Có nên mổ u nang dây thanh quản?
Mổ u nang dây thanh quản là phương pháp điều trị ngoại khoa, được thực hiện khi u nang có kích thước lớn, gây khó thở và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Phẫu thuật thường đi kèm với các biến chứng tiềm ẩn, vì vậy phương pháp này chỉ được thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ.
Mổ u nang dây thanh quản là phương pháp gì?
U nang thanh quản là bệnh lý khá phổ biến. Bệnh xảy ra khi dây thanh bị lạm dụng quá mức, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tuyến nhầy, gây ứ đọng dịch và tạo thành các nang ở niêm mạc dây thanh. Ở một số trường hợp, vi khuẩn có thể xâm nhập vào nang sinh ra mủ và bội nhiễm.
Một trong các phương pháp điều trị bệnh lý này là mổ u nang dây thanh. Phương pháp này được thực hiện dựa trên kỹ thuật nội soi vi phẫu nhằm bóc tách và loại bỏ u nang khỏi niêm mạc. Từ đó làm giảm triệu chứng vướng nghẹn khi nuốt, khó thở, khàn tiếng,….
Mổ u nang thanh quản được thực hiện khi nào?
Điều trị u nang thanh quản thường là sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, kháng sinh và hạn chế giao tiếp. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị can thiệp các phương pháp ngoại khoa.
Phẫu thuật loại bỏ u nang dây thanh được thực hiện trong các trường hợp sau:
- U nang có kích thước lớn gây chèn ép dây thanh, làm phát sinh tình trạng khó thở thanh quản và khàn giọng.
- Điều trị nội khoa không có hiệu quả.
Quy trình phẫu thuật u nang dây thanh quản
1. Chuẩn bị trước khi phẫu thuật
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám nhằm đánh giá mức độ đáp ứng với điều trị bảo tồn và kích thước của u nang trước khi chỉ định phẫu thuật.
Trong thời gian chuẩn bị, bạn nên trình bày với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng thuốc (đặc biệt là thuốc gây mê và kháng sinh) hoặc các tình trạng sức khỏe đặc biệt (đang mang thai, rối loạn đông máu,…).
Sau khi tiếp nhận các thông tin này, bác sĩ sẽ đề nghị bạn ngưng sử dụng một số loại thuốc và thực hiện các biện pháp dự phòng biến chứng.
Bên cạnh đó, bạn cần nhịn ăn trước khi phẫu thuật 7 – 9 giờ đồng hồ. Đồng thời cần ngưng sử dụng rượu bia, chất kích thích và hút thuốc lá ít nhất 1 tuần trước khi phẫu thuật.
2. Tiến hành mổ u nang dây thanh
Mổ u nang dây thanh được thực hiện theo các bước sau đây:
- Với những u nang nhỏ và đáy lưỡi không dày, bác sĩ thường gây tê tại chỗ. Tuy nhiên với trường hợp u có kích thước lớn gây ra hiện tượng khó thở, cần chọc hút dịch để giảm thể tích nang trước khi gây mê nội khí quản.
- Đặt người bệnh nhân ở tư thế nằm, đầu ngửa và có dùng gối kê bên dưới vai.
- Sử dụng dụng cụ nội soi để quan sát biểu hiện bên trong thanh quản.
- Dùng thiết bị vi phẫu nhằm bóc tách và loại bỏ khối u ở niêm mạc.
- Kiểm tra, sau đó cầm máu bằng đông điện lưỡng cực hoặc đơn cực.
3. Chăm sóc sau phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật, bạn cần nằm viện trong ít nhất 5 – 7 ngày. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng. Với các trường hợp có trào ngược dạ dày, có thể dùng phối hợp với thuốc giảm đau và thuốc giảm tăng tiết dịch vị.
Ngoài ra sau khi mổ u nang dây thanh quản, bạn nên lưu ý một số thông tin sau:
- Trong 24 – 48 giờ đầu tiên, bạn nên ăn thức ăn nguội, ít gia vị và dễ tiêu hóa. Tránh sử dụng thực phẩm cay, nóng, mặn nhằm hạn chế tình trạng kích thích và chảy máu.
- Sau khi mổ, bạn có thể bị buồn nôn và ói mửa. Để làm giảm triệu chứng này, có thể sử dụng các tinh dầu có mùi hương dễ chịu như vỏ cam, đinh hương, bạc hà.
- Bên cạnh đó, cần hạn chế nói chuyện trong ít nhất 1 – 5 ngày. Sau thời gian này, bạn cần điều tiết âm lượng và tần suất giao tiếp để dây thanh phục hồi hoàn toàn.
- Ngoài ra, cần thực hiện phương pháp luyện âm để giúp dây thanh uyển chuyển, mềm mại và phục hồi giọng nói trở lại.
Các biến chứng sau khi mổ u nang thanh quản
Mổ u nang thanh quản có thể gây ra các biến chứng như:
- Nhiễm khuẩn vết mổ (sốt cao, ớn lạnh, đau họng, khó thở,…).
- Chảy máu: Vết mổ có thể bị chảy máu kéo dài, với tình trạng này bạn nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định thuốc đông máu. Tuy nhiên nếu máy chảy nhiều, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật lần 2 để cầm máu.
U nang có tái phát sau phẫu thuật không?
U nang dây thanh quản có khả năng tái phát rất cao, ngay cả khi điều trị bảo tồn hay can thiệp ngoại khoa. Do đó sau khi mổ, các hạt u nang có thể tái phát trở lại.
Vì vậy sau khi mổ, bạn nên thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ tái phát như:
- Hạn chế nói quá nhiều, la hét,…
- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối loãng và chải răng thường xuyên
- Từ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá và rượu bia
- Không ăn thực ăn quá nóng hoặc quá lạnh
- Điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng hô hấp
Có nên mổ u nang dây thanh quản?
Mổ u nang dây thanh là biện pháp ngoại khoa cần được cân nhắc trước khi thực hiện. Do tính chất tái phát nhiều lần nên bác sĩ chỉ đề nghị phẫu thuật trong các trường hợp u nang có kích thước quá to, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và chức năng hô hấp.
U nang có thể tái phát ngay cả khi đã bị cắt bỏ. Do đó nếu phẫu thuật khi không cần thiết, nguy cơ phẫu thuật lần 2, lần 3 sẽ rất cao. Việc can thiệp ngoại khoa quá nhiều lần có thể hình thành sẹo lồi và gây hẹp dây thanh vĩnh viễn. Chính vì vậy bạn nên trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro trước khi quyết định phẫu thuật.
Mổ u nang dây thanh quản hết bao nhiêu tiền?
Phẫu thuật bóc tách u nang dây thanh có chi phí khoảng 5 – 20 triệu đồng tùy vào số lượng, kích thước u, cơ sở y tế thực hiện, kỹ thuật mổ và một số yếu tố khách quan khác.
Can thiệp ngoại khoa thường đi kèm với các rủi ro và biến chứng tiềm ẩn. Vì vậy bạn nên lựa chọn các cơ sở y tế lớn và có uy tín. Thực hiện tại các phòng khám nhỏ, không đảm bảo về chuyên môn và thiết bị có thể gây nhiễm trùng và làm phát sinh các biến chứng nguy hiểm khác.
Một số địa chỉ mổ u nang dây thanh quản
Nếu có mong muốn phẫu thuật loại bỏ u nang thanh quản, bạn có thể cân nhắc một số bệnh viện lớn sau:
- Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108: Số 1, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Số điện thoại: 069 572 400
- Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương: Số 78, Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội. Số điện thoại: (84-24)3868 6050
- Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Chợ Rẫy: Số 201B, Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP HCM. Số điện thoại: (84-028) 3855 4137.
- Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Nhân Dân 115: Số 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP HCM. Số điện thoại: 028 3865 2368.
Mổ u nang thanh quản là phương pháp ngoại khoa chỉ được thực hiện trong những trường hợp cần thiết. Phẫu thuật luôn đi kèm với các rủi ro nhất định, vì vậy bạn nên xem xét và cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
Bình luận (2)
E là GV thi thoảng e cũng làm MC và đi hát e được chuẩn đoán là nang nhâỳ thanh quản. Hiện nay e nói bị khàn và ko hát được những bài có cao độ lên cao. BS nói là nó vẫn còn nhỏ. Vậy có cần thiết phải phẫu thuật ko ạ. Xin bs tư vấn
E mổ Nang dây thanh quản được 1 tháng rồi! Nhưng e nói vẫn bị hụt hơi, Giọng nói khàn, Nói không nên hơi cảm thấy rất mệt ạ!
E xin tư vấn bác sĩ ạ!