Có Nên Cắt Amidan Không? Khi Nào? Thông Tin Cần Biết
Cắt amidan là phương pháp chữa bệnh phổ biến, thường áp dụng cho những trường hợp viêm amidan mãn tính, tái đi tái lại nhiều hoặc xử lý các biến chứng liên quan. Đây là phương pháp điều trị tối ưu, đem lại hiệu quả cao hơn hẳn các biện pháp điều trị bảo tồn. Tuy nhiên những rủi ro nguy hiểm của nó cũng rất nhiều. Vậy có nên cắt amidan không? Cần lưu ý gì khi được chỉ định cắt amidan? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Viêm amidan có nên cắt không?
Như chúng ta đã biết, amidan là bộ phận quan trọng đối với hệ hô hấp của con người. Nó nằm giữa đường khí quản và thực quản, có vai trò chống lại sự xâm nhập tấn công của các loại vi khuẩn, virus gây hại cho cơ thể. Không những vậy, nó còn có khả năng tự hình thành và tổng hợp kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.
Viêm amidan được hình thành khi lượng vi khuẩn, virus tấn công vào cơ thể quá nhiều khiến khối amidan không còn khả năng bảo vệ, lâu ngày dẫn đến viêm nhiễm hoàn toàn hoặc chỉ viêm 1 trong 2 bên trái – phải. Bất kỳ đối tượng nào cũng đều có nguy cơ bị viêm amidan, trong đó trẻ nhỏ và một số người có hệ miễn dịch yếu kém thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Để điều trị viêm amidan có rất nhiều cách, tùy theo mức độ nặng hay nhẹ của bệnh. Trong đó, những trường hợp bệnh nhân bị viêm amidan mãn tính gây biến chứng viêm amidan hốc mủ, hình thành sỏi amidan, phì đại amidan gây tắc nghẽn khí quản, thực quản hoặc các biến chứng nguy hiểm khác sang các bộ phận lân cận sẽ được cân nhắc và chỉ định phẫu thuật cắt amidan để xử lý, khắc phục bệnh.
Cắt amidan được hiểu đơn giản là thủ thuật cắt bỏ hai khối amidan từ phía sau cổ họng. Phẫu thuật này được thực hiện trong ngày và dưới dạng gây mê toàn thân, có nghĩa là bệnh nhân sẽ ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật. Trên thực tế, đây là phương pháp trị bệnh khá hiệu quả, sau khi cắt sẽ xử lý được các hậu quả như:
- Khắc phục tình trạng amidan chèn ép đường thở, không còn hiện tượng ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ…
- Đối với trẻ sau cắt amidan sẽ giúp lưu thông quá trình hô hấp, tăng cường tuần hoàn máu lên não giúp trẻ ngủ ngon ngon, phát triển trí tuệ tốt và khắc phục các vấn đề rối loạn tâm lý…
- Không còn xảy ra các vấn đề về tiêu hóa như cảm giác nuốt vướng, nuốt đau do amidan sưng to.
Vì vậy nếu được bác sĩ cân nhắc chỉ định thực hiện cắt amidan, bệnh nhân nên tuân thủ và sắp xếp thời gian để thực hiện.
Những trường hợp nên và không nên cắt amidan
Việc cắt amidan bị viêm là điều thực sự cần thiết để tránh các biến chứng viêm nhiễm toàn thân, giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp trên… đảm bảo sự hoạt động tốt của hệ hô hấp và hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, bản chất của amidan là bảo vệ cơ thể nên không phải trường hợp nào bị viêm amidan cũng đều cần phải cắt bỏ.
Cụ thể như sau:
Nên cắt amidan
- Viêm amidan tái đi tái lại thường xuyên, bùng phát các đợt cấp ít nhất từ 5 – 6 lần/ năm, tương đương với tần suất 1 – 2 tháng bùng phát 1 lần và trong vòng ít nhất 2 năm liên tục.
- Viêm amidan mãn tính diễn tiến nghiêm trọng, phát sinh các biến chứng tại các cơ quan kề cận như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm cầu thận, viêm khớp, thấp tim…
- Những người đã thực hiện các biện pháp điều trị bảo tồn nhưng không đạt hiệu quả cao.
- Amidan sưng phù gây tắc nghẽn đường thở cần được phẫu thuật cắt amidan ngay, nhất là đối với trẻ em.
- Ngoài ra, cắt amidan còn được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân có cấu trúc amidan bẩm sinh nhiều khe hốc, ngách nhỏ và nghi ngờ có khối u ác tính.
Không nên cắt amidan
- Không được chỉ định cắt amidan trẻ em dưới 5 tuổi vì trẻ trong độ tuổi này có hệ miễn dịch yếu kém, nếu cắt bỏ khối amidan sẽ tạo điều kiện thuận lợi khiến trẻ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
- Người trưởng thành trên 45 tuổi cần hạn chế cắt amidan vì rất dễ bị chảy máu nhiều do amidan xơ dính.
- Người mắc chứng rối loạn đông máu bẩm sinh, một số bệnh lý mãn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp… hoặc bệnh suy tủy, Hemophilia A, B, C, xuất huyết giảm tiểu cầu, ung thư máu…
- Người bị nhiễm trùng do vi khuẩn gây viêm amidan không được cải thiện bằng các loại thuốc kháng sinh.
Chống chỉ định tạm thời
- Người đang mắc hoặc vừa khỏi các bệnh lý dịch viêm như bệnh thủy đậu, cúm sởi, ho gà, quai bị, sốt xuất huyết, bại liệt…
- Đang gặp các biến chứng viêm amidan như viêm khớp cấp tính, viêm thận cấp tính… cần phải điều trị dứt điểm, đợi bệnh ổn định khỏi đợt cấp mới được thực hiện cắt amidan.
- Người có cơ địa dị ứng, hen phế quản, chưa trị khỏi các bệnh như giang mai, lao, phụ nữ có thai, đang trong chu kỳ kinh nguyệt, nuôi con bằng sữa mẹ… cũng là những trường hợp tạm thời không nên cắt amidan.
- Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh cũng nên tránh cắt amidan vì sau khi cắt nhiệt độ sẽ làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của vết mổ.
- Trường hợp trước đó hoặc đang sử dụng một số loại thuốc giảm đau, thuốc nội tiết tố… hoặc đang tiêm chủng cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn về việc có nên cắt hay không.
Tóm lại, cắt amidan là thủ thuật cần có sự chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ, bệnh nhân không được tự ý tìm đến cơ sở y tế, phòng khám để yêu cầu thực hiện cắt amidan khi chưa trải qua thăm khám, đánh giá bệnh. Vì quan niệm “ai bị viêm amidan cũng đều phải cắt bỏ” là hoàn toàn sai lầm. Nếu không đạt đủ các yếu tố, điều kiện về sức khỏe, thực hiện sai cách… sẽ phát sinh nhiều rủi ro, biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và cả tính mạng.
Chi tiết quá trình trước, trong và sau khi cắt amidan
Cắt amidan là phẫu thuật can thiệp ngoại khoa loại bỏ khối amidan bị viêm, dù hiệu quả nhưng vẫn rất dễ phát sinh rủi ro. Vì vậy, hãy tuân thủ những điều trước, trong và sau phẫu thuật do bác sĩ chỉ định dưới đây:
Cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật cắt amidan?
Điều tra thông tin sức khỏe
Tìm hiểu về một số vấn đề như:
- Các loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng để trị bệnh, kể cả thực phẩm chức năng bổ sung hay thuốc thảo dược.
- Tiền sử bệnh cá nhân hay của các thành viên trong gia đình, có bị dị ứng thuốc mê không, thuốc kháng sinh hay các loại thuốc khác không, có bị rối loạn chảy máu không…
Chuẩn bị
- Tạm ngưng dùng thuốc giảm đau aspirin hoặc các loại thuốc có chứa thành phần aspirin ít nhất trong vòng 2 tuần trước khi cắt amidan.
- Từ nửa đêm đến sáng của ngày bước vào cuộc phẫu thuật cắt amidan như dự kiến, người bệnh không ăn bất kỳ thứ gì. Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết về chế độ ăn uống hợp lý trước khi mổ.
- Sắp xếp trước người đưa về nhà và việc di chuyển, đi lại trong ít nhất từ 10 ngày – 2 tuần sau khi cắt amidan để tránh gây ảnh hưởng đến sự phục hồi của vết mổ.
Quy trình cắt amidan diễn ra như thế nào?
Bước 1: Thăm khám
- Thăm khám tổng quát: Đây là bước đầu tiên để giúp bác sĩ đánh giá lại mức độ viêm amidan hiện tại, có còn phù hợp để thực hiện cắt amidan hay không.
- Thăm khám cận lâm sàng: Tiến hành thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, sinh hóa máu, miễn dịch, sinh hóa nước tiểu, mô bệnh học… và chụp X quang để xác định những điều kiện cần và đủ để đảm bảo người bệnh sẵn sàng bước vào cuộc phẫu thuật.
Bước 2: Gây mê
- Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ vô trùng một chiều, được trang bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị y tế sạch sẽ và oxy tươi sẽ được bơm vào phòng mổ liên tục. Hiện nay, để gây mê không khiến bệnh nhân khó chịu, nhân viên y tế sẽ tiến hành gây tê hoặc gây mê nội soi khí quản tùy theo phương pháp cắt amidan.
- So với gây tê thông thường, phương pháp này được đánh giá cao hơn vì có khả năng duy trì sự thông thoáng cho đường hô hấp, hút khí quản dễ dàng hơn và kiểm soát chỉ số hô hấp trong suốt quá trình phẫu thuật cắt amidan.
Bước 3: Tiến hành cắt amidan
Tùy theo từng phương pháp cắt amidan mà quá trình thực hiện cụ thể sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Phương pháp cắt amidan gây tê
Đối với phương pháp này, người bệnh sẽ ngồi để phẫu thuật, nếu là trẻ em cần có người lớn ngồi phía sau lưng để kèm.
– Cắt amidan bằng phương pháp Sluder – Ballanger
- Bước 1: Gây tê tại cuống amidan, hốc amidan bằng lidocain 2% hoặc xylocain 2% có pha adernalins 1/100.000.
- Bước 2: Banh miệng bệnh nhân ra và cố định bằng dụng cụ chuyên dụng.
- Bước 3: Đưa dụng cụ Sluder ballanger vào tiếp cận vị trí amidan, ép cán dụng cụ vào mép môi đối diện với bên cần cắt giống như kiểu đòn bẩy.
- Bước 3: Đưa amidan vào trong lỗ dụng cụ và kết hợp dùng tay để bóc tách khối amidan ra ngoài.
- Bước 4: Kiểm tra lại và cầm máu cho hố mổ. Nếu máu chảy nhiều phải kẹp lại và cột cầm máu.
– Cắt amidan bằng phương pháp bóc tách thòng lọng (Tyding, Anse hoặc Vacher)
- Bước 1: Tiến hành gây tê tương tự như phương pháp Sluder Ballanger.
- Bước 2: Tách phần cực trên của amidan bằng cách dùng dụng cụ alice kẹp lại và kéo nhẹ vào trong. Dùng dao rạch một đường nhẹ trên niêm mạc trụ trước, sau đó bóc tách phần bao niêm mạc rồi tiếp tục bóc tách lên trên cực. Bước này rất dễ gây chảy máu.
- Bước 3: Bóc tách khối amidan bằng cách tách trụ trước ra khỏi amidan rồi tách thành sau, sau đó tách trụ sau cho đến phần cực dưới của amidan. Lúc này, khối amidan đã được lộ ra và chỉ còn dính với hố mổ ở cuống.
- Bước 4: Dùng thòng lọng cắt cực dưới bằng cách đưa amidan qua thòng lọng, đưa xuống sát cực dưới và siết cán từ từ cho đến khi cực dưới đứt rời ra.
- Bước 5: Đưa khối amidan ra ngoài, kiểm tra lại và cầm máu.
2. Cắt amidan gây mê nội khí quản
Bệnh nhân sẽ được nằm ngửa cổ và tiến hành gây mê nội khí quản để phẫu thuật. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành bóc tách amidan bằng các phương pháp cắt amidan hiện đại như:
- Phương pháp đốt điện
- Cắt bằng Laser
- Cắt amidan bằng Coblator
- Cắt bằng dao điện đơn cực hoặc lưỡng cực
- Cắt bằng dao siêu âm
- Cắt bằng Sluder
- Cắt amidan bằng Plasma
- Microdebrider
Sự phát triển của y học hiện đại đã phát minh ra rất nhiều phương pháp cắt amidan mới, tân tiến hơn so với trước đây. Tại Việt Nam, hầu hết các bệnh viện cũng đều đã áp dụng các kỹ thuật cắt amidan hiện đại này. Mỗi phương pháp cắt amidan đều có những ưu và nhược điểm riêng, tùy theo từng trường hợp cụ thể, mức độ viêm, độ tuổi và mong muốn của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp.
Những khó chịu sau khi cắt amidan
Sau khi kết thúc cuộc phẫu thuật cắt amidan và hết thuốc mê, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều triệu chứng khó chịu như:
- Sưng đau: Sau khi cắt bỏ amidan bệnh nhân thường bị sưng lưỡi, vòm miệng mềm hoặc phát sinh tạm thời một vài vấn đề về hô hấp. Tình trạng này chủ yếu xảy ra trong vài giờ đầu sau phẫu thuật. Cơn đau ở ngày thứ 2 thường đau hơn ngày đầu do hết thuốc mê và biến mất từ sau 5 – 7 ngày. Người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc giảm đau để cải thiện cơn đau.
- Cảm giác vướng nghẹn: Đây là cảm giác mà hầu hết bệnh nhân sau cắt amidan đều gặp phải. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý không nên hắng giọng hay khạc mạnh để tránh làm tổn thương vết mổ.
- Ho: Phản xạ ho xuất phát từ việc cổ họng ngứa ngáy, khó chịu, nhưng tốt nhất bệnh nhân nên kiềm chế cơn ho bằng cách xoa nhẹ vào cổ hay uống nước ấm, vì ho nhiều rất dễ khiến cổ họng chảy máu.
- Chảy máu: Khác với chảy máu biến chứng, chảy máu do bong giả mạc sau phẫu thuật là hiện tượng bình thường, xảy ra trong khoảng 15 ngày đầu sau mổ. Nếu lượng máu chảy ra ít và bạn có thể tự cầm thì cần phải quá lo ngại. Nhưng nếu máu chảy nhiều, khó cầm tốt nhất nên đến bệnh viện để được kiểm tra và xử lý ngay.
Cắt amidan có nguy hiểm hay không? Các biến chứng thường gặp
Mặc dù cắt amidan đem lại hiệu quả cao nhưng về cơ bản đây vẫn là một loại phẫu thuật ngoại khoa. Do đó, trong và sau khi thực hiện cắt amidan vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ rủi ro biến chứng nguy hiểm khó lường như:
- Sốt cao, mất nước: Hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện các biểu hiện mất nước như khát nước liên tục, giảm đi tiểu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, yếu cơ… Đối với trẻ em có thể khiến trẻ không thể đi tiểu trong vòng 8 tiếng, khóc không ra nước mắt, môi khô dính, mắt trũng sâu…
- Chảy máu: Một số trường hợp gây chảy máu trong quá trình thực hiện, thường xuất phát từ việc đặc thù của vết mổ amidan thường không phải khâu lại và không thắt mạch. Biến cố này đặc biệt nguy hiểm nếu bệnh nhân chảy máu không cầm được, mất máu trầm trọng và có thể gây tử vong ngay trong lúc phẫu thuật. Ngoài ra, tình trạng chảy máu còn có thể xảy ra trong quá trình phục hồi, kéo dài hơn 2 tuần sau phẫu thuật do vết mổ bị tác động tổn thương nặng.
- Phản ứng với thuốc mê: Thuốc mê có tác dụng gây ngủ tức thì và được dùng phổ biến trong các cuộc phẫu thuật nhằm giúp bệnh nhân không cảm thấy đau đớn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích này thì việc dùng thuốc gây mê thường làm phát sinh một số rủi ro như:
- Một vài nguy cơ nhẹ như buồn nôn, nôn ói, đau đầu, đau nhức cơ… sau khi tỉnh dậy.
- Ngất xỉu do gây mê, thường xảy ra trong trường hợp cắt amidan ở trẻ nhỏ. Có hai dạng ngất chính là ngất tím (xuất hiện do trẻ banh căng miệng, lưỡi bị thụy sâu xuống họng gây nghẹt thở, dẫn đến da mặt, môi bầm tím, mắt mở to, đồng tử giãn…) và ngất trắng (trẻ ngất xỉu ngay khi vừa ngửi mùi thuốc mê, với biểu hiện da mặt trắng bệch, thậm chí tim ngừng đập lâm sàng).
- Nhiễm trùng: Mặc dù biến chứng này khá hiếm gặp nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra, bắt buộc phải điều trị thêm tại bệnh viện. Một vài biến chứng nhiễm khuẩn thường gặp như:
- Viêm hố mổ: Xảy ra khi các mãn hầu và trụ sưng tấy, ửng đỏ. Đồng thời, bên trong hàm còn có nhiều giả mạc dày, nổi hạch, có màu xám, cổ sưng đau kèm theo sốt cao.
- Viêm phế quản: Biến chứng nhiễm khuẩn này thường xảy ra do trong quá trình cắt amidan, bệnh nhân hít phải máu và chất bẩn, cặn bã vô thức do bị gây mê.
- Viêm tai giữa cấp tính: Nhiễm khuẩn ở tai khiến trẻ dễ bị viêm tai giữa cấp tính với các triệu chứng như đau nhức, sốt cao…
- Nhiễm khuẩn do viêm tắc mạch cảnh: Đặc trưng với các triệu chứng rét run, sốt cao, nhiễm khuẩn vùng mặt, cổ sưng tấy và thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân sau cắt amidan
Tùy theo thực hiện cắt amidan bằng phương pháp nào mà thời gian thực hiện có thể nhanh từ 30 – 45 phút hoặc lâu hơn với các trường hợp quy trình thực hiện phức tạp. Sau khi hoàn tất, bệnh nhân sẽ được đưa vào phòng hậu phẫu để theo dõi khoảng 24 tiếng. Thời gian này nhằm theo dõi và phát hiện các biến chứng bất thường để có cách điều trị, xử lý kịp thời. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ căn dặn cụ thể chế độ chăm sóc, ăn uống khi về nhà cũng như dùng thuốc để vết mổ phục hồi nhanh hơn.
Thời gian lành vết mổ amidan ở mỗi người sẽ khác nhau tùy theo cơ địa và cách chăm sóc. Thông thường, để vết cắt amidan hoàn toàn lành lại, người bệnh sinh hoạt và ăn uống như bình thường phải mất từ 2 – 3 tuần hoặc lâu hơn ở một số trường hợp có biến chứng cắt amidan.
Chế độ chăm sóc
- Sau cắt amidan, tại hốc mổ sẽ được phủ kín bởi một lớp vẩy màu trắng, chúng sẽ tự bong dần trong vòng 7 – 10 ngày và có thể chảy máu. Do đó, bệnh nhân không nên đi xa, du lịch hay đến những nơi quá hẻo lánh không có cơ sở phục vụ y tế điều trị để tránh những rủi ro bất thường.
- Kiêng nói, hét lớn, quát to vì có thể kéo căng vết mổ dẫn đến làm bong giả mạc sớm, chảy nhiều máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Tránh vận động quá sức, chơi thể thao hay lao động nặng… trong vòng 1 tháng kể từ sau phẫu thuật. Thay vào đó nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, để sau khoảng 2 tuần là có thể quay trở lại làm việc, học tập bình thường.
- Tuy nhiên vẫn khuyến khích đi lại nhẹ nhàng để kích thích quá trình lưu thông máu. Nhưng cần tránh đi lại bằng máy bay hay di chuyển bằng xe máy trên những con đường gồ ghề, nhiều ổ gà, ổ voi…
- Không ở dưới trời nắng quá lâu.
Chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống phù hợp sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi sau cắt amidan. Gợi ý chi tiết thực đơn như sau:
- Ngày đầu tiên sau mổ chỉ được uống sữa, ăn cháo hoặc súp nấu loãng để nguội.
- Ngày thứ 2 – 3, vẫn nên ăn cháo nhưng có thể nấu đặc hơn một chút, sữa lạnh.
- Ngày thứ 4 – 14 có thể ăn cháo đặc, các loại bún, phở, hủ tiếu… được nấu chín mềm.
- Từ ngày thứ 15 trở đi có thể ăn cơm với các món ăn như bình thường.
Sau cắt amidan nên ăn gì?
- Ưu tiên những món mềm, dễ nhai nuốt như cháo, súp, sinh tố… để vừa giúp việc ăn uống thêm phần ngon miệng mà không ảnh hưởng đến chỗ sưng, đau.
- Tăng cường bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất từ các loại rau xanh (rau dền, rau chân vịt, rau mồng tơi…), củ quả (bầu, bí đỏ, khoai tây…), trái cây (trừ những loại có chứa acid), ngũ cốc và các loại thực phẩm có đặc tính kháng viêm, chống khuẩn như gừng, tỏi, mật ong…
- Thức ăn giàu đạm, kẽm vì có khả năng làm tăng sự hoạt động của hệ miễn dịch, hỗ trợ vết thương nhanh lành hơn. Điển hình như cá hồi, các loại hạt, đậu, gan động vật…
- Uống nhiều nước, cố gắng 2 lít/ ngày. Lưu ý chỉ uống nước lọc hơi ấm để xoa dịu cổ họng.
Kiêng ăn gì?
- Kiêng tuyệt đối các loại thực phẩm NÓNG – CHUA – CAY – CỨNG vì có thể gây đau nhức và chảy máu.
- Kiêng thức ăn nhiều dầu mỡ vì dầu mỡ bám rất lâu dễ gây nhiễm trùng.
- Kiêng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
- Các loại thực phẩm sống, chín tái.
- Đồ uống có gas.
Dùng thuốc
Trước khi về nhà, bác sĩ sẽ kê toa một số loại thuốc nhằm làm giảm nguy cơ phát sinh biến chứng, rủi ro sau khi cắt amidan. Chẳng hạn như thuốc giảm đau giúp giảm thiểu cơn đau nhức trong 1 – 2 ngày đầu, thuốc kháng sinh giúp ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng… cùng nhiều triệu chứng khác.
Lưu ý bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, tránh tự ý mua thuốc bên ngoài hay tăng giảm liều theo cảm tính để tránh gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe.
Chi phí cắt amidan bao nhiêu? Cắt amidan ở đâu uy tín?
Có rất nhiều mức giá cắt amidan tùy theo nơi thực hiện, chi phí xét nghiệm, có BHYT hay phương pháp cắt là gì… Ngoài ra, cơ sở vật chất, bác sĩ phẫu thuật, dịch vụ chăm sóc… cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến chi phí cắt amidan. Thông thường:
- Nếu cắt amidan ở bệnh viện công lập thì chi phí sẽ dao động trong khoảng 3.000.000 – 5.000.000đ.
- Nếu cắt amidan ở bệnh viện tư nhân sẽ khoảng 7.000.000 – 20.000.000đ.
- Trường hợp bệnh nhân cắt amidan có BHYT sẽ được chi trả 80% đối với bệnh viện công và 50% đối với bệnh viện tư.
Bên cạnh chi phí, chọn lựa nơi thực hiện cắt amidan cũng là vấn đề khiến nhiều người bệnh đau đầu. Để đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất và hạn chế các rủi ro ngoài ý muốn, người bệnh nên đến chọn lựa những địa chỉ uy tín, chất lượng. Dưới đây là một số địa chỉ khám chữa trị Tai – Mũi – Họng cho người bệnh tham khảo:
- Tại TP HCM: BV Tai Mũi Họng TP HCM, BV Tai Mũi Họng Sài Gòn, BV Nhi Đồng…
- Tại Hà Nội: BV Tai Mũi Họng Trung ương, Khoa Tai Mũi Họng của BV Bạch Mai, BV 108…
Tóm lại, amidan có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và hệ miễn dịch của cơ thể. Việc cắt bỏ amidan cũng tiềm ẩn một số rủi ro, biến chứng khó lường, nhất là với trẻ em. Chính vì vậy, việc cắt amidan cần được cân nhắc thật kỹ, phải do bác sĩ có chuyên môn trực tiếp thăm khám và chỉ định. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về các vấn đề xoay quanh việc có nên cắt amidan hay không, vui lòng trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!