Bệnh Behcet
Bệnh Behcet là chứng rối loạn tự miễn dịch hiếm gặp gây viêm ở nhiều cơ quan, bộ phận của cơ thể như da, mắt, cơ xương khớp, tiêu hóa... Tùy từng vị trí tổn thương mà triệu chứng bệnh có thể biểu hiện khác nhau. Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh Behcet. Tuy nhiên, các biện pháp y tế như dùng thuốc, phẫu thuật được áp dụng để kiểm soát triệu chứng.
Tổng quan
Bệnh Behcet (Behcet's disease) hay còn được gọi là hội chứng Adamantiades. Được mô tả lần đầu tiên vào năm 1937 bởi Hulusi Behcet (Istanbul). Đây là căn bệnh hiếm gặp về tình trạng rối loạn tự miễn, gây viêm hệ thống mạch máu, nhất là các tĩnh mạch khắp cơ thể. Vì là một bệnh hệ thống nên bệnh ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan nội tạng như da, xương khớp, hệ tiêu hóa, phổi, thần kinh...
Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ. Nhưng những tổn thương và biểu hiện của bệnh lại rất rõ ràng, nhất là ở giai đoạn muộn. Dấu hiệu đặc trưng thường là loét miệng, loét sinh dục hoặc các bất thường ở mắt.
Chứng bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, kể cả trẻ em. Tỷ lệ nam nữ mắc bệnh là như nhau, nhưng phổ biến nhất là nam giới từ độ tuổi 30. Ngoài ra, bệnh Behcet cũng phổ biến hơn ở một số quốc gia vùng phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, dọc bờ biển Địa Trung Hải và Trung Đông, không phổ biến ở Hoa Kỳ.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh Behcet vẫn chưa được hiểu rõ. Nhưng theo các chuyên gia, căn bệnh này được cho là một dạng rối loạn tự miễn dịch, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công đến các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể thông qua phản ứng viêm.
Có rất nhiều yếu tố tác động và kích hoạt cơ chế phát triển căn bệnh này. Nhưng phổ biến nhất là 2 yếu tố di truyền và môi trường. Cụ thể gồm:
- Yếu tố di truyền: Các nhà nghiên cứu đã xác định loại gen HLA-B51 có mối liên quan mật thiết đến sự phát triển bệnh Behcet. Tuy nhiên, không phải ai mang gen này đều phát triển bệnh.
- Yếu tố môi trường: Sự phát triển của bệnh Behcet cũng có thể được kích hoạt bởi phản ứng miễn dịch bất thường với một số bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn. Chẳng hạn như:
- Virus herpes simplex;
- Liên cầu khuẩn;
- Trực khuẩn lao Mycobacterium;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh nhân mắc bệnh Behcet thường bị ảnh hưởng rất nhiều cơ quan, bộ phận của cơ thể. Tùy từng vị trí mà triệu chứng bệnh sẽ biểu hiện khác nhau. Bao gồm:
- Triệu chứng loét miệng: Có đến 97 - 99% bệnh nhân mắc bệnh Behcet gặp các triệu chứng lâm sàng ban đầu là loét miệng. Đặc trưng triệu chứng là đau rát niêm mạc miệng, tái đi tái lại nhiều lần, các vị trí dễ xuất hiện loét niêm mạc nhất là môi, lưỡi, bên trong má...
- Triệu chứng loét cơ quan sinh dục: Biểu hiện khá giống với vết loét ở miệng, cũng gây đau rát nhưng ít người gặp phải hơn. Vị trí thường xuất hiện là ở vùng bìu tinh hoàn của nam giới và trên âm hộ của nữ giới.
- Triệu chứng ngoài da: Đây cũng là triệu chứng khá phổ biến của bệnh Behcet. Thường gặp nhất là:
- Nổi ban đỏ ở chi dưới;
- Da sưng đỏ, hình thành vết loét;
- Nổi mụn trứng cá hoặc các nốt sẩn mềm;
- Viêm mủ hoại thư, mụn mủ viêm mạch máu;
- Triệu chứng viêm mắt: Có khoảng 50% trường hợp mắc bệnh Behcet xảy ra triệu chứng liên quan đến mắt.
- Đau mắt, mờ và đỏ mắt;
- Chảy nước mắt nhiều;
- Nhạy cảm với ánh sáng;
- Suy giảm hoặc mất hẳn thị lực do viêm kết mạc hoặc viêm màng bồ đào mãn tính tái phát;
- Triệu chứng đau cơ xương khớp: Tình trạng thường xảy ra là viêm ít khớp đối xứng hoặc không đối xứng. Nhưng cũng có một số trường hợp là viêm đơn hoặc đa khớp. Các triệu chứng tổn thương khớp điển hình gồm:
- Đau mắt cá chân, khuỷa tay, khớp gối hoặc hông;
- Viêm khớp gây sưng đau, nóng đỏ;
- Hạn chế khả năng đi lại;
- Triệu chứng mạch máu: Bản chất của bệnh Behcet là các tổn thương hệ thống mạch máu gồm động mạch và tĩnh mạch. Chủ yếu xảy ra ở nam giới, đặc trưng với các biểu hiện viêm tắc tĩnh mạch nông và sâu chi dưới. Chẳng hạn như hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn, dẫn đến phình động mạch, làm tăng nguy cơ tử vong.
- Triệu chứng thần kinh: Có khoảng 5 - 10% trường hợp bệnh nhân mắc Behcet có các biểu hiện thần kinh. Vị trí tổn thương phổ biến nhất là não, chủ yếu là màng não, vỏ não. Bệnh nhân biểu hiện thông qua các triệu chứng như sốt, đau đầu, cứng cổ, khó thực hiện các cử động phối hợp... Tăng nguy cơ đột quỵ.
- Triệu chứng tiêu hóa: Các vết loét niêm mạc xuất hiện và phát triển trong đường tiêu hóa (thường là đoạn cuối hồi tràng, manh tràng, đại tràng và thực quản) có thể gây viêm, dẫn đến thủng. Các biểu hiện đặc trưng gồm:
- Các triệu chứng toàn thân khác: Tùy theo vị trí bị ảnh hưởng, các triệu chứng khác có thể xảy ra liên quan đến tim, thận hoặc tinh hoàn. Triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương.
Xem thêm: Viêm Cơ Tim- Bệnh Lý Nguy Hiểm Cần Điều Trị Sớm
Chẩn đoán
Không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh Behcet. Do đó, việc chẩn đoán căn bệnh này đòi hỏi phải kết hợp giữa thăm khám lâm sàng thông qua các triệu chứng và các thí nghiệm cận lâm sàng. Ngoài ra, để đưa ra chẩn đoán chính xác, cần phải loại trừ các bệnh lý khác gây lở miệng hoặc gây các triệu chứng gần giống bệnh Behcet như: Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Crohn, các bệnh lý viêm mạch...
Cụ thể các phương pháp được áp dụng để chẩn đoán bệnh Behcet gồm:
- Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện tình trạng thiếu máu, tìm kiếm dấu hiệu viêm hoặc mức độ tăng bạch cầu.
- Xét nghiệm hình ảnh: Các nghiên cứu hình ảnh cũng được chỉ định thực hiện, thường là :
- Kết hợp giữa chụp X quang và chọc dò khớp để đánh giá mức độ viêm khớp;
- Chụp CT Scan để đánh giá mức độ chảy máu, tình trạng thiếu máu cục bộ hoặc tắc nghẽn do huyết khối;
- Chụp động mạch giúp phát hiện dấu hiệu phình động mạch và kết hợp chọc dò thắt lưng đánh giá viêm màng não;
- Các kiểm tra khác: Nhằm hỗ trợ đưa ra chẩn đoán chính xác bệnh Behcet, cần kết hợp thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác như:
- Kiểm tra nhãn khoa đánh giá các triệu chứng và chức năng mắt;
- Sinh thiết da;
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh Behcet là căn bệnh mãn tính lâu dài xảy ra do tình trạng rối loạn tự miễn dịch hiếm gặp gây viêm nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể. Căn bệnh này không có biện pháp chữa trị khỏi dứt điểm, nhưng có thể rất nhiều cách giúp điều trị triệu chứng, kiểm soát tiến triển bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Do đó, hầu hết các trường hợp được phát hiện sớm và điều trị kịp thời đều có tiên lượng tốt. Tuy nhiên, bắt buộc phải duy trì điều trị và tái khám định kỳ dài lâu để ngăn ngừa phát triển các biến chứng khó lường.
Ngược lại, vẫn có một phần nhỏ tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh Behcet tử vong (khoảng 5%). Nguyên nhân chính dẫn đến tử vong thường là do đột quỵ, phình động mạch, vỡ mạch máu hoặc xuất huyết khó cầm do thủng ruột... Đây đều là những biến chứng nguy hiểm phát triển ở giai đoạn muộn do chủ quan không điều trị bệnh.
Điều trị
Mục tiêu điều trị bệnh Behcet chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng, duy trì sự ổn định của hệ thống miễn dịch để kiểm soát tiến triển bệnh. Các phương pháp điều trị bệnh Behcet phổ biến gồm:
Điều trị bằng thuốc
Có rất nhiều loại thuốc khác nhau được chỉ định nhằm điều trị các triệu chứng bệnh Behcet. Tùy theo từng biểu hiện và mức độ triệu chứng có nghiêm trọng hay không mà bác sĩ sẽ kê toa loại thuốc cùng liều dùng phù hợp.
Cụ thể gồm:
- Corticosteroid: Loại được dùng phổ biến nhất là Prednisone, có tác dụng ức chế và kiểm soát viêm, ổn định chức năng miễn dịch.
- Colchicine: Loại điển hình là Colcry có tác dụng cải thiện triệu chứng lở loét niêm mạc miệng, cơ quan sinh dục và cả triệu chứng đau khớp.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Nhóm thuốc methotrexate như (Trexall, Rasuvo), azathioprine (Imuran, Azasan), cyclophosphamide (Neosar, Cytoxan), cyclosporine (Neoral, Gengraf)... là những loại thuốc có khả năng ức chế và kiểm soát hệ thống miễn dịch hiệu quả, hỗ trợ giảm viêm.
- Thuốc sinh học: Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh các chất sinh học như yếu tố hoại tử khối u TNF như infliximab (Remiacade), etanercept (Enbrel) hay tocilizumab (Actermra) cũng đem lại hiệu quả khá cao trong điều trị triệu chứng bệnh Behcet. Tuy nhiên, chỉ những trường hợp nặng mới được chỉ định sử dụng loại thuốc này. Ngoài ra, cần chú ý tác dụng phụ của thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do đây là thuốc ức chế miễn dịch.
- Các loại thuốc hỗ trợ khác: Tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, bác sĩ sẽ đề nghị sử dụng thêm một số loại thuốc hỗ trợ như nước súc miệng, thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ bôi ngoài da...
Can thiệp phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật cũng có thể được chỉ định thực hiện trong trường hợp bệnh tiến triển nặng với các triệu chứng nghiêm trọng. Thường là khi tổn thương mạch máu hoặc viêm kết mạc mắt. Mục đích phẫu thuật nhằm loại bỏ tổn thương, duy trì chức năng của những cơ quan, bộ phận này, chứ không có khả năng chữa khỏi bệnh dứt điểm.
Điều trị tại nhà
Song song với điều trị y tế, bệnh nhân có thể kết hợp với một số biện pháp chăm sóc tại nhà nhằm hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh Behcet tốt hơn. Chẳng hạn như các biện pháp đơn giản dưới đây:
- Chế độ ăn uống đủ chất, đa dạng thực phẩm và ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh, giàu vitamin, khoáng chất, đặc biệt là chất chống oxy hóa, axit béo omega-3 trong cá, các loại đậu hạt, rau xanh giúp hỗ trợ giảm viêm.
- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng hàng ngày, kết hợp sử dụng nước súc miệng để làm sạch khoang miệng, cải thiện triệu chứng loét miệng, giảm viêm.
- Tăng cường vận động, tập thể dục nâng cao thể trạng, cải thiện khả năng vận động của khớp. Ưu tiên chọn những bài tập đơn giản như yoga, bơi lội, đi bộ...
- Kiểm soát căng thẳng bằng những kỹ thuật đơn giản tại nhà như bài tập hít thở sâu, thiền định, yoga...
Phòng ngừa
Không có biện pháp phòng ngừa bệnh Behcet, tuy nhiên nếu thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây để giảm nguy cơ phát triển bệnh. Chẳng hạn như:
- Nói không với thuốc lá và các chất kích thích khác để duy trì ổn định hệ miễn dịch phòng ngừa bệnh Behcet.
- Duy trì cân nặng phù hợp, phòng tránh thừa cân béo phì.
- Kiểm soát căng thẳng, tránh căng thẳng ổn định sức khỏe.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh Behcet?
2. Tôi cần làm những xét nghiệm này để chẩn đoán bệnh Behcet?
3. Bệnh Behcet có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?
4. Tình trạng bệnh của tôi có nguy hiểm không?
5. Phương pháp chữa trị bệnh Behcet tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
6. Tôi nên dùng thuốc gì để chữa bệnh Behcet?
7. Tôi cần làm gì và tránh làm gì để cải thiện triệu chứng bệnh Behcet?
8. Chi phí điều trị bệnh Behcet tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?
9. Thời gian điều trị bệnh Behcet mất bao lâu?
10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát các triệu chứng bệnh Behcet?
Căn bệnh Behcet tuy hiếm gặp nhưng những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe là rất đáng lo ngại. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong. Do đó, điều quan trọng nhất là phải thận trọng phát hiện các dấu hiệu bất thường để kịp thời điều trị và chăm sóc tích cực, phòng ngừa các biến chứng khó lường về sau, duy trì chất lượng cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
- Dấu Hiệu Bệnh Viêm Gan Tự Miễn Và Cách Điều Trị
- Bệnh Viêm tụy tự miễn: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!