Nhồi máu cơ tim thành dưới là gì? Triệu chứng và cách điều trị
Bệnh nhồi máu cơ tim thành dưới là bệnh lý thường gặp ở những người có tiền sử bị cao huyết áp, tiểu đường, béo phì hoặc mỡ máu cao do động mạch vành bị tắc nghẽn. Do lưu lượng máu giảm, một phần cơ nằm ở mặt dưới quả tim có thể bị hoại tử và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như đau thắt ngực, tụt huyết áp, khó thở, ngất xỉu hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Nhồi máu cơ tim thành dưới là gì?
Nhồi máu cơ tim thành dưới là bệnh lý xảy ra khi quá trình lưu thông máu từ động mạch vành phải hoặc động mạch mũ đến phần cơ nằm ở mặt dưới quả tim bị tắc nghẽn. Tình trạng này dẫn đến thiếu oxy và máu nuôi dưỡng, từ đó gây hoại tử một phần cơ tim.
Trong hầu hết các trường hợp, động mạch vành phải đảm nhận vai trò cung cấp máu cho cơ tim dưới. Bộ phận này có thể bị tắc nghẽn vì các lý do như mảng xơ vữa động mạch, huyết khối hoặc co thắt mạch máu. Khi tình trạng tắc nghẽn xảy ra, áp lực trong thất phải tăng lên và làm giảm khả năng bơm máu của tim hoặc gây ra tình trạng hở van ba lá nặng (van không đóng kín, làm máu trào ngược).
Bệnh nhồi máu cơ tim thành dưới khá phổ biến. Tỷ lệ người mắc bệnh chiếm đến 40 – 50% trong tổng số các ca mắc bệnh nhồi máu cơ tim.
Tuy nhiên, so với nhồi máu cơ tim thành trước, nhồi máu cơ tim dưới có tiên lượng tốt hơn với tỷ lệ bệnh nhân tử vong nằm dưới 10%. Trường hợp nặng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao khi xuất hiện các biến chứng như nhồi máu thất phải hoặc tụt huyết áp nặng.
>> TÌM HIỂU THÊM: Nhồi Máu Cơ Tim Cấp: Biểu hiện, Cách Chẩn đoán và Chữa trị
Triệu chứng nhồi máu cơ tim thành dưới
Chứng nhồi máu cơ tim thành dưới có triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài khá rõ ràng. Bạn nên thận trọng khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường dưới đây:
- Đau ngực:
Cơn đau thường khá dữ dội khiến bệnh nhân như có cảm giác bị bóp nghẹt hoặc bị một vật đè nặng lên ngực.
- Đau xương sườn trái, lưng, vai hoặc cánh tay
Cảm giác đau từ vùng ngực trên có thể lan tỏa xuống vùng xương sườn trái, ra sau lưng hoặc lan sang bên vùng vai, cánh tay trái và thường kéo dài khá lâu, trên 20 phút.
- Khó thở, hụt hơi:
Khi lượng máu cung cấp cho cơ tim bị giảm, tim không nhận đủ oxy, dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ. Điều này có thể gây ra cảm giác khó thở và hụt hơi, đặc biệt khi bệnh nhân vận động. Triệu chứng này cũng có thể xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi, nhất là ở giai đoạn nặng hơn của bệnh.
Ngoài ra, khả năng bơm máu kém hiệu quả của cơ tim cũng khiến cho máu ứ trệ nhiều trong phổi. Tình trạng này càng góp phần làm tăng nặng cảm giác khó thở.
- Chóng mặt, ngất xỉu:
Khi bị nhồi máu cơ tim thành dưới, lưu lượng máu bơm lên não có thể giảm khiến bệnh nhân có cảm giác chóng mặt hoặc thậm chí là ngất xỉu. Bên cạnh đó, triệu chứng này còn xuất hiện do tình trạng rối loạn nhịp tim hoặc giảm huyết áp đột ngột vì tim không thể bơm máu hiệu quả.
- Buồn nôn hoặc nôn ói:
Thiếu oxy do nhồi máu cơ tim có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, bao gồm dạ dày, từ đó gây ra cảm giác buồn nôn. Cùng với đó là sự xuất hiện của các cơn đau thắt ngực khiến bệnh nhân bị căng thẳng, lo âu và kích thích hệ thống thần kinh tự trị gây ra triệu chứng buồn nôn.
- Đổ mồ hôi lạnh
Cơn đau và cảm giác khó chịu có thể kích thích hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến ra mồ hôi lạnh. các trường hợp bị giảm huyết áp cũng thường có triệu chứng này.
- Lo lắng, bất an, mệt mỏi kéo dài
Đây cũng là những triệu chứng thường gặp khi bị nhồi máu cơ tim thành dưới. Không chỉ xuất hiện cảm giác lo lắng, bất an, người bệnh còn có tình trạng mệt mỏi kéo dài dù đã cố gắng nghỉ ngơi nhiều.
>> ĐỪNG BỎ QUA: 9 Dấu Hiệu Nhồi Máu Cơ Tim Ở Phụ Nữ Cần Biết Để Điều Trị
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim thành dưới
Sự tắc nghẽn động mạch bơm máu đến cơ tim, đặc biệt là động mạch vành phải hoặc động mạch mũ được cho là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim thành dưới. Tình trạng tắc nghẽn có thể xuất phát từ nhiều lý do, chẳng hạn như mảng bám cholesterol, tổn thương hoặc viêm nhiễm gây hình thành sẹo trong động mạch hoặc do co thắt mạch máu.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim thành dưới bao gồm:
- Đái tháo đường: Hàm lượng đường trong máu tăng cao và tích tụ gây tổn thương cho thành mạch, hình thành mảng bám và làm giảm lượng máu lưu thông đến cơ tim thành dưới.
- Tăng huyết áp: Căn bệnh này có thể làm tăng áp lực lên động mạch và khiến thành mạch bị tổn thương, từ đó hình thảnh mảng bám dẫn đến tắc nghẽn.
- Hút thuốc lá: Nicotin và các chất độc trong khói thuốc có thể làm hỏng mạch máu và giảm khả năng vận chuyển oxy, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim thành mạch dưới.
- Di truyền: Các trường hợp trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch thường có nguy cơ bị nhồi máu cao thành mạch dưới cao hơn người khác. Điều này có liên quan đến yếu tố di truyền hoặc lối sống, chế độ ăn uống tương tự.
- Cholesterol cao: Nồng độ Cholesterol LDL trong máu tăng cao kéo dài có thể tạo thành mảng bám trong động mạch và gây tắc nghẽn dòng chảy của máu đến cơ tim dưới.
- Béo phì: Thừa cân, béo phì thường gắn liền với tình trạng gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, tăng huyết áp và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Tất cả đều góp phần làm tăng nguy cơ bị nhồi máu ở phần cơ tim thành dưới
- Các yếu tố khác: Căng thẳng kéo dài, ít vận động, lớn tuổi, chế độ ăn giàu chất béo không lành mạnh.
Nhồi máu cơ tim thành dưới có nguy hiểm không?
So với các dạng nhồi máu cơ tim ở vùng khác, bệnh nhồi máu cơ tim thành dưới ít nguy hiểm hơn. Bệnh nhân có tiên lượng sống tốt và chỉ có khoảng 2 – 9 % các trường hợp bị tử vong được ghi nhận tại bệnh viện.
Bệnh nhân nhồi máu cơ tim thành dưới có nguy cơ tử vong cao hơn khi gặp các biến chứng dưới đây:
- Huyết áp giảm mạnh
- Nhồi máu thất phải
- Nhịp tim chậm
- Block tim
- Sốc tim.
Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng nguy hiểm và có khả năng phục hồi nhanh hơn.
>> XEM THÊM: Nhồi Máu Cơ Tim Sống Được Bao Lâu? Chuyên gia chia sẻ
Chẩn đoán nhồi máu cơ tim thành dưới
Để chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim thành dưới, bên cạnh các triệu chứng liên quan, bác sĩ thường áp dụng kỹ thuật điện tâm đồ (ECG). Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường trong hoạt động của vùng cơ tim dưới do bị thiếu máu được thể hiện thông qua những sóng điện đặc biệt trên điện tâm đồ.
Dưới đây là một số thông số ECG mà bác sĩ thường xem xét để chẩn đoán tình trạng nhồi máu cơ tim thành dưới:
- Đường cơ sở: Là đường ngang thể hiện mức điện thế tĩnh. Bất kỳ sự thay đổi nào so với đường này có thể cho thấy có vấn đề.
- Sóng P: Đại diện cho sự kích thích của tâm nhĩ.
- Phức bộ QRS: Chỉ số này đại diện cho sự kích thích của tâm thất.
- Sóng T: Thể hiện sự phục hồi của tâm thất. Sóng T ngược hướng có thể chỉ ra thiếu máu cục bộ hoặc tổn thương cơ tim.
- Đoạn ST: Khoảng thời gian giữa QRS và sóng T. Sự nâng cao hoặc hạ thấp của đoạn ST có thể chỉ ra nhồi máu cơ tim cấp.
- Khoảng QT: Thời gian từ đầu sóng Q đến cuối sóng T. QT kéo dài thường dẫn đến rối loạn nhịp tim.
- Nhịp tim: Tần số tim được tính bằng cách đếm số sóng R trong một phút. Nhịp bình thường khoảng 60-10 nhịp/phút.
Những dấu hiệu trên ECG cho phép bác sĩ xác định tình trạng thiếu máu cơ tim thành dưới như:
- Sóng QRS và sóng T có sự biến đổi bất thường
- Xuất hiện đoạn sóng ST nằm chênh lệch với đường cơ sở – Một triệu chứng rõ ràng của thiếu máu cơ tim.
- Rối loạn nhịp tim: Xuất hiện các kiểu bất thường, chẳng hạn như nhịp nhanh, nhịp chậm, loạn nhịp hoặc không có ngực tim (trong trường hợp tim ngừng đập).
Cách điều trị nhồi máu cơ tim thành dưới
Nhồi máu cơ tim thành dưới là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Để điều trị, bác sĩ có thể dùng thuốc, can thiệp mạch qua da hoặc phẫu thuật tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.
1. Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê đơn để cải thiện tình trạng tắc nghẽn mạch máu và giảm nhẹ các triệu chứng liên quan. Bao gồm:
- Thuốc chống đông máu: Giúp ngăn ngừa hình thành huyết khối mới. Thường được chỉ định là Aspirin hoặc Heparin.
- Thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu: Chẳng hạn như Clopidogrel, giúp ngăn ngừa tiểu cầu dính lại với nhau.
- Thuốc hạ huyết áp: Để kiểm soát huyết áp và giảm gánh nặng cho tim.
- Thuốc hạ lipid: Statins là loại thuốc thường được chỉ định để kiểm soát mức cholesterol trong máu.
- Thuốc nhóm nitrate: Giảm co thắt và làm giãn động mạch vành, tăng tuần hoàn máu đến vùng cơ tim dưới.
- Các loại thuốc khác có thể được sử dụng: Thuốc chẹn thụ thể beta giao cảm, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc tiêu sợi huyết, thuốc ức chế men chuyển,…
2. Can thiệp mạch qua da
Nong mạch và đặt stent là phương pháp phổ biến nhất để mở thông động mạch vành bị tắc. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông để đưa stent vào động mạch, giữ cho nó luôn mở.
Phương pháp can thiệp mạch qua da thường được ưu tiên lựa chọn để điều trị nhồi máu cơ tim thành dưới có ST chênh lên trong trường hợp cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện về nhân lực lẫn trang thiết bị.
3. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)
Nếu động mạch vành bị tắc nghẽn nghiêm trọng, phẫu thuật có thể được lựa chọn. Trong quá trình mổ, bác sĩ sẽ tạo ra một đường đi mới để đưa máu đến vùng cơ tim bị ảnh hưởng bằng cách nối động mạch hoặc tĩnh mạch từ nơi khác trong cơ thể để bắc cầu qua đoạn tắc.
4. Sử dụng thiết bị hỗ trợ tim mạch
Để cải thiện chức năng hoạt động của tim mạch, bệnh nhân có thể được cấy ghép các thiết bị hỗ trợ như:
- Máy tạo nhịp tim
- Máy khử rung tim cấy ghép
- Bơm trợ tim…
Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thành dưới
Để nhanh chóng hồi phục sức khỏe và ngăn ngừa tình trạng nhồi máu cơ tim thành dưới tái phát trở lại, bệnh nhân cần lưu ý:
- Giảm tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều bão hòa, cholesterol, đường tinh luyện và muối. Chẳng hạn như thức ăn nhanh, thịt nguội, bánh kẹo ngọt, đồ hộp, thực phẩm muối mặn, nội tạng động vật,…
- Bổ sung các thực phẩm có lợi vào thực đơn, chẳng hạn như rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, quả mọng, cá béo,…
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày với thực đơn phong phú.
- Tập thể dục thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chế độ luyện tập cần được điều chỉnh tùy theo quá trình phục hồi sức khỏe.
- Kiểm soát căng thẳng bằng cách trò chuyện với người thân, đọc sách, thiền định, đi dạo công viên, nghe nhạc, tập yoga…
- Không uống bia rượu
- Ngừng hút thuốc lá
- Nghỉ ngơi nhiều và đảm bảo ngủ đủ giấc.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể.
Kế hoạch điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thành dưới thường được điều chỉnh sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng người. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ chế độ ăn uống, luyện tập nào.
>> ĐÁNG CHÚ Ý: Nhồi máu cơ tim nên ăn gì và kiêng gì để cải thiện bệnh tình?
Làm thế nào để phòng ngừa nhồi máu cơ tim thành dưới?
Bất cứ ai cũng có thể bị nhồi máu cơ tim thành dưới, đặc biệt khi có bệnh lý nền hoặc các yếu tố nguy cơ. Để giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với thực đơn giàu trái cây, rau củ và các thực phẩm giàu omega 3 (cá hồi, hạt lanh và quả óc chó). Hạn chế ăn thịt đỏ, đồ chiên rán, đồ ngọt, các sản phẩm từ sữa béo hoặc thực phẩm chế biến sẵn.
- Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 150 phút/ tuần, chia đều khoảng 5 ngày/tuần.
- Kiểm soát cân nặng, tránh để tăng cân quá mức làm tăng áp lực lên tim mạch.
- Kiểm soát và điều trị tốt các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol máu.
- Nếu bạn đang hút thuốc lá, hãy tìm cách cai thuốc càng sớm càng tốt. Đồng thời tránh xa những nơi có khói thuốc lá.
- Có kế hoạch làm việc hợp lý kết hợp nghỉ ngơi để đầu óc không bị căng thẳng quá mức làm ảnh hưởng đến tim mạch.
- Khám sức khỏe định kỳ và điều trị sớm các bệnh lý liên quan nếu có.
Bệnh nhồi máu cơ tim thành dưới có thể gây tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Do vậy, bạn nên chủ động tìm hiểu những kiến thức liên quan đến bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng để giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Nhồi Máu Cơ Tim Ở Người Trẻ: Nguyên Nhân Là Từ Đâu?
- Cách Sơ Cứu Người Bị Nhồi Máu Cơ Tim Cấp Tốc Tại Chỗ
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!