Thoái hóa khớp ở người cao tuổi và thông tin cần biết
Bệnh thoái hóa khớp ở người cao tuổi có nhiều biến chứng khôn lường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh, thậm chí gây bại liệt. Việc nhận biết sớm các triệu chứng ban đầu và tích cực điều trị sẽ giúp duy trì được khả năng vận động cho khớp.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp ở người cao tuổi
Bệnh thoái hóa khớp ở người lớn tuổi là hiện tượng thoái hóa loạn dưỡng ở khớp gối, háng, cổ tay và các khớp khác trên cơ thể, gây tổn thương sụn và gai xương. Đây là một dạng viêm xương khớp phổ biến ở người già.
Nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa khớp ở người cao tuổi là do tác động của quá trình lão hóa trong cơ thể, ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan và khớp xương.
Khi tuổi tác tăng, quá trình lão hóa khớp diễn ra mạnh mẽ hơn, làm cho khớp trở nên yếu hơn và dễ bị tổn thương khi va chạm, té ngã hoặc tai nạn.
Đồng thời, dịch khớp giảm khiến cho khớp không còn mượt mà và linh hoạt, lớp sụn khớp bị mòn dần, gây ra đau và cứng khi vận động. Ngoài ra còn xuất phát từ một số nguyên nhân như sau:
Di truyền
Người cao tuổi có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn nếu trong gia đình nếu có người thân (cha, mẹ, anh, chị, em…) mắc bệnh thoái hóa khớp hay các vấn đề khác về xương khớp.
Từng bị chấn thương ở xương khớp
Các chấn thương xương khớp ở người cao tuổi có thể do tai nạn hoặc tập thể dục quá mức. Nếu không chữa trị đúng cách, có thể gây gai xương và thoái hóa khớp.
Béo phì
Người cao tuổi ít vận động, ăn uống không hợp lý dễ bị thừa cân, béo phì. Trọng lượng cơ thể tăng cao gây áp lực lớn lên các khớp, đặc biệt là ở phần dưới như đầu gối và háng, tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
Dị dạng ở khớp
Dị dạng bẩm sinh ở khớp hoặc các biến đổi khớp từ nhỏ có thể gây thay đổi diện tích tỳ nén của khớp, kích hoạt sự phát triển của thoái hóa khớp ở người cao tuổi.
Chế độ ăn uống thiếu canxi và vitamin D
Canxi và vitamin D là quan trọng cho sức khỏe của xương khớp. Cơ thể cần đủ vitamin D để hấp thu canxi hiệu quả. Thiếu hụt hai chất này có thể làm yếu xương, gây loãng xương, xương giòn, viêm khớp, thoái hóa khớp…
Tham khảo thêm: Bệnh thoái hóa khớp gối ở người già và cách điều trị
Do ảnh hưởng của các bệnh lý ở khớp
Người cao tuổi có thể phát triển thoái hóa khớp sau khi mắc các bệnh như lao ở khớp, thấp khớp, viêm khớp, bệnh gout, hoại tử xương..
Những bệnh này ảnh hưởng đến cấu trúc khớp và gây tổn thương lớp sụn, làm hạn chế khả năng vận động và di chuyển, có thể dẫn đến thoái hóa khớp.
Các nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân phổ biến ở trên, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp ở người lớn tuổi như:
- Suy giảm estrogen ở bệnh nhân nữ
- Vận động không đúng cách
- Ít tập thể dục…
Triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi
Bệnh thoái hóa khớp ở người lớn tuổi thường tiến triển một cách âm thầm và không có triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn đầu. Khi bùng phát, bệnh nhân có thể trải qua những dấu hiệu sau:
- Đau khớp: Đau là một dấu hiệu sớm của bệnh thoái hóa khớp ở người lớn tuổi, có thể tăng khi di chuyển hoặc vận động khớp.
- Cứng khớp: Lượng dịch nhờn trong khớp giảm cùng với tổn thương sụn, gây ra cảm giác cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng.
- Vận động kém linh hoạt: Phạm vi chuyển động và linh hoạt của khớp bị ảnh hưởng, dẫn đến khó khăn trong các hoạt động hàng ngày như đi lại, nhấc đồ vật…
- Âm thanh lạ từ khớp: Sụn khớp bị thoái hóa làm tăng ma sát giữa các đầu xương, tạo ra âm thanh khi di chuyển.
- Sưng đỏ khớp: Bệnh thoái hóa có thể gây viêm và sưng đỏ tại khớp bị tổn thương.
- Gai xương: X-quang có thể phát hiện gai xương tại vị trí mô sụn tổn thương, gây đau và sưng khớp.
Biến chứng của bệnh thoái hóa khớp ở người cao tuổi
Người cao tuổi bị bệnh thoái hóa khớp không chỉ gặp khó khăn trong việc vận động mà còn có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng khác nếu không kiểm soát tốt bệnh tình. Bao gồm:
Biến dạng khớp
Người già bị thoái hóa khớp nặng có thể bị biến dạng khớp do gai xương nhiều khiến trục khớp lệch. Điều này khiến đầu xương vẹo ra ngoài, làm khớp cong vẹo.
Nếu gặp biến chứng này, việc vận động của người bệnh trở nên khó khăn hơn, bao gồm đứng lên, ngồi xuống, đưa tay lên đầu và nắm đồ vật không linh hoạt. Cố gắng vận động cũng gây đau đớn.
Tàn phế, bại liệt
Khi bị thoái hóa, người cao tuổi thường nghỉ ngơi nhiều hơn và hạn chế vận động để tránh đau, nhưng điều này có thể làm tình trạng cứng khớp và teo cơ trở nên nghiêm trọng hơn.
Hơn nữa, việc ít vận động cũng ảnh hưởng đến lưu thông máu trong cơ thể, khu vực tổn thương không được nuôi dưỡng tốt, làm tình trạng thoái hóa trở nên nghiêm trọng hơn, tăng nguy cơ bại liệt, tàn phế.
Phát sinh các bệnh lý khác
Bệnh thoái hóa khớp ở người già nếu không kiểm soát có thể gây ra nhiều vấn đề khác về xương khớp như vôi hóa khớp, viêm bao hoạt dịch, tràn dịch khớp…
Tham khảo thêm: Điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn và những điều cần biết
Cách điều trị bệnh thoái hóa khớp ở người cao tuổi
Ở người cao tuổi, khả năng tái tạo xương khớp giảm nên ít khi phẫu thuật, trừ khi gặp biến chứng nguy hiểm. Thường điều trị bằng nội khoa, kết hợp với vật lý trị liệu và các phương pháp hỗ trợ tự nhiên.
1. Chữa thoái hóa khớp bằng thuốc Tây
Các loại thuốc tây cải thiện triệu chứng và ức chế tiến triển thoái hóa khớp. Các sản phẩm được sử dụng phổ biến cho người cao tuổi gồm:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol – giảm đau khớp, cần thận trọng cho bệnh nhân viêm loét dạ dày hoặc suy giảm chức năng gan, thận.
- Thuốc chống viêm không steroid: Ibuprofen, Naproxen, Aspirin – giảm viêm và đau khớp.
- Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: Glucosamine sulfate, Piascledine, Diacerheine – chậm tiến triển thoái hóa khớp, duy trì chức năng vận động.
- Thuốc corticoid: Tiêm trực tiếp vào ổ khớp, kháng viêm mạnh, dành cho trường hợp sưng viêm khớp nghiêm trọng.
2. Tiêm acid hyaluronic giảm đau khớp
Có chức năng giảm đau nhanh chóng và cải thiện khả năng vận động cho bệnh nhân:
- Acid hyaluronic bôi trơn bề mặt sụn và mô mềm, giúp khớp vận hành trơn tru.
- Tiêm bổ sung acid hyaluronic giúp giảm đau và cải thiện linh hoạt các khớp thoái hóa.
- Tiêm trực tiếp vào khớp tổn thương, thường là 1 ống/ tuần trong 5 tuần liên tiếp, hiệu quả thấy sau khoảng 3 lần tiêm.
- Có thể gặp tác dụng phụ như đau nhẹ ở vị trí tiêm, chảy dịch khớp, nguy cơ nhiễm trùng nếu điều trị tại cơ sở y tế kém uy tín.
3. Vật lý trị liệu điều trị thoái hóa khớp ở người cao tuổi
Có nhiều phương pháp vật lý trị liệu, tùy theo tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ mà lựa chọn cho phù hợp:
- Chiều đèn hồng ngoại: Giảm co thắt cơ, giảm đau và tăng khả năng vận động.
- Nhiệt trị liệu: Sử dụng nhiệt đến vùng tổn thương để giãn nở mạch máu và giảm đau nhức khớp.
- Chiếu sóng ngắn: Điều trị co cứng cơ và đau nhức khớp, cũng như giảm sưng viêm.
- Chiếu laser: Tái tạo tổn thương nhanh hơn, giảm viêm và đau.
- Xung điện: Kích thích thần kinh, giảm đau cho người cao tuổi.
- Châm cứu, bấm huyệt: Giảm co cứng cơ, cân bằng khí huyết và giảm áp lực cho khớp thoái hóa.
4. Phẫu thuật trị thoái hóa khớp
Phẫu thuật được xem xét khi các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc khi có nguy cơ tàn phế. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật nội soi làm sạch khớp.
- Phẫu thuật tái tạo tổn thương dưới sụn bằng nội soi.
- Ghép tế bào sụn tự thân hoặc ghép sụn đồng loại.
- Đục xương sửa trục.
- Thay khớp nhân tạo.
Phẫu thuật có thể giúp sửa chữa tổn thương khớp gối, nhưng cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, nên thảo luận kỹ với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện.
Tham khảo thêm: Bị thoái hóa khớp gối nên tập gì giúp nhanh phục hồi?
5. Các phương pháp hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp ở người cao tuổi tại nhà
Người cao tuổi có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng mẹo tự nhiên để giảm triệu chứng thoái hóa khớp. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến:
- Chườm nóng, chườm lạnh: Áp dụng túi nước nóng hoặc đá lạnh vào khớp bị thoái hóa để giảm đau và sưng viêm, thực hiện 3-4 lần mỗi ngày.
- Sử dụng gừng: Gừng có khả năng kháng viêm và giảm đau, có thể dùng gừng ngâm rượu hoặc gừng rang muối nóng để xoa bóp khớp bị thoái hóa.
- Bài thuốc từ lá lốt: Lá lốt giúp giảm đau, kích thích tuần hoàn máu, có thể sử dụng bằng cách sắc uống hoặc ngâm chân hàng ngày.
- Trị bệnh bằng lá ngải cứu: Rang lá ngải cứu với muối và chườm vào khớp bị thoái hóa để giảm đau và viêm, hoặc dùng nước cốt lá ngải cứu pha với mật ong uống hàng ngày.
Cách phòng ngừa thoái hóa khớp ở người cao tuổi
Phòng ngừa thoái hóa khớp bằng các biện pháp sau:
- Giữ trọng lượng cơ thể ổn định, tránh thừa cân, béo phì.
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày với các bài tập như đi bộ, đạp xe…
- Duy trì tư thế thẳng và tránh hoạt động đột ngột để giảm áp lực cho sụn khớp.
- Hạn chế lao động nặng và thường xuyên thay đổi tư thế.
- Sử dụng dụng cụ bảo vệ khớp khi ra khỏi nhà để tránh tổn thương.
- Nhờ sự giúp đỡ của người thân khi làm việc nặng.
- Duy trì chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vitamin C, D, phốt pho và canxi.
- Tắm nắng sớm thường xuyên để cơ thể tổng hợp vitamin D3 tự nhiên, tăng khả năng hấp thu canxi.
- Tăng cường nhận biết và điều trị sớm khi xuất hiện triệu chứng thoái hóa khớp, kết hợp với chế độ ăn uống và vận động hợp lý để ức chế quá trình thoái hóa.
Hy vọng thông qua bài viết, bạn sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng thoái hóa khớp ở người cao tuổi, cũng như nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng ngừa và điều trị kịp thời. Bảo vệ sức khỏe xương khớp từ sớm sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu những hạn chế do bệnh lý này gây ra.
Có thể bạn quan tâm:
- Tìm hiểu cách chữa thoái hóa khớp gối bằng diện chẩn
- Yoga trị liệu thoái hóa khớp gối có tốt không? Người bệnh có nên tập
Thông tin trên website này chỉ mang tính chất tham khảo; không được xem là tư vấn y khoa và không nhằm mục đích thay thế cho tư vấn, chẩn đoán hoặc điều trị từ nhân viên y tế. Khi có vấn đề về sức khỏe hoặc cần hỗ trợ cấp cứu người đọc cần liên hệ bác sĩ và cơ sở y tế gần nhất
Tổng đài tư vấn bệnh học
Hotline tư vấn
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!