Bệnh Bạch Biến

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Bạch biến là bệnh lý rối loạn sắc tố da đặc trưng bởi tình trạng da không có hoặc giảm tế bào hắc sắc tố do thiếu hụt melanin. Các vị trí như bàn tay, chân, mặt, cổ, lưng, niêm mạc mũi, miệng, cơ quan sinh dục... dễ bị bạch biến nhất. Bệnh có mối liên hệ mật thiết với cơ chế rối loạn miễn dịch hoặc đột biến gen. Bạch biến rất khó chẩn đoán và điều trị, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm sinh lý của người bệnh. 

Bạch biến là một trong những dạng rối loạn sắc tố da thường gặp ở con người

Tổng quan

Bạch biến (Vitiligo) là một dạng rối loạn sắc tố da phổ biến, gây suy giảm tế bào hắc tố melanin và đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện những mảng da màu trắng bất thường nhưng không làm thay đổi cấu trúc da. Bất kỳ vị trí nào trên cơ thể cũng có thể bị bạch biến, trong đó thường gặp nhất là vùng cẳng tay, bàn tay, vùng mặt hoăc bộ phận sinh dục, niêm mạc (mũi, miệng, trực tràng, mắt và tai trong)...

Phần lớn nguyên nhân gây bạch biến là do rối loạn hệ thống miễn dịch, dẫn đến phá hủy các tế bào sắc tố melanin. Nếu vùng da bị bạch biến có lông hoặc tóc, có thể khiến lông, tóc chuyển sang màu trắng hoặc bạc. Ngoài ra, những người có tiền sử mắc các bệnh lý tự miễn sẽ có nguy cơ bị bạch biến cao hơn người bình thường.

Bạch biến là tình trạng mất một phần hoặc toàn bộ các tế bào sắc tố khiến da thiếu hụt melanin

Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch biến, không phân biệt chủng tộc, giới tính và lứa tuổi. Một số trường hợp bệnh có tính chất gia đình, di truyền gen bệnh qua từng thế hệ và không lây nhiễm. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 0.5 - 1% dân số thế giới và thường khởi phát trước 30 tuổi.

Bệnh bạch biến gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, sự phát triển tâm sinh lý và tính thẩm mỹ của bệnh nhân. Việc điều trị tích cực bệnh bạch biến bằng thuốc hoặc các liệu pháp y học tân tiến chủ yếu nhằm giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe chứ không thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.

 XEM THÊM: Bạch Biến Và Bạch Tạng Giống Hay Khác Nhau? Cách Nhận Biết

Phân loại

Dựa vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của tổn thương, bệnh bạch biến được chia phân chia làm nhiều loại gồm:

Bệnh bạch biến được chia làm nhiều loại dựa vào vị trí và mức độ tổn thương trên da

  • Thể toàn thân: Được ghi nhận là thể bệnh phổ biến nhất, đặc trưng với những dát da màu trắng có ranh giới rõ ràng, xuất hiện ở khắp nơi trên cơ thể.
  • Thể từng vùng: Tổn thương bạch biến chỉ xuất hiện ở một vài vị trí giới hạn trên cơ thể như mặt, tay, chân hoặc cơ quan sinh dục và thường chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể.
  • Thể niêm mạc: Bệnh bạch biến thể niêm mạc chủ yếu ảnh hưởng đến niêm mạc miệng hoặc vùng sinh dục.
  • Thể khu trú: Thể này khá hiếm gặp, đặc trưng với các tổn thương mảng da trắng chỉ xuất hiện khu trú tại một khu vực nhất định, nhỏ và không phát triển lan rộng trong nhiều năm.
  • Thể Trichome: Thể bạch biến này có các tổn thương đặc trưng như bình thường, kèm theo vết thâm ở phần trung tâm dát trắng, tiếp theo là vùng da có sắc tố nhạt và vùng da màu tự nhiên.
  • Thể toàn cầu: Thể bệnh này khá hiếm gặp, đặc trưng tổn thương khiến hơn 80% vùng da trên cơ thể không có sắc tố.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Thiếu hụt sắc tố melanin là nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch biến. Cơ chế gây ra tình trạng này đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Nhưng nhiều giả thuyết cho rằng, bệnh có liên quan mật thiết đến các rối loạn về thần kinh, thể dịch, rối loạn miễn dịch, hóa chất... Cụ thể như sau:

Đột biến gen và thay đổi DNA khiến các tế bào sắc tố suy giảm, gây thiếu hụt melanin và khởi phát bệnh bạch biến

  • Rối loạn hệ thống miễn dịch: Là tình trạng các tế bào miễn dịch trong cơ thể bị rối loạn và hoạt động không đúng chức năng. Chúng nhận định các tế bào sắc tố da là yếu tố có hại và sản sinh các kháng thể tấn công tiêu diệt. Hậu quả khiến da mất một phần hoặc hoàn toàn các tế bào sắc tố khiến da bị bạch biến.
  • Đột biến gen: Rối loạn gen do đột biến hoặc thay đổi DNA có liên quan đến di truyền tế bào sắc tố cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm tế bào sắc tố, thiếu hụt melanin và gây bạch biến. Theo thống kê, có khoảng > 30 gen có thể bị rối loạn và phát triển thành bạch biến.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc điều hòa miễn dịch, thuốc nhắm trúng đích hoặc thuốc sinh học có khả năng gây tác dụng phụ tổn thương da bạch biến. Điển hình như các loại sau:
    • Infliximab, etanercept, adalimumab;
    • Imiquimod thoa;
    • Interferon và Interleukin IL-2 hoặc IL-4;
    • Chất ức chế tyrosine kinase (Genfitinib hoặc Imatinib);
    • Chất ức chế BRAF (Dabrafenib hoặc Vemurafenib);
    • Chất ức chế làm chết tế bào dùng trong điều trị u hắc tố tế bào di căn (như Nivolumab hoặc Pembrolizub);
    • Thuốc chống động kinh Levodopa hoặc thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine;
  • Các tác nhân môi trường: Những người thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân độc hại như hóa chất hoặc bức xạ từ tia cực tím có thể gây biến đổi cấu trúc và chức năng của các tế bào melanocyte. Khiến chúng không thể sản sinh melanin và gây bạch biến.
  • Căng thẳng thần kinh: Lượng sắc tố melanocyte nhiều hay ít bị ảnh hưởng bởi trạng thái thần kinh. Những người thường xuyên căng thẳng, stress quá mức hoặc có những cảm xúc tiêu cực về thay đổi thể chất, nhất là sau các chán thương.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài các nguyên nhân trên, còn nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ gây bệnh bạch biến như:

  • Di truyền: Nhiều nghiên cứu chuyên sâu về bệnh bạch biến cho thấy có khoảng 30% trường hợp mắc bệnh có mối liên hệ với yếu tố di truyền. Điều này đồng nghĩa với việc nếu bố mẹ hoặc anh chị em ruột đã mắc bệnh, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý tự miễn: Những người có đã hoặc đang mắc các bệnh lý tự miễn như bệnh tiểu đường type 1, vảy nến, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, bệnh Addison, thiếu máu, bệnh tuyến giáp... thường có nguy cơ bị bạch biến cao hơn những người không mắc các bệnh này.

TÌM HIỂU THÊM: Bệnh bạch biến có lây không – làm sao phòng ngừa?

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh nhân bị bạch biến thường có các triệu chứng sau:

Làn da của bệnh nhân bạch biến đặc trưng với các dát da màu trắng do mất các tế bào sắc tố

  • Da trắng hoặc sáng hơn màu da tự nhiên do da hoặc niêm mạc bị mất sắc tố;
  • Bề mặt da trơn láng, không sưng và có thể đồng nhất hoặc loang lổ, xen kẽ màu trắng bạch biến với màu da tự nhiên;
  • Lông chuyển sang màu trắng, xám hoặc bạc ở những vùng da có lông trên cơ thể;
  • Một số trường hợp kèm theo dấu hiệu viêm có giới hạn với các mảng da đỏ xung quanh;

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh bạch biến thông qua đánh giá các tổn thương lâm sàng trên da. Kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng dưới đây:

Chiếu đèn Wood là kỹ thuật chẩn đoán bệnh bạch biến hiệu quả

  • Chẩn đoán mô bệnh học bằng phản ứng DOPA sẽ cho kết quả giảm nặng hoặc không còn tế bào sắc tố thượng bì;
  • Chiếu đèn Wood có tia cực tím UV trực tiếp lên làn da phân biệt tổn thương bạch biến với các vấn đề về da khác;
  • Xét nghiệm máu đo định lượng hormone tuyến giáp, tuyến yên, tuyến thượng thận, đo nồng độ insulin... nhằm phát hiện các bệnh lý liên quan để chẩn đoán bạch biến;

Biến chứng và tiên lượng 

Bệnh bạch biến là bệnh lý về da phổ biến do rối loạn sắc tố. Bệnh có tiên lượng tốt trong việc điều trị kiểm soát tiến triển bệnh và giảm thấp nguy cơ biến chứng bằng các biện pháp y tế phù hợp. Ảnh hưởng đáng lo ngại nhất của bệnh bạch biến là thẩm mỹ và các rủi ro về suy giảm sức khỏe.

Làn da bạch biến thường yếu và nhạy cảm, nhất là khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời

Cụ thể một số hệ lụy, biến chứng thường gặp của bệnh bạch biến như:

  • Da yếu, nhạy cảm: Làn da thiếu hụt các tế bào sắc tố thường rất nhạy cảm và yếu ớt, nhất là khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Điều này khiến cho làn da của người bị bạch biến dễ bị tác động, cháy nắng, rám nắng... hơn so với bình thường.
  • Thay đổi màu mắt: Một số ít trường hợp bị bệnh bạch biến gây tác động đến võng mạc (các lớp bảo vệ mắt khỏi sự nhạy cảm của ánh sáng). Hậu quả làm biến đổi màu sắc mống mắt, gây viêm võng mạc. Tuy nhiên, thị lực mắt không có dấu hiệu suy giảm.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tự miễn: Bệnh nhân bạch biến thường có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tự miễn dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng của hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Một số bệnh lý phổ biến như tiểu đường, suy giáp, thiếu máu, vảy nến...
  • Tâm lý bất ổn: Hầu hết những bệnh nhân bạch biến đều tự ti về làn da của mình, thường xuyên lo lắng, tự cô lập bản thân và né tránh giao tiếp xã hội, tăng nguy trầm cảm.

Điều trị

Bản chất của bệnh bạch biến là sự thay đổi màu sắc làn da, ảnh hưởng chủ yếu đến thẩm mỹ và ít khi gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, việc điều trị trong nhiều trường hợp là không cần thiết. Chỉ những trường hợp tổn thương bạch biến ngày càng rộng và kèm theo những vấn đề sức khỏe bất ổn mới cần can thiệp điều trị y tế.

Mục tiêu điều trị bạch biến chủ yếu nhằm phục hồi màu sắc da tự nhiên bằng cách tái tạo sắc tố trên da. Một số phương pháp điều trị bạch biến phổ biến như:

Dùng thuốc 

Không có thuốc đặc hiệu điều trị bạch biến, việc dùng thuốc chỉ có tác dụng làm chậm tiến triển bệnh, ức chế quá trình mất sắc tố da và hỗ trợ tái tạo tế bào sắc tố mới. Một số loại thuốc thường dùng như:

Thuốc Methoxsalen dạng uống hoặc bôi được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh bạch biến

  • Thuốc Corticosteroid: Hay còn gọi là thuốc Steroid, là thuốc chống viêm được dùng phổ biến trong điều trị các bệnh lý tự miễn. Trong đó, loại dùng phổ biến nhất là Prednisone điều trị lupus, viêm khớp dạng thấp... Đối với bệnh nhân bạch biến, dùng thuốc Corticosteroid dạng uống hoặc bôi có tác dụng giảm thiểu tổn thương mô và ức chế hoạt động rối loạn của hệ miễn dịch, kiểm soát làm giảm tiến triển lây lan tổn thương bạch biến.
  • Thuốc Methoxsalen: Đây là loại thuốc chứa hoạt chất có tác dụng tạo màu da và giảm thiểu sự nhạy cảm của da khi tiếp xúc với ánh sáng, phù hợp dùng cho bệnh nhân bạch biến. Methoxsalen được chỉ định dùng trước khi chiếu tia cực tím. Dùng dưới dạng viên uống hoặc dạng bôi với liều phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc ức chế Calcineurin: Thuốc có tác dụng ngăn chặn tiến triển viêm và hỗ trợ điều hòa miễn dịch. Một số loại thường dùng trong điều trị bạch biến như Tacrolimus hoặc Pimecrolimus.
  • Thuốc ức chế Janus kinase tại chỗ (JAK): Loại thường dùng là Ruxolitinib dạng tiêm hoặc bôi. Thuốc được phê duyệt dùng để điều trị cho những bệnh nhân có tổn thương ngoài da do cơ chế tự miễn, trong đó có bệnh bạch biến.
  • Một số loại thuốc khác
    • Thuốc Meladinin 10mg dùng 1 viên/ ngày và uống liên tục trong 1 - 3 tháng;
    • Dung dịch Meladinin 1% tại vùng da có tổn thương bạch biến;
    • Bổ sung vitamin liều cao, chủ yếu là vitamin nhóm B;

Liệu pháp hỗ trợ 

Song song với dùng thuốc, các chuyên gia thường khuyến nghị bệnh nhân áp dụng các liệu pháp hỗ trợ nhằm giảm thiểu tiến triển lan rộng của bạch biến. Đồng thời, phục hồi màu sắc làn da thông qua cơ chế tái tạo tế bào sắc tố. Chẳng hạn như:

Liệu pháp ánh sáng đem lại hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ tái tạo tế bào sắc tố da, cải thiện màu da bạch biến

  • Liệu pháp ánh sáng: Hay còn được gọi là liệu pháp quang học, sử dụng thiết bị đèn chiếu ánh sáng tia cực tím (UVB) hoặc tia laser trực tiếp vào da của bạn trong khoảng thời gian nhất định. Thông thường, người bệnh phải thực hiện liệu trình vài tuần để đạt kết quả cải thiện màu sắc da rõ rệt. Đối với những vùng da bạch biến lan rộng, ở thân, đầu, cổ, tay, chân sẽ kết hợp uống thuốc Psoralen và chiếu tia cực tím để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Liệu pháp giảm sắc tố: Liệu pháp này sử dụng thuốc monobenzone có tác dụng loại bỏ màu sắc tự nhiên của làn da và điều chỉnh dần sao cho đồng nhất với màu da bạch biến. Thuốc được điều chế dưới dạng bôi dễ sử dụng, tuy nhiên cần lưu ý sử dụng liều phù hợp để tránh gây tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.

Phẫu thuật

Rất hiếm trường hợp bạch biến phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những sự chọn lựa điều trị được y học ghi nhận. Can thiệp phẫu thuật trị bạch biến gồm các phương pháp sau:

  • Ghép da: Bác sĩ sẽ lấy da từ chính các vùng trên cơ thể bạn để che phủ những vùng da bị bạch biến. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là có thể để lại sẹo hoặc nhiễm trùng.
  • Ghép vết phồng da: Được thực hiện bằng cách tạo lực hút mạnh lên vùng da khỏe mạnh để da phồng rộp lên, sau đó tiến hành cắt ra để ghép lên vùng da bạch biến.

Phòng ngừa

Cơ chế gây bệnh bạch biến hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng nên chưa có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu đối với căn bệnh này. Ngoại trừ yếu tố di truyền, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bạch biến thông qua các biện pháp sau:

Bôi kem chống nắng và che chắn làn da kỹ lưỡng để giảm nguy cơ mắc bệnh bạch biến

  • Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bắt buộc phải che chắn kỹ lưỡng bằng quần áo dài chống nắng, đeo kính râm, đội mũ rộng vành...
  • Bôi kem chống nắng ít nhất 30 phút trước khi ra khỏi nhà hoặc bôi ngay cả khi ở trong bóng râm.
  • Người khỏe mạnh bình thường nên thường xuyên tắm nắng và tắm nắng đúng cách để có làn da khỏe mạnh.
  • Xây dựng lối sống và sinh hoạt khoa học, lành mạnh, tránh stress, căng thẳng, hạn chế sử dụng các chất kích thích không cần thiết.
  • Định kỳ thăm khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra chức năng và sớm phát hiện các bệnh lý về tuyến giáp, tuyến yên, tuyến thượng thận, đo định lường insulin trong máu... và có hướng điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Da tôi loang lổ chỗ trắng chỗ màu là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh lý?

3. Nguyên nhân khiến tôi bị bạch biến?

4. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

5. Bệnh bạch biến có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?

6. Điều trị bạch biến bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Bị bạch biến dùng thuốc bôi hay thuốc uống?

8. Quá trình điều trị bạch biến mất bao lâu?

9. Tôi có cần phẫu thuật để điều trị bạch biến không?

10. Sau điều trị bạch biến, bệnh có tái phát trở lại không?

Bạch biến là bệnh lý về da phổ biến, bệnh chỉ gây mất thẩm mỹ làn da và thường không gây đau nhức hay các hệ lụy về sức khỏe. Việc điều trị bạch biến thường không cần thiết, thay vào đó bệnh nhân được khuyến cáo nên chú ý che chắn làn da bạch biến, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và dùng thuốc bôi theo chỉ định để giảm thấp mức độ lan rộng tổn thương.

HỮU ÍCH

Chia sẻ:
Hội chứng tăng tiết mồ hôi
Hội chứng tăng tiết mồ hôi là tình trạng phổ biến ở bất kỳ đối tượng nào. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống các tuyến mồ hôi hoạt…
Bệnh Rộp máu
Nổi mụn rộp máu là vết phồng rộp phát triển…
Chốc đầu (Nấm da đầu)
Chốc đầu là bệnh da liễu do da đầu nhiễm…
Bệnh U nang bã nhờn
U nang bã nhờn là những khối nhỏ, thường không…
Bệnh Hồng ban nút

Hồng ban nút là những tổn thương dưới da do viêm, đặc trưng bởi các nốt sẩn tròn sưng đỏ…

Bệnh Bạch Tạng

Bạch tạng là bệnh lý giảm sắc tố do di truyền gen lặn. Bệnh nhân bạch tạng thường có màu…

Bệnh nổi mề đay

Bệnh nổi mề đay hay còn gọi là mày đay mẩn ngứa. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ…

Bỏng

Bỏng là tổn thương các mô da do nhiệt, điện, hóa chất, bức xạ hoặc ánh nắng. Bỏng có nhiều…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua