Đau rát hậu môn khi đi đại tiện có phải bị bệnh trĩ không?
Đau rát hậu môn khi đi đại tiện là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh trĩ (lòi dom). Ngoài ra triệu chứng này cũng có thể khởi phát do một số nguyên nhân thường gặp như táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài. Người bệnh cần lưu ý xác định đúng nguyên nhân để việc điều trị được hiệu quả.
Đau hậu môn khi đi đại tiện có phải bị bệnh trĩ?
Đau rát hậu môn khi đi đại tiện xảy ra khi phân ma sát và kích thích lên niêm mạc hậu môn, gây ra triệu chứng đau rát và khó chịu. Một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này là bệnh trĩ (lòi dom).
Bệnh trĩ xảy ra khi tĩnh mạch bên trong trực tràng – hậu môn chịu áp lực nặng nề, gây ra tình trạng phình giãn và tạo thành cấu trúc hình búi. Búi trĩ sưng to có thể ma sát với phân trong quá trình đại tiện và gây ra hiện tượng đau rát.
Trong trường hợp bị táo bón, hoạt động bài tiết chất thải có thể tăng áp lực lên tĩnh mạch và gây xuất huyết búi trĩ. Lúc này bạn sẽ nhận thấy phân có lẫn máu tươi hoặc dịch nhầy.
Gợi ý: Bệnh trĩ thường gặp ở độ tuổi nào? Có xảy ra ở người trẻ không?
Các nguyên nhân khác gây đau rát hậu môn khi đi đại tiện
Ngoài bệnh trĩ, triệu chứng đau rát và khó chịu ở hậu môn khi đi đại tiện cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác. Người bệnh cần lưu ý để xác định đúng tình trạng bệnh.
1. Táo bón
Táo bón là tình trạng phân cứng và rắn hơn bình thường, gây ra hiện tượng khó khăn và đau rát khi đại tiện. Táo bón thường gặp ở người có chế độ ăn thiếu chất xơ, ít uống nước, hay nhịn đi tiểu, sử dụng thuốc trong điều trị dài hạn, lạm dụng rượu bia, ăn thực phẩm cay nóng,…
Khi bị táo bón, phân có thể gây kích thích lên niêm mạc hậu môn và làm phát sinh triệu chứng đau rát. Ngoài ra táo bón còn gây ra một số triệu chứng đi kèm khác như đi đại tiện ít hơn 3 lần/ tuần, máu có lẫn phân, phân màu đen, vón cục, bụng đầy chướng,…
2. Nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn là hệ quả do táo bón kéo dài. Bệnh lý này xảy ra khi niêm mạc hậu môn bị khô căng và xuất hiện các vết rách.
Khi đại tiện, cơ vòng hậu môn phải giãn rộng nhằm đào thải phân ra ngoài. Tuy nhiên hoạt động này có thể kéo giãn vết nứt, gây đau rát và chảy máu.
3. Áp xe hậu môn
Áp xe hậu môn là hiện tượng nhiễm trùng cấp tính ở vùng hậu môn. Tình trạng này làm xuất hiện ổ mủ ở bên trong niêm mạc hoặc vùng da xung quanh hậu môn. Áp xe thường khiến hậu môn sưng nóng và đau rát, mức độ đau có thể tăng lên khi vận động mạnh hoặc đi đại tiện.
Áp xe hậu môn thường là hệ quả do nứt kẽ hậu môn không được điều trị hoặc do quan hệ bằng đường hậu môn, suy giảm miễn dịch, vệ sinh kém,…
4. Rò hậu môn
Rò hậu môn (bệnh mạch lươn) là biến chứng do áp xe hậu môn bị vỡ, làm xuất hiện cấu trúc đường rò bên trong niêm mạc. Rò hậu môn thường gây đau rát, sưng nóng và chảy dịch mủ ở xung quanh lỗ rò.
5. Tiêu chảy kéo dài
Tiêu chảy kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân gây đau rát hậu môn khi đi đại tiện. Ở người bị tiêu chảy, tần suất đi vệ sinh có thể tăng lên bất thường (khoảng 5 – 10 lần/ ngày).
Tần suất đào thải phân quá dày đặc có thể kích thích niêm mạc hậu môn và gây đau rát cơ quan này. Triệu chứng đau rát do tiêu chảy thường gặp ở người ăn thực phẩm cay nóng, thực phẩm bẩn, ăn hải sản,…
Tham khảo thêm: Các triệu chứng của bệnh trĩ – Hình ảnh thực tế và cách nhận biết
Khắc phục hiện tượng đau rát hậu môn khi đi đại tiện
Đau rát hậu môn có thể gây ra cảm giác khó chịu và sợ đi đại tiện. Hơn nữa triệu chứng này kéo dài còn tăng nguy cơ viêm nhiễm và mắc các bệnh lý mãn tính. Vì vậy bạn nên thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện tình trạng đau rát hậu môn khi đi đại tiện.
1. Thay đổi thói quen ăn uống
Hầu hết các bệnh lý gây đau rát hậu môn khi đại tiện đều khởi phát do thói quen ăn uống không lành mạnh và khoa học. Vì vậy để giảm triệu chứng này, bạn nên thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Cần lưu ý một số điều trong chế độ dinh dưỡng để cải thiện triệu chứng:
- Nên ăn thực phẩm đã được nấu chín và đun sôi. Hạn chế ăn thực phẩm tươi sống hoặc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
- Uống nhiều nước, bổ sung trái cây và rau vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày để hạn chế táo bón.
- Sử dụng sữa chua nhằm bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột, từ đó làm giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
- Hạn chế ăn các thực phẩm cay nóng và thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như hải sản, sữa, các loại đậu,…
- Ăn đúng giờ và đủ bữa để ổn định hoạt động tiêu hóa và bài tiết.
- Kiêng cử rượu bia, caffeine, nước ngọt có gas và trà đặc. Các thức uống này có thể khiến cơ thể dễ mất nước và khiến phân cứng, khô hơn bình thường.
2. Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học
Ngoài chế độ dinh dưỡng, hiện tượng đau rát hậu môn khi đại tiện còn bị chi phối bởi thói quen sinh hoạt. Việc thiết lập thói quen sinh hoạt lành mạnh có thể giúp bạn hạn chế hiện tượng táo bón và giảm tình trạng đau rát hậu môn.
Bạn có thể tạo thói quen sinh hoạt khoa học dựa trên các lưu ý sau, từ đó có thể giúp ngăn chặn được tình trạng đau rát hậu môn:
- Nên đi vệ sinh ngay khi cơ thể có nhu cầu. Hiện tượng nhịn đại tiện có thể kéo dài thời gian phân ở bên trong đường ruột, dần dần khiến phân chuyển sang trạng thái khô cứng và tăng nguy cơ táo bón.
- Tập đi đại tiện theo giờ (sáng hoặc tối trước khi ngủ). Thói quen này giúp ổn định hoạt động bài tiết của đường ruột và giảm thiểu tình trạng rối loạn đại tiện.
- Hạn chế ngồi, đứng quá nhiều hoặc mang vác nặng. Các hoạt động này có thể tăng áp lực lên hậu môn và dễ gây ra bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn,…
- Ngâm rửa hậu môn hằng ngày để làm mềm niêm mạc, giảm ngứa ngáy và hạn chế tình trạng khô rát.
- Mặc trang phục rộng rãi, thoải mái nhằm hạn chế ma sát với vết nứt ở hậu môn.
- Tránh quan hệ tình dục bằng đường hậu môn khi cơ quan này đang bị tổn thương.
- Hạn chế stress và căng thẳng khi đi đại tiện.
- Kiểm soát cân nặng bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống hợp lý và ngủ nghỉ đúng giờ.
Xem thêm: Bệnh trĩ kiêng gì trong việc sinh hoạt và ăn uống – Thông tin cần biết
3. Áp dụng mẹo chữa tại nhà
Các mẹo chữa tại nhà luôn được người bệnh ưu tiên thực hiện bởi sự đơn giản, tiện lợi mà vẫn mang lại hiệu quả cao. Ngay khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, người bệnh có thể áp dụng các mẹo chữa tại nhà để kịp thời ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Để giảm nhanh hiện tượng đau rát hậu môn khi đi đại tiện, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau:
- Chườm lạnh: Nếu hậu môn đau rát kèm theo hiện tượng sưng nóng, bạn có thể chườm lạnh lên khu vực này để cải thiện. Nhiệt độ từ đá lạnh có thể làm co mạch, hạn chế tuần hoàn máu và hỗ trợ làm giảm hiện tượng viêm.
- Thoa dầu dừa: Trong trường hợp hậu môn bị đau rát do nứt nẻ, bạn có thể thoa dầu dừa 2 lần/ ngày để làm ẩm vùng da này. Hơn nữa, các acid béo trong dầu dừa còn hỗ trợ phục hồi vết nứt và ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Đắp lá diếp cá: Thành phần Quercetin trong lá diếp cá có tác dụng bảo vệ thành mạch và giảm sung huyết. Giã và đắp diếp cá lên hậu môn có tác dụng giảm đau nhức, sưng nóng và ngứa ngáy do bệnh trĩ gây ra.
- Ngâm nước muối ấm: Nếu vùng hậu môn bị đau rát do tiêu chảy và táo bón, bạn có thể ngâm với nước muối ấm để làm dịu vùng da bị kích thích.
Cần lưu ý rằng, các mẹo điều trị tại nhà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị đối với các trường hợp bệnh nhẹ. Trong quá trình áp dụng, nếu triệu chứng không thuyên giảm mà có dấu hiệu trầm trọng hơn, bệnh nhân cần đến bác sĩ để được kiểm tra và điều trị nhanh chóng.
Đau rát hậu môn khi đi đại tiện là triệu chứng khá phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan và bỏ qua các dấu hiệu bệnh. Các triệu chứng có thể phát triển phức tạp và nằm ngoài tầm kiểm soát nếu như không có biện pháp điều trị phù hợp. Vì vậy, nên thăm khám thường xuyên để biết rõ được tình trạng sức khỏe của bản thân.
Có thể bạn quan tâm:
- Nóng trong người đi cầu ra máu nguy hiểm như thế nào? Cách điều trị
- 5 mẹo chữa ngứa hậu môn tại nhà hiệu quả nhanh chóng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!