Trẻ bị viêm amidan sốt cao – Những điều mẹ cần biết
Trẻ nhỏ bị viêm amidan cấp tính có thể đi kèm với triệu chứng sốt cao. Triệu chứng này chỉ kéo dài trong khoảng 1 – 4 ngày và chấm dứt khi nhiễm trùng ở amidan được kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên nếu không hạ sốt kịp thời, trẻ có thể bị co giật và mất ý thức.
Trẻ bị viêm amidan sốt cao & những thông tin cần biết
Viêm amidan gây sốt cao là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng amidan cấp tính. Sự xâm nhập đột ngột của các vi khuẩn và virus vào hạch lympho ở cổ họng có thể khiến thân nhiệt trẻ tăng cao (nhiệt độ cơ thể dao động từ 38 – 39 độ C). Ngược lại nếu bị viêm amidan mãn tính, trẻ chỉ bị sốt nhẹ (dưới 38 độ C) và có xu hướng sốt khi về chiều.
Sốt là phản ứng của cơ thể khi bị nhiễm trùng – nhất là trường hợp nhiễm trùng cấp tính. Bên cạnh triệu chứng này, trẻ có thể gặp phải các triệu chứng đi kèm như:
- Lạnh run người, thường xuyên ớn lạnh
- Đau đầu, mệt mỏi
- Lười ăn, bỏ bú và hay quấy khóc
- Cổ họng rát và đỏ
- Tiếu ít, nước tiểu màu vàng đạm
- Thở khò khè
- Táo bón
Triệu chứng sốt cao là hệ quả do nhiễm trùng amidan gây ra. Tuy nhiên nếu không tiến hành hạ sốt, trẻ có thể bị co giật, mất ý thức và ngất xỉu,….
Theo ước tính của các chuyên gia, triệu chứng sốt do viêm amidan chỉ kéo dài trong khoảng 1 – 4 ngày. Nếu triệu chứng vẫn tiếp diễn sau khi bệnh được kiểm soát, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Trẻ bị viêm amidan sốt cao phải làm sao?
Sốt cao do viêm amidan cấp tính là triệu chứng phổ biến, do đó bạn không nên quá lo lắng về tình trạng này. Tuy nhiên bên cạnh việc dùng kháng sinh để ức chế nhiễm trùng ở amidan, bạn cần thực hiện các biện pháp để làm giảm thân nhiệt và cải thiện các triệu chứng đi kèm.
1. Chườm khăn lạnh
Chườm khăn lạnh là biện pháp giảm sốt khá hiệu quả. Nhiệt độ từ khăn lạnh sẽ giúp điều hòa thân nhiệt và giúp giảm sốt nhanh.
Bạn nên nhúng khăn vào nước, vắt cho khô và lau người cho trẻ, nên tập trung lau vào những vị trí như bẹn, nách và cổ. Sau đó dùng 3 – 4 khăn mới, nhúng nước, vắt nhẹ và chườm lên trán, cổ và 2 nách của trẻ. Nên chú ý thay khăn thường xuyên vì khăn có thể nóng lên do nhiệt độ cơ thể của trẻ truyền qua.
2. Mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng
Khi trẻ bị sốt, bạn cần cho trẻ mặc quần áo rộng rãi và có chất liệu thấm hút. Điều này sẽ giúp mồ hôi được thoát ra dễ dàng và tránh gây khó chịu cho trẻ. Việc mặc quần áo chật và dày có thể khiến trẻ bứt rứt và làm tăng nhiệt độ cơ thể.
3. Dùng quạt hoặc máy lạnh
Nếu thời tiết nóng và khó chịu, bạn nên mở máy lạnh hoặc dùng quạt để làm giảm nhiệt độ trong không gian sống.
Tuy nhiên cần tránh để nhiệt độ máy lạnh quá thấp hoặc để quạt gần trẻ. Nên điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh thấp hơn nhiệt độ môi trường khoảng 3 độ C.
4. Nghỉ ngơi và hạn chế vận động
Hoạt động thể chất trong giai đoạn nhiễm trùng amidan có thể khiến trẻ mệt mỏi, mất nước và sốt cao hơn. Vì vậy bạn nên khuyến khích trẻ nghỉ ngơi trên giường.
Nếu trẻ hiếu động, bạn có thể cho trẻ vui chơi trong nhà với các hoạt động có cường độ nhẹ.
5. Khuyến khích trẻ uống nước
Nhiễm trùng amidan có thể khiến trẻ mất nước và dễ mệt mỏi. Tình trạng mất nước có thể khiến cổ họng khô rát và làm thân nhiệt tăng cao hơn. Vì vậy bạn nên cho trẻ uống đủ nước khi đang điều trị bệnh. Việc bổ sung đủ nước không chỉ hỗ trợ giảm sốt mà còn bù điện giải và hạn chế tình trạng mệt mỏi.
Bên cạnh thói quen uống nước lọc, bạn cũng có thể pha nước chanh và mật ong cho trẻ để làm giảm cảm giác đau rát và khó chịu ở cổ họng.
6. Tăng sức đề kháng cho trẻ
Mức độ nhiễm trùng và các triệu chứng do viêm amidan gây ra có khả năng phát triển mạnh nếu hệ miễn dịch của trẻ tiếp tục suy giảm.
Vì vậy để cải thiện tình trạng sốt, mệt mỏi và tăng khả năng đối kháng với vi khuẩn gây bệnh, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu khoáng chất, năng lượng và vitamin để cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ.
Bên cạnh đó bạn cần chế biến món ăn lỏng, mềm để tránh tình trạng khó nuốt và biếng ăn ở trẻ.
7. Dùng thuốc hạ sốt
Bên cạnh các biện pháp chăm sóc, bạn có thể sử dụng thuốc hạ sốt chứa Paracetamol để làm giảm thân nhiệt cho trẻ. Loại thuốc này còn có khả năng giảm đau và cải thiện tình trạng mệt mỏi. Với trẻ nhỏ, bạn nên sử dụng các chế phẩm dạng viên đặt trực tràng, siro hoặc thuốc pha hương cam/ dâu.
Tránh sử dụng các NSAIDs – đặc biệt là Aspirin. Những loại thuốc này có khả năng chống viêm và giảm đau mạnh, tuy nhiên tác dụng hạ thân nhiệt thường kém hơn Paracetamol. Hơn nữa sử dụng Aspirin có thể gây ra hội chứng Reye hiếm gặp ở trẻ nhỏ.
Trước khi dùng thuốc cho trẻ, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh những trường hợp rủi ro.
Bệnh viêm amidan cấp tính có thể gây sốt cao ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên triệu chứng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm nếu phụ huynh chăm sóc và điều trị đúng cách. Trong trường hợp trẻ sốt cao (trên 39 độ) và đi kèm với triệu chứng co giật, mất ý thức, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
- Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm amidan tại nhà
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!