Bệnh Thiếu Máu Cơ Tim
Thiếu máu cơ tim là bệnh lý tim mạch phổ biến thường xảy ra ở người trưởng thành, người lớn tuổi và đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do biến chứng đột quỵ tim nghiêm trọng do bệnh nhân thiếu hiểu biết về cách xử lý và không được cấp cứu y tế kịp thời.
Tổng quan
Thiếu máu cơ tim (Myocardial ischemia) hay còn gọi là hiện tượng thiếu máu cục bộ tại cơ tim. Đây là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch vành khiến lưu lượng máu đến tim bị suy giảm. Sự tắc nghẽn đột ngột này khiến động mạch vành và hệ thống mạch máu xung quanh tim không có đủ máu chứa oxy và dưỡng chất để nuôi cơ tim, dễ dẫn đến cơn đau tim.
Tình trạng thiếu máu cơ tim thường xảy ra phổ biến ở những người thường xuyên hoạt gắng sức hoặc có tâm lý bất thường (phấn khích hoặc xúc động mạnh). Do những thời điểm này đòi hỏi lượng máu lưu thông đến tim lớn hơn bình thường. Tình trạng thiếu máu cơ tim kéo dài gây tổn thương cơ tim, tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch vành, lên cơn đau tim (nhồi máu cơ tim), rối loạn nhịp tim, suy tim...
Điều trị thiếu máu cơ tim chủ yếu nhằm mục đích cải thiện lưu lượng máu di chuyển đến cơ tim, ngăn chặn tiến triển bệnh và phòng ngừa biến chứng. Đồng thời, bệnh nhân cần có lối sống khoa học và lành mạnh khi điều trị thiếu máu cơ tim, đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng nhằm có một trái tim khỏe mạnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Bản chất của thiếu máu cơ tim là tình trạng giảm dòng máu lưu thông đến các mạch máu dẫn đến động mạch vành (cơ tim). Để xảy ra hiện tượng này, cần có đủ 3 điều kiện sau:
- Xơ vữa động mạch: Hay còn gọi là bệnh động mạch vành là hiện tượng các mảng cholesterol và chất thải tích tụ thành các mảng bám trong thành động mạch tim, làm giảm lưu lượng máu và là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu cơ tim;
- Tụ cục máu đông: Các mảng bám tích tụ trong thành động mạch vỡ ra tạo thành các cục máu đông, gây tắc nghẽn tuần hoàn máu, khiến quá trình mang máu đến nuôi dưỡng cơ tim bị cản trở và gây thiếu máu cơ tim nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân hàng đầu phát sinh cơn đau tim trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim, dẫn đến đột quỵ, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
- Động mạch vành co thắt: Tình trạng co thắt tạm thời nhưng quá mức của các cơ động mạch vành khiến lòng động mạch bị thu hẹp lại, ngăn cản dòng chảy của máu và giảm lưu lượng máu đến cơ tim, gây thiếu máu cơ tim nặng hơn.
Yếu tố nguy cơ
Ngoài 3 điều kiện cơ bản và cũng chính là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim kể trên, còn rất nhiều yếu tố khác làm khởi phát cơn đau thắt ngực và phát sinh bệnh thiếu máu cơ tim. Chẳng hạn như:
- Người vận động gắng sức, có sử dụng các chất gây nghiện, stress quá mức, quan hệ tình dục mạnh bạo hoặc đang tiếp xúc với môi trường lạnh đột ngột dễ khởi phát cơn đau thắt ngực trái;
- Nghiện hút thuốc lá tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim;
- Thừa cân béo phì;
- Ăn uống không khoa học và lười vận động;
- Tiền sử bệnh tật của gia đình;
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý khiến nhu cầu trao đổi chất của tim tăng lên, huyết áp giảm thấp gây thiếu máu cơ tim như:
- Các bệnh nhiễm trùng;
- Tiểu đường;
- Cao huyết áp;
- Bệnh hệ thống;
- Chảy máu hoặc các bệnh có tiến triển ở mức độ nặng...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Hầu hết những bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim trong giai đoạn đầu thường không biểu lộ triệu chứng rõ ràng, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác.
Nhưng dựa trên các thăm khám lâm sàng, một người được công nhận mắc bệnh thiếu máu cơ tim khi cơ thể phát sinh nhiều biểu hiện bất thường lặp đi lặp lại ở ngực. Điển hình như:
- Đau tức vùng ngực, nhất là vùng cửa ngực bên trái;
- Được mô tả như có thứ gì đó đè nặng hoặc bóp nghẹt ở ngực
- Thường xuất hiện khi gắng sức làm việc nặng, thời tiết lạnh, xúc động mạnh hoặc sau quan hệ tình dục;
- Cơn đau có xu hướng thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc Nitroglycerin, nhưng ở giai đoạn nặng thì không tự giảm;
Riêng những bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, phụ nữ hoặc người lớn tuổi thường kèm theo các triệu chứng khác như:
- Cơn đau lan xuống cổ, vai, hàm, cánh tay...;
- Khó thở;
- Đánh trống ngực, tim đập liên hồi, hồi hộp không rõ nguyên nhân;
- Mệt mỏi;
- Buồn nôn, nôn mửa và buồn đại tiện;
- Vã mồ hôi lạnh;
- Hoa mắt, choáng váng;
Chẩn đoán
Nếu chỉ chẩn đoán thiếu máu cơ tim thông qua các triệu chứng lâm sàng thường sẽ không cho kết quả chính xác tuyệt đối. Do đó, sau khi thu thập các triệu chứng và khai thác tiền sử bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh phù hợp để đưa ra kết luận chính xác.
Một số biện pháp chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim phổ biến như:
- Điện tâm đồ (ECG): Đây là biện pháp chẩn đoán bắt buộc đối với các bệnh lý tim mạch, trong đó có thiếu máu cơ tim. Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường trên điện tim, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim. Kết hợp điện tâm đồ gắng sức để chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh mạch vành gây thiếu máu cơ tim.
- Xét nghiệm máu: Đặc trưng của thiếu máu cơ tim là tình trạng rối loạn chuyển hóa. Thông qua xét nghiệm sinh hóa máu, ở bệnh nhân thiếu máu cơ tim sẽ có các thay đổi về chỉ số như đường huyết, men gan, mỡ máu, creatinine máu...
- Chụp động mạch vành: Hình ảnh chi tiết động mạch vành giúp bác sĩ dễ dàng quan sát, đánh giá mức độ tổn thương của bệnh hẹp mạch vành cũng như xác định vị trí giải phẫu. Đây là kỹ thuật chẩn đoán được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán thiếu máu cơ tim, tuy nhiên khá tốn kém và phức tạp về quá trình thực hiện, nên thường chỉ được áp dụng cho những bệnh nhân mắc bệnh mức độ nặng.
- Siêu âm: Cụ thể là siêm âm Doppler tim nhằm đánh giá các bất thường về chức năng tâm trương thất trái, khả năng phân suất tống máu thất trái (EF) nhằm mục đích phân tầng nguy cơ....
- Chụp cắt CT Scan mạch vành (MSCT): Phương pháp này giúp quan sát hình ảnh mạch vành rõ ràng có kết hợp dùng thuốc cản quang, nhằm tính điểm vôi hóa mạch vành.
- Một số chẩn đoán khác:
- Đo Holter theo dõi trong vòng 1 - 3 ngày để theo dõi nhịp tim;
- Chiếu hạt nhân thông qua dòng chất phóng xạ được tiêm vào mạch máu;
- ...
Biến chứng và tiên lượng
Thiếu máu cơ tim là bệnh lý tim mạch đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời và đầy đủ sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Chẳng hạn như:
- Rối loạn nhịp tim: Cơ tim không đủ máu và oxy khiến hệ thống xung điện trong tim hoạt động kém đi, đập quá nhanh hoặc quá chậm đột ngột. Và có không ít trường hợp thiếu máu cơ tim gây rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng.
- Suy tim: Cơ tim tổn thương nghiêm trọng do thiếu máu cục bộ khiến quá trình bơm máu đến nuôi dưỡng các phần còn lại trong cơ thể. Lâu ngày dẫn đến hoại tử cơ tim và biến chứng thành suy tim.
- Nhồi máu cơ tim: Thiếu máu cơ tim cục bộ do mạch vành bị tắc nghẽn khiến lưu lượng máu và oxy đến nuôi cơ tim bị thiếu hụt, theo thời gian phát sinh biến chứng nhồi máu cơ tim. Đây là biến chứng đột quỵ tim cực kỳ nguy hiểm, tiến triển nghiêm trọng nhanh chóng và gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Trường hợp bệnh nhân lên cơn thiếu máu cơ tim cấp, đau tức ngực trái kéo dài hơn 5 phút cần phải nhập viện ngay lập tức để được cấp cứu y tế, bảo toàn tính mạng.
Thiếu máu cơ tim là vấn đề sức khỏe tim mạch thường có tiên lượng xấu và dễ biến chứng do khó phát hiện trong giai đoạn đầu cũng như phức tạp trong điều trị chuyên sâu. Cách điều trị tốt nhất hiện nay cũng chỉ là ngăn không để bệnh phát triển nặng hơn. Kết hợp điều chỉnh lối sống, sinh hoạt khoa học và can thiệp điều trị y tế khi cần thiết để xử lý, phòng ngừa biến chứng.
Điều trị
Tương tự như nhiều bệnh lý tim mạch khác, thiếu máu cơ tim không thể chữa khỏi hoàn toàn do cơ tim đã tổn thương rất khó phục hồi trở lại như ban đầu. Nên tùy theo từng trường cụ thể mức độ bệnh nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
1. Xử lý bước đầu
Tiến triển thiếu máu cơ tim rất nhanh chóng, nhất là trong những trường hợp lên cơn đau ngực cấp, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi. Do đó, khuyến cáo bản thân người bệnh và người thân cần nắm rõ những biện pháp xử lý tích cực nhằm đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho bệnh nhân.
Cần lưu ý các bước sau:
- Bệnh nhân lên cơn đau thắt ngực nên được đặt trong tư thế nửa nằm nửa ngồi giúp tuần hoàn máu đến tim đầy đủ, dễ thở hơn;
- Phải ngưng ngay tất cả các việc đang làm, không được vận động mạnh hay đi lại;
- Không ăn hay uống bất cứ thứ gì;
- Tránh các xúc động mạnh hay xoa bóp, tác động vật lý lên người bệnh để tránh tình trạng thiếu máu ngày càng nặng hơn;
- Nếu cơn đau kéo dài và không thuyên giảm sau khi được chăm sóc tích cực, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để điều trị xử lý kịp thời;
2. Điều trị y tế
Có 2 biện pháp điều trị thiếu máu cơ tim thường được áp dụng nhất là:
# Dùng thuốc
Sử dụng thuốc trị thiếu máu cơ tim nhằm mục đích tăng cường lưu lượng máu mạch vành đến cơ tim và giảm thấp nhất mức độ tiêu thụ oxy. Có thể kể đến các loại sau:
- Thuốc giãn mạch: 2 nhóm thường dùng nhất là nhóm Nitrat hữu cơ và nhóm chẹn canxi non-DHP:
- Nhóm Nitrat hữu cơ: Nitroglycerin ngậm dưới lưỡi hoặc Isosorbid dinitrat xịt dưới lưới, nhóm thuốc chống co mạch nhằm làm giãn mạch và cải thiện khả năng tưới máu dưới tim;
- Nhóm chẹn canxi non-DHP: Diltiazem, Verapamil giúp giảm mức độ tiêu thụ oxy và giãn mạch;
- Thuốc ức chế cơ tim: Hay còn gọi là thuốc chẹn beta blocker, nhằm giảm mức độ tiêu thụ oxy. Điển hình như Bisoprolol, Metoprolol...;
- Thuốc làm tiêu máu đông: Giúp ngăn chặn sự hình thành các cục máu đông trong lòng động mạch, giảm huyết khối. Các loại thường dùng như Aspirin 75mg hoặc Clopdogrel...;
- Thuốc hạ Cholesterol: Lượng Cholesterol trong máu quá cao, nhất là dạng Lipoprotein cholesterol (LDL) càng làm tăng nặng mức độ tổn thương động mạch vành và thiếu máu cơ tim nghiêm trọng. Để cải thiện tình trạng này, hãy dùng đến các loại thuốc như: Niacin, Sequestrants acid, Statins, Fibrate...;
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Nhóm thuốc này có tác dụng giảm bớt áp lực lên các mạch máu, giúp chúng thư giãn và ức chế sự hình thành của một loại enzyme sản xuất ra angiotensin II. Đây là chất gây tác động tiêu cực đến hệ thống tim mạch, gây co thắt mạch máu, dẫn đến thiếu máu cơ tim.
- Thuốc thư giãn động mạch tim: Loại thường dùng nhất là Ranolazine (Ranexa) thường được chỉ định cho những trường hợp bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim nhưng không đáp ứng với các loại thuốc trên, nhằm cải thiện triệu chứng và kiểm soát ngăn ngừa biến chứng bệnh.
Lưu ý quan trọng dành cho bệnh nhân về việc dùng thuốc đó là tuân thủ tuyệt đối các chỉ định về liều dùng, cách dùng và thời gian sử dụng. Không nên tự ý chẩn đoán bệnh và dùng thuốc, lạm dụng hoặc thay đổi liều theo cảm tính để đảm bảo phát huy tác dụng thuốc tối đa, ngăn ngừa các rủi ro tác dụng phụ.
# Can thiệp ngoại khoa
Với những trường hợp thiếu máu cơ tim nghiêm trọng do tổn thương động mạch vành, nên thực hiện sớm các biện pháp điều trị tích cực nhằm cải thiện khả năng bơm máu và ổn định lưu lượng máu. Các phương pháp được chỉ định áp dụng nhiều nhất trong điều trị thiếu máu cơ tim là:
- Nong động mạch vành bằng bóng và đặt Stent: Đây là thủ thuật ngoại khoa được áp dụng phổ biến trong điều trị các bệnh về tim mạch, trong đó có thiếu máu cơ tim nhằm cải thiện tuần hoàn máu đến tim. Phương pháp này còn được gọi là kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da (PCI). Được thực hiện bằng cách nong vị trí động mạch bị hẹp bằng ống thông và 1 quả bóng nhỏ đã được bơm căng. Sau đó, đặt Stent vào để chặn giữ cho động mạch luôn mở.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Được thực hiện bằng cách lấy động mạch từ các vị trí khác trên cơ thể để ghép vào vị trí động mạch vành (cơ tim) bị tắc nghẽn. Khi được nối thông sẽ cho phép máu lưu thông trơn tru qua động mạch vành và cải thiện tình trạng bệnh.
Phòng ngừa
Có không ít trường hợp bị thiếu máu cơ tim mức độ nhẹ hoặc chưa phát hiện bệnh có thể được kiểm soát cải thiện và phòng ngừa thông qua một lối sống lành mạnh, khoa học.
- Quản lý sức khỏe tích cực và loại bỏ các rủi ro tiềm ẩn về bệnh tật gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ thiếu máu cơ tim cục bộ thông qua kiểm soát chỉ số huyết áp, cholesterol và đường huyết.
- Cai thuốc lá chủ động hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia để loại bỏ thuốc lá khỏi cuộc sống, bảo vệ hệ tim mạch khỏe mạnh.
- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất và lành mạnh tốt cho sức khỏe mạch. Tăng cường rau xanh, hoa quả giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, hạn chế các chất béo bão hòa, dầu mỡ...
- Tập thể dục thể thao điều độ mỗi ngày, vừa giúp nâng cao sức khỏe thể chất, tăng cường miễn dịch vừa giúp cải thiện tuần hoàn máu đến tim mạch. Đặc biệt, tập thể dục để kiểm soát cân nặng phù hợp, tránh thừa cân béo phì đột ngột tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch;
- Tránh stress, căng thẳng, thay vào đó là một trạng thái tinh thần tích cực, vui vẻ, quản lý bằng cách làm những việc mình yêu thích, yoga, các bài tập hít thở sâu...
- Thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tầm soát các bệnh lý tim mạch thường xuyên đối với những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao để sớm phát biện các bất thường và tiến hành điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh thiếu máu cơ tim nguy hiểm như thế nào?
2. Nguyên nhân tại sao tôi bị thiếu máu cơ tim?
3. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra nào để chẩn đoán thiếu máu cơ tim?
4. Bệnh thiếu máu cơ tim gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của tôi?
5. Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi dứt điểm được không?
6. Phương pháp điều trị thiếu máu cơ tim tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
7. Tôi cần thực hiện lối sống như thế nào để cải thiện chứng thiếu máu cơ tim?
8. Bị thiếu máu cơ tim khi nào phải phẫu thuật? Những rủi ro và lợi ích liên quan đến phẫu thuật tim?
9. Điều trị thiếu máu cơ tim có tốn kém không? Có sử dụng BHYT được không?
10. Nếu tái phát thiếu máu cơ tim tôi cần làm gì để xử lý?
Thiếu máu cơ tim là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và áp dụng biện pháp điều trị phù hợp nhằm kiểm soát tiến triển bệnh cũng như phòng ngừa các biến chứng, rủi ro tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi.
Tham khảo thêm:
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Triệu chứng và Hướng điều trị
- Bệnh Tim Mạch: Nguyên nhân, Biểu hiệu và Cách chữa trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!