Bệnh Dại

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Bệnh dại do nhiễm virus dại RABV, thông qua vết cắn, cào xước của chó/mèo hoặc thú hoang bị dại. Bệnh gây tổn thương hệ thần kinh trung ương nghiêm trọng, dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh khá tốt nếu điều trị trước phơi nhiễm sớm bằng huyết thanh miễn dịch hoặc tiêm vắc xin. 

Bệnh dại là bệnh lý nhiễm trùng do virus với khả năng lây lan từ động vật sang người

Tổng quan

Bệnh dại (Rabies) là bệnh do virus RABV gây ra, thường lây truyền thông qua vết cắn của động vật nhiễm virus dại. Virus bệnh dại khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công vào hệ thần kinh trung ương, phá hủy não và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Ngoài vết cắn, một vài trường hợp nhiễm virus dại thông qua vết thương hở trên da hoặc niêm mạc mũi, miệng, mắt. Bệnh nhân nhiễm virus dại thường gây ra các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng như đau đầu, sốt, tăng tiết nước bọt, co thắt cơ, tê liệt và rối loạn tâm thần.

Bệnh dại thường do lây nhiễm virus dại thông qua vết cắn của các loài động vật đã nhiễm dại như chó, mèo, dơi...

Nếu được tiêm vắc xin ngừa dại trước khi cơ thể phát sinh triệu chứng sẽ giúp loại bỏ virus dại và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Ngược lại, nếu không tiêm phòng sớm hoặc điều trị y tế đúng cách, bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh, chỉ khoảng vài ngày sau đó.

Bệnh dại thường phổ biến ở những vùng nông thôn châu Phi hoặc châu Á hoặc những nơi có nhiều động vật hoang dã. Ước tính có khoảng 59.000 người chết mỗi năm trên toàn thế giới vì bệnh dại. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang ngày càng giảm dần nhờ vắc xin.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Virus gây bệnh dại là virus thuộc bộ Mononegavirales, giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae. Loại virus này các đặc điểm như dài hình gậy, đường kính 70 - 80nm và dài khoảng 130 - 240nm. Qua các nghiên cứu khoa học, bộ gen dại được mã hóa gồm 5 loại protein là: nucleoprotein (N), phosphoprotein (P), glycoprotein (G), polymerase (L), protein matrix (M).

Virus gây bệnh dại là một loại virus RNA, với bộ gen mã hóa 5 protein được sắp xếp theo thứ tự nhằm xác định cấu trúc virus bệnh dại, phục vụ công tác chẩn đoán.

Virus dại RABV thuộc giống Lyssavirus là tác nhân hàng đầu gây bệnh dại

Về cơ chế sinh bệnh học, con đường xâm nhập chính là thông qua vết cắn, vết liếm hoặc vết cào xước bởi động vật bị nhiễm dại. Virus không có khả năng truyền nhiễm thông qua da lành. Thời gian ủ bệnh dại từ khi tiếp xúc với virus cho đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên khoảng 30 - 90 ngày, có thể ngắn hoặc dài hơn tùy theo thể trạng và mức độ phát triển của virus.

Virus dại khi vào trong cơ thể người, chúng sẽ phát triển và nhân lên trong bào tương, sau đó hiện diện trong hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên lên đén não và tủy sống. Sau đó, chúng di chuyển đến tuyến nước bọt, gây viêm và kích thích tăng tiết lượng nước bọt.

Các chuyên gia đã chứng minh rằng vị trí vết cắn càng gần với hệ thần kinh, thời gian ủ bệnh càng ngắn. Nếu có nhiều vết cắn, đặc biệt là các vết cắn sâu gây độc lực mạnh tiên lượng bệnh càng nặng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Virus dại thường tồn tại trong cơ thể con người từ vài ngày đến vài tuần trước khi phát triển và tấn công vào hệ thần kinh. Trong giai đoạn này, cơ thể sẽ không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Đây cũng là giai đoạn có tiên lượng điều trị tốt nhất, virus dễ dàng bị tiêu diệt khi chưa kịp đến hệ thần kinh.

Khi virus dại đã tấn công đến hệ thống thần kinh trung ương, gây biểu hiện kích động, tinh thần bất ổn, sợ nước, sợ ánh sáng...

Triệu chứng tiền bệnh dại

Đây là giai đoạn virus vừa xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương và bắt đầu khởi phát triệu chứng. Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 2 - 10 ngày, đặc trưng với các triệu chứng phơi nhiễm sau:

  • Sốt;
  • Ngứa;
  • Có cảm giác bỏng rát, nóng ran hoặc đau, tê tại vết cắn;
  • Đau họng;
  • Ho;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Chán ăn;
  • Tiêu chảy;
  • Đau đầu;
  • Lo lắng, cáu gắt;

Triệu chứng dại cấp tính

Giai đoạn tổn thương thần kinh cấp tính kéo dài trong vòng 2 - 10 ngày. Đây cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất dẫn đến tử vong. Các triệu chứng bệnh dại thường bộc phát dưới 2 dạng chính gồm điên cuồng hoặc tê liệt. Cụ thể như sau:

  • Triệu chứng bệnh dại điên cuồng: Người mắc thể dại này thường có những biểu hiện kích động, tinh thần bất ổn.
    • Bồn chồn
    • Kích động
    • Hung hăng
    • Ảo giác
    • Co giật hoặc co giật cơ
    • Sốt cao
    • Tiết nhiều nước bọt
    • Tim đập nhanh
    • Kích thước 2 đồng tử khác nhau
    • Sợ nước (do tình trạng co thắt cơ cổ họng gây khó nuốt)
    • Sợ không khí
    • Liệt mặt
    • Mê sảng
  • Triệu chứng bệnh dại tê liệt: Thể dại này thường ít có biểu hiện kích động, người bệnh thường ủ rũ, mệt mỏi, chỉ nằm một chỗ với các triệu chứng sau:
    • Sốt
    • Đau đầu
    • Cứng cổ
    • Suy nhược
    • Cảm giác ngứa ran
    • Bại liệt
    • Động kinh
    • Có hành vi hung hăng
    • Ảo giác
    • Hôn mê

Chẩn đoán

Khác với các bệnh lý khác phải đợi bệnh bộc phát triệu chứng mới điều trị. Đối với bệnh dại, ngay khi bị chó dại hoặc bất kỳ động vật hoang dã nào cắn/ cào, hãy lập tức đến bệnh viện để được kiểm tra, xử lý vết thương. Đồng thời, kiểm tra các dấu hiệu của bệnh dại thông qua một số biện pháp chẩn đoán sau:

Chẩn đoán bệnh dại thông qua kiểm tra vết thương và thực hiện các xét nghiệm bằng mẫu nước bọt, da, máu để tìm kiếm dấu hiệu virus dại

  • Khám lâm sàng: Đặt các câu hỏi về nguyên nhân tại sao bạn bị cắn, con vật nào cắn, ở đâu, con vật đó có dấu hiệu gì...
  • Xét nghiệm nước bọt: Mẫu nước bọt được thu thập để mang đi xét nghiệm tìm kiếm virus dại.
  • Xét nghiệm dịch não tủy (CSF): Được thực hiện bằng cách dùng kim để lấy dịch não tủy ở vùng lưng dưới để tìm kiếm dấu hiệu bệnh dại.
  • Sinh thiết da: Một vài trường hợp được chỉ định làm sinh thiết da để chẩn đoán bệnh dại. Mẫu da được lấy thường ở vùng gáy và tiến hành kiểm tra mẫu để tìm kiếm protein virus dại.
  • Xét nghiệm máu: Mẫu máu của người bị cắn bởi động vật bị dại giúp phát hiện sự tồn tại của virus dại.
  • Xét nghiệm PCR: Giúp phát hiện kháng nguyên virus dại bên trong các mô dại.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Một số xét nghiệm hình ảnh giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh dại như chụp CT scan hoặc chụp cộng hưởng từ vùng đầu.

Ngoài ra, trước khi tiến hành điều trị bệnh, cần chẩn đoán phân biệt giữa bệnh dại với các dạng viêm não khác do:

  • Bại liệt
  • Hội chứng Landry/Guilliam - Barré
  • Phản ứng Hysterie sau khi bị động vật cắn

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm ở cả con người và động vật. Người bị chó dại cắn hoàn toàn khỏe mạnh bình thường trong vòng vài ngày đầu, nhưng sau đó là hàng loạt các biểu hiện tổn thương hệ thần kinh và dẫn đến tử vong.

Khi virus dại đã tấn công đến não, đa phần đều dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bị chó dại cắn nếu được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm và khỏi hẳn nếu tuân thủ đúng liệu trình. Do đó, khuyến cáo người bị chó cắn dù chưa xác định được có dại hay không đều cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử lý vết thương và điều trị đúng cách.

Điều trị

Trên thực tế, không có biện pháp điều trị khỏi bệnh dại đã gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương. Việc điều trị bệnh dại chỉ có hiệu quả cao khi tiêm vaccine phòng dại sớm ngay sau khi bị chó cắn hoặc dùng kháng huyết thanh chống dại (nếu có điều kiện).

Sơ cứu khi bị chó cắn chảy máu

Chó cắn gây chảy máu khi răng cửa của chúng ngoạm vào phần mô thịt và làm rách da, tạo thành vết thương hở, nham nhở lởm chởm. Ngay sau khi bị chó cắn, bạn hãy thực hiện ngay các bước sơ cứu sau:

Rửa vết thương sau khi bị chó cắn là bước cực kỳ quan trọng và phải thực hiện ít nhất 15 phút liên tục

  • Kiểm tra vết thương, rửa vết thương bằng xà phòng và xả dưới vòi nước ấm liên tục ít nhất 15 phút. Kết hợp dùng povidone (nếu có);
  • Nếu vết thương chảy máu dùng gạc y tế hoặc miếng vải sạch để cầm máu;
  • Bôi thuốc kháng sinh lên vết thương;
  • Băng vết thương bằng gạc y tế vô trùng;
  • Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và đánh giá dấu hiệu nhiễm trùng;

Điều trị y tế dự phòng trước phơi nhiễm (PREP)

Tiêm vắc xin dự phòng hoặc tiêm huyết thanh là biện pháp điều trị bệnh dại được áp dụng phổ biến. Cả hai phương pháp này đều nhằm mục đích ngăn chặn virus dại tấn công đến não. Đối với người bị chó cắn, việc điều trị bằng phương pháp nào tùy thuộc vào tình trạng của chó. Cụ thể như sau:

  • Trường hợp 1: Huyết thanh chống dại hay còn gọi là Globulin miễn dịch - là phương pháp miễn dịch thụ động, được điều chế từ ngựa hoặc người. Nếu bị chó cắn, sau đó chó chết hoặc dù không chết nhưng vết cắn sâu và nhiều, gần với hệ thần kinh trung ương sẽ được chỉ định tiêm huyết thanh trước, sau đó tiêm vắc xin ngay. Nếu chó còn sống tiếp tục theo dõi trong vòng 10 ngày, nếu không có gì bất thường có thể ngừng tiêm.
  • Trường hợp 2: Nếu chó cắn xong vẫn bình thường, vết cắn nằm cách xa hệ thần kinh trung ương, chỉ cần tiêm huyết thanh kháng dại và theo dõi chó. Nếu phát hiện dấu hiệu dại sau đó mới phải tiêm vắc xin.

Huyết thanh và vắc xin là 2 phương pháp chống dại hiệu quả nhất hiện nay

Một vài thông tin cụ thể về 2 phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm như sau:

Huyết thanh Globulin chống dại (HRIG)

HRIG giúp cung cấp nguồn kháng thể là các phân tử chống nhiễm trùng có khả năng tiêu diệt virus nằm gần vết thương, kiểm soát virus dại hiệu quả. Tuy nhiên, HRIG chỉ được tiêm cho những người chưa từng tiêm phòng bệnh dại. Hiện nay, có 2 chế phẩm HRIG được chấp thuận sử dụng là:

  • Imogam Rabies-HT
  • HyperRab TM S/D

Vắc xin phòng dại

Vắc xin bệnh dại cũng như nhiều loại vắc xin khác, chứa virus dại bất hoạt hoặc đã bị làm yếu đi, không có khả năng gây bệnh. Khi được tiêm vào cơ thể người, chúng có tác dụng kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể và tiêu diệt virus dại ngay khi phát hiện.

Sau mũi tiêm HRIG đầu tiên, bạn sẽ được chỉ định tiêm vắc xin dại với liệu trình 4 liều tiêu chuẩn, tiêm trong vòng 14 ngày. Hiện nay, có 2 loại vắc xin ngừa bệnh dại được dùng phổ biến nhất là Imovax, RabAvert. Trong đó, RabAvert được khuyến cáo không dùng cho những người dễ dị ứng.

Một số phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin phòng dại như đau nhức chỗ tiêm, sưng ngứa hoặc một vài trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây buồn nôn, đau bụng, đau đầu, đau cơ, chóng mặt... Bệnh nhân cần theo dõi sát sao và thông báo cho bác sĩ để điều trị kịp thời.

Phòng ngừa

Bệnh dại rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh dại, bạn cần chú ý thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân sau:

Tiêm phòng vắc xin ngừa dại cho vật nuôi trong nhà, phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus dại

  • Tiêm phòng dại cho thú cưng trong nhà hoặc với những vật nuôi không thể tiêm phòng được, phải nuôi nhốt kỹ để tránh việc chúng tiếp xúc với các loại động vật hoang dã, dễ nhiễm virus dại.
  • Đối với những loài thú hoang hung dữ hoặc đã chết, không nên tiếp cận gần hoặc tiếp xúc trực tiếp để tránh nguy cơ bị cắn, lây nhiễm virus dại.
  • Nếu bị cắn hoặc cào gây trầy xước, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý vết thương và điều trị ngay.
  • Tiêm vắc xin phòng dại thường xuyên, dự phòng trước phơi nhiễm nếu điều kiện môi trường sống có nguy cơ cao tiếp xúc với virus dại.
  • Tuyên truyền, vận động nên rọ mõm chó, dùng dây dẫn khi đưa chó ra ngoài. Chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của chó, nếu phát hiện các biểu hiện bất thường như thay đổi hành vi, thái độ, hung dữ, tấn công con người, dù là người quen cần phải báo ngay cho cơ quan chính quyền hoặc nhờ sự hỗ trợ của thú y để điều trị.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu cho thấy tôi mắc bệnh dại?

2. Bệnh dại do virus hay vi khuẩn gây ra?

3. Tôi bị chó nhà cắn thì có nguy cơ bị bệnh dại không?

4. Bệnh dại có thể chữa khỏi được không?

5. Nếu bị chó dại cắn mà không điều trị có gây tử vong không?

6. Phương pháp điều trị bệnh dại hiệu quả nhất tôi có thể áp dụng là gì?

7. Khi nào tôi nên tiêm huyết thanh và vắc xin ngừa dại?

8. Tác dụng phụ khi điều trị bệnh dại là gì?

9. Liệu trình tiêm vắc xin mất bao lâu thì ngưng?

10. Chi phí điều trị bệnh dại tốn bao nhiêu?

Để bảo vệ tính mạng cho bản thân và các thành viên trong gia đình khỏi bệnh dại, hãy có những biện pháp về nuôi nhốt, tiêm vắc xin cho vật nuôi trong nhà. Hoặc nếu không may bị chó mèo hoang cắn, hãy bình tĩnh xử lý vết thương trước, sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn biện pháp điều trị phù hợp trước khi virus dại phát tán gây nguy hiểm.

TÌM HIỂU THÊM

Chia sẻ:
Bệnh Sốt co giật
Sốt co giật là những cơn co giật xảy ra ở trẻ do thân nhiệt tăng cao đột ngột. Trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi rất…
Bệnh Xuất huyết não
Xuất huyết não là tai biến mạch máu não nguy…
Viêm Não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng thần kinh…
Bệnh Liệt dây thần kinh số 7
Liệt dây thần kinh số 7 là tình trạng bất…
Bệnh Bò Điên

Bệnh bò điên là thuật ngữ chỉ những tổn thương thần kinh nghiêm trọng do các tế bào chứa nhiều…

Bệnh Bại Liệt

Bại liệt là bệnh truyền nhiễm khá hiếm gặp trong xã hội hiện đại do đã có vắc xin phòng…

Hội chứng PANDAS

Hội chứng PANDAS là từ viết tắt của Chứng rối loạn tâm thần kinh tự miễn dịch ở trẻ em…

Áp Xe Não Do Amip

Áp xe não do amip là một bệnh nhiễm ký sinh trùng do amip Entamoeba histolytica gây ra. Sự xuất…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua