9 Dấu Hiệu Nhồi Máu Cơ Tim Ở Phụ Nữ Cần Biết Để Điều Trị
Theo thống kê, tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim ở nam giới cao hơn nhiều so với nữ giới, thế nhưng tỷ lệ tử vong do căn bệnh này ở chị em phụ nữ lại cao hơn rất nhiều so với các đấng mày râu. Các dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ thường khó nhận biết, xác định và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác khiến việc phát hiện và điều trị căn bệnh này ở phụ nữ thường tương đối chậm trễ. Để giảm thiểu nguy cơ tử vong, chúng ta cần nắm được dấu hiệu nhận biết sớm căn bệnh này ở chị em phụ nữ.
Có gì khác giữa nhồi máu cơ tim ở nam và nữ giới?
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý tim mạch vô cùng nguy hiểm, xảy ra khi lượng máu đến tim giảm sút đột ngột khiến cơ tim không được cung cấp oxy và dưỡng chất dẫn đến tổn thương, hoại tử. Tình trạng này đa phần có liên quan đến sự hình thành của các mảng xơ vữa gây hẹp lòng động mạch vành hoặc do mảng xơ vữa nứt, vỡ ra tạo nên cục máu đông gây tắc lòng mạch.
Ở độ tuổi trên 40 tuổi, tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim ở nam giới cao hơn rất nhiều so với nữ giới. Tuy nhiên, ở phụ nữ, sau mãn kinh 5 đến 10 năm thì tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim ở nữ giới có xu hướng gia tăng tương đương với nam giới. Sở dĩ nam giới có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn nữ giới là do thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, thường xuyên có chế độ ăn uống, lối sống thiếu khoa học, lành mạnh, hơn nữa, nam giới cũng có tỷ lệ mắc rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, bị thừa cân, béo phì nhiều hơn nữ giới.
Trong khi đó, các bệnh lý về tim mạch, bao gồm cả nhồi máu cơ tim ở phụ nữ bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố. Một trong số đó là nội tiết tố nữ estrogen, khi estrogen trong cơ thể giảm sút sau giai đoạn mãn kinh, các bệnh lý về tim mạch ở chị em phụ nữ thường có xu hướng gia tăng và nghiêm trọng hơn nhiều. Đây là lý do mà thời gian phát bệnh nhồi máu cơ tim (NMCT) ở phụ nữ thường muộn hơn nam giới từ 5 – 10 năm.
Theo các nghiên cứu, tuổi thọ của người từng bị nhồi máu cơ tim có sự khác biệt rõ rệt giữa nam và nữ giới. Thông thường, ở nam giới, có 80% người bệnh sống sót sống được trên 1 năm, 61.6% có thể sống được trên 5 năm và 46.2% sống được trên 10 năm. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở nữ giới thường cao hơn nam giới 45%. Ngoài ra, nguy cơ tái phát cơn nhồi máu cơ tim thứ hai trong vòng 5 năm ở nam giới là khoảng 13% và ở nữ giới là 40%.
9 Dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
Tỷ lệ nữ giới tử vong do các bệnh lý về mạch vành trong đó có nhồi máu cơ tim thường cao hơn nam giới. Đáng nói là các dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim ở phụ nữ không quá rõ ràng, dễ nhầm lẫn với nhiều vấn đề khác trong khi đó, nam giới thường xuất hiện các triệu chứng cụ thể rõ ràng hơn. Một nghiên cứu về các bệnh nhân NMCT ở Mỹ nhận thấy rằng, có 42% phụ nữ ở nước này phát bệnh tim mà chưa hề xuất hiện các dấu hiệu đau thắt ngực trước đó.
Theo khuyến cáo của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), chị em phụ nữ nên nâng cao nhận thức về sức khỏe tim mạch. Chúng ta có thể phòng ngừa và sớm nhận biết dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ qua các triệu chứng sớm sau đây:
1. Đau thắt ngực
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, mức độ cơn đau thường rất đa dạng, tùy vào vị trí tổn thương, cơ địa của mỗi người. Thông thường, cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim được mô tả như sau:
- Đau thắt như bị ai bóp nghẹt xương ức
- Cảm giác như có vật nặng đè nén
- Đau như bị dao đâm
- Đau rát, ngứa ran vùng xương ức
Thế nhưng, như đã đề cập, có đến 42% phụ nữ phát bệnh tim mà không có dấu hiệu đau thắt ngực. Đôi khi cơn đau thường rất nhẹ, thoáng qua, không rõ ràng, chỉ có cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị khiến nhiều người nhầm tưởng mình bị đau dạ dày mà bỏ qua. Bên cạnh đó, cơn đau không xuất hiện ở ngực mà lại xuất hiện ở lưng, răng, cằm hoặc bụng, kèm theo các triệu chứng như ra mồ hôi, lạnh toát người, buồn nôn, nôn mửa…
2. Mệt mỏi bất thường
Cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, thiếu hụt năng lượng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo suy tim, rối loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim. Tình trạng này có thể xảy ra trước khi xuất hiện cơn NMCT vài ngày hoặc vài tuần. Xuất phát từ việc tim không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết khiến cơ tim tổn thương, tim suy yếu, từ đó gây ra các triệu chứng như ho, khó thở, mệt mỏi, cảm giác đè nén ở ngực.
Nếu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, ho, khó thở hoặc lúc đi lại hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày, bạn không thể làm việc như thông thường, nhất là lúc đi bộ phải dừng lại nhiều lần để nghỉ ngơi thì rất có thể đây là dấu hiệu thiếu máu tim. Người có dấu hiệu thiếu máu tim nên sớm thăm khám để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch.
3. Khó thở
Một trong những triệu chứng điển hình khi cơ thể gặp phải các vấn đề về tim mạch là chứng khó thở, thở nặng nề (khoảng 48% phụ nữ gặp phải tình trạng này). Nếu đi kèm với tình trạng đau ngực, cảm giác đè nén ở ngực, đau thắt ngực, người mệt mỏi thì rất có thể bạn đang gặp vấn đề về tim. Thông thường, với trường hợp này, chị em dễ bị khó thở khi nằm, tình trạng này có thể được cải thiện khi ngồi thẳng.
4. Suy kiệt cơ thể – dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
Các triệu chứng nhận biết sớm nhồi máu cơ tim ở phụ nữ thường không quá rõ ràng như ở nam giới. Triệu chứng bệnh đa phần tiến triển chậm, âm thầm sau đó khởi phát một cách đột ngột nghiêm trọng. Khi bị NMCT, chị em phụ nữ có thể cảm thấy run rẩy, suy kiệt cơ thể do tình trạng thiếu máu tim khiến hoạt động bơm máu của tim bị suy giảm đáng kể. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Choáng váng
- Nhìn mờ
- Cảm giác lâng lâng
- Chóng mặt, lo lắng
- Ngất xỉu…
5. Đau nhức cơ thể
Nhiều người thường cho rằng NMCT sẽ gây ra triệu chứng nghiêm trọng là đau thắt ngực, bệnh nhân không thể đứng vững và đột ngột ngất đi. Thế nhưng, triệu chứng đau của căn bệnh này tương đối đa dạng. Ở phụ nữ, cơn đau có thể không xuất hiện ở ngực mà đôi khi xảy ra ở lưng trên, hàm, cổ, răng…. Ban đầu sẽ bắt đầu ở một vị trí nhất định, sau lan sang những khu vực khác, khó xác định vị trí cụ thể của cơn đau.
6. Ngứa ran cánh tay/chân
Ngoài ra, phụ nữ bị nhồi máu cơ tim có thể bị ngứa ran cánh tay hoặc chân trước khi khởi phát cơn nhồi máu cơ tim vài tuần. Đây là dấu hiệu nhận biết sớm căn bệnh này thường bị nhiều người bỏ qua do cho rằng tình trạng này có liên quan đến bệnh viêm khớp hoặc do dây thần kinh bị chèn ép.
7. Buồn nôn hoặc nôn
Nhiều người thường cảm thấy nóng rát ở vùng thượng vị, có cảm giác dạ dày đau, chịu nhiều áp lực. Hay bị khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn hoặc nôn kèm theo các triệu chứng bất thường về tim mạch khác như đổ mồ hôi lạnh, đau tức ngực, khó thở. Sở dĩ người bị nhồi máu cơ tim hay có triệu chứng buồn nôn, nôn là do khi cơ tim bị tổn thương thì dạ dày cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng này làm người bệnh cảm thấy khó chịu khi ăn hoặc ngửi mùi thức ăn, rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản.
8. Rối loạn giấc ngủ – dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
Rối loạn giấc ngủ cũng có thể là một trong những dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ. Có rất nhiều chị em phụ nữ gặp phải vấn đề về giấc ngủ trước khi khởi phát cơn nhồi máu cơ tim vài tuần (khoảng 48%). Thường sẽ bị khó ngủ, trằn trọc không thể đi vào giấc ngủ, người mệt mỏi, uể oải khó chịu dù đã ngủ đủ giấc, hay bị thức dậy lúc giữa đêm và khó ngủ trở lại. Nhồi máu cơ tim có thể gây rối loạn giấc ngủ, ngược lại khó ngủ, mất ngủ làm tăng huyết áp, khiến cơ thể giảm độ nhạy với insulin, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
9. Triệu chứng khác
Một số dấu hiệu giúp nhận biết sớm nhồi máu cơ tim ở phụ nữ khác có thể kể đến như:
- Đột nhiên thở gấp, run rẩy, sợ hãi, thường xuất hiện khoảng 5 phút và từ từ ổn định trở lại
- Đau quai hàm nghiêm trọng do các dây thần kinh gắn liền với quai hàm ở vị trí tương đối gần với các mạch máu ngoài tim
- Đánh trống ngực, da tái nhợt, tay chân lạnh bất thường, vã mồ hôi lạnh, suy giảm trí nhớ, kém minh mẫn (có khoảng 24% phụ nữ giảm trí nhớ trước khi bị NMCT)…
Nguy cơ gia tăng tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh
Nhồi máu cơ tim (NMCT) thuộc nhóm bệnh lý về mạch vành, là biến chứng nặng và nguy hiểm nhất của căn bệnh này. Đây là biến cố tim mạch cần được cấp cứu kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong, gia tăng tỷ lệ sống sót cho người bệnh. Trong đó, phát hiện và sơ cứu NMCT kịp thời có ý nghĩa sống còn với người bệnh. Đặc biệt, do các dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ thường không quá nổi bật, dễ bị nhầm lẫn dẫn đến việc phát hiện và điều trị căn bệnh này ở phụ nữ chậm trễ, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, làm tăng tỷ lệ tử vong.
Tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim ở phụ nữ dưới 50 tuổi thường thấp hơn so với nam giới. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ mãn kinh và sau mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch, bệnh mạch vành, huyết áp và tiểu đường ở phụ nữ thường tăng cao đột ngột. Lý do là trong thời kỳ mãn kinh, estrogen trong cơ thể bắt đầu suy giảm, làm rối loạn quá trình kiểm soát chức năng của dây thần kinh tự chủ.
Tác dụng của nội tiết tố nữ estrogen là hỗ trợ làm giãn mạch máu. Bên cạnh đó, khi còn trẻ, chỉ số cholesterol ở phụ nữ chỉ bằng một nửa nam giới. Tuy nhiên, sau 50 tuổi thì chỉ số này tăng nhanh đột ngột, gây tăng nguy cơ cao huyết áp, rối loạn lipid máu làm gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và gia tăng áp lực lên thành mạch máu. Khi khả năng giãn mạch máu của cơ thể suy giảm do giảm nội tiết tố estrogen, phụ nữ dễ bị thiếu máu và gặp phải các bệnh lý về mạch vành, về tim mạch…
Thông tin hữu ích: Nhồi Máu Cơ Tim Sống Được Bao Lâu? Chia sẻ từ chuyên gia
Các yếu tố gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
Được biết, trong khi nam giới thường bị hẹp động mạch vành do sự xuất hiện của các mảng xơ vữa trong lòng mạch thì ở phụ nữ, thông qua kết quả chụp mạch vành, các bác sĩ nhận thấy phụ nữ bị hẹp ở nhiều vị trí khác nhau ở động mạch vành. Đây rất có thể là lý do mà tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim ở phụ nữ thường cao hơn nam giới. Điều này cũng có thể xuất phát từ việc phụ nữ thường chịu đựng bệnh tật tốt và có sức chịu đựng các cơn đau âm thầm cao hơn nam. Tuy nhiên, việc chịu đựng bệnh tật vô cùng nguy hiểm, sẽ làm gia tăng nguy cơ gặp phải biến chứng và tỷ lệ tử vong.
Để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, chúng ta nên thăm khám sức khỏe định kỳ đặc biệt là khi cơ thể có các biểu hiện bất thường. Những yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở phụ nữ có thể kể đến như:
- Tuổi tác cao: Phụ nữ giai đoạn mãn kinh và sau mãn kinh, thường từ 55 tuổi nhất là trên 65 tuổi có nguy cơ nhồi máu cơ tim rất cao
- Tình trạng sức khỏe: Cao huyết áp, chỉ số cholesterol xấu trong cơ thể cao cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa và gây nhồi máu cơ tim
- Mắc bệnh lý: Những người gặp rối loạn chuyển hóa lipid, mắc bệnh tiểu đường, bệnh rối loạn tự miễn, có tiền sử tiền sản giật, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ mắc NMCT cao hơn những đối tượng khác.
- Tiền sử gia đình: Những gia đình từng có người bị NMCT hoặc mắc bệnh lý về tim mạch, về mạch vành thì những thành viên khác trong gia đình cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này rất cao.
- Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, dung nạp nhiều cholesterol xấu vào cơ thể sẽ dễ gây gia tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa và gây ra đột quỵ.
- Lối sống: Lối sống tĩnh tại, ít vận động, thường xuyên ngồi/nằm một chỗ, hay uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng thuốc kích thích như cocaine, amphetamine hoặc những người hay suy nghĩ, lo âu, stress cũng có rủi ro bị NMCT cao.
Biện pháp phòng ngừa nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
Như đã đề cập, tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim ở phụ nữ cao hơn nam giới rất nhiều. Hơn nữa, tuổi thọ của người sống sót sau NMCT cũng giảm sút đáng kể, đặc biệt, tỷ lệ xuất hiện cơn đột quỵ thứ hai ở nữ giới cũng cao hơn nam giới khoảng 25%. Chính vì thế, tốt nhất chúng ta nên có biện pháp phòng ngừa căn bệnh này để giảm thiểu nguy cơ tử vong và di chứng:
- Cần nâng cao nhận thức về sức khỏe tim mạch, nắm được cách nhận biết sớm nhồi máu cơ tim và cách xử lý phù hợp, kịp thời khi bản thân hoặc người thân, người xung quanh gặp phải căn bệnh này.
- Nên tích cực điều trị các bệnh lý của cơ thể, tuyệt đối không nên chịu đựng bệnh. Đặc biệt là khi gặp phải những bệnh như tiểu đường, rối loạn lipid, rối loạn tự miễn…
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối, khoa học, tăng cường sử dụng các thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe như rau xanh, trái cây, các loại cá, các loại thịt gia cầm, thịt nạc…
- Hạn chế sử dụng thịt đỏ, thức ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn mặn, nên tránh sử dụng thức ăn nhanh, đồ nướng, đồ ăn vặt không lành mạnh, các loại nước ngọt có gas…
- Nếu có các thói quen không tốt như thức khuya, ngủ nhiều vào ban ngày, hút thuốc lá, thường xuyên uống rượu bia, sử dụng chất kích thích thì nên từ bỏ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sức khỏe tim mạch.
- Tăng cường vận động, tập thể dục thể thao vừa sức khoảng 30 phút mỗi ngày để cải thiện sức khỏe, tăng cường lưu thông máu, ngăn ngừa bệnh tật.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, những bệnh lý về tim mạch, bệnh về mạch vành rất khó phán đoán thông qua các triệu chứng thông thường. Do đó, người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim cao cần thăm khám sức khỏe định kỳ khi bước vào độ tuổi trung niên ít nhất 1 lần/năm ngay cả khi không có dấu hiệu bất thường nào. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết các dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ và hiểu hơn về căn bệnh này.
Có thể bạn quan tâm:
- Nhồi Máu Cơ Tim và Đột Quỵ: Có Sự Khác Nhau Thế Nào?
- Cách Sơ Cứu Người Bị Nhồi Máu Cơ Tim Cấp Tốc Tại Chỗ
- Nhồi Máu Cơ Tim Ở Người Trẻ: Nguyên Nhân Là Từ Đâu?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!