Tai Biến Mạch Máu Não Ở Người Trẻ Chớ Nên Xem Thường
Tai biến mạch máu não không chỉ là căn bệnh người già mà còn có thể xảy ra ở người trẻ và rất trẻ. Theo thống kê của các bệnh viện chuyên khoa, tỷ lệ các ca tai biến ở người từ 18 – 44 tuổi đang ngày càng có xu hướng gia tăng chiếm khoảng từ 10 – 15% số ca tai biến mà các bệnh viện này tiếp nhận. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ tàn tật và tử vong cao, người trẻ nên trang bị đầy đủ các kiến thức cần có, chớ nên chủ quan, xem thường.
Báo động tình trạng trẻ hóa độ tuổi mắc tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não còn được gọi là đột quỵ não, một trong những căn bệnh gây nguy cơ tử vong cao nhất trên thế giới hiện nay. Bệnh xảy ra khi lượng máu lưu thông đến não bị cản trở do xuất huyết hoặc nhồi máu não, khiến các tế bào não bị tổn thương, chết đi do không được cung cấp oxy và dưỡng chất.
Đây là bệnh lý cấp tính, có mức độ nguy hiểm cao, các triệu chứng của bệnh xuất hiện vô cùng đột ngột, nếu không được phát hiện, cấp cứu, tiếp cận với điều trị chuyên khoa kịp thời thì nguy cơ tử vong và tàn tật là cực kỳ cao.
Trước đây, căn bệnh này đa phần xuất hiện ở nam giới sau 55 tuổi và nữ giới sau 65, tính từ độ tuổi này, sau mỗi năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ tăng gấp đôi. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, chuyên điều trị, xử lý các vấn đề về tai biến, tỷ lệ tai biến mạch máu não ở người trẻ tuổi, từ 18 – 45 tuổi đang ngày càng có xu hướng gia tăng.
Theo thông tin từ bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ trẻ bị tai biến tính đến cuối năm 2020 mà bệnh viện này tiếp nhận chiếm khoảng 10% các trường hợp tai biến. Theo bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Hà Nội, trung bình, mỗi năm, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc đột quỵ tăng khoảng 2%.
Theo bác sĩ của Bệnh viện Quân Y 175 TPHCM, trong những năm gần đây, trung bình cứ 4 – 5 người bệnh nhập viện điều trị đột quỵ não có 1 trường hợp đột quỵ là người trẻ. Điều đáng nói là đa phần các trường hợp tai biến ở người trẻ thường nhập viện muộn, xuất phát từ việc người bệnh thường có tâm lý chủ quan, không nghĩ mình mắc phải căn bệnh này, cho rằng nghỉ ngơi là có thể khỏe lại.
Hậu quả là bỏ lỡ mất thời gian vàng trong điều trị (3 – 6 giờ đầu), dẫn đến nguy cơ tử vong cao, hoặc nếu may mắn sống sót thì phải đối mặt với những di chứng hết sức nặng nề do căn bệnh này gây ra.
Dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não ở người trẻ
Tai biến mạch máu não thường gây ra các triệu chứng ở mao mạch và động mạch, ít gặp ở tĩnh mạch, không có liên quan đến chấn thương sọ não hay tai nạn. Căn bệnh này vô cùng nguy hiểm, theo thống kê, chỉ có khoảng 10% người bệnh sống sót có thể hồi phục gần như hoàn toàn, 25% hồi phục với những khiếm khuyết nhỏ, các trường hợp còn lại thường phải đối mặt với những di chứng từ vừa đến nặng do bệnh gây ra.
Người bị tai biến mạch máu não cần được sớm phát hiện, cấp cứu và tiếp cận với điều trị y tế chuyên khoa. Nếu không sẽ có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt, nếu bị đột quỵ não do xuất huyết não, cứ mỗi phút qua đi, người bệnh sẽ mất đến 2 triệu tế bào thần kinh. Tình trạng này vô cùng nguy cấp, nếu không được sớm phát hiện thì có thể tử vong ngay trên đường đi cấp cứu. Các dấu hiệu nhận biết tai biến ở người trẻ có thể kể đến như:
- Có dấu hiệu bất thường ở nét mặt, thường bị liệt nửa mặt dẫn đến không thể cử động một bên mặt. Có thể nhận biết rõ ràng hơn khi yêu cầu bệnh nhân cười lên, bệnh nhân thường cười méo miệng, nhân trung bị lệch
- Tay chân có thể bị tê bì, liệt ở một bên cơ thể, dẫn đến cầm nắm khó khăn, đánh rơi đồ vật đang cầm, viết nguệch ngoạc
- Cơ thể mệt mỏi, người không có sức lực, đột nhiên bị mất thăng bằng, đi đứng loạng choạng hoặc không đứng vững
- Hai mắt tối sầm, mờ hoặc mất thị lực một phần hoặc mất thị lực hoàn toàn
- Giọng nói thay đổi, nói đớ, nói ngọng bất thường, gặp khó khăn trong việc phát âm. Có thể nói ra một vài từ đơn giản và yêu cầu người bệnh lặp lại, nếu bệnh nhân không thực hiện được thì chứng tỏ họ đã bị tai biến.
Trong điều trị chuyên khoa, để nhận biết đột quỵ, các bác sĩ thường dựa trên nguyên tắc F.A.S.T. Nguyên tắc này đánh giá qua các bất thường về khuôn mặt (Face), cánh tay (Arm), khả năng ngôn ngữ (Speech) và thời gian xuất hiện các triệu chứng (Time).
Nếu người bệnh có một trong những dấu hiệu bất thường này tức là họ đã bị đột quỵ, cần nhanh chóng thăm khám chuyên khoa, điều trị kịp thời để ngăn ngừa nguy cơ tử vong, tàn tật.
Tai biến mạch máu não ở người trẻ nguy hiểm như thế nào?
Tai biến mạch máu não dù xảy ra ở người già hay người trẻ thì nguy cơ tử vong và tàn tật đều như nhau. Thế nhưng, ở người trẻ, nếu được sớm phát hiện, cấp cứu, có chương trình hồi phục chuyên biệt thì khả năng hồi phục sẽ cao hơn so với người cao tuổi.
Thế nhưng, theo chia sẻ của các bác sĩ thuộc các Trung tâm Đột quỵ, đa phần những ca đột quỵ ở người trẻ thường được cấp cứu muộn, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị nên số ca tử vong và nguy cơ đối mặt với các di chứng nặng nề của căn bệnh này tại nước ta là rất cao.
Theo thống kê, hiện nay, tai biến mạch máu não là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau các bệnh lý về tim mạch. Tại Việt Nam, có đến 50% người bị tai biến tử vong do căn bệnh này. Chỉ có khoảng 10% các trường hợp sống sót sau đột quỵ có thể hồi phục hoàn toàn, 25% hồi phục với các khiếm khuyết nhẹ, rất nhiều trường hợp người bệnh bị sa sút trí tuệ, suy giảm chức năng, cần có sự chăm sóc đặc biệt.
Ngoài nguy cơ tử vong cao, những vấn đề mà tai biến mạch máu não có thể gây ra cho người trẻ như sau:
- Làm suy giảm sức khỏe, để lại các di chứng nặng nề: Sau cơn đột quỵ, sức khỏe của người bệnh giảm đi đáng kể, không còn được khỏe mạnh như trước nữa. Người bệnh thường phải đối mặt với các di chứng như giảm thị lực rối loạn thị giác, suy giảm thậm chí mất khả năng vận động, phù nề não, rối loạn giấc ngủ, rối loạn khả năng nhai nuốt,suy kiệt cơ thể… Đặc biệt, bệnh còn có thể gây sa sút trí tuệ, khiến người bệnh mất hoặc suy giảm trí nhớ, giảm hoặc mất khả năng vận động.
- Tốn kém chi phí điều trị, mất khả năng lao động: Người trẻ bị đột quỵ sẽ rất nguy hiểm, không chỉ gây suy giảm sức khỏe mà còn tạo gánh nặng cho gia đình. Việc điều trị và phục hồi chức năng sau đột quỵ rất tốn kém. Hơn nữa, khi người bị đột quỵ là trụ cột gia đình, nếu di chứng của bệnh nghiêm trọng thì bệnh nhân thường bị mất khả năng vận động, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình, tương lai của con cái và các thành viên khác nếu điều kiện kinh tế của gia đình không ổn định.
Nguyên nhân gây gia tăng tỷ lệ tai biến ở người trẻ
Đột quỵ não (tai biến) ở trẻ em từ 5 – 13 tuổi thường liên quan đến tình trạng dị dạng mạch máu não bẩm sinh. Trong khi đó, nguyên nhân tai biến ở người trẻ là do xuất huyết não hoặc nhồi máu não. Trong đó, tình trạng tai biến do xuất huyết não ở người trẻ thường do tăng huyết áp, có liên quan đến viêm mạch hệ thống, u tủy thượng thận, hẹp động mạch thận hoặc do một số nguyên nhân như nghiện ma túy, rối loạn đông máu, vỡ dị dạng mạch máu não…
Được biết, nếu tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim là những yếu tố nguy cơ hàng đầu ở người già thì nghiện hút thuốc lá, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu những những yếu tố nguy cơ thường gặp ở người trẻ tuổi. Theo các bác sĩ, sở dĩ tình trạng đột quỵ não gia tăng ở người trẻ là do:
- Hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên: Theo thống kê, hút trung bình 1 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ làm nguy cơ đột quỵ tăng 48%, uống 2 ly rượu/bia mỗi ngày làm tăng 34%. Việc sử dụng rượu bia, nghiện thuốc lá cùng với chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất là một trong những nguyên nhân khiến người trẻ dễ bị tai biến.
- Do chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Một thực trạng dễ thấy ở người trẻ hiện nay chính là chế độ ăn uống không khoa học, nghèo dinh dưỡng. Chúng ta thường xuyên sử dụng thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ với hàm lượng cholesterol cao, hay uống nước ngọt có gas, thức uống nhiều đường, thức ăn ngọt, đồ ăn nhanh, nội tạng động vật… Chúng gây tích tụ cholesterol xấu trong máu, gây ra các mảng xơ vữa động mạch làm tắc mạch, hình thành cục máu đông dẫn đến đột quỵ.
- Do lối sống không lành mạnh: Lối sống tĩnh tại, lười vận động, ít tham gia các hoạt động thể thao, thường xuyên lướt web, chơi game hay thường ngồi làm việc, ít đi lại khiến máu kém lưu thông, gây gia tăng nguy cơ tai biến. Ngoài ra, việc ngủ quá nhiều (trên 10 tiếng/ngày) hoặc quá ít (dưới 5 tiếng/ngày) cũng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ não.
- Chế độ ăn nhiều muối: Tiêu thụ lượng muối quá mức cho phép là một trong những vấn đề thường gặp ở người Việt. Theo thống kê, trung bình chúng ta tiêu thụ 9.4g muối/ngày, cao gấp đôi lượng muối được khuyến cáo sử dụng. Đây cũng là lý do mà người Việt có thói quen ăn mặn dễ bị tăng huyết áp, đột quỵ hơn bình thường.
- Thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì dễ gây huyết áp cao và các bệnh lý về tim mạch. Hơn nữa, ở những người này, lượng cholesterol trong máu thường rất cơ, dễ bị xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, vỡ mạch máu, đột quỵ…
- Yếu tố khác: Các yếu tố khác làm gia tăng nguy cơ tai biến ở người trẻ có thể là do sử dụng chất kích thích, áp lực công việc, mắc một số bệnh lý như tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh lupus ban đỏ, tăng đông máu, do di truyền…
Chẩn đoán và điều trị tai biến ở người trẻ tuổi
Đa phần các trường hợp tai biến mạch máu não ở người trẻ thường được phát hiện muộn do thiếu kiến thức và chủ quan về bệnh. Nhiều trường hợp các triệu chứng xuất hiện sớm như do không biết hoặc chủ quan dẫn đến bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị. Hậu quả là bệnh nhân được đưa đến bệnh viện khi tổn thương não đã nghiêm trọng, các phương pháp điều trị kém hiệu quả rõ rệt.
Cũng giống như các trường hợp khác, chẩn đoán và điều trị đột quỵ não ở người trẻ thường là:
Phương pháp chẩn đoán
Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp, thường là:
- Chụp vi tính (CT) não nhằm chẩn đoán dạng tai biến là nhồi máu hay xuất huyết não
- Chụp CT có dựng hình mạch máu não (CTA)
- Chụp CT có tiêm thuốc cản quang
- Chụp CT tưới máu (CTP)
- Chụp MRI não bộ
- Chụp MRI mạch não để quan sát cấu trúc mạch…
Ngoài ra, đối với những trường hợp nghi ngờ sẽ được chẩn đoán bằng đo điện tim đồ, xét nghiệm công thức máu, chụp cộng hưởng từ não MRI, chụp CT scan mạch máu não, siêu âm Doppler xuyên sọ… Dù áp dụng phương pháp này thì mục đích chính vẫn là xác định tình trạng và mức độ tổn thương não của người bệnh để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị
Người bị tai biến cần được cấp cứu, điều trị can thiệp càng sớm càng tốt với phương pháp phù hợp để mang lại hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ tử vong và giảm tối đa các di chứng mà bệnh để lại. Thường sẽ được điều trị bằng:
- Sử dụng thuốc: Được chỉ định cho trường hợp phát hiện sớm, trong 3 – 5 giờ đầu khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện. Các thuốc này thường là thuốc làm tiêu cục huyết khối, aspirin, thuốc chống đông, thuốc tăng dinh dưỡng thần kinh, thuốc bảo vệ tế bào thần kinh…
- Điều trị chuyên sâu: Nhằm mục đích tái tưới máu não, các kỹ thuật này thường là nong rộng lòng động mạch, tạo hình động mạch não qua da, làm tiêu cục huyết khối, khai thông động mạch…
Cách xử lý đối với người bị tai biến mạch máu não
Như đã đề cập, một trong những vấn đề phổ biến, thường gặp ở các ca tai biến ở người trẻ chính là không sớm phát hiện, cấp cứu, đưa đến bệnh viện kịp thời, bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị. Do đó, các tốt nhất là chúng ta nên tìm hiểu, nắm được các nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết căn bệnh này. Sau khi biết cách nhận biết có thể dễ dàng nhận ra khi bản thân hoặc người xung quanh có dấu hiệu đột quỵ, từ đó có cách xử lý phù hợp.
Khi bản thân hoặc người thân bị đột quỵ, chúng ta có thể xử lý như sau:
- Nhanh chóng cho người bệnh nằm nghiêng ở nơi an toàn, thoáng khí, đảm bảo cho bệnh nhân hít thở không khí dễ dàng
- Ngay lập tức gọi 115 và thông báo rằng đang có người bị đột quỵ hoặc gọi xe cứu thương, taxi ở gần đó để đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ
- Gọi người xung quanh giúp đỡ đồng thời nới lỏng thắt lưng, cà vạt, quần áo, kiểm tra miệng, mũi nhằm lấy dị vật, chất nôn ra ngoài, giúp bệnh nhân thông thoáng đường thở
- Cố gắng trấn an, trò chuyện với bệnh nhân, ghi nhớ các thuốc mà người bệnh đang sử dụng để kịp thời thông báo với nhân viên y tế, bác sĩ
- Trường hợp bệnh nhân ngưng tim thì nên tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, dùng hai tay đặt lên ngực bệnh nhân và ép mạnh xuống, thực hiện động tác này 60 – 100 lần/phút để kích thích tim co bóp.
Đối với người bị tai biến mạch máu não, tuyệt đối không nên chủ quan cho rằng chỉ cần ngồi nghỉ ngơi chờ hồi phục sức khỏe. Bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện nhanh nhất có thể, không nên chích máu đầu ngón tay, không uống nước đường, thuốc hạ huyết áp, ăn cháo, đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy hoặc để bệnh nhân tự lái xe… Trường hợp xuất hiện cơn đột quỵ thoáng qua, chúng ta cũng không nên chủ quan, tốt nhất nên đến bệnh viện để được thăm khám, tầm soát tai biến mạch máu não càng sớm càng tốt.
Biện pháp phòng ngừa tai biến ở người trẻ tuổi
Tai biến mạch máu não là căn bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi. Căn bệnh này vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc đời của người bệnh. Do đó, cách tốt nhất là chúng ta nên có biện pháp phòng ngừa căn bệnh này từ sớm. Có thể phòng ngừa bằng cách:
- Ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể
- Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, tốt nhất nên dùng dầu thực vật, sử dụng các loại thịt trắng, hạn chế dung nạp cholesterol xấu vào cơ thể để ngăn ngừa xơ vữa động mạch
- Xây dựng lối sống lành mạnh, tăng cường vận động bằng cách luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày, nên ngủ đủ giấc, đúng giờ, hạn chế thức khuya
- Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, tránh ăn quá 5g muối/ngày để làm giảm nguy cơ tăng huyết áp và đột quỵ não
- Sống lạc quan, vui vẻ, yêu đời, tránh căng thẳng, mệt mỏi quá mức, tránh tức giận, thường xuyên nổi nóng vì dễ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ
- Nên cố gắng giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, hạn chế ra đường khi thời tiết nắng nóng quá mức nhằm ngăn ngừa nguy cơ tai biến mạch máu não
- Đặc biệt, cần tránh tắm khuya, nhất là tắm nước lạnh vào buổi tối, nên tắm nước ấm hoặc tắm vào ban ngày là tốt nhất.
- Cần thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ, dù là già hay trẻ thì cũng nên được khám tổng quát, kiểm tra huyết áp, đường huyết, xét nghiệm máu, siêu âm bụng, đo điện tim định kỳ 6 – 12 tháng/lần, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao.
Có thể thấy, tai biến mạch máu não là căn bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng ở người trẻ do lối sống, tính chất công việc, sự thay đổi của nhịp sống trong xã hội mới. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có kiến thức đầy đủ về căn bệnh này để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả và có cách xử lý đúng đắn, phù hợp nhất.
Có thể bạn quan tâm:
- Sơ Cứu Tai Biến: Cách Xử Lý Tại Chỗ Cứu Lấy Người Bệnh
- Châm cứu tai biến: Giải pháp tối ưu nhất phục hồi di chứng sau đột quỵ
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!