Sơ Cứu Tai Biến: Cách Xử Lý Tại Chỗ Cứu Lấy Người Bệnh

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Tai biến mạch máu não là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, người bệnh cần được phát hiện, sơ cứu và cấp cứu kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong cũng như các di chứng nguy hiểm mà căn bệnh này gây ra. Theo các bác sĩ chuyên khoa, phát hiện bệnh kịp thời, sơ cứu tai biến tại chỗ đúng cách và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có ý nghĩa sống còn đối với người bị tai biến mạch máu não. 

Tai biến mạch máu não – Dấu hiệu nhận biết 

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ là bệnh lý có tỷ lệ tử vong và tàn tật cao, nằm trong top 10 căn bệnh nguy hiểm nhất trong xã hội. Theo thống kê, trên thế giới, mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị tai biến, cứ 45 giây lại có 1 người bị tai biến, cứ mỗi 3 phút trôi qua thì có 1 người tử vong. Trong đó, tỷ lệ tử vong do tai biến mạch máu não ở Việt Nam được đánh giá là cao hơn so với thế giới.

Người bị tai biến mạch máu não cần được sơ cứu kịp thời để giảm nguy cơ tàn tật, tử vong
Người bị tai biến mạch máu não cần được sơ cứu kịp thời để giảm nguy cơ tàn tật, tử vong

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở nước ta cao là do người dân thiếu kiến thức, hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết và cách xử lý phù hợp. Trong khi đó, thời gian để điều trị đột quỵ vô cùng cấp bách, người bệnh cần được tiếp cận điều trị chuyên khoa càng sớm càng tốt, nhất là trong 3 – 4 giờ đầu tiên tính từ khi các triệu chứng bệnh đầu tiên khởi phát. Hơn nữa, do thiếu kiến thức chuyên môn, chúng ta còn thường nhầm lẫn tai biến với trúng gió, nhồi máu cơ tim… dẫn đến xử lý sai cách, bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị đột quỵ. 

Để có cách xử lý, sơ cứu tai biến tại chỗ đúng và phù hợp nhất, trước tiên, chúng ta cần nắm được cách nhận biết của căn bệnh này. Các dấu hiệu đặc trưng thường gặp ở bệnh nhân tai biến có thể kể đến như:

  • Bị méo mặt, méo miệng, khuôn mặt mất cân đối, để quan sát rõ hơn, chúng ta có thể yêu cầu bệnh nhân cười, lúc cười lên sẽ thấy rõ sự mất cân xứng của khuôn mặt.
  • Nụ cười ở người bị tai biến thường méo mó, nguyên nhân là do người bệnh bị tê cứng, liệt nửa khuôn mặt. 
  • Bị tê hoặc yếu cơ, trong thăm khám chuyên khoa, bệnh nhân sẽ được yêu cầu đưa hai tay qua đầu hoặc giơ cả hai tay lên, nếu không làm được hoặc một bên tay rơi xuống trước thì chứng tỏ người bệnh đã bị tai biến
  • Đột ngột thấy đau nhức đầu dữ dội, người mệt mỏi, choáng váng, cử động khó khăn, gặp trở ngại trong việc đi lại, giữ thăng bằng
  • Bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, nói ú ớ, khó nói, nói ngọng, không thể diễn đạt được suy nghĩ của bản thân. Nếu nói ra một câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại mà bệnh nhân không thực hiện được, giọng không tròn rõ, lưu loát thì đây chính là dấu hiệu của tai biến
  • Rối loạn trí nhớ, xuất hiện cảm giác khó nuốt, không thể phối hợp được các hoạt động có thể kèm theo buồn nôn, nôn, đứng không vững, đôi khi người bệnh còn bị té ngã, hôn mê mà không rõ nguyên nhân… 

Cách sơ cứu tai biến tại chỗ cứu lấy người bệnh

Như đã đề cập, trong điều trị tai biến mạch máu não, 3 – 4 giờ đầu là thời gian vàng trong điều trị. Nếu người bệnh được sơ cứu đúng cách, đưa đến bệnh viện chuyên khoa trong thời điểm này thì sẽ hạn chế được tối đa di chứng để lại cũng như nguy cơ tử vong do bệnh gây ra. Nếu chậm trễ trong việc sơ cứu, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sau 6 giờ hoặc không nhớ rõ thời điểm phát bệnh thì rất khó để điều trị, nguy cơ tử vong là cực kỳ cao. Trường hợp bệnh nhân may mắn sống sót thì cũng sẽ phải đối mặt với nhiều di chứng nghiêm trọng do bệnh gây ra. 

Sơ cứu tai biến đúng cách có ý nghĩa sống còn đối với người bệnh đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ do xuất huyết não. Thời gian trong điều trị các ca bệnh này được tính bằng phút, càng kéo dài thì tình trạng tổn thương não càng nghiêm trọng, có nhiều trường hợp bệnh nhân chưa được tiếp cận với chăm sóc y tế đã tử vong.

Cách sơ cứu tai biến tại nhà đúng nhất 

Nhiều người thường nhầm tưởng đột quỵ là cao huyết áp, hạ huyết áp, trúng gió nên thường chích máu ngón tay, cạo gió, cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh, uống thuốc hạ huyết áp… mà không đưa người bệnh đến ngay bệnh viện. Việc tự sơ cứu cho bệnh nhân bằng những phương pháp không phù hợp làm lỡ “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ, khiến người bệnh đối mặt với di chứng của bệnh và nguy cơ tử vong cao hơn.

Hướng dẫn cách chuyển tư thế nằm hồi sức trong sơ cứu tai biến
Hướng dẫn cách chuyển tư thế nằm hồi sức trong sơ cứu tai biến

Ngay khi bệnh nhân có các triệu chứng đột quỵ như chóng mặt, đau đầu, khó nói, yếu liệt tay chân, khả năng phản xạ giảm, không thể giữ thăng bằng, cười méo mặt… thì cần xử lý theo các bước sau đây:

  • Nhanh chóng cho người bệnh nằm ở vị trí an toàn, ở tư thế nằm nghiêng, đầu cao hơn mặt đất 30 độ, xung quanh thoáng đãng, dễ thở, đảm bảo cho người bệnh không té ngã. 
  • Ngay lập tức gọi 115 thông báo có người bị đột quỵ, gọi xe cứu thương của bệnh viện chuyên khoa ở gần hoặc tìm người hỗ trợ để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tốt nhất nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng ô tô nếu cơ sở y tế ở xa, không thể chờ xe cấp cứu
  • Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, nới lỏng quần áo, cà vạt, thắt lưng, cởi bớt áo ngoài để bệnh nhân dễ thở. Nên kiểm tra miệng của bệnh nhân, làm sạch miệng, lấy chất nôn ra ngoài (trường hợp có nôn) để làm thông thoáng đường thở, không để đàm nhớt, chất nôn chảy ngược vào đường thở.
  • Trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ có co giật, không nên nhét bất kỳ vật gì vào miệng bệnh nhân, nên để họ tránh xa đồ vật sắc nhọn nhằm tránh để bệnh nhân bị thương.
  • Trong khi chờ đợi xe cứu thương, nếu là người nhà thì hãy cố gắng ghi nhớ thời điểm khởi phát cơn đột quỵ, tiền sử bệnh lý, các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng để trả lời nhân viên y tế.
  • Trường hợp bệnh nhân còn tỉnh thì nên trò chuyện, cố gắng trấn an để bệnh nhân giữ được tỉnh táo, không hôn mê cho đến khi chờ cứu thương đến.

Cách sơ cứu khi bệnh nhân đột quỵ bất tỉnh

Trường hợp bệnh nhân hôn mê thì liên tục kiểm tra xem người bệnh còn thở không. Có rất nhiều trường hợp bất nhân bất tỉnh khi xuất hiện cơn đột quỵ não. Tình trạng này tương đối nguy hiểm, cần đánh giá tình trạng hô hấp của họ. Nếu thấy bệnh nhân không có nhịp thở nữa thì nên thực hiện ép tim ngoài lồng ngực để cứu sống bệnh nhân. Trường hợp bạn không biết cách xử lý thì nên gọi điện đến cơ sở y tế để được hướng dẫn cách xử lý khi bệnh nhân ngưng tuần hoàn, cũng có thể vận chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. 

Ép tim ngoài lồng ngực hay hồi sinh tim phổi – CPR được áp dụng cho bệnh nhân bất tỉnh, ngưng tim. Đối với những bệnh nhân này, cứ mỗi 1 phút chậm trễ thì người bệnh sẽ mất đi 10% cơ hội sống. Cách thực hiện như sau:

  • Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, kiểm tra đường thở đã thông thoáng hay chưa, có dị vật bất thường hay không, nếu có thì cần làm sạch để tránh sặc phổi
  • Người thực hiện quỳ gối ở gần bệnh nhân, chồng hai tay lên nhau đặt ở vị trí giữa xương ức, khoảng giữa ngực của người bệnh rồi dùng lực cánh tay ép mạnh xuống khoảng 2/3 độ sâu của lồng ngực
  • Thực hiện động tác này lặp đi lặp lại khoảng 60 – 100 lần/phút nhằm kích thích tim co bóp và hoạt động trở lại.

Phương pháp này cần được thực hiện đúng cách, đúng kỹ thuật nhằm gia tăng tỷ lệ sống cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị đột quỵ kèm theo ngưng tim rất nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao, nhất là khi không được cấp cứu kịp thời, đúng cách.

6 Sai lầm thường gặp khi sơ cứu tai biến  

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tàn tật, tử vong do tai biến mạch máu não ở Việt Nam cao hơn thế giới là do sơ cứu tai biến không đúng cách. Điều này xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh, nhầm lẫn bệnh với các bệnh lý khác làm chậm trễ thời gian vàng trong điều trị. Hậu quả là bệnh nhân được đưa tới bệnh viện ở giai đoạn muộn, tổn thương não đã vô cùng nghiêm trọng gây ra những di chứng nặng nề cho người bệnh.

Một số sai lầm thường gặp khi sơ cứu tai biến mà chúng ta cần tránh như sau:

1. Để bệnh nhân tự nghỉ ngơi và hồi phục 

Nhiều người nhầm lẫn tai biến với tăng hoặc hạ huyết áp, lúc này, bệnh nhân thường nằm ở nhà hoặc ngồi nghỉ ngơi chờ đợi cơ thể hồi phục thay vì nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Đã có rất nhiều trường hợp người bệnh chủ quan, không nghĩ rằng mình bị đột quỵ, cho rằng chỉ cần nghỉ ngơi một lát là khỏe. Hậu quả là càng nghỉ ngơi lại càng mệt, các triệu chứng không hề thuyên giảm mà ngày một nghiêm trọng hơn. Hơn nữa còn bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị.

Nằm nghỉ ngơi để cơ thể tự hồi phục là sai lầm vô cùng nghiêm trọng khi bị tai biến
Nằm nghỉ ngơi để cơ thể tự hồi phục là sai lầm vô cùng nghiêm trọng khi bị tai biến

2. Sơ cứu không đúng cách

Tự sơ cứu cho bệnh nhân nhưng không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ tử vong và tàn tật. Những sai lầm trong cách sơ cứu tai biến thường gặp là:

  • Co bệnh nhân ăn nhẹ, uống nước chanh, nước đường hoặc an cung ngưu hoàng… Những hành động này được nhận định là vô cùng nguy hiểm. Lý do là bệnh nhân đột quỵ thường bị rối loạn nuốt, khó thở, việc ăn hoặc uống sẽ gây sặc, nghẹn, ảnh hưởng đến phổi và hô hấp, gây nguy cơ tử vong cao.
  • Cho bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp cũng là một sai lầm phổ biến trong sơ cứu tai biến mạch máu não. Có 2 dạng tai biến là nhồi máu não và xuất huyết não. Khi bị nhồi máu não, nếu người bệnh được cho uống thuốc hạ huyết áp sẽ khiến tình trạng thiếu máu não trở nên nghiêm trọng hơn, gây tụt huyết áp sâu và gia tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh. 
  • Ngoài ra, khi sơ cứu tai biến, tuyệt đối không áp dụng các phương pháp dân gian như chích máu 10 đầu ngón tay, đứng một chân, nằm dốc ngược… Bệnh nhân cần được nằm nghiêng trong thời gian chờ xe cứu thương hoặc được người thân đưa đến bệnh viện sớm nhất, tuyệt đối không nên chần chừ bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị. 

3. Cho bệnh nhân dùng thuốc an cung ngưu hoàn

An cung ngưu hoàn là bài thuốc được truyền miệng có công dụng phòng ngừa tai biến mạch máu não, được nhiều gia đình mua để dự trữ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc, loại thuốc này cần được dùng khi có chỉ định của bác sĩ, nếu dùng sai sẽ vô cùng nguy hiểm. Theo chia sẻ của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân được người nhà cho dùng thuốc này trước khi nhập viện, kết quả là bệnh nhân bị chảy máu ồ ạt, rất khó cứu chữa. 

Như đã đề cập, tai biến có 2 dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Người bị tai biến do xuất huyết não dùng thuốc này chỉ khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, hiệu quả của thuốc cũng chưa được chứng minh qua các nghiên cứu khoa học. Loại thuốc này cần phải dùng theo đơn, đúng chỉ định, có giám sát của thầy thuốc Đông Y, bác sĩ y học cổ truyền, chống chỉ định cho người bị tai biến mạch máu não, dương hư, suy giảm chức năng gan, thận.

4. Người bệnh tự lái xe đến bệnh viện cấp cứu 

Đối với những bệnh nhân sống một mình, khi có dấu hiệu tai biến nhưng còn đi lại được, người bệnh thường có xu hướng tự điều khiển xe để đến bệnh viện. Thế nhưng, theo khuyến cáo của các bác sĩ, nếu nghi ngờ bị đột quỵ, tốt nhất người bệnh nên gọi người thân, người xung quanh đến giúp đỡ và gọi ngay cho 115 thông báo mình bị đột quỵ. 

Người bị đột quỵ thường bị đau đầu, chóng mặt dữ dội, liệt một phần tay chân, phản xạ trở nên rất chậm và kém. Việc tự lái xe sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng hơn, có nguy cơ gây tai nạn giao thông cực kỳ cao. Người bệnh tuyệt đối không tự ý lái xe đến bệnh viện, nên chờ đợi xe cứu thương hoặc chờ người giúp đỡ. 

5. Không được di chuyển bệnh nhân tai biến 

Một số trường hợp bệnh nhân tai biến không được sớm đưa đến bệnh viện cấp cứu là do nhiều người khuyên rằng không được di chuyển bệnh nhân. Tuy nhiên, thực tế thì chúng ta chỉ không được bế thốc và đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy. Hoàn toàn có thể gọi xe cứu thương, xe ô tô để bệnh nhân nằm trên xe. Việc không sớm đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất có thể sẽ khiến tình trạng tổn thương não ngày một nghiêm trọng, nguy cơ tử vong cũng cao hơn.

Bệnh nhân tai biến cần được đưa ngay đến bệnh viện có MRI càng sớm càng tốt
Bệnh nhân tai biến cần được đưa ngay đến bệnh viện có MRI càng sớm càng tốt

Di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy rất nguy hiểm. Điều này có thể gây xóc nẩy, làm chất nhầy, chất nôn, đờm dãi (ở người bị nôn) chặn đường thở, khiến người bị tai biến thiếu oxy, gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bệnh nhân. 

6. Xoa dầu nóng, cạo gió, cúng bái

Có rất nhiều trường hợp nhầm lẫn tai biến với trúng gió do giống nhau ở các triệu chứng như đột ngột không còn sức lực, mắt mờ, méo mặt, mất khả năng nhận biết… Do đó, khi có người bị tai biến, người ta thường áp dụng các biện pháp dân gian như cạo gió, xoa dầu, cúng bái… để giúp bệnh nhân cảm giác khỏe hơn. 

Tuy nhiên, đây là các biện pháp phản khoa học, chỉ làm chậm trễ việc điều trị, khiến người bệnh bị bỏ lỡ cơ hội sống và khả năng hồi phục mà thôi. Điều cần làm khi có các dấu hiệu đột quỵ là nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu. Dù chỉ có các triệu chứng nghi ngờ thì tốt nhất vẫn cần đến bệnh viện kiểm tra, không nên lơ là, chủ quan. 

Sơ cứu tai biến đúng cách có ý nghĩa sống còn đối với người bị tai biến mạch máu não. Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu bệnh nhân được cấp cứu trong vòng 6 giờ tính từ thời điểm các triệu chứng bệnh khởi phát thì khả năng hồi phục là rất cao, các di chứng để lại ở mức vừa và nhẹ. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn sớm nhận biết và có cách xử lý đúng nhất khi bản thân hoặc người thân, người xung quanh bị tai biến mạch máu não.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Người bị tai biến mạch máu não cần được sơ cứu kịp thời để giảm nguy cơ tàn tật, tử vong Sơ Cứu Tai Biến: Cách Xử Lý Tại Chỗ Cứu Lấy Người Bệnh

Tai biến mạch máu não là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, người bệnh cần được phát hiện, sơ cứu…

Tai biến mạch máu não là bệnh lý xảy ra khi gián đoạn lưu thông máu đến não do tắc hoặc vỡ mạch máu não Tai biến mạch máu não là gì? Nguyên nhân và Cách phòng

Tai biến mạch máu não là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, có xu hướng…

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân tai biến Chăm Sóc Người Bị Tai Biến Mạch Máu Não Cần Làm Gì?

Tai biến mạch máu não là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, để lại nhiều di chứng nặng nề cho…

Tai biến lần 2 thường nguy hiểm, gây biến chứng nghiêm trọng hơn so với lần đầu tiên rất nhiều Tai biến mạch máu não lần 2 khắc phục, ngăn ngừa làm sao?

Người từng bị tai biến mạch máu não cần được chăm sóc, điều trị kịp thời, đúng cách để hồi…

Tai biến mạch máu não là căn bệnh có thể xảy ra ở người trẻ và rất trẻ Tai Biến Mạch Máu Não Ở Người Trẻ Chớ Nên Xem Thường

Tai biến mạch máu não không chỉ là căn bệnh người già mà còn có thể xảy ra ở người…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua