Cách Sơ Cứu Người Bị Nhồi Máu Cơ Tim Cấp Tốc Tại Chỗ
Sơ cứu đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ sống sót, hạn chế nguy cơ tử vong và di chứng cho người bị nhồi máu cơ tim. Rất nhiều các trường hợp tử vong do không được sơ cứu cấp cứu kịp thời. Nếu bạn chưa biết cách sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim cấp tốc, chuẩn xác tại chỗ thì đừng bỏ qua những thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây.
Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là căn bệnh có các triệu chứng xuất hiện vô cùng đột ngột, nguy hiểm, mang tính cấp bách cao, người bệnh cần được sơ cứu, cấp cứu kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong và biến chứng. Để cứu thời tự cứu lấy chính mình, giúp đỡ người thân, người xung quanh chúng ta cần sớm nắm được các dấu hiệu nhận biết căn bệnh này để có cách xử lý phù hợp.
Được biết, chỉ sau 30 phút khi các triệu chứng nhồi máu cơ tim xuất hiện, các tế bào cơ tim bắt đầu tổn thương và có nguy cơ không thể hồi phục, gây sẹo vĩnh viễn. Thời gian điều trị tốt nhất là 2 – 4 tiếng kể từ khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện. Sơ cứu ban đầu đúng cách và kịp thời giúp bệnh nhân tiếp cận với cơ sở y tế chuyên môn để được điều trị sớm, được đánh giá là có ý nghĩa sống còn với người bệnh.
Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể bị nhầm lẫn với đột quỵ, cơn đau thắt ngực ổn định. Tuy nhiên, với mỗi bệnh lý, chúng ta thường có cách xử lý khác nhau, việc nắm được triệu chứng bệnh điển hình sẽ giúp chúng ta tránh gặp phải tình trạng này. Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể kể đến như:
- Triệu chứng điển hình: Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình, đặc trưng nhất ở người bệnh nhồi máu cơ tim (NMCT). Khi cơn NMCT xuất hiện, tùy vào nguyên nhân, vị trí bệnh mà các triệu chứng ở mỗi người sẽ không giống nhau. Một số trường hợp chỉ có cảm giác nóng rát thượng vị, hơi đau nhẹ ở vùng ngực. Một số trường hợp khác thường có cảm giác đau như bị dao đâm, như bị bóp nghẹt phía sau xương ức. Cơn đau có thể xuất hiện ở một vị trí hoặc lan tỏa lên vai, hàm dưới, đến mặt trong của vai trái lan xuống các ngón tay, đặc biệt là ngón đeo nhẫn và ngón áp út. Đặc biệt, nếu người bệnh là người già, người mới trải qua phẫu thuật, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường thì sẽ thường ít có cảm giác đau.
- Triệu chứng khác: Bên cạnh cảm giác đau thắt ngực, đôi khi người bệnh có thể gặp phải thêm một số triệu chứng khác như đánh trống ngực, toát mồ hôi lạnh, tim đập nhanh, buồn nôn hoặc nôn, hồi hộp, khó thở, mạch yếu, rối loạn tiêu hóa, bồn chồn khó chịu, choáng váng…
Cách sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim cấp tốc, chuẩn xác
Sơ cứu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ tử vong ở người bị NMCT. Cơn nhồi máu cơ tim đến vô cùng đột ngột, nếu thấy người bệnh có biểu hiện đau thắt ngực, mạch yếu, toát mồ hôi lạnh, khó thở, tim đập nhanh, người mệt mỏi không còn sức lực… thì nên nhanh chóng tiến hành sơ cứu và đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được cấp cứu càng sớm càng tốt.
Sau đây là cách sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim cấp tốc mà bạn có thể tham khảo:
Trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo
Nếu bạn là người nhà của bệnh nhân hoặc chỉ là người xung quanh, khi thấy có người có dấu hiệu NMCT, nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, hãy bình tĩnh và xử lý theo các bước sau đây:
- Ngay lập tức gọi cấp cứu 115 thông báo có người bị nhồi máu cơ tim hoặc gọi đến hotline của bệnh viện uy tín gần đó. Trường hợp cấp bách thì có thể nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng taxi, xe tư nhân.
- Trong thời gian chờ xe, bạn đặt người bệnh ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, nếu ở bên ngoài, có thể cho bệnh nhân tựa vào ghế hoặc gốc cây, xung quanh cần thoáng đãng, thông khí để giúp bệnh nhân hít thở dễ dàng hơn
- Nhanh chóng, nới lỏng quần áo, cởi bớt áo khoác ngoài, nới thắt lưng, và cà vạt, nút áo… để giúp người bệnh thoải mái hơn
- Trấn an bệnh nhân, nhắc nhở người bệnh hít thở nhẹ nhàng, cố gắng duy trì hơi thở chậm rãi, đều đặn, thả lỏng toàn thân, đặc biệt là vai, cánh tay. Bệnh nhân có thể nhắm mắt, không nên cố thở bằng miệng, nên hít thở bằng mũi và duy trì trạng thái tỉnh táo cho đến khi xe cấp cứu đến.
- Trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tim mạch và có sẵn thuốc bên người, có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc ngậm dưới lưỡi nitrate, nếu đau hoặc tức ngực thì xịt dưới lưỡi với Nitroglycerin dạng xịt 2 lần.
- Trường hợp bệnh nhân có sẵn thuốc Aspirin thì có thể cho bệnh nhân uống 1 viên dạng sủi hoặc nhai một viên aspirin 300mg để ngăn ngừa cục máu đông.
Với những bệnh nhân NMCT còn tỉnh táo, tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngồi nghỉ cho đến khi khỏe lại. Người bệnh cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời. Trong điều trị NMCT, thời gian chính là vàng, bệnh nhân càng được tiếp cận y tế sớm thì nguy cơ tử vong và di chứng sẽ càng thấp. Nếu trì hoãn, chậm chí đến trễ sau 4 – 6 tiếng khi các triệu chứng bệnh xuất hiện thì hiệu quả điều trị là cực kỳ thấp, nguy cơ tử vong là vô cùng cao.
Trường hợp bệnh nhân đã bất tỉnh
Có rất nhiều trường hợp người bệnh sau khi khởi phát cơn NMCT không còn tỉnh táo mà đột ngột ngất đi. Tình huống này tương đối nguy hiểm, người bệnh cần được sơ cứu, cấp cứu kịp thời để gia tăng tỷ lệ sống sót. Nếu người bệnh đã bất tỉnh, chúng ta cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu càng sớm càng tốt, tùy vào tình trạng mà áp dụng biện pháp sơ cứu phù hợp. Các biện pháp này là:
Ép tim ngoài lồng ngực
Còn được gọi là hồi sinh tim phổi – CPR, được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân bất tỉnh, ngưng tim. Phương pháp này cần được thực hiện càng sớm càng tốt, nếu sau 10 phút ngưng tim mà chưa được sơ cứu, cấp cứu thì tỷ lệ sống sót của người bệnh là vô cùng nhỏ bé. Theo các chuyên gia, đối với bệnh nhân ngưng tim, cứ mỗi 1 phút chậm trễ thì bệnh nhân lại mất đi 10% cơ hội được cứu sống.
Ép tim ngoài lông ngực không đòi hỏi kỹ thuật khó hay phức tạp, chỉ cần có hiểu biết về phương pháp này, bạn nên nhanh chóng áp dụng để sơ cứu cho người bệnh trong thời gian chờ xe cấp cứu. Cách thực hiện như sau:
- Đặt bệnh nhân nằm ngửa, nhớ đặt ở mặt phẳng cứng như nằm trên mặt đất, sàn nhà bằng phẳng là tốt nhất
- Kiểm tra xem có chất nôn ói hay có dị vật bất thường trong mũi, miệng bệnh nhân hay không, nếu có thì dùng tay móc sạch ra, để bệnh nhân ngửa cổ cho đường thở thông thoáng. Trường hợp bệnh nhân có nôn ói thì nghiêng đầu bệnh nhân sang một bên nhằm tránh tình trạng chất nôn bị bệnh nhân hít phải gây sặc vào phổi
- Người thực hiện cần quỳ gối gần bệnh nhân, sau đó chồng 2 tay lên nhau, đặt lên vị trí tim của người bệnh (giữa xương ức, khoảng giữa 2 vú) rồi dùng lực của hai cánh tay ép mạnh xuống khoảng 2/3 độ sâu của lồng ngực, tức là ép xuống khoảng 3 – 5cm rồi nới lỏng.
- Liên tục lặp đi lặp lại thao tác này 60 – 100 lần/phút để thúc đẩy co bóp tim, kích thích tim hoạt động trở lại cho đến khi xe cấp cứu đến hoặc đến khi tiếp cận được bác sĩ (nếu đưa bệnh nhân đi cấp cứu với xe taxi, tư nhân).
Theo các bác sĩ, sơ cứu ngưng tim với động tác ép tim đúng cách, đúng kỹ thuật đóng vai trò vô cùng trong việc gia tăng tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân NMCT. Người bệnh cần được sơ cứu kịp thời cho đến khi nhân viên y tế đến hỗ trợ hoặc khi tiếp cận được với cơ sở y tế. Nếu không sơ cứu, nguy cơ tử vong ở bệnh nhân NMCT bị ngưng tim là vô cùng cao, nếu có thể sống sót thì khả năng phải đối mặt với rất nhiều biến chứng nguy hiểm cũng không hề nhỏ.
Hô hấp nhân tạo
Hô hấp nhân tạo là biện pháp sơ cứu đối với bệnh nhân khó thở, ngừng thở nhằm hỗ trợ thở cho bệnh nhân. Tình trạng ngưng thở nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ra thiếu oxy trong máu và tế bào dẫn đến chết tế bào. Hô hấp nhân tạo là cấp cứu vô cùng khẩn cấp, cần được thực hiện nhanh chóng để cứu sống người bệnh.
Cách thực hiện như sau:
- Bệnh nhân cần được đặt nằm ngửa, người sơ cứu quỳ ngay bên cạnh, sát vai của bệnh nhân. Nên đặt một chiếc áo mềm hoặc một chiếc gối ở dưới gáy của người bệnh cho phần đầu hơi ngửa ra sau
- Làm sạch và thông thoáng miệng mũi của bệnh nhân, nên dùng một ngón tay cuốn vải sạch lau hết đờm, dãi, chất nôn, lấy dị vị ra trước khi tiến hành hô hấp nhân tạo
- Nếu có sẵn một miếng gạc mỏng thì dùng gạc đặt lên miệng bệnh nhân, nếu không thì có thể thổi trực tiếp vào miệng người bệnh cũng được.
- Sau đó, người cấp cứu dùng một tay để bóp kín mũi bệnh nhân, tay kia đẩy mạnh cằm nhằm mở cho miệng người bệnh hé ra
- Hít một hơi thật mạnh, tiếp đó áp miệng mình vào sát miệng người bệnh và thổi một hơi thật mạnh vào, thổi liên tục 2 hơi, nếu thấy ngực người bệnh phồng lên tức là thực hiện đúng động tác
- Sau khi ngực người bệnh tự xẹp xuống bạn lại tiến hành thổi tiếp, thực hiện lặp đi lặp lại theo nhịp độ, với người lớn nên tiến hành khoảng 15 – 20 lần/phút.
Bên cạnh đó, có thể sơ cứu cho người bệnh bằng cách thổi vào mũi, chỉ thực hiện cách này khi bệnh nhân ngừng thở nhưng tim còn đập. Đây cũng là phương pháp sơ cứu có ý nghĩa quan trọng với sự sống còn của bệnh nhân nhồi máu cơ tim bị khó thở, ngưng thở. Cần được tiến hành khẩn cấp, nhanh chóng để giúp bệnh nhân gia tăng tỷ lệ sống sót cho đến khi tiếp cận được với nhân viên y tế.
Cách sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim khi bạn là bệnh nhân
Trường hợp bạn bị nhồi máu cơ tim nhưng vẫn còn tỉnh táo, bên cạnh không có người hỗ trợ hoặc có người nhưng không thể hỗ trợ được. Cách tốt nhất chúng ta có thể làm chính là tự cứu lấy chính mình. Nếu bạn là bệnh nhân và có dấu hiệu nhồi máu cơ tim, có thể tham khảo cách sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim cho chính bệnh nhân sau đây:
- Ngưng tất cả mọi hoạt động ngay lập tức: Dù bạn đang làm gì cũng nên ngừng ngay, từ từ ngồi xuống hoặc nằm ở tư thế nửa ngồi nửa nằm ở nơi có thể tựa lưng hoặc tựa đầu được.
- Nhanh chóng liên hệ cấp cứu: Gọi 115 ngay lập tức hoặc gọi cho người thân, bạn bè, người xung quanh ở gần nhất có thể. Nếu không thì có thể gọi hotline của bệnh viện gần nhất hoặc gọi taxi ở ngay gần đó, tuyệt đối không tự lái xe đến bệnh viện, rất nguy hiểm.
- Nới lỏng quần áo để dễ thở hơn: Tiếp đó, bạn cố gắng cởi bỏ áo khoác, nới lỏng thắt lưng, nút áo, cà vạt, khăn đeo trên người để giảm bớt mệt mỏi, khó thở.
- Giữ bình tĩnh, hít thở đều đặn: Không nên cố gắng ngưng thở để đỡ mệt tim, bạn nên tự trấn tĩnh bản thân, cố gắng hít thở điều độ, thở chậm rãi, không nên cố hít sâu. Người bị nhồi máu cơ tim thường có xu hướng mất tĩnh tĩnh, tuy nhiên, để xử lý tình huống một cách tốt nhất, bạn nên cố gắng giữ bình tĩnh, vượt qua nỗi sợ hãi để tránh làm tình trạng thiếu máu tim trở nên nghiêm trọng hơn.
- Dùng thuốc: Trường hợp bạn là người mắc bệnh lý tim mạch và đã được kê thuốc từ trước, nếu có Aspirin hoặc Nitroglycerin bên người thì hãy sử dụng ngay. Với Nitroglycerin, bạn có thể xịt hoặc ngậm dưới lưỡi 2 lần; với Aspirin, có thể dùng dạng viên sủi 300mg hoặc nhai luôn trong thời gian đợi xe cấp cứu. Trường hợp không được kê đơn 2 loại thuốc này thì tuyệt đối không được tự uống, tự mua để dùng sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe.
Một số lưu ý khi sơ cứu cho người bị nhồi máu cơ tim
Có thể thấy, sơ cứu cho người bị nhồi máu cơ tim đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ sống sót cho người bệnh. Đặc biệt là đối với trường hợp bệnh nhân bị ngưng thở hoặc ngưng tim, nếu không được sơ cứu kịp thời, chỉ sau 10 – 20 phút, tỷ lệ sống sót ở những bệnh nhân này là vô cùng thấp. Khi sơ cứu cho người bị nhồi máu cơ tim hoặc khi bị nhồi máu cơ tim, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ là nhồi máu cơ tim, dù là cảm giác đau thắt ngực nhẹ kèm theo một số triệu chứng không quá nghiêm trọng, bạn cũng cần nhanh chóng đến ngay cơ sơ y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.
- Nhồi máu cơ tim không phải chỉ đau thắt ngực nghiêm trọng thì mới cần cấp cứu mà ngay cả khi không có triệu chứng điển hình cũng cần được tiếp cận với cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời. Các triệu chứng, mức độ bệnh rất đa dạng, chúng ta không nên chủ quan bỏ lỡ thời gian vàng để xử lý, điều trị căn bệnh này.
- Các triệu chứng của bệnh xuất hiện vô cùng đột ngột. Trước đây, đây là căn bệnh hay gặp ở người già, tuy nhiên hiện nay, độ tuổi mắc NMCT đang dần trẻ hóa. Các trường hợp tử vong do NMCT thường xảy ra nhiều ở người trẻ, do chủ quan không nghĩ rằng mình bị NMCT dẫn đến không kịp thời cấp cứu, bỏ lỡ thời gian vàng cứu chữa của bệnh.
- Đối với người có sức khỏe bình thường, để phòng ngừa NMCT, tốt nhất chúng ta nên thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát và sớm điều trị các bệnh lý tim mạch để ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Trên đây là cách sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim khẩn cấp, chi tiết theo hướng dẫn của các bác sĩ, chuyên gia y tế mà bạn có thể tham khảo. Nhồi máu cơ tim là bệnh lý có nguy cơ tử vong cao, hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn nắm được cách xử lý phù hợp khi bản thân hoặc người thân, người xung quanh gặp phải tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm:
- Nhồi máu cơ tim: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị
- Nhồi máu cơ tim cấp: Biểu hiện, cách chẩn đoán và chữa trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!