Phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa của bộ y tế
Xuất huyết tiêu hóa là một trong những tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng. Cần áp dụng phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa đúng đắn, kết hợp với chăm sóc sức khỏe tốt để từ đó giúp cho tổn thương chóng lành và tránh biến chứng nguy hiểm phát sinh.
Tìm hiểu về tình trạng xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa, hay chảy máu trong đường tiêu hóa, là tình trạng cấp cứu y tế cần được xử lý ngay lập tức. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ phần nào của hệ tiêu hóa, từ thực quản đến hậu môn. Nó thường xuất phát từ các vấn đề chưa được điều trị trong hệ thống tiêu hóa và có thể dẫn đến các mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ nhẹ đến gây sốc.
Nôn ra máu và đại tiện ra máu là 2 triệu chứng đặc trưng nhất của tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Căn cứ vào vị trí xuất huyết ở trong ống tiêu hóa mà tình trạng này được chia thành 2 dạng:
- Xuất huyết tiêu hóa trên: Xảy ra từ thực quản kéo dài cho tới vị trí D4 ở trên dây chằng Triez. Đây chính là ranh giới để phân chia tá tràng với hỗng tràng.
- Xuất huyết tiêu hóa dưới: Tình trạng xuất huyết kích hoạt từ dây chằng Triez kéo dài cho tới hậu môn.
Xuất huyết tiêu hóa được nhận định là tình trạng cấp cứu rất nguy hiểm. Có thể gây ra các biến chứng sau đây:
- Thiếu máu lên não gây nhũn não
- Nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch
- Chảy máu kéo dài dẫn đến mất máu, nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong
Xem ngay: Các nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa thường gặp
Phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa được cập nhật mới nhất
Trước khi đưa ra phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa, bác sĩ cần thăm khám và chẩn đoán để xác định mức độ nghiêm trọng. Tùy thuộc vào mức độ mà sẽ có phương án điều trị phù hợp nhất.
1. Chẩn đoán tình trạng xuất huyết tiêu hóa
Có nhiều phương pháp chẩn đoán, bao gồm:
Chẩn đoán xác định:
- Điển hình: Nôn ra máu, đại tiện ra phân đen, xuất hiện các dấu hiệu mất máu cấp.
- Không điển hình: Chỉ có biểu hiện mất máu cấp mà không nhận thấy các triệu chứng điển hình. Lúc này cần đặt ống thông dạ dày để kiểm tra, nếu không có máu cũng sẽ không loại trừ chẩn đoán. Thăm khám trực tràng để tìm dấu hiệu phân đen. Kết hợp nội soi dạ dày – tá tràng nếu nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa trên.
Chẩn đoán phân biệt:
- Cần phân biệt với trường hợp bị chảy máu cam hay chảy máu chân răng.
- Ho ra máu, đặc biệt là khi người bệnh ho ra máu sau đó nuốt lại rồi nôn ra.
- Đại tiện phân đen sau khi dùng bismuth, chất sắt…
Chẩn đoán mức độ:
Tình trạng chảy máu nặng được xác định khi:
- Huyết động ở trạng thái không ổn định: Hạ huyết áp tư thế và sốc mất máu với các biểu hiện như huyết áp tụt, vã mồ hôi, da lạnh, rối loạn ý thức, đái ít.
- Lượng máu bị hao hụt ước tính khoảng trên 500ml hay người bệnh phải truyền nhiều hơn 5 đơn vị máu/ 24 giờ.
- Người bệnh bị chảy máu tươi ngay sau khi đặt ống thông dạ dày hay đại tiện phân có nước máu đỏ.
- Các chỉ số Hct dưới 20%, HC dưới 2tr/L, Hb dưới 7g/dL.
- Các vấn đề sức khỏe kết hợp: Bệnh suy tim, mạch vành hay đối tượng người bệnh trên 60 tuổi.
Đánh giá nguy cơ chảy máu tái phát và mức độ nặng:
- Các dấu hiệu cho thấy chảy máu đang tiếp diễn hoặc tái phát: Huyết áp có sự dao động, bị kẹt hay tụt dần, mạch có dấu hiệu tăng dần.
- Nội soi tiêu hóa: Có thể đánh giá dựa vào bảng phân loại Forrest hoặc thang điểm Rockall.
Chẩn đoán nguyên nhân:
- Căn cứ vào: Thăm khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh lý và nội soi tiêu hóa.
- Khi tình trạng bệnh nhân ổn định cần tiến hành nội soi thực quản và dạ dày – tá tràng càng sớm càng tốt. Mục đích là để chẩn đoán nguyên nhân và can thiệp điều trị cầm máu.
- Các nguyên nhân chính gây xuất huyết tiêu hóa cao bao gồm: Loét dạ dày tá tràng, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản và viêm dạ dày – tá tràng chảy máu.
- Một số nguyên nhân khác có thể là: U lành tính ở đường tiêu hóa, bệnh Crohn, dị dạng mạch, hội chứng Mallory Weiss…
Đọc thêm: Cách phân biệt xuất huyết tiêu hóa trên và dưới đúng nhất
2. Phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa
Đối với tình trạng này cần có sự khẩn trương trong vấn đề xử lý, nhất là trong các trường hợp nặng. Phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa cần có sự kết hợp của các biện pháp hồi sức, biện pháp cầm máu và việc điều trị nguyên nhân. Cụ thể như sau:
Các biện pháp hồi sức:
Những động tác cấp cứu cơ bản bao gồm:
- Cần đặt người bệnh ở tư thế nằm đầu thấp, đặc biệt chú ý đến việc ngăn ngừa nguy cơ sặc phổi.
- Thở oxy mũi từ 2 – 6l/ phút.
- Đặt nội khí quản trong trường hợp có nguy cơ trào ngược vào phổi hay có suy hô hấp, rối loạn ý thức.
- Cần đặt 2 đường truyền tĩnh mạch chắc chắn và có đủ độ lớn. Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, sau đó tiến hành đo áp lực tĩnh mạch trung tâm trong trường hợp có suy tim.
- Đặt ống thông tiểu để theo dõi lượng nước tiểu.
- Đặt ống thông dạ dày và tiến hành rửa sạch máu trong dạ dày.
- Tiến hành lấy máu để làm xét nghiệm và làm điện tim.
Hồi phục thể tích và chống sốc:
- Bù lại lượng dịch bị mất và tái hồi lại tình trạng huyết động chính là những ưu tiên cần đặt hàng đầu trong cấp cứu.
- Truyền dịch: Ringer lactat hay NaCl 0,9%. Đa số người bệnh sẽ được truyền khoảng 1 – 2 lít dịch muối đẳng trương để có thể điều chỉnh thể tích dịch bị mất đi.
- Nếu truyền dung dịch muối đẳng trương với tổng liều 50ml/kg nhưng người bệnh vẫn còn bị sốc thì cần truyền tiếp dung dịch keo.
- Bác sĩ cần căn cứ vào mức độ mất máu và tình trạng tim mạch của người bệnh để chủ động điều chỉnh số lượng cũng như tốc độ truyền.
- Mục đích: Giúp cho người bệnh thoát sốc (da ấm trở lại, huyết áp tối đa trên 90, hết kích thích, nước tiểu trên 30ml/ giờ)
- Lưu ý: Đối với trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản thì không nên nâng huyết áp lên quá cao (huyết áp tối đa trên 110mmHg). Bởi lúc này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu tái phát do làm tăng áp lực lên tĩnh mạch cửa.
- Cần theo dõi sát mạch, huyết áp và nghe phổi, đặc biệt là ở đối tượng người bệnh có bệnh tim mạch.
Truyền máu:
- Áp dụng với trường hợp bệnh nhân bị chảy máu nặng hay đang tiến triển. Mục đích là nhằm đạt được huyết động ổn định và hematocrit trên 25%. Đối với người già có bệnh lí mạch vành hay suy hô hấp thì hematocrit cần đạt mức trên 30%.
- Người bệnh bị rối loạn đông máu: Khối tiểu cầu hay huyết tương tươi có dấu hiệu đông lạnh.
Điều trị cầm máu theo nguyên nhân:
Nội soi dạ dày đóng vai trò quan trọng với việc điều trị cầm máu theo từng nguyên nhân cụ thể. Cần được tiến hành sớm khi nhận thấy tình trạng người bệnh đã dần ổn định trở lại.
Điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể:
Trường hợp người bệnh bị chảy máu nặng chưa thể nội soi để xác định nguyên nhân hay không thể phân biệt được nguyên nhân gây chảy máu thì cần điều trị phối hợp:
- Truyền dịch và máu để chống sốc.
- Sau đó, truyền tĩnh mạch kết hợp với việc sử dụng thuốc ức chế bài tiết dịch vị (omeprazol tiêm bolus tĩnh mạch 80mg rồi truyền tĩnh mạch 8mg/giờ) và dùng thuốc làm giảm áp lực của tĩnh mạch cửa ( somatostatin tiêm bolus tĩnh mạch 0,25mg, sau đó truyền tĩnh mạch 6mg/24 giờ hay terlipressin 1mg x 4 lần/24 giờ).
Tham khảo: Chế độ ăn tốt nhất dành cho người bị xuất huyết tiêu hóa
Lời khuyên cho người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng rất dễ xảy ra, thường liên quan đến các vấn đề bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa xảy ra, người bệnh nên chủ động đến bệnh viện ngay để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, ngừng sử dụng một số loại thuốc Tây có thể khiến cho tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng. Thường gặp nhất là các thuốc sau:
- Warfarin: Thuốc làm loãng máu này có thể gián đoạn quá trình đông máu tự nhiên, làm tăng nguy cơ xuất huyết.
- Ibuprofen và NSAID khác: Nhóm thuốc giảm đau và chống viêm này có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Nếu thường xuyên sử dụng, cần cân nhắc ngừng thuốc hoặc thảo luận với bác sĩ để đổi loại thuốc.
- Aspirin: Thuốc này có thể gây gián đoạn lưu thông tiểu cầu và làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Nên ngừng sử dụng cho đến khi các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa đã được điều trị hoàn toàn.
Các biện pháp chăm sóc và dự phòng cho người bệnh
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng nguy hiểm, bên cạnh việc điều trị theo phác đồ thì người bệnh cần chú ý thực hiện các biện pháp chăm sóc và dự phòng.
1. Biện pháp chăm sóc
Chăm sóc tốt sẽ giúp tổn thương nhanh chóng lành lại. Các biện pháp bao gồm:
- Dành thời gian nghỉ ngơi ở nơi có không gian yên tĩnh. Cần nằm ở tư thế ngửa, giữ thẳng lưng ở trên giường phẳng. Chú ý không kê gối trên đầu.
- Có thể dùng khăn ấm chườm lên bụng để giảm đau do triệu chứng của bệnh hay phẫu thuật gây ra.
- Khi vết thương đã bắt đầu ổn định nên đi lại nhẹ nhàng để cơ thể được thoải mái và thư giãn.
- Tuyệt đối không vận động mạnh hay di chuyển nhiều.
- Giữ cho tinh thần thư giãn thoải mái, tránh xa áp lực, căng thẳng hay suy nghĩ tiêu cực. Có thể tìm đến các giải pháp như nghe nhạc, đọc sách báo hay trò chuyện cùng người thân.
- Ăn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, canh hầm nhừ và có thể uống sữa. Chỉ nên ăn với lượng thức ăn ít, tránh để bụng quá đói hay quá no.
2. Các cách ngăn ngừa nguy cơ tái phát
Tình trạng xuất huyết tiêu hóa có thể đã được khắc phục hoàn toàn nhưng vẫn có nguy cơ tái phát rất cao. Đặc biệt là trong trường hợp những tổn thương ở niêm mạc cơ quan tiêu hóa chưa được chữa lành hẳn.
Chú ý đến các biện pháp dự phòng bệnh sau đây:
- Tránh xa các thức uống chứa cồn và chất kích thích như rượu bia, trà đặc, cà phê. Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ hay gia vị, đồ chế biến sẵn, đồ ăn quá lạnh hay quá nóng.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, rau củ quả tươi vào khẩu phần ăn hằng ngày.
- Bổ sung đầy đủ lượng nước mà cơ thể cần, từ 2 đến 2,5 lít để giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.
- Nên ăn đúng giờ, đủ bữa, có thể chia nhỏ ra 5 – 6 bữa để giảm áp lực cho cơ quan tiêu hóa.
- Cần chế biến thức ăn chín hoàn toàn. Khi niêm mạc tiêu hóa đang tổn thương nên ưu tiên các món cháo, súp.
- Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh. Tránh thức khuya sau 23 giờ, ngủ đúng giờ, đủ giấc. Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, kiểm soát tốt căng thẳng.
- Chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày để nâng cao đề kháng cho cơ thể.
Khi phát hiện ra những triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, bạn nên tìm đến bác sĩ ngay để được thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách. Bởi việc tìm ra phác đồ điều trị phù hợp rất quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân.
Có thể bạn quan tâm
- Xuất huyết tiêu hóa dưới là gì? Cách nhận biết và điều trị
- Xuất huyết tiêu hóa trên là gì? Điều trị như thế nào?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!