Biến chứng bệnh Lupus ban đỏ (thận, tim, phổi, thần kinh)
Lupus ban đỏ là bệnh lý diễn biến phức tạp, phát triển theo từng đợt, đợt sau thường nặng hơn đợt trước. Nếu không được điều trị phù hợp, các biến chứng của Lupus ban đỏ có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, xương khớp, thận, hô hấp, tiêu hóa. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể dẫn đến tử vong.
8 biến chứng nguy hiểm của bệnh lupus ban đỏ
1. Biến chứng Lupus ban đỏ ảnh hưởng đến cơ xương khớp
Các biến chứng cơ xương khớp của bệnh Lupus ban đỏ có thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại, vận động và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Các biến chứng thường bao gồm:
- Viêm đa khớp và viêm đa cơ:
Khoảng 90% bệnh nhân Lupus ban đỏ bị viêm đa khớp hoặc viêm đa cơ. Về mặt giải phẫu, người bệnh có thể bị viêm màng hoạt dịch nhẹ, biến dạng các khớp hoặc bị tổn thương gân và dây chằng.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể thay đổi cấu trúc khớp, đau cơ, khớp. Các cơn đau có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn trong các đợt bùng phát của bệnh.
- Hoại tử vô mạch:
Biến chứng này ảnh hưởng khoảng 5 – 12% bệnh nhân Lupus ban đỏ. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh bị ảnh hưởng đến xương đùi hoặc xương chày. Người bệnh có thể xuất hiện các cơn đau ở vùng mông, háng hoặc đầu gối.
Khi thực hiện chụp X – quang đơn giản có thể thấy không gian khớp bị thu hẹp và xuất hiện các dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp. Hình ảnh từ MRI có thể xác định vị trí hoại tử vô mạch để có biện pháp khắc phục phù hợp.
Trong trường hợp này, bác sĩ có thể kê một số thuốc giảm đau và đề nghị vật lý trị liệu để cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, người bệnh cần can thiệp phẫu thuật để tránh làm tình trạng nghiêm trọng hơn.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn:
Trong một số trường hợp, người bệnh Lupus ban đỏ có thể xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn ở các khớp độc lập. Tình trạng này được gọi là viêm khớp nhiễm khuẩn và được chẩn đoán bằng việc xét nghiệm chất lỏng hoạt dịch ở khớp.
Đây là một biến chứng của Lupus ban đỏ ít phổ biến. Tuy nhiên, nếu nhận thấy dấu hiệu bị viêm khớp nhiễm khuẩn, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị ngay lập tức.
2. Bệnh Lupus ban đỏ biến chứng thận
Các vấn đề về thận có ảnh hưởng đến hầu hết các trường hợp Lupus ban đỏ. Lupus ban đỏ biến chứng thận được phân loại như sau:
- Bệnh thận mãn tính:
Đây là biến chứng thận phổ biến nhất đối với người bệnh Lupus ban đỏ, đặc biệt là ở bệnh nhân suy thận hoặc có các vấn đề khác về thận. Trong nhiều trường hợp, người bệnh không có bất cứ các triệu chứng nhận biết nào. Tuy nhiên, một số khác có thể bị sưng chân hoặc mắt cá chân (do tích trữ nước).
Dấu hiệu nhận biết các vấn đề thận phổ biến khác bao gồm: Xuất hiện Protein, máu hoặc bạch cầu trong nước tiểu.
Trong một số trường hợp, các vấn đề về thận có thể nghiêm trọng đến mức khiến thận ngừng hoạt động hoặc mất chức năng một cách hoàn toàn. Tùy thuộc vào loại tổn thương và mức độ nghiêm trọng của biến chứng, bác sĩ có thể kê các loại thuốc kiểm soát Lupus ban đỏ, lọc thận hoặc ghép thận.
- Viêm thận Lupus:
Có khoảng 50% người bệnh Lupus ban đỏ hệ thống xuất hiện tình trạng viêm thận Lupus. Các dấu hiệu phổ biến thường là tăng tăng Creatinine trong nước tiểu, tiêu ra máu, nồng độ Albumin huyết thanh thấp hoặc bệnh thận với Protein niệu đáng kể.
Viêm thận Lupus cần được nhập viện để đánh giá các nguyên nhân và có biện pháp khắc phục phù hợp.
3. Lupus ban đỏ biến chứng thần kinh
Biến chứng Lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng lên hệ thống thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên. Các vấn đề bao gồm đau đầu, trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần. Cụ thể các biến chứng như sau:
- Đau đầu:
Rối loạn đau đầu phổ biến ở bệnh nhân Lupus ban đỏ và có xu hướng gia tăng theo các đợt phát bệnh. Việc điều trị thường tương tự như điều trị chứng đau đầu thông thường.
Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu như thiếu hụt thần kinh khu trú, đau đầu kéo dài, viêm màng não hoặc sốt, cần tiến hành chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc quét chọc dò thắt lưng để có biện pháp xử lý, điều trị phù hợp.
- Rối loạn tâm trạng và lo âu:
Lo lắng và trầm cảm được cho là ảnh hưởng đến 75% người bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Tình trạng này có thể phát triển thành mãn tính và tác động trực tiếp lên não của người bệnh.
Người bệnh bị rối loạn lo âu thường xuyên bị căng thẳng, sai lầm trong phán đoán, khó tập trung, mất trí nhớ nhẹ và thỉnh thoảng có thể có các hành động như bị động kinh.
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên:
Có khoảng 10% bệnh nhân Lupus ban đỏ có các bệnh lý về thần kinh ngoại biên dưới dạng đơn nhân hoặc đa nhân.
Các dấu hiệu nhận biết thường bao gồm: Rối loạn thị lực, yếu cơ mặt, chóng mặt, mất kiểm soát ở tay và chân, có cảm giác tê mỏi ở bàn tay, bàn chân, cánh tay hoặc chân.
- Tai biến mạch máu não:
Lupus ban đỏ có thể gây xuất huyết não, viêm mạch máu thần kinh trung ương, tắc mạch. Tình trạng này có thể dẫn đến đột quỵ và gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu, vui lòng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
- Động kinh:
Có khoảng 15 – 35% người bệnh Lupus ban đỏ bị động kinh, co giật. Các cơn động kinh cần được điều trị và có biện pháp phòng ngừa để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
- Huyết khối xoang:
Đây là tình trạng huyết khối xuất hiện ở màng cứng của xoang và thường biểu hiện như một cơn đau đầu nhẹ, không thường xuyên. Việc chẩn đoán huyết khối xoang màng cứng được thực hiện thông qua CT và MRI để có biện pháp khắc phục kịp lúc.
- Viêm mạch thần kinh trung ương:
Người bệnh Lupus ban đỏ rất dễ bị viêm mạch thần kinh trung ương. Các biểu hiện tiêu biểu bao gồm co giật, rối loạn tâm thần, suy giảm nhận thức, thay đổi trạng thái thần kinh hoặc hôn mê.
Trong một số trường hợp, các dấu hiệu của bệnh nhân rất nhẹ hoặc hầu như không diễn ra. Điều này gây ảnh hưởng đến công tác xét nghiệm và điều trị kịp lúc. Đôi khi bác sĩ cần tiến hành chụp động mạch hoặc sinh thiết não để chẩn đoán và điều trị tình trạng viêm mạch thần kinh trung ương.
- Viêm tủy ngang và huyết khối động mạch cột sống:
Tình trạng này có thể khiến người bệnh bị mất cảm giác hoặc chức năng vận động của chi dưới. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị áp xe ngoài màng cứng, đặc biệt là ở bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Nhiễm trùng thần kinh:
Đây là biến chứng Lupus ban đỏ hiếm khi gặp ở hệ thống thần kinh. Tuy nhiên, nếu xảy ra người bệnh có thể bị viêm màng não kết hợp với đau đầu hoặc thiếu hụt thần kinh khu trú.
Bệnh nhân suy giảm hệ thống miễn dịch thường có nguy cơ nhiễm trùng thần kinh cao. Các vấn đề nhiễm trùng thường có liên quan đến nấm hoặc Mycobacteria.
4. Biến chứng của Lupus ban đỏ lên da
- Phát ban:
Có khoảng 90% bệnh nhân Lupus ban đỏ bị phát ban đỏ dạng bướm ở mũi và hai bên má. Ngoài ra, một số người có thể bị rụng tóc, hình thành sẹo ở mặt, tai và da đầu.
Những bệnh nhân này thường có da nhạy cảm, xuất hiện phát ban da có dạng như hồng cầu hoặc hình khuyên. Tổn thương có thể là cấp tính hoặc bán cấp tính.
- Lở miệng và mũi:
Một số bệnh nhân có thể bị lở loét miệng hoặc mũi. Tuy nhiên, các vết loét này thường không gây đau đớn.
Nhiễm khuẩn thứ cấp của Lupus ban đỏ thường gây phát ban hoặc loét da. Một số trường hợp, người bệnh có thể bị viêm mô tế bào và nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Trong trường hợp này, bác sĩ thường kê các loại thuốc Corticosteroid tại chỗ và đề nghị người bệnh tránh ánh nắng trực tiếp để cải thiện tình trạng.
- Viêm mạch hệ thống:
Người bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có thể bị viêm mạch máu độc lập. Điều này mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, tuy nhiên có thể dẫn đến viêm mạch hệ thống.
Đây là tình trạng xuất huyết dưới da có thể sờ thấy được. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể liên quan đến chức năng của thận, phổi, hệ thống thần kinh trung ương ngoại biên và hệ thống tiêu hóa.
Các triệu chứng viêm mạch hệ thống thường bao gồm: Ớn lạnh, đau tức ngực, ho ra máu, đau bụng hoặc thay đổi màu sắc nước tiểu. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm chức năng gan, công thức máu và phân tích nước tiểu để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị cụ thể.
5. Biến chứng Lupus ban đỏ ảnh hưởng đến phổi
Các vấn đề về phổi thường ít gặp hơn đối với người bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Tuy nhiên, nếu xảy ra các biến chứng có thể bao gồm:
- Viêm màng phổi:
Có khoảng 1 trong 3 bệnh nhân Lupus ban đỏ bị viêm màng phổi, có hoặc không có tràn dịch phổi. Tình trạng này được điều trị bằng thuốc chống viêm không Steroid hoặc Corticosteroid nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Viêm phổi, viêm màng phổi có thể liên quan đến các biến chứng tim phổi nghiêm trọng. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng viêm màng phổi, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
- Tăng huyết áp động mạch phổi:
Bệnh nhân Lupus ban đỏ có thể bị tăng huyết áp phổi gây huyết khối hoặc tắc động mạch phổi mạn tính. Tuy nhiên, tình trạng này thường không quá nghiêm trọng và có thể điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh có thể cần điều trị khẩn cấp nếu có dấu hiệu suy tim.
- Hội chứng thu hẹp động mạch phổi:
Tình trạng làm động mạch phổi bị co lại khiến người bệnh bị khó thở bán cấp tính hoặc mạn tính hoặc bị đau ngực màng phổi. Hội chứng này có thể liên quan đến rối loạn chức năng cơ hoành, tăng huyết áp phổi hoặc do một số bệnh nguyên phát ở phổi.
- Thuyên tắc phổi:
Thuyên tắc phổi là một biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong ở bệnh nhân Lupus ban đỏ, đặc biệt là người bệnh huyết khối tắc mạch. Bệnh thuyên tắc phổi là một tình trạng tương đối khẩn cấp và cần tiến hành điều trị phù hợp.
- Viêm phổi Lupus ban đỏ hệ thống:
Tình trạng này có thể dẫn đến các dấu hiệu giống như viêm phổi nặng. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: Ho, sốt, khó thở, thiếu oxy đến phổi.
Viêm phổi do Lupus ban đỏ là bệnh bùng phát, không phải do nhiễm trùng. Mặc dù không thể phân biệt được với viêm phổi thông thường nhưng tỷ lệ tử vong do viêm phổi Lupus ban đỏ thường cao gấp đôi viêm phổi thông thường.
- Hội chứng xuất huyết phế nang lan tỏa:
Đây là một biến chứng tương đối hiếm gặp những có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 50 – 90% các trường hợp. Hầu hết người bệnh đều có các triệu chứng phổ biến như ho, sốt, khó thở và thiếu oxy.
Hội chứng xuất huyết phế nang lan tỏa thường được điều trị phụ thuộc vào các triệu chứng và nguy cơ biến chứng. Thông thường bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh, điều trị bằng Corticosteroid hoặc các liệu pháp chuyên môn khác.
6. Biến chứng của Lupus ban đỏ ảnh hưởng đến tim
Các vấn đề về tim do Lupus ban đỏ gây ra thường bao gồm:
- Viêm ngoài màng tim:
Viêm màng ngoài tim có hoặc không có tràn dịch màng ngoài tim là biến chứng tương đối phổ biến ở bệnh nhân Lupus ban đỏ. Các dấu hiệu nhận biết thương bao gồm: Xuất hiện với cơn đau thắt ngực, nhịp tim nhanh và tăng đoạn ST lan tỏa trên điện tâm đồ.
Hầu hết các trường hợp, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng Corticosteroid.
- Van tim bất thường:
Khoảng 60% người bệnh Lupus ban đỏ xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở van tim. Hầu hết các trường hợp, người bệnh không có các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết cụ thể. Bệnh thường được phát hiện thông qua siêu âm hoặc theo dõi tiến triển Lupus ban đỏ lâm sàng.
Người bệnh có vấn đề về van tim rất dễ bị đột quỵ, tắc mạch ngoại biên, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, suy tim sung huyết hoặc tử vong.
- Viêm nội tâm mạc Lupus ban đỏ:
Một số bệnh nhân bị thoái hóa van tim nặng có thể bị xơ hóa van tim, viêm nội tâm mạc, khó thở hoặc đau ngực.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn nội tâm mạc và gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
7. Các biến chứng Lupus ban đỏ liên quan hệ thống máu
Các vấn đề liên quan đến máu rất phổ biến ở bệnh nhân Lupus ban đỏ, nhưng hầu hết các trường hợp thường không có dấu hiệu nhận biết cụ thể. Trong một vài trường hợp, các biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh, bao gồm:
- Thay đổi tính chất tế bào hồng cầu, mang oxy, bạch cầu, chống nhiễm trùng, tiểu cầu và chất chống đông máu.
- Phá hủy các tế bào hồng cầu gây thiếu máu. Số lượng bạch cầu thấp hoặc số lượng tiểu cầu thấp, gây thiếu máu cục bộ.
- Thay đổi trong các cơ quan liên quan đến lưu thông máu ảnh hưởng đến lá lách và các hạch bạch huyết.
- Sản xuất ra các tế bào đông máu khiến máu dễ bị đông. Điều này có thể gây ra một tình trạng được gọi là hội chứng kháng thể Antiphospholipid, dẫn đến các đông máu nhẹ hoặc nghiêm trọng.
8. Biến chứng Lupus ban đỏ đến hệ thống tiêu hóa
Các vấn đề trong hệ thống tiêu hóa không phổ biến với bệnh nhân Lupus ban đỏ. Tuy nhiên, một số biến chứng có thể bao gồm:
- Đau bụng, đau dạ dày, thường kèm buồn nôn và nôn.
- Gan trướng to.
- Viêm phục mạc, viêm tuyến tụy.
- Khó tiêu, khó nuốt.
- Khô miệng.
Biến chứng của Lupus ban đỏ rất đa dạng và khó chẩn đoán. Do đó, nắm được các biến chứng phổ biến là cách tốt nhất để có biện pháp điều trị và cải thiện phù hợp. Trao đổi với bác sĩ hoặc nhân viên y tế có chuyên môn nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào có liên quan.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!