Chăm Sóc Người Bị Tai Biến Mạch Máu Não Cần Làm Gì?
Tai biến mạch máu não là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh. Người bị tai biến cần được chăm sóc và hỗ trợ đúng cách để có thể phục hồi tốt nhất và tái hòa nhập với cộng đồng, không phải phụ thuộc vào người khác. Nếu gia đình bạn có người bị tai biến và đang băn khoăn chưa biết chăm sóc người bị tai biến mạch máu não cần làm gì thì có thể tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây.
Nguyên tắc khi chăm sóc người bị tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não xảy ra khi lượng máu đến não bị cản trở do xuất huyết (vỡ mạch máu) hoặc nhồi máu não (cục máu đông hoặc mảng xơ vữa gây tắc nghẽn) khiến các tế bào não bị tổn thương, chết đi. Người bệnh nếu được cấp cứu kịp thời, đáp ứng với điều trị thì tỷ lệ sống sót là rất cao, ít gặp phải di chứng nghiêm trọng do bệnh gây ra.
Theo thống kê, có khoảng 10% các trường hợp người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau tai biến, 25% hồi phục với di chứng khiếm khuyết nhỏ, các trường hợp còn lại thường phải đối mặt với các di chứng từ trung bình đến nặng sau căn bệnh này. Người bị tai biến mạch máu não thường bị suy giảm chức năng nghiêm trọng, yếu hoặc liệt nửa người, bị co cứng cơ, mất khối cơ, không kiểm soát được bàng quang gây tiểu tiện không tự chủ. Người bệnh cũng thường bị rối loạn ngôn ngữ, khó nói, suy giảm trí nhớ, thay đổi hành vi, sa sút trí tuệ…
Theo các bác sĩ chuyên khoa, 6 tháng đầu tiên là thời điểm tốt nhất để người bệnh phục hồi chức năng, giảm thiểu biến chứng và phục hồi sức khỏe. Đây cũng là giai đoạn mà người bệnh đặc biệt cần người chăm sóc, động viên, hỗ trợ. Khi chăm sóc người bệnh tai biến, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Cần trao đổi chi tiết với bác sĩ để nắm được các thông tin về toa thuốc, cách sử dụng của từng loại thuốc và tình trạng của người bệnh
- Nắm được các biện pháp cần lưu ý trong chăm sóc để giúp giảm thiểu, phòng ngừa nguy cơ cơn tai biến tái phát
- Cần tìm hiểu các yếu tố, các phương pháp có thể giúp bệnh nhân đột quỵ hồi phục tốt nhất, cũng như cách chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân trong từng giai đoạn phục hồi
- Nắm được các bài tập, hướng dẫn của bác sĩ, chuyên viên trị liệu để chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân
- Theo dõi tâm lý, sớm phát hiện các bất thường về tâm lý của người bệnh để kịp thời phát hiện trầm cảm và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Chăm sóc người bị tai biến mạch máu não cần làm gì?
Chăm sóc người bị tai biến mạch máu não là công việc vô cùng vất vả, đòi hỏi người thực hiện phải cực kỳ kiên nhẫn. Nếu bạn đang băn khoăn không biết khi chăm sóc người bị tai biến mạch máu não cần làm gì thì có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
1. Phòng ngừa biến chứng hô hấp
Ở bệnh nhân tai biến mạch máu não, các biến chứng về hô hấp rất dễ xảy ra. Lý do là lúc này, bệnh nhân thường bị méo miệng, tê cứng lưỡi, khả năng phối hợp vận động của các cơ quan trong cơ thể không còn nhịp nhàng như trước nữa.
Người bệnh thường gặp khó khăn trong việc nhai nuốt, hay bị sặc thức ăn, nước uống. Nếu không được chăm sóc đúng cách, các vật lạ dễ đi xuống phổi, gây viêm phổi tắc nghẽn phổi mãn tính, rối loạn kiểu thở, suy hô hấp, tràn khí màng phổi…
Do đó, khi chăm sóc người bệnh tai biến, cần đặc biệt lưu ý cách phòng ngừa biến chứng hô hấp, có đến 10% bệnh nhân tử vong vì biến chứng hô hấp sau đột quỵ. Để phòng ngừa các biến chứng này, người chăm sóc nên:
- Thường xuyên giúp bệnh nhân lăn, trở người, thay đổi tư thế, tốt nhất là từ 1.5 – 2 tiếng/lần với những bệnh nhân nằm liệt giường
- Nên thường xuyên kiểm tra đường thở, miệng bệnh nhân để loại bỏ đờm dãi, vật lạ, để họ tránh nuốt xuống gây tắc nghẽn đường thở
- Người bị đột quỵ không nên nằm ngửa người hoàn toàn, chỉ nằm ngửa trong thời gian ngắn ở tư thế đầu được kê cao, sau đó cho bệnh nhân nằm nghiêng trở lại là tốt nhất.
- Ở bệnh nhân đột quỵ, ban đầu, người bệnh sẽ được tập vận động thụ động. Sau khi được về nhà, nếu bệnh nhân vẫn chưa thể tự thay đổi tư thế, tự ngồi được thì cần tiếp tục tập vận động thụ động và tập thở để ngừa biến chứng hô hấp…
2. Chăm sóc về dinh dưỡng cho người bệnh
Người bị tai biến mạch máu não cần được đặc biệt chú trọng trong việc chăm sóc dinh dưỡng. Việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, đúng cách sẽ giúp cung cấp dưỡng chất, năng lượng để người bệnh hồi phục sức khỏe, nâng cao sức đề kháng và hồi phục tốt hơn. Thông thường, khi xây dựng cho bệnh nhân tai biến, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Nhu cầu năng lượng của bệnh nhân là 25 – 30 kcal/kg, tương đương với 1200 – 1500 kcal cho người có cân nặng trung bình từ 50 – 55kg.
- Khi bổ sung năng lượng cho người bệnh, để đảm bảo hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi, tốt nhất nên giảm năng lượng đến từ chất béo và tinh bột, tăng năng lượng từ các nhóm khác
- Nhu cầu chất đạm cho bệnh nhân là 1g/kg, đối với người nặng từ 50 – 55kg thì lượng đạm cần là 50 – 60g/ngày, tùy vào tình trạng sức khỏe, khuyến cáo của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng mà điều chỉnh sao cho phù hợp
- Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất, nhất là vitamin C, vitamin E, selen để chống oxy hóa. Đồng thời, cũng nên tăng cường bổ sung acid folic, sắt để hỗ trợ tạo máu.
Người bệnh tai biến nên được đa dạng các loại thực phẩm, bổ sung ít nhất 5 loại rau củ trong khẩu phần ăn hàng ngày. Trong quá trình chăm sóc về ăn uống cho người bệnh, người chăm sóc cần làm những việc sau đây:
- Đối với bệnh nhân có thể tự ăn được: Cần ninh nhừ, cắt nhỏ hoặc băm nhuyễn thức ăn phù hợp với khả năng của người bệnh để người bệnh có thể tự nhai nuốt và hấp thụ dễ dàng hơn. Nếu bệnh nhân bị rối loạn nuốt thì nên chọn những thực phẩm dễ nuốt, cho bệnh nhân ăn từ từ từng chút một, thức ăn cần ấm, ở dạng dịch đặc. Trường hợp chế biến thịt thì nên nấu thành các món ăn có nước sốt và phải hầm thật nhừ.
- Đối với bệnh nhân được ăn bằng ống thông: Trường hợp này cần có sự tư vấn hướng dẫn chi tiết của bác sĩ, điều dưỡng để nắm được liều lượng, cách sử dụng, cách thực hiện nhằm tránh biến chứng và nguy cơ nhiễm trùng. Thông thường, với bệnh nhân được nuôi qua ống thông thì nên dùng sữa, bột dinh dưỡng với lượng thức ăn là 250 – 300ml mỗi cữ, bắt đầu từ lượng nhỏ rồi mới tăng dần sao cho đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày.
3. Hỗ trợ bệnh nhân vận động để hồi phục
Một trong những vấn đề không thể bỏ qua khi chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não đó chính là hỗ trợ để bệnh nhân có thể phục hồi vận động. Ngay từ khi ở bệnh viện, người bệnh đã được các bác sĩ, chuyên viên trị liệu lên chương trình hồi phục vận động. Đây được xem là phương pháp phục hồi sau tai biến mạch máu não cần thiết, được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Thời điểm 3 – 6 tháng đầu là khoảng thời gian mà người bệnh có thể phục hồi chức năng tốt nhất. Ở giai đoạn này, nên cho người bệnh tập vận động ở các trung tâm phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để được hỗ trợ. Có rất nhiều tài liệu về cách hỗ trợ chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tai biến, điển hình là các tài liệu của bệnh viện Bạch Mai, người nhà có thể tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên viên trị liệu và các tài liệu này để hỗ trợ người bệnh.
Trong quá trình hỗ trợ phục hồi vận động, người chăm sóc cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Cần tích cực khuyến khích bệnh nhân vận động, nên bắt đầu từ các bài tập thay đổi tư thế nằm, nằm nghiêng sang bên lành, nằm nghiêng sang bên liệt rồi tập lăn trở người, tập giơ hạ cánh tay
- Sau khi người bệnh có thể tự thực hiện thì tập chuyển từ thế từ nằm sang ngồi, tập ngồi thẳng lưng, tập thăng bằng, dồn trọng lượng, tập gập duỗi tay chân, xoay người, tạo áp lực lên chân liệt…
- Tiếp đó mới bắt đầu tập chuyển tư thế từ ngồi sang đứng, tập đứng có hỗ trợ, tập đứng độc lập, tập dồn trọng lượng lên 2 chân
- Sau khi người bệnh có thể tự thực hiện các bài tập đứng thì mới bắt đầu chuyển sang tập đi, tuyệt đối không cho người bệnh tập đi khi các kỹ năng vận động trên chưa thực hiện được.
Phục hồi vận động cho bệnh nhân tai biến cần được tiến hành tuần tự, lần lượt, tuyệt đối không để người bệnh tự tập đứng, tập đi mà không có trợ giúp, không tuân theo quy trình nghiêm ngặt. Bệnh nhân được tập vận động càng sớm sẽ càng tốt cho quá trình phục hồi, tuy nhiên, không nên quá nóng vội, cần nghỉ ngơi khi thấy gắng sức, thấy hụt hơi, tim đập nhanh, đánh trống ngực…
4. Hỗ trợ vệ sinh cá nhân cho người bệnh
Đối với những người bệnh bị co cứng cơ, yếu liệt nửa người, mất khả năng vận động, đặc biệt là những người phải ngồi, nằm yên một chỗ. Những bệnh nhân này thường không thể tự vệ sinh cá nhân, nếu không được vệ sinh thường xuyên sẽ rất dễ sinh bệnh, nhiễm trùng, có nguy cơ bị viêm loét da, loét tì đè cao. Do đó, khi chăm sóc người bị tai biến mạch máu não, ở khâu vệ sinh cá nhân cho người bệnh, người chăm sóc cần:
- Hỗ trợ bệnh nhân đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, có thể kết hợp sử dụng thêm các loại nước súc miệng không cồn hoặc pha nước muối loãng để người bệnh súc miệng nhằm làm sạch răng, miệng, phòng ngừa các bệnh lý như sâu răng, viêm tủy răng…
- Những người bị đột quỵ cần được tắm rửa, lau người thường xuyên. Nên được tắm ở phòng kín gió, sàn nhà khô ráo, không trơn trượt, nhiệt độ nước tắm từ 37 – 45 độ, tuyệt đối không tắm nước lạnh và tránh tắm quá 7 phút, không nên tắm vào buổi tối.
- Những người bị hạn chế vận động, chỉ có thể nằm một chỗ cần được thay đổi tư thế nằm, vệ sinh, lau người thường xuyên để tránh viêm loét da, loét tì đè…
- Nên dạy cho người bệnh một số khẩu lệnh cần thiết để khi họ có nhu cầu đi vệ sinh sẽ thông báo với chúng ta, từ đó có thể được hỗ trợ kịp thời.
5. Khuyến khích, động viên tâm lý cho bệnh nhân
Người bệnh tai biến mạch máu não thường dễ rơi vào tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm. Đây cũng là một trong những di chứng nghiêm trọng của căn bệnh này, làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục đồng thời gia tăng nguy cơ tử vong do bệnh nhân có trạng thái tinh thần bất ổn, dễ kích động.
Người bệnh thường có xu hướng thay đổi tính tình, khó kiềm chế cảm xúc, hay tự ti, lo sợ, trở nên nội tâm hoặc dễ nổi giận do cảm giác mình là gánh nặng, phải dựa dẫm vào người khác.
Do đó, điều cần làm trong chăm sóc người bị tai biến mạch máu não ngoài chú ý vệ sinh, hỗ trợ họ vận động thì chúng ta cũng nên thường xuyên lắng nghe, khuyến khích, động viên tâm lý cho họ.
Nên tạo cho người bệnh một tâm lý lạc quan, thoải mái, thường xuyên khích lệ, khuyến khích họ tham gia các hoạt động giải tỏa tinh thần như tô tranh, tạo nhạc chơi trò chơi…
Tuy nhiên, tuyệt đối không nên xem họ như một đứa trẻ, người bị tai biến có thể bị sa sút trí tuệ, không diễn tả được vấn đề họ muốn nói nhưng không có nghĩa là họ không có khả năng nhận thức.
6. Massage cho người bị tai biến
Tùy vào điều kiện mà chúng ta có thể đưa người bệnh đến các trung tâm massage, trị liệu cho người bị tai biến để thúc đẩy bệnh nhân hồi phục. Cũng có thể đưa người bệnh thăm khám ở các trung tâm y học cổ truyền uy tín để được châm cứu trị liệu, bấm huyệt thư giãn, kích thích hồi phục các cơ, khớp bị co cứng, tăng cường lưu thông máu đến các vùng bị hạn chế.
Châm cứu, bấm huyệt thường được kết hợp với các bài tập phục hồi chức năng vận động, phương pháp này mang lại rất nhiều tín hiệu tích cực, giúp nhiều người bệnh phục hồi tốt sau cơn tai biến.
Nếu không có điều kiện, người chăm sóc có thể học cách xoa bóp cho người bệnh để giảm mệt mỏi, kích thích giải phóng căng cơ, cải thiện tuần hoàn máu. Các bước xoa bóp lần lượt như sau:
- Tiến hành xoa bóp ở vùng lưng, cánh tay hai chân với các động tác trượt dài, vuốt, xoa bóp, ấn nhẹ từ vai đến lưng, eo, dọc sống lưng và các vùng chân, tay, vai cổ
- Sau đó thực hiện xoay tròn, chà xát vào các chi và khớp, trước tiên là ở các ngón chân, bắp chân rồi đến ngón tay, bắp tay, hai tay. Massage, xoa bóp nhẹ nhàng liên tục 5 – 1 lần, xoay khớp cổ tay và khớp cổ chân từ 2 – 5 phút
- Tiếp đó xoa bóp ở những phần bị liệt của người bệnh, thực hiện day ấn, xoa bóp và dùng các bàn tay, bàn chân của bệnh nhân cọ xát vào nhau để tăng vận động, kích thích cảm giác
- Có thể học cách bấm huyệt ở những huyệt như kiên tỉnh, hợp cốc, khúc trì, kiên ngung, lương khâu, âm giao, túc lý, dương lăng tuyền… Tuy nhiên, việc ấn huyệt nên được thực hiện tại các trung tâm, cơ sở, bệnh viện y học cổ truyền đáng tin cậy để tránh nguy hiểm cho người bệnh.
7. Nhắc nhở người bệnh sử dụng thuốc và tái khám
Một trong những vấn đề mà chúng ta tuyệt đối không nên bỏ qua khi chăm sóc người bị tai biến đó chính là việc thường xuyên nhắc nhở, cho bệnh nhân uống thuốc đúng giờ. Do đó, người chăm sóc nên nắm được toa thuốc, cách sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ bao gồm về liều lượng, thời điểm uống thuốc, cách cho uống thuốc, số lượng thuốc. Theo dõi bệnh nhân thường xuyên, cần thông báo ngay cho bác sĩ khi bệnh nhân có biểu hiện bất thường, nghi ngờ liên quan đến tác dụng phụ của thuốc.
Bệnh nhân tai biến dù nhẹ hay nặng cũng cần được tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra mức độ hồi phục, tình trạng sức khỏe nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát. Bên cạnh đó, cũng nên tái khám khi hết thuốc hoặc khi cơ thể xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc chăm sóc người bị tai biến mạch máu não cần làm những gì. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn hiểu được phần nào những công việc cần làm, từ đó có cách chăm sóc bệnh nhân phù hợp, tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm:
- Sơ Cứu Tai Biến: Cách Xử Lý Tại Chỗ Cứu Lấy Người Bệnh
- Tai Biến Nhẹ Ở Người Già: Biểu hiện và Cách phòng chống
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!