Nhồi Máu Cơ Tim Block Nhánh Phải Là Gì? Điều Trị Thế Nào?
Nhồi máu cơ tim block nhánh phải là tình trạng không hiếm gặp, hay xảy ra, được đánh giá là không nguy hiểm bằng nhồi máu cơ tim kèm theo block nhánh trái. Tuy nhiên, nhồi máu cơ tim kèm them block nhánh phải cũng vô cùng nguy hiểm, có thể khiến người bệnh dễ đột tử nếu không được kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Nhồi máu cơ tim block nhánh phải là gì?
Nhồi máu cơ tim (NMCT) là bệnh lý nguy hiểm, xảy ra khi một hoặc nhiều nhánh động mạch vành cung cấp máu nuôi dưỡng cơ tim bị hẹp, tắc nghẽn đột ngột làm gián đoạn lưu thông máu đến tim, khiến cơ tim không được cung cấp đủ lượng oxy và dưỡng chất cần thiết, dẫn đến cơ tim bị tổn thương, hoại tử. Nhồi máu cơ tim thường gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, gây nguy cơ tử vong cao, cần được kịp thời cấp cứu để tăng tỷ lệ sống sót.
Nhồi máu cơ tim có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, tùy vào vùng tổn thương mà người ta phân thành nhiều dạng. Thường là nhồi máu vách trước, nhồi máu thành trước – bên, nhồi máu sau – dưới, nhồi máu cơ tim dưới nội tâm mạc, thất trái và nhồi máu có thêm block nhánh.
Trong đó, NMCT có thêm block nhánh phải là tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ do thiểu năng vành, trường hợp này có thể khiến một nhánh bó His bên phải bị kém nuôi dưỡng, dẫn đến tình trạng block nhánh. Theo các chuyên gia, những dấu hiệu của NMCT block nhánh thường tương đối giống, phối hợp cùng các dấu hiệu cơ bản của nhồi máu cơ tim.
NMCT block nhánh phải tức là tình trạng nhồi máu cơ tim có đi kèm với block nhánh phải. Hai tình trạng này có liên quan mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Tức là, NMCT có thể gây block nhánh phải, ngược lại, block nhánh phải cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tim mạch, nếu xuất hiện cùng nhồi máu cơ tim sẽ gây nguy cơ đe dọa tính mạng.
NMCT block nhánh phải thường được phát hiện trên điện tâm đồ, trong đó, block nhánh phải là một tình trạng lành tính nhưng cũng là yếu tố dự báo tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân. Về mặt giải phẫu, bó His phân chia thành nhánh bên phải và bên trái. Block nhánh phải là tình trạng gián đoạn xung động điện truyền ở vị trí bên phải của tim, khiến đường truyền bị chậm hoặc bị cắt đứt trong khi phía bên trái vẫn hoạt động bình thường. Điều này làm 2 bên tim co bóp không đồng thời.
Block nhánh phải được chia thành 2 dạng là block nhánh phải không hoàn toàn và hoàn toàn. Nếu chỉ xảy ra độc lập thì không nghiêm trọng nhưng nếu block nhánh phải xảy ra đồng thời hoặc sau cơn nhồi máu cơ tim sẽ khiến nhịp tim tăng giảm bất thường, cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong tại chỗ.
Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây bệnh
Trường hợp block nhánh phải xảy ra ở người khỏe mạnh sẽ được coi là lành tính, không quá nguy hiểm và không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh xảy ra ở người mắc bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, bệnh van tim, thông liên thất, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, do tổn thương tâm thất phải gây ra block nhánh phải thì sẽ rất nguy hiểm.
Nếu tình trạng này xảy ra đồng thời hoặc sau cơn nhồi máu cơ tim, các dấu hiệu của NMCT và block nhánh phải thường sẽ phối hợp với nhau, khó phát hiện.
Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim block nhánh phải
Các triệu chứng nhận biết block nhánh phải cơ bản có thể kể đến như:
- Tim đập chậm, nhịp tim không đều: Có khi giảm xuống còn 40 nhịp/phút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng bơm máu của tim.
- Người mệt mỏi, choáng váng, mất thăng bằng: Do chức năng bơm máu của tim bị ảnh hưởng, dẫn đến lượng máu đến các cơ quan khác của cơ thể, đặc biệt là não bị giảm sút khiến người bệnh hay choáng váng, mệt mỏi, hay xảy ra ở những người mắc bệnh tim, phổi, suy nút xoang.
- Đánh trống ngực, đau tức ngực: Cũng giống như nhồi máu cơ tim, người bị block nhánh phải sẽ thường xuyên cảm thấy đau thắt ngực, nặng ngực, đánh trống ngực, cảm giác hồi hộp, khó thở, thở mệt.
- Mất sức, sức bền yếu: Ngoài ra, người bị block nhánh phải dễ cảm thấy mệt mỏi, đuối sức, sức bền yếu khi vận động, đặc biệt là khi tập thể dục, thể thao.
Trường hợp NMCT kèm theo block nhánh phải, người bệnh sẽ có các triệu chứng như đau tức ngực, đau như có vật nặng đè ép ngực, cơn đau xuất hiện ở vùng giữa xương ức hoặc chỉ cảm giác hơi nóng rát ở thượng vị. Đau lan lên cổ, lên hàm dưới, vai trái, cánh tay trái, đôi khi lan xuống lưng, bụng.
Bên cạnh đó, người bệnh đôi khi sẽ gặp phải các triệu chứng khác như đổ mồ hôi lạnh, chóng mặt, khó thở, đánh trống ngực, ho, buồn nôn, nôn ói…
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim block nhánh phải
Thông thường, NMCT có thêm block nhánh phải thường xảy ra khi bị thiếu máu cơ tim cục bộ khiến cơ tim tổn thương hoặc hoại tử do thiểu năng vành. Điều này này làm một nhánh bó His phân nhánh bên phải bị kém nuôi dưỡng, từ đó gây ra block nhánh.
Thiểu năng vành là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, cũng là một trong những nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, suy tim… khiến bó his nhánh phải bị block. Có thể hiểu, thiểu năng vành xảy ra do động mạch vành bị chít hẹp hoặc co thắt tạm thời làm giảm đột ngột lượng máu nuôi dưỡng tim, có liên quan đến mảng xơ vữa động mạch.
Trường hợp chỉ có block nhánh phải thì nguyên nhân gây block nhánh phải thường gặp là:
- Do bệnh lý tim mạch: Các bệnh này làm tổn thương hoặc khiến bó nhánh phải bị kéo căng, gây ra tình trạng block nhánh phải. Thường gặp là những bệnh như rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim, tăng huyết áp, bệnh tim bẩm sinh, suy tim phải, viêm cơ tim…
- Do bệnh lý về phổi: Các bệnh lý về phổi cũng có thể là nguyên nhân gây block nhánh phải, thường là những bệnh như thuyên tắc phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
- Nguyên nhân khác: Đôi khi block nhánh phải xảy ra do tăng kali máu quá mức, suy nút xoang do tuổi già hoặc có liên quan đến thủ thuật thông tim.
Trong nghiên cứu chuyên sâu về đường dẫn truyền điện học trong tim, block nhánh phải (RBBB) có thể xảy ra ở những trường hợp mà người bệnh không hề có vấn đề về tim. Đôi khi tình trạng RBBB xảy ra ở trường hợp nhồi máu cơ tim thành trước, là dấu hiệu cảnh báo cho thấy cơ tim đang tổn thương nặng nề, cần có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Block nhánh phải và nhánh trái thường là yếu tố gây lẫn lộn trong nhồi máu cơ tim gây trì hoãn việc điều trị. Được biết, đối với các bác sĩ lâm sàng thì đây chính là một thách thức lớn trong chẩn đoán và điều trị. Việc đưa ra kết luận không chính xác trong tình huống cần được cấp cứu khẩn cấp có thể làm chậm điều trị. Thông thường, để chẩn đoán NMCT block nhánh phải, các bác sĩ sẽ dựa vào điện tâm đồ, xét nghiệm men tim, siêu âm tim tại giường.
Về điều trị, đối với nhồi máu cơ tim ST chênh lệch với trường hợp bệnh nhân được kịp thời đưa đến bệnh viện để cấp cứu (trước 120), bệnh nhân sẽ có thể được can thiệp mạch vành qua da. Thế nhưng, với trường hợp nghi ngờ bệnh nhân bị NMCT có block nhánh phải hoặc trái, tỷ lệ tắc nhánh mạch vành khoảng 40% đồng thời có nguy cơ chảy máu cơ sẽ được ưu tiên can thiệp bằng cách tái tưới máu mạch vành.
Trường hợp bệnh nhân block nhánh phải nặng sau nhồi máu cơ tim, dẫn đến tình trạng nhịp tim chậm, gây nguy cơ tử vong cao thì cần được can thiệp nhanh chóng bằng cách đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Các bước xử lý tiếp theo sẽ tùy vào tình trạng, mức độ nghiêm trọng và vị trí nhồi máu cơ tim cùng block nhánh phải mà đưa ra hướng xử lý phù hợp. Đối với tình trạng này, các bác sĩ thường phải kiểm tra thận trọng cho bệnh nhân để ngăn ngừa tối đa nguy cơ tử vong.
Đối với trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hoặc thuyên tắc phổi mãn tính có block nhánh phải thể nhẹ, bệnh nhân sẽ được xử lý bằng cách tập trung vào kiểm soát các triệu chứng cũng như nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp chỉ bị block nhánh phải, không bị nhồi máu cơ tim, xảy ra ở người khỏe mạnh thì bệnh nhân chưa cần điều trị. Tuy nhiên, cần thăm khám định kỳ 1 – 2 lần/năm để theo dõi tiến triển của bệnh.
Biện pháp phòng ngừa nhồi máu cơ tim block nhánh phải
Block nhánh phải xảy ra ở người khỏe mạnh được đánh giá là lành tính, không nguy hiểm và chưa cần điều trị. Tình trạng này được đánh giá là nguy hiểm khi xuất hiện kèm các bệnh lý về tim mạch hoặc bệnh lý về phổi. Và sẽ đặc biệt nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho quá trình chẩn đoán và điều trị nếu có block nhánh phải hoặc trái xuất hiện cùng hoặc sau cơn nhồi máu cơ tim. Biện pháp phòng ngừa căn bệnh này như sau:
- Thường xuyên theo dõi các triệu chứng bất thường của cơ thể, thăm khám ngay sau khi có các triệu chứng như khó thở, đau tức ngực, ngực như bị vật nặng đè ép, đau như bị dao đâm hoặc chỉ đơn giản là nóng rát trước ngực kèm theo choáng váng, mệt mỏi thường xuyên.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, nên tăng cường ăn nhiều các loại rau xanh trái cây để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất, giảm cholesterol, ngăn ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch và nguy cơ hình thành cục máu đông
- Xây dựng lối sống lành mạnh, nên ngủ đủ giấc, đúng giờ, tăng cường đi lại, vận động để thúc đẩy lưu thông máu, khả năng co bóp của tim bằng cách đi bộ, chạy bộ, đạp xe, tập yoga, dưỡng sinh, thái cực quyền…
- Bỏ các thói quen xấu ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe như thường xuyên ngồi/nằm một chỗ, hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng quá nhiều cà phê, chất kích thích.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm nghèo dinh dưỡng, thiếu lành mạnh như snack, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ muối chua, nước ngọt có gas…
- Hạn chế sử dụng muối, tối đa chỉ nên dùng 5g muối/ngày. Ngoài ra, nên cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh stress, căng thẳng quá mức.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, tốt nhất là 1 – 2 lần/năm để theo dõi sức khỏe tổng quát, sớm phát hiện và điều chỉnh các chỉ số bất thường của cơ thể.
Nhồi máu cơ tim block nhánh phải là tình trạng nguy hiểm, cần được sớm phát hiện và cấp cứu kịp thời vì nó cho thấy cơ tim bị tổn thương nghiêm trọng. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này và có cách phòng ngừa, xử lý phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- Nhồi máu cơ tim nên ăn gì và kiêng gì để cải thiện bệnh tình?
- 9 Dấu Hiệu Nhồi Máu Cơ Tim Ở Phụ Nữ Cần Biết Để Điều Trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!