Nhồi Máu Cơ Tim Cấp: Biểu hiện, Cách Chẩn đoán và Chữa trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý nguy hiểm, xảy ra đột ngột, có tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê, có đến 25% bệnh nhân nhồi máu cơ tim không được cấp cứu kịp thời và chết trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Trong khi đó, nhóm bệnh nhân may mắn sống sót sau khi được nhập viện điều trị cũng phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

Nhồi máu cơ tim cấp là gì?

Cấp tính là từ dùng để chỉ những bệnh khởi phát đột ngột, các triệu chứng xuất hiện nhanh chóng, diễn ra trong một thời gian giới hạn và có mức độ nghiêm trọng. Nhồi máu cơ tim cấp tính là căn bệnh bao gồm hai yếu tố là khởi phát đột ngột và gây tổn thương nghiêm trọng. Bệnh xuất hiện khi xảy ra tình trạng thiếu máu cục bộ đến tim khiến cơ tim không được cung cấp oxy và dưỡng chất nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử mô cơ tim, thường do nhiều nguyên nhân gây ra.

Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý xảy ra đột ngột với mức độ tổn thương gây ra vô cùng nghiêm trọng
Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý xảy ra đột ngột với mức độ tổn thương gây ra vô cùng nghiêm trọng

Cơn nhồi máu cơ tim cấp tính diễn ra trong thời gian ngắn, để chỉ cho tình trạng cấp bách, vô cùng nghiêm trọng, bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong và hạn chế các biến chứng nghiêm trọng do bệnh gây ra. Theo WHO, trên thế giới có khoảng 57 triệu người chết vì bệnh tim mạch (thống kê năm 2008), 7.2 triệu người chết vì bệnh mạch vành (thống kê năm 2004). Tại Việt Nam, mặc dù chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong, tuy nhiên, con số này có xu hướng ngày càng gia tăng trong xã hội hiện nay. 

Theo các chuyên gia, trong bệnh lý thiếu máu tim cục bộ thì nhồi máu cơ tim cấp là thể nặng nhất, nguy hiểm và có mức độ nghiêm trọng nhất. Bệnh thường khởi phát đột ngột, có đến 25% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tử vong trước khi được tiếp cận, cấp cứu tại các cơ sở y tế. Đối với những bệnh nhân được điều trị kịp thời, cũng thường phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng khác như rung thất, suy tim, loạn nhịp tim, viêm màng ngoài tim, thuyên tắc mạch máu… Trong đó, biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ gây đột tử cao nhất là rung thất.

Nhồi máu cơ tim là bệnh khởi phát đột ngột, gây ra các triệu chứng và tổn thương nghiêm trọng, cần có sự can thiệp, xử trí khẩn cấp tại bệnh viện để giảm thiểu nguy cơ tử vong và biến chứng cho người bệnh. Việc điều trị nhồi máu cơ tim cấp đang được quan tâm sâu sắc bởi trong điều trị nhồi máu cơ tim, thời gian là vàng, các phương pháp điều trị hiện nay thường chỉ có hiệu quả với các trường hợp được sớm phát hiện, cấp cứu kịp thời trong 2 – 4h đầu tiên.

Thông tin hữu ích: Nhồi máu cơ tim thường gặp ở độ tuổi nào?

Dấu hiệu nhận biết bệnh nhồi máu cơ tim cấp 

Các triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim cấp ở mỗi bệnh nhân thường không quá giống nhau. Thường phụ thuộc trực tiếp vào vùng hoại tử của cơ tim và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các triệu chứng thường gặp của bệnh có thể kể đến như:

Triệu chứng cơ năng

Có thể chia các triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim cấp thành 2 dạng là triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể. Các biểu hiện cụ thể của bệnh như sau:

  • Cơn đau thắt ngực điển hình: Các cơn đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh, thường thì người bệnh sẽ có cảm giác đau như bóp nghẹt phía sau xương ức, cơ đau có thể lan lên vai trái, hàm dưới, lan đến mặt trong vai trái đến ngón tay đeo nhẫn và ngón út. Các cơn đau này thường kéo dài hơn 20 phút, không có dấu hiệu thuyên giảm khi sử dụng Nitroglycerin (thuốc giãn mạch). Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân có thể không hoặc ít có cảm giác đau, đa phần là bệnh nhân đái tháo đường, sau mổ, bị tăng huyết áp hoặc người già. Một số trường hợp có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, đau lan tỏa lên cổ, cằm, sau lưng, tay phải… 
  • Triệu chứng khác: Bên cạnh triệu chứng điển hình là đau thắt ngực, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như tim đập nhanh, mạch yếu, đánh trống ngực, vã mồ hôi lạnh, buồn nôn hoặc nôn, khó thở, hồi hộp, lú lẫn, rối loạn tiêu hóa.

Triệu chứng thực thể 

Các triệu chứng thực thể được phát hiện trong thăm khám cho bệnh nhân NMCT (nhồi máu cơ tim cấp tính). Việc khám thực thể ít có giá trị chẩn đoán, chủ yếu để phân biệt với các bệnh lý khác để có biện pháp xử lý kịp thời phù hợp. Các triệu chứng khi thăm khám cho người bệnh nhồi máu cơ tim thường là:

  • Nhịp tim nhanh, tiếng tim mờ
  • Tụt hoặc tăng huyết áp
  • Tĩnh mạch cổ nổi
  • Xuất hiện tiếng thổi mới ở tim
  • dấu hiệu suy tim, phù phổi cấp, nghe phổi thấy rale
  • Rối loạn nhịp tim, nghe thấy có tiếng cọ màng tim…

Nhìn chung, ở bệnh nhồi máu cơ tim cấp tính thì đau thắt ngực là triệu chứng điển hình, cơn đau có thể rất nhẹ, không quá nghiêm trọng nhưng cũng có những trường hợp đau dữ dội, cảm giác như có vật gì đè lên. Đau thắt ngực do NMCT có thể kéo dài từ 5 – 20 phút, đau lan tỏa lên vai, cổ, cánh tay, hàm dưới. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, khó thở, thở gấp, toát mồ hôi lạnh, chóng mặt, buồn nôn, nôn… Các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm khi dùng thuốc giãn mạch hoặc thuốc giảm đau thông thường. 

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim cấp là do các mô cơ tim không được cung cấp oxy và dưỡng chất xuất phát từ sự thiếu hụt của dòng máu nuôi dưỡng tim. Tim cũng giống như các cơ quan khác trong cơ thể, cũng cần được nhận máu để nuôi dưỡng và hoạt động. Trong đó, động mạch chính đảm nhận nhiệm vụ nuôi dưỡng cơ tim là động mạch vành. Khi dòng máu qua động mạch vành giảm sút đột ngột trong một thời gian nhất định vì bất kỳ một lý do nào đó thì các tế bào cơ tim sẽ bị thiếu oxy và dưỡng chất, dẫn đến hoại tử và gây ra bệnh nhồi máu cơ tim cấp tính.

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp là do tắc nghẽn động mạch vành làm gián đoạn lưu thông máu đến tim
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp là do tắc nghẽn động mạch vành làm gián đoạn lưu thông máu đến tim

Các nguyên nhân gây giảm sút lưu lượng máu qua động mạch vành thường là do huyết khối hình thành từ vị trí khác di chuyển đến động mạch vành gây thuyên tắc, do mảng xơ vữa trong lòng mạch gây hẹp lòng động mạch hoặc do co thắt động mạch vành, bóc tách động mạch chủ, động mạch bị dị dạng bẩm sinh… Trong đó, xơ vữa động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp.

Các mảng xơ vữa hình thành trong lòng mạch gây hẹp lòng động mạch, khiến lượng máu nuôi dưỡng cơ tim bị giảm sút từ từ gây ra các cơn thiếu máu cơ tim cục bộ. Nhồi máu cơ tim chỉ xảy ra khi mảng xơ vữa nứt hoặc vỡ ra khỏi thành mạch, tạo điều kiện cho các tiểu cầu, hồng cầu bám dính lên hình thành nên các cục máu đông gây tắc mạch hoàn toàn. Nguyên nhân hình thành nên các cục máu đông thường do:

  • U nhầy, huyết khối thành tim
  • Bệnh lý viêm mạch máu, bệnh lý tăng đông
  • Van tim nhân tạo, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
  • Do chế độ ăn thiếu lành mạnh, nhiều cholesterol
  • Do tuổi già, hút thuốc, uống rượu bia
  • Do lười vận động, tập thể dục, béo phì, chu vi vòng eo lớn
  • Do tăng huyết áp, bệnh suy giáp, bệnh thận mạn, tiểu đường

Điều gì xảy ra sau khi bị nhồi máu cơ tim?

Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch đặc biệt nguy hiểm, cần được cấp cứu và điều trị kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong và hạn chế biến chứng. Khi bị nhồi máu cơ tim, các tế bào tim không được cung cấp dưỡng chất, oxy sẽ bị tổn thương, không có khả năng phân chia nên không thể phục hồi được. Những vùng xung quanh nếu không bị tổn thương hoặc chưa chết sẽ có thể phục hồi nếu được can thiệp đúng lúc, cung cấp đủ oxy kết hợp với quá trình rèn luyện sau cơn nhồi máu của người bệnh. 

Tình trạng hoại tử càng ít thì ảnh hưởng của bệnh đến hoạt động của tim càng ít. Nếu vùng tổn thương lớn, chức năng tim sẽ suy giảm đáng kể, lâu ngày có thể dẫn đến suy tim và các biến chứng nguy hiểm khác. Sau cơn nhồi máu cơ tim, khi đã được cấp cứu kịp thời thì không có nghĩa là bệnh nhân đã an toàn. Trong vòng 3 tuần kể từ sau khi cơn nhồi máu khởi phát, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ đột tử cực kỳ cao. Các biến chứng thường gặp sau khi bị nhồi máu cơ tim có thể kể đến như:

  • Đột tử: Là tình trạng nguy hiểm nhất, hay xảy ra sau khi phát bệnh hoặc trong vòng 3 tuần sau cơn nhồi máu cơ tim khởi phát. Người bệnh cần được chăm sóc cẩn thận và theo dõi chặt chẽ để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này. 
  • Biến chứng sớm: Các biến chứng sớm có thể xảy ra thường là rối loạn nhịp tim, suy tim cấp, thiếu máu đến tim. Nếu nghiêm trọng có thể gây tai biến do cục máu đông di chuyển đến vị trí khác, vỡ tim khiến máu tràn ra ngoài gây trụy tim và tử vong…
  • Biến chứng muộn: Các biến chứng muộn cũng có thể xảy đến cho người bị nhồi máu cơ tim có thể kể đến như đau dây thần kinh, viêm màng tim, suy tim do chức năng tim bị ảnh hưởng, vách tim phình to… 

Được biết, sau khi bị nhồi máu cơ tim, dù được cứu sống, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát cao, có khoảng 13% nam giới và 40% nữ giới tái phát căn bệnh này trong vòng 5 năm sau khi cơn nhồi máu đầu tiên xuất hiện. Theo thống kê của Thư viện Y khoa Hoa Kỳ, tỷ lệ sống ở người bị nhồi máu cơ tim như sau:

  • Đối với nam giới: 80% các trường hợp sống được trên 1 năm; 61.6% các trường hợp sống được trên 5 năm và có khoảng 46.2% các trường hợp được cứu sống sống được trên 10 năm. 
  • Đối với nữ giới: Được biết, tỷ lệ tử vong sớm ở phụ nữ sau khi khởi phát cơn đột quỵ cao hơn so với nam giới khoảng 45%. 

Để gia tăng khả năng sống sót và tuổi thọ sau khi bị nhồi máu cơ tim, người bệnh cần được sơ cứu và được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Sau khi được cấp cứu thoát khỏi cơn nguy hiểm thì cần nghỉ ngơi, điều trị theo chỉ định của bác sĩ kết hợp cùng lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học. Bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ theo đơn thuốc, thời gian uống thuốc, không tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều dùng. Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường phải nhanh chóng thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời. 

Đối tượng dễ bị nhồi máu cơ tim cấp

Nhồi máu cơ tim là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, thuộc nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu trên thế giới. Nếu có thể sống sót sau cơn nhồi máu cơ tim thì những tổn thương để lại cũng hết sức nghiêm trọng. Trong điều trị nhồi máu cơ tim, nếu bệnh nhân được phát hiện và cấp cứu kịp thời thì tỷ lệ sống sẽ cao hơn. Hơn nữa, theo các chuyên gia, thời gian vàng để điều trị cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim là trong 2 – 4h đầu khi bệnh khởi phát. Nếu muộn hơn, cơ tim dễ bị hủy hoại hoàn toàn gây nguy cơ tử vong cao.

Nhồi máu cơ tim hay xuất hiện ở nam giới, người lớn tuổi, người thường xuyên hút thuốc lá uống rượu bia
Nhồi máu cơ tim hay xuất hiện ở nam giới, người lớn tuổi, người thường xuyên hút thuốc lá uống rượu bia

Do đó, chúng ta cần nắm được các yếu dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim như xuất hiện cơn đau thắt ngực, đột nhiên thấy mệt mỏi, lo lắng, vã mồ hôi, choáng váng, buồn nôn hoặc nôn… Nhồi máu cơ tim cấp tính có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào nhưng có nguy cơ cao ở những người có các đặc điểm sau:

  • Nam giới 
  • Người trên 55 tuổi
  • Lười vận động, ít tập thể dục thể thao
  • Thừa cân, béo phì, chu vi vòng eo lớn
  • Hút thuốc lá thường xuyên
  • Tăng cholesterol máu
  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học, lành mạnh
  • Gia đình có người từng mắc bệnh động mạch vành, bệnh tim mạch, từng bị nhồi máu cơ tim
  • Người mắc các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh lý tăng đông máu, tăng huyết áp
  • Người hay bị áp lực công việc, cuộc sống, hay stress lo nghĩ nhiều, người mắc chứng trầm cảm, cô lập xã hội… 

Hiện nay, độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim và các bệnh lý về tim mạch đang dần có xu hướng trẻ hóa, có thể xuất hiện ở người trẻ và rất trẻ. Nguyên nhân là do lối sống thiếu lành mạnh, chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa, nhiều muối, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, thường xuyên thức khuya, áp lực cuộc sống nhiều… Đặc biệt, các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp ở người trẻ có tỷ lệ tử vong cao do chủ quan, không nghĩ là mình mắc căn bệnh này, chỉ nghĩ là do mệt mỏi thông thường mà không sớm thăm khám, điều trị. 

Chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim cấp

Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cần được chẩn đoán nhanh chóng để kịp thời đưa ra hướng điều trị phù hợp. Như đã đề cập, trong điều trị căn bệnh này, thời gian tốt nhân để nâng cao tỷ lệ sống, giảm thiểu di chứng là từ 2 – 4h đầu tiên khi bệnh khởi phát. Nếu chậm trễ trong khâu chẩn đoán, điều trị không đúng phương pháp thì sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân.

Phương pháp chẩn đoán

Bệnh nhân sau khi được đưa đến bệnh viện sẽ được kiểm tra xem xét cẩn thận, nhanh chóng các triệu chứng. Nếu cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện nhanh các xét nghiệm phù hợp. Thường là:

  • Điện tâm đồ (ECG): Nhằm theo dõi nhịp tim và phát hiện các vấn đề bất thường của mạch đập. Khi đo điện tâm đồ, ST chênh lên và sóng T thay đổi là biểu hiện đặc trưng của nhồi máu cơ tim, nếu có sự xuất hiện của sóng Q thì chứng tỏ lúc này cơ tim tại vùng thiếu máu đã bị hoại tử và tạo sẹo.
  • Xét nghiệm sinh hóa: là xét nghiệm công thức máu để xác định thành phần máu, đặc biệt là chỉ số cholesterol xấu, nguyên nhân chính hình thành nên cục máu đông để có phương án điều trị phù hợp.
  • Định lượng men tim: Trong định lượng men tim, khi có sự gia tăng của troponin I, troponin T, CKMB thì chứng tỏ cơ tim đã bị tổn thương
  • Chụp động mạch vành: Thông qua hình ảnh thu được, các bác sĩ sẽ xác định được chính xác vị trí tắc nghẽn và đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời. Đây được xem là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất, góp phần tăng hiệu quả và độ chính xác cho việc điều trị. 

Tùy vào tình trạng bệnh, kết quả thu được từ các xét nghiệm và các ý kiến hội chẩn mà bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác về tình trạng của bệnh nhân. Thông qua bệnh án, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp nhất định. Nhồi máu cơ tim cấp có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, tùy vào nguyên nhân, loại bệnh và vị trí tổn thương mà đưa ra hướng điều trị phù hợp. 

Phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim cấp

Theo các chuyên gia tim mạch, điều trị nhồi máu cơ tim cấp là một siêu cấp cứu, rất phức tạp, cần có sự hỗ trợ của nhiều thiết bị y tế chuyên dụng. Do đó, người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất. Thông thường, bệnh nhân sẽ được điều trị như sau:

Điều trị ban đầu

Khi thấy có người bị nhồi máu cơ tim, chúng ta nên nhanh chóng để bệnh nhân ngồi hoặc nằm nửa ngồi ở mặt phẳng nghiêng góc 75 độ tại nơi thoáng khí. Sau đó nhanh chóng nới lỏng cà vạt, cổ áo, thắt lưng, nhắc nhở người bệnh hít sâu thở chậm. Nhanh chóng gọi 115 hoặc đường dây nóng của các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch gần đó hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất bằng taxi hoặc xe cá nhân.

Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp cần được cứu cấp nhanh chóng và kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong cùng biến chứng
Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp cần được cứu cấp nhanh chóng và kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong cùng biến chứng

Sau khi đến cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được điều trị ban đầu như sau:

  • Bệnh nhân cần được nằm bất động tại giường, thở oxy và được cho sử dụng một số loại thuốc cần thiết. Thường là các thuốc như thuốc giảm đau, Nitroglycerin, thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, thuốc chống đông, thuốc chẹn beta giao cảm.
  • Trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp nặng thì cần đặt nội khí quản, cho thở máy, tiếp đó sẽ tiến hành điều trị bằng các biện pháp chuyên sâu như tiêu huyết khối, phẫu thuật, can thiệp động mạch vành qua da… 

Điều trị tái tưới máu

Sau khi được ổn định với các biện pháp sơ cứu ban đầu, người bệnh sẽ được điều trị bằng can thiệp chuyên sâu để tái tưới máu. Thường là:

  • Can thiệp động mạch vành (đặt stent, nong): Biện pháp này chỉ được chỉ định ở bệnh nhân có chống chỉ định của thuốc tiêu huyết khối, bị rối loạn nhịp tim, sốc tim hoặc can thiệp khi dùng thuốc tiêu huyết khối nhưng thất bại. Việc can thiệp động mạch vành cần kết hợp với các thuốc như Aspirin, thuốc ức chế thụ thể GP IIb/IIa, heparin… Đặt stent mạch vành, nong mạch sẽ giúp khai thông động mạch vành bị tắc nghẽn, từ đó giúp hồi phục lưu lượng máu nuôi dưỡng cơ tim nhanh chóng, hạn chế nguy cơ tử vong và biến chứng. Phương pháp này có tỷ lệ thành công cao, phải được thực hiện bởi những bác sĩ giàu kinh nghiệm, tay nghề cao. 
  • Phẫu thuật làm cầu nối chủ – vành: Được chỉ định cho trường hợp bệnh nhân có động mạch vành không thích hợp can thiệp, dùng thuốc tiêu huyết khối nhưng thất bại, hoặc can thiệp động mạch vành thất bại hay bệnh nhân có biến chứng cơ học… Phương pháp này được đánh giá cao về hiệu quả trong điều trị hẹp động mạch vành. ở phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng đoạn tĩnh mạch hoặc động mạch ở vị trí khác để ghép và tạo một chiếc cầu nối vượt qua đoạn động mạch bị hẹp. 

Biện pháp phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim cấp

Để ngăn ngừa sự xuất hiện và nguy cơ tái phát căn bệnh này, chúng ta có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa sau đây: 

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, nên đa dạng các loại thực phẩm sử dụng, tăng cường ăn nhiều hải sản, rau xanh, trái cây, tích cực bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể
  • Nên ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa, được chế biến ở dạng hấp, hầm, luộc, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều muối, tốt nhất chỉ nên ăn 5g muối/ngày
  • Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao, với người đã từng bị nhồi máu cơ tim thì nên luyện tập theo hướng dẫn của thầy thuốc, cần lắng nghe bản thân mình và tự tập luyện ở mức độ vừa phải, không nên gắng sức để tránh ảnh hưởng sức khỏe
  • Nên xây dựng lối sống lành mạnh, bỏ hút thuốc, bỏ rượu bia, chất kích thích, theo dõi cân nặng thường xuyên, cố gắng giảm cân, kiểm soát cân nặng với người thừa cân, kiểm soát huyết áp
  • Sống lạc quan, vui vẻ, tránh stress, căng thẳng mệt mỏi, hình thành tâm lý lạc quan, dũng cảm khi sống chung với trái tim có bệnh nhồi máu cơ tim.. 
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc ngay khi có các triệu chứng bất thường.

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong của bệnh là đặc biệt cao. Các triệu chứng của căn bệnh này xảy ra vô cùng đột ngột, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, ngay khi cơ thể có các triệu chứng bất thường, đặc biệt như đau tức ngực, người hay choáng váng, mệt mỏi, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Ép tim ngoài lồng ngực cần được thực hiện với trường hợp bệnh nhân bị ngưng tim Cách Sơ Cứu Người Bị Nhồi Máu Cơ Tim Cấp Tốc Tại Chỗ
Sơ cứu đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ sống sót, hạn chế nguy cơ tử vong và di chứng cho người…
Nhồi máu cơ tim thành dưới là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Bệnh nhồi máu cơ tim thành dưới là bệnh lý thường gặp ở những người có tiền sử bị cao…

Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý xảy ra đột ngột với mức độ tổn thương gây ra vô cùng nghiêm trọng Nhồi Máu Cơ Tim Cấp: Biểu hiện, Cách Chẩn đoán và Chữa trị

Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý nguy hiểm, xảy ra đột ngột, có tỷ lệ tử vong cao.…

Có khoảng 71% phụ nữ cảm thất mệt mỏi bất thường trước khi xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim 1 tháng 9 Dấu Hiệu Nhồi Máu Cơ Tim Ở Phụ Nữ Cần Biết Để Điều Trị

Theo thống kê, tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim ở nam giới cao hơn nhiều so với nữ giới,…

Nhồi máu cơ tim và đột quỵ thường dễ bị nhầm lẫn với nhau Nhồi Máu Cơ Tim và Đột Quỵ: Có Sự Khác Nhau Thế Nào?

Nhồi máu cơ tim và đột quỵ não đều là những bệnh lý gây nguy cơ tử vong và tàn…

Độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim ngày càng có xu hướng trẻ hóa Nhồi Máu Cơ Tim Ở Người Trẻ: Nguyên Nhân Là Từ Đâu?

Nhồi máu cơ tim trước đây là căn bệnh thường gặp ở người trung niên, cao tuổi, người hay hút…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua