoặc nghi ngờ có triệu chứng bệnh, sẽ được chỉ định thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như:

  • Đo điện tâm đồ: Trên điện tâm đồ có thể thấy thay đổi sóng ST-T, sẹo nhồi máu cơ tim, dày thất trái… Một số trường hợp không có triệu chứng bất thường nhưng có thể phát hiện thiếu máu cơ tim dựa trên kết quả đo điện tâm đồ.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Nhằm kiểm tra số lượng tiểu cầu, hồng cầu trong máu nhằm đánh giá lượng đường huyết, hàm lượng cholesterol, chức năng gan, chức năng thận…
  • Nghiệm pháp gắng sức: Có hiệu quả tốt trong việc xác định thiếu máu cơ tim cục bộ và có thể giúp phân tầng nguy cơ, từ đó đưa ra hướng xử trí phù hợp cho từng bệnh nhân. 
  • Siêu âm Doppler tim: Có tác dụng xác định được rối loạn vận động vùng nghi do bệnh van tim, bệnh mạch vành và được dùng để đánh giá chức năng tim
  • Các phương pháp khác: Có thể kể đến như Holter điện tim (để phát hiện rối loạn nhịp tim, thiếu máu tim cục bộ), chụp CT mạch vành (nhằm xác định vị trí hẹp, tắc của mạch vành), chụp động mạch vành, xét nghiệm chất đánh dấu sinh học tim, phóng xạ tế bào cơ tim… 

Có rất nhiều phương pháp có thể hỗ trợ chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ, giúp cho kết quả chẩn đoán được chính xác hơn, đánh giá được mức độ nặng nhẹ của bệnh. Từ kết quả chẩn đoán, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu, mang đến hiệu quả tốt mà lại có thể tiết kiệm được tối đa chi phí cho người bệnh.

Phương pháp điều trị

Tùy vào tình trạng bệnh, mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Nguyên tắc chính trong điều trị thiếu máu tim cục bộ là phải loại bỏ được nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ đồng thời cải thiện lưu lượng máu đến tim. Thông thường, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống, nếu nghiêm trọng thì phải can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật) hoặc kết hợp dùng thuốc và phẫu thuật. 

Điều trị thiếu máu cơ tim bằng thuốc

Các thuốc này chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tùy vào tình trạng mà đơn thuốc của mỗi người là không giống nhau. Để mang đến hiệu quả tốt cho quá trình điều trị, người bệnh phải tuân theo nguyên tắc uống đủ liều, đúng thời điểm và đều đặn mỗi ngày.

Người mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc
Người mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc

Một số thuốc điều trị thường được chỉ định cho bệnh nhân bị bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể kể đến như: 

  • Aspirin: Có tác dụng ngăn ngừa, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, ngừa tắc nghẽn động mạch vành
  • Thuốc chẹn beta: Hỗ trợ làm giảm nhịp tim, giảm huyết áp, thư giãn tim, giúp quá trình lưu thông máu suôn sẻ, thuận lợi hơn.
  • Thuốc giãn mạch nitroglycerin: Có tác dụng cải thiện lượng máu đến và đi từ tim, thường được sản xuất ở 3 dạng là xịt dưới lưỡi, viên uống và truyền tĩnh mạch.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Có tác dụng hỗ trợ giãn mạch nhanh và mạnh, tác động lên động mạch và cơ tim, làm tăng lưu lượng máu trong tim, làm chậm nhịp tim và giảm áp lực lên tim/
  • Thuốc hạ mỡ máu: Thường là các thuốc có tác dụng hạ cholesterol máu, ức chế hấp thu cholesterol và làm giảm nồng độ cholesterol LDL trong máu. Các loại thuốc thường được sử dụng có thể kể đến như niacin, statins, sequestrants acid, fibrate… 
  • Thuốc ức chế men chuyển: Có tác dụng giảm áp lực và hỗ trợ thư giãn mạch máu, ngăn ngừa cơ thể sản xuất angiotensin II, chất có thể thể ảnh hưởng xấu đến hệ thống tim mạch. 

Can thiệp ngoại khoa

Trường hợp người bệnh bị hẹp động mạch vành nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được đề nghị can thiệp ngoại khoa để tái thông máu, ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim, giảm thiểu tỷ lệ tử vong và tàn tật. Các biện pháp điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ nghiêm trọng có thể giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim là:

  • Nong mạch vành và đặt stent: Thường được gọi can thiệp mạch vành qua da – PCI, được thực hiện bằng cách chèn một ống thông nhỏ vào phần hẹp của động mạch. Một dây cùng một quả bóng nhỏ sẽ được truyền qua ống thông đến khu vực động mạch vành bị hẹp. Sau đó, người ta sẽ tiến hành bơm căng quả bóng nhằm mở rộng động mạch, tiếp đó sẽ chèn giá đỡ vào để giữ cho động mạch được mở rộng. 
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Đây là phẫu thuật phức tạp đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao, có sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại. Phương pháp này sẽ dụng một đoạn mạch từ phần khác của cơ thể ghép vào nơi động mạch vành bị tắc để tái thông máu cho tim.  

Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt

Bên cạnh việc điều trị can thiệp bằng thuốc, phẫu thuật, bệnh nhân cũng sẽ được hướng dẫn điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt để hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu tim cục bộ trở nên nghiêm trọng hơn. Bao gồm:

  • Bỏ thuốc lá và các thói quen xấu như lạm dụng rượu bia chất kích thích, thức khuya, ăn uống không điều độ
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối, hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol, chất béo, ăn nhiều rau xanh, trái cây, các thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, tốt nhất từ 20 – 30 phút với cường độ phù hợp, có thể chọn các bộ môn như đạp xe đạp, bơi lội, đi bộ, dưỡng sinh
  • Cân đối thời gian làm việc, nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, mệt mỏi, cố gắng thả lỏng tinh thần. Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân, béo phì thì nên cố gắng cải thiện cân nặng một cách khoa học. 

Biện pháp phòng ngừa thiếu máu cơ tim hiệu quả 

Có thể thấy, các bệnh lý tim mạch vô cùng nguy hiểm, là căn bệnh thuộc nhóm bệnh không truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới hiện nay. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh thường rất khó nhận biết, thường chỉ có thể phát hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Do đó, cách tốt nhất là chúng ta cần sớm phòng ngừa căn bệnh này từ sớm bằng những biện pháp sau đây:

  • Thăm khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/năm để sớm phát hiện các vấn đề bất thường trong cơ thể, từ đó có biện pháp can thiệp phù hợp, kịp thời
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, từ bỏ các thuốc quen xấu ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe như thức khuya, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chất kích thích, lười vận động, thường xuyên ngồi/nằm một chỗ chơi game, lướt web… 
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng dưỡng chất, tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, các thực phẩm lành mạnh có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành của mảng xơ vữa động mạch. Hạn chế sử dụng mỡ, dầu động vật, nội tạng động vật, thực phẩm chiên rán, thức ăn nhanh, thức ăn nhiều muối, nhiều đường…
  • Nên kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên với người bị cao huyết áp, kiểm soát chỉ số đường huyết với người mắc bệnh tiểu đường. Tích cực điều trị các bệnh lý này để tránh các biến chứng nguy hiểm về tim mạch do những bệnh này gây ra. 
  • Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao đều đặn 20 – 30 phút mỗi ngày, nên chọn các bài tập và cường độ luyện tập phù hợp với sức khỏe
  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc, cân đối thời gian nghỉ ngơi, học tập và làm việc. Hạn chế suy nghĩ tiêu cực, tránh căng thẳng, mệt mỏi, học cách thư giãn để tránh stress làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 

Có thể thấy, bệnh tim thiếu máu cục bộ là tình trạng cơ tim không được cung cấp đủ máu, oxy, dưỡng chất để duy trì chức năng, trạng thái hoạt động bình thường, xảy ra do tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch vành. Căn bệnh này rất nguy hiểm, nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường, nghi ngờ có liên quan đến bệnh lý tim mạch nói chung và căn bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ nói riêng, bạn cần sớm thăm khám để được chẩn đoán và điều trị. 

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Mạch đập nhanh là hiện tượng nhịp đập của mạch trên 100 lần/phút Mạch Đập Nhanh Là Bệnh Gì? Nguyên nhân và Cách xử lý

Mạch đập nhanh bất thường gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất…

Ép tim ngoài lồng ngực cần được thực hiện với trường hợp bệnh nhân bị ngưng tim Cách Sơ Cứu Người Bị Nhồi Máu Cơ Tim Cấp Tốc Tại Chỗ

Sơ cứu đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ sống sót, hạn…

Viên uống hỗ trợ chống đột quỵ Hàn Quốc Samsung Geum Jee Hwan  Top 5 Loại Thuốc Chống Đột Quỵ Hàn Quốc Được Review Tốt

Đột quỵ là bệnh lý đặc biệt nguy hiểm, nằm trong top những căn bệnh gây nguy cơ tử vong…

Phục hồi chức năng sau đột quỵ Phục Hồi Sau Đột Quỵ: 5 Liệu pháp chức năng có cải thiện tốt

Phục hồi chức năng sau đột quỵ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khắc phục, cải thiện…

Xơ vữa động mạch chi dưới là tình trạng lòng động mạch bị tích tụ chất béo, cholesterol, canxi, tế bào viêm và các chất khác trong máu Xơ Vữa Động Mạch Chi Dưới: Cách chữa trị và Phòng tránh

Xơ vữa động mạch chi dưới là một trong những bệnh lý thường gặp, xảy ra khi một phần hoặc…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua