Nổi mề đay quanh mắt và những điều bạn cần lưu ý
Nổi mẩn ngứa quanh mắt khiến da bị khô, ngứa, đỏ, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tăng nguy cơ phát triển biến chứng ở mắt. Tình trạng này phổ biến ở nữ, đặc biệt là những người thường xuyên trang điểm hoặc sử dụng mỹ phẩm không đúng cách.
Nguyên nhân nổi mề đay quanh mắt
Nổi mề đay quanh mắt có thể khiến da quanh mắt bị khô, đau nhức và rất khó chịu. Trong một số trường hợp người bệnh có thể cảm nhận thấy da bị bong tróc ở mí mắt và khu vực xung quanh. Xác định nguyên nhân gây bệnh là biện pháp tốt nhất để điều trị và phòng ngừa bệnh.
Các nguyên nhân có thể gây mẩn ngứa xung quanh mắt bao gồm:
- Viêm da tiếp xúc dị ứng thường xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với tác nhân dị ứng. Mỹ phẩm hoặc kim loại như Niken cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng da.
- Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra khi da ở mắt tiếp xúc trực tiếp với chất hoặc tác nhân làm tổn thương biểu bì da. Bao gồm mỹ phẩm trang điểm, sữa rửa mặt,…
- Viêm da tiết bã thường ảnh hưởng đến các khu vực như đầu, tai và mí mắt. Bệnh thường phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Các chấn thương vật lý tác động đến khu vực xung quanh mắt như cọ xát, trầy xước hoặc côn trùng đốt đều có thể gây nổi mề đay mẩn ngứa.
Ngoài ra một số bệnh tự miễn điển hình là Lupus ban đỏ cũng có thể gây ra tình trạng viêm da quanh mắt. Các triệu chứng thường đi kèm việc giảm cân không rõ nguyên nhân, sốt, mệt mỏi, đổ mồ hôi vào ban đêm, đau cơ hoặc đau khớp.
Dấu hiệu nhận biết mề đay quanh mắt và biến chứng nguy hiểm
Da xung quanh mắt thường rất mỏng, nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Do đó hiện tượng nổi mề đay mẩn ngứa quanh mắt thường khiến da bị khô, sưng và đỏ lên. Các triệu chứng có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên mắt. Nếu tình trạng này kéo dài, da xung quanh mắt, mí mắt có thể bị lichen hóa, dày lên và chai sạm.
Các triệu chứng được gây ra bởi các tác nhân dị ứng thường xuất hiện trong vòng một vài giờ hoặc một vài ngày và sẽ được cải thiện khi người bệnh tránh xa các tác nhân kích ứng. Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp bệnh tiến triển thành mãn tính, tái phát liên tục. Mề đay có thể gây sưng đỏ, phù nề xung quanh mắt và viêm nhiễm.
Vì vậy, khi nhận thấy các triệu chứng, người bệnh nên chủ động thăm khám và chữa trị ngay để tránh mề đay nặng hơn, trở thành mãn tính. Việc điều trị mề đay mãn tính sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Những biến chứng của mề đay khiến nhiều người lo lắng như:
- Khó ngủ: Các triệu chứng mẩn ngứa quanh mắt có thể gây khó chịu, nặng mắt và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
- Nhiễm trùng da: Gãi hoặc dụi mắt có thể khiến da dễ bị nhiễm trùng.
- Nhiễm trùng mắt: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào mắt do liên tục chạm hoặc cọ xát da và gây nhiễm trùng.
- Viêm dây thần kinh: Gãi ngứa hoặc chà xát liên tục, thường xuyên có thể làm tăng cảm giác ngứa. Ngoài ra, gãi liên tục có thể làm cho da bị đổi màu và sạm da.
- Sốc phản vệ: Mề đay xuất hiện tại đường hô hấp có thế gây nghẽn thở, sốc phản vệ cần cấp cứu.
Biện pháp điều trị mẩn ngứa quanh mắt
Đối với tình trạng mề đay quanh mắt, việc quan trọng khi điều trị là phải giữa cho mắt luôn sạch sẽ và hạn chế việc động chạm hoặc gãi. Nếu có thể hãy cố gắng xác định các nguyên nhân gây kích ứng hoặc dị ứng và tránh xa nó để hạn chế các triệu chứng gây bệnh.
Để điều trị mề đay mẩn ngứa xung quanh mắt, người bệnh có thể tham khảo một số gợi ý sau:
Giảm triệu chứng mề đay tạm thời tại nhà
Nhằm xoa dịu cảm giác ngứa rát do mề đay quanh mắt, người bệnh có thể áp dụng một số cách tại nhà như:
- Chườm lạnh: Chườm lạnh vào khu vực da bị tổn thương có thể giảm sưng, đỏ và giảm đau. Người bệnh chỉ cần bọc một viên đá lạnh vào vải mỏng và chườm xung quanh mắt trong 5 đến 10 phút. Tuy nhiên không được để đá tiếp xúc trực tiếp với da, tránh làm da bị bỏng lạnh. Phương pháp này có thể áp dụng nhiều lần trong ngày.
- Giữ ẩm da: Da ở mắt rất mỏng do đó dễ bị khô và kích ứng. Việc giữ ẩm sẽ giúp hạn chế các cơn ngứa do mề đay mang lại. Tuy nhiên, trước khi sử dụng kem dưỡng ẩm cho mắt, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế chuyên môn.
Sử dụng các sản phẩm dành riêng cho mắt hoặc các loại kem chống lão hóa có thành phần tự nhiên để hạn chế việc dị ứng. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng một số tinh dầu thiên nhiên như dầu dừa, dầu ô liu để khóa độ ẩm ở da xung quanh mắt.
Dùng thuốc trị mề đay quanh mắt
Khi mề đay không có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh tái phát nhiều lần, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc Tây có 2 dạng là điều trị toàn thân và tại chỗ. Trong đó:
Dùng thuốc kháng Histamine
Thuốc này có tác dụng trị dị ứng, giảm nhanh cơn ngứa và ngăn tái phát. Một số loại thuốc kháng Histamine có sẵn mà không cần kê đơn. Thuốc có tác dụng gần như là ngay lập tức.
Người bệnh cần tránh xa các tác nhân dị ứng để việc điều trị đạt hiệu quả tối đa.
Thoa thuốc mỡ Corticosteroid
Đối với các trường hợp mẩn ngứa quanh mắt nghiêm trọng gây khó khăn đến thị lực của người bệnh, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc mỡ có chứa Corticosteroid để điều trị.
Thuốc có ở dạng kê đơn và không kê đơn được dùng để giảm ngứa và điều trị mẩn đỏ quanh mắt. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh hệ quả không mong muốn. Thuốc có thể làm thay đổi màu da, nhiễm trùng mắt và gây bầm tím ở khu vực tiếp xúc.
Khi thoa thuốc, người bệnh nên cẩn thận tránh để thuốc chạm vào mắt. Nếu thuốc rơi vào mắt hãy rửa mắt bằng nước sạch và đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa uy tín để được thăm khám, điều trị hợp lý.
ĐỌC NGAY: 10 thuốc trị mề đay cho trẻ em hiệu quả, an toàn
Biện pháp phòng ngừa mề đay tái phát
Tình trạng mề đay quanh mắt có thể được hạn chế và ngăn ngừa bằng các biện pháp sau:
- Tránh gãi, chà xát mí mắt hoặc da xung quanh mắt, điều này có thể gây tổn thương thêm cho da và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Thực hiện thay đổi chế độ ăn uống, tránh các sản phẩm dễ gây dị ứng như sữa, hải sản,…Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thay đổi chế độ ăn uống.
- Tránh các sản phẩm dưỡng da, mỹ phẩm có chứa Formaldehyd, Lanolin, Paraben hoặc có mùi thơm. Bởi vì các sản phẩm này có thể gây kích ứng da và tạo ra các phản ứng dị ứng.
- Mặc quần áo bảo hộ, che chắn mắt cẩn thận nếu cần tiếp xúc với các chất gây kích ứng. Sử dụng kính mát hoặc kính chuyên dụng cho người có bệnh về mắt.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm trên mí mắt mỗi ngày có thể ngăn ngừa các triệu chứng bệnh phát triển.
- Tắm bằng vòi sen hoặc tắm ít hơn bình thường sẽ làm giảm thời gian da tiếp xúc với các chất kích thích tiềm ẩn. Sử dụng xà phòng dịu nhẹ hoặc có thành phần tự nhiên, kháng khuẩn, đặc biệt là không có mùi thơm.
- Hạn chế trang điểm, đặc biệt là khu vực xung quanh mắt.
Mề đay mẩn ngứa xung quanh mắt thường không nguy hiểm. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng bệnh sẽ được cải thiện sau thời gian khắc phục và tránh các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng này lặp lại thường xuyên đi kèm các biểu hiện khác, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn điều trị hợp lý.
Bài viết được quan tâm nhiều nhất:
- Mề đay sưng môi và những điều cần biết
- Nổi mề đay trên mặt: Nguyên nhân và biện pháp xử lý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!