Đau dạ dày cấp – Triệu chứng nhận biết và cách xử lý
Đau dạ dày cấp là tình trạng viêm hoặc kích ứng đột ngột của niêm mạc dạ dày dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và đôi khi còn nôn mửa. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm nhiễm trùng, sử dụng quá liều thuốc giảm đau hoặc ăn uống không hợp lý.
Đau dạ dày cấp là gì?
Bệnh đau dạ dày được chia thành 2 thể chính là cấp và mãn tính. Trong đó, đau dạ dày cấp là hiện tượng viêm nhiễm hoặc kích ứng niêm mạc dạ dày xảy ra một cách đột ngột.
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm dạ dày cấp. Sự khởi phát của bệnh chủ yếu có liên quan đến thói quen ăn uống thiếu khoa học, lạm dụng thuốc Tây bừa bãi hoặc nhiễm trùng. Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương, bạn có thể gặp các cơn đau bụng dữ dội kèm theo cảm giác đầy bụng, ợ chua, buồn nôn hoặc nôn ói.
Đau dạ dày cấp thường có thể được điều trị thành công với các phương pháp phù hợp. Việc theo dõi sức khỏe định kỳ cũng như tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng để nhanh chóng phục hồi và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Nguyên nhân đau dạ dày cấp
Chứng đau dạ dày cấp thường dễ bị kích hoạt do một số nguyên nhân sau đây:
- Nhiễm vi khuẩn: Thường gặp nhất là Helicobacter pylori. Loại vi khuẩn này phát triển quá mức sẽ kích thích niêm mạc dạ dày. Lâu dần kích hoạt tình trạng viêm nhiễm và làm khởi phát những cơn đau. Trong nhiều trường hợp còn khiến dạ dày bị xuất huyết.
- Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid: Nhóm thuốc này nếu sử dụng trong thời gian sẽ dễ phát sinh phản ứng phụ làm hỏng lớp niêm mạc của dạ dày. Từ đó có thể gây ra các cơn đau cấp tính tại cơ quan này.
- Các bệnh lý về đường tiêu hóa: Thống kê cho thấy rằng, không ít người đã gặp phải những cơn đau dạ dày cấp do các bệnh về đường tiêu hóa. Điển hình như bệnh Crohn, bệnh tự miễn, viêm loét dạ dày – tá tràng…
- Tác nhân khác: Một số yếu tố như ăn uống không lành mạnh, uống rượu bia, hút thuốc lá, áp lực, stress… cũng được cho là có thể kích hoạt những cơn đau dạ dày đột ngột.
Đáng chú ý: Đau dạ dày nên tránh bia rượu nếu muốn khỏi bệnh
Triệu chứng bệnh đau dạ dày cấp tính
Tình trạng đau dạ dày cấp sẽ rất dễ bị nhầm lẫn với chứng đau bụng thông thường. Chính vì thế mà bạn cần chú ý thêm các dấu hiệu khác có thể nhận biết bệnh một cách chuẩn xác.
Các triệu chứng thường gặp khi bị đau dạ dày cấp tính bao gồm:
+ Đau bụng vùng thượng vị:
Đau dữ dội ở vùng thượng vị chứng là triệu chứng đầu tiên của cơn đau dạ dày cấp. Đi kèm với nó là tình trạng cồn cào, nóng rát ngay tại vị trí này.
Những cơn đau có thể kích hoạt ở bất cứ thời điểm nào nhưng thường gặp nhất là sau khi ăn no. Có khi, tình trạng đau còn xuất hiện lúc nửa đêm, quấy nhiễu cả giấc ngủ và gây mệt mỏi.
Trong một số trường hợp, cơn đau không biểu hiện dữ dội mà âm ỉ kéo dài, thỉnh thoảng mới thấy đau quặn từng cơn. Bên cạnh đó, bạn còn có thể bị tức ngực hay cơn đau lan ra cả phía sau vùng lưng.
+ Buồn nôn và nôn ói:
Ở tình trạng đau dạ dày cấp, đi kèm với những cơn đau thường là triệu chứng buồn nôn hay nôn ói. Người bệnh có thể bị nôn hết thức ăn ngay khi vừa mới ăn xong.
Sau mỗi lần nôn nhiều thì cơn đau thường sẽ giảm nhưng chỉ một lúc sau nó sẽ được kích hoạt trở lại. Nôn nhiều có thể gây ra tình trạng mất nước hay mất cân bằng điện giải khiến cơ thể mệt mỏi, nhợt nhạt…
+ Các triệu chứng khác:
Ngoài ra, cơn đau dạ dày cấp còn có thể đi kèm những triệu chứng khác mà bạn cần chú ý. Chẳng hạn như:
- Đầy bụng
- Khó tiêu
- Ợ hơi
- Tiêu chảy
- Chướng khí…
Đau dạ dày cấp có nguy hiểm không?
Rất nhiều người bệnh thường chủ quan khi gặp tình trạng đau dạ dày cấp. Trong nhiều trường hợp cơn đau có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, tình trạng này nếu không được can thiệp đúng lúc sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Đặc biệt là khi người bệnh bị nôn ói nhiều khiến mất nước và chất điện giải. Lúc này dễ khiến cho cơ thể mệt mỏi, choáng váng và gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, tình trạng viêm đau nếu tái phát nhiều lần sẽ nhanh chóng chuyển biến thành mãn tính, không thể điều trị dứt điểm. Những cơn đau dạ dày cấp tính do viêm nhiễm cũng tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm như:
- Chảy máu dạ dày: Khi các vết loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng phát triển, chúng có thể gây ra chảy máu. Đôi khi, tình tràng xuất huyết dạ dày nghiêm trọng đến mức cần can thiệp y tế khẩn cấp.
- Thủng dạ dày: Đây là tình trạng một lỗ nhỏ hình thành trong dạ dày hoặc ruột non, có thể dẫn đến nhiễm trùng ổ bụng cấp tính và cần phải phẫu thuật khẩn cấp.
- Hẹp môn vị: Viêm và sẹo lâu dài có thể làm hẹp lối ra của dạ dày, gây khó khăn cho thức ăn di chuyển từ dạ dày vào ruột non,. Điều này dẫn đến tình trạng đầy hơi, nôn mửa và sút cân.
- Suy dinh dưỡng: Khi bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tiêu hóa hoặc hấp thụ thức ăn do chảy máu liên tục hoặc hẹp môn vị. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và thiếu hụt các chất dinh dưỡng.
Chẩn đoán đau dạ dày cấp
Các phương pháp chẩn đoán đau dạ dày cấp bao gồm:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thực hiện một cuộc trao đổi chi tiết về các triệu chứng, thói quen ăn uống và lịch sử sử dụng thuốc của bệnh nhân để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
- Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra các dấu hiệu viêm, nhiễm trùng. Đôi khi, xét nghiệm máu còn giúp kiểm tra chức năng gan và thận, bởi vì các vấn đề ở những cơ quan này có thể ảnh hưởng đến dạ dày.
- Xét nghiệm hơi thở: Được sử dụng để phát hiện vi khuẩn Hp – một nguyên nhân phổ biến của viêm loét dạ dày tá tràng.
- Nội soi dạ dày: Đây là phương pháp chuẩn để kiểm tra trực tiếp niêm mạc dạ dày. Bác sĩ sử dụng một thiết bị gọi là nội soi có gắn camera để quan sát trực tiếp bên trong dạ dày và đôi khi lấy mẫu sinh thiết để phân tích thêm.
- Chụp X-quang bụng và siêu âm bụng: Các phương pháp hình ảnh này có thể được sử dụng để xác định các bất thường cấu trúc hoặc các vấn đề khác trong dạ dày và các cơ quan lân cận.
Việc sử dụng các phương pháp này tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân và đánh giá ban đầu của bác sĩ. Chẩn đoán chính xác là bước quan trọng đầu tiên trong việc lên kế hoạch điều trị hiệu quả cho đau dạ dày cấp.
Xem thêm: Phương pháp nội soi dạ dày gây mê và thông tin cần biết
Cách điều trị đau dạ dày cấp
Nếu sớm phát hiện thì những cơn đau dạ dày cấp tính sẽ không khó để khắc phục. Bạn có thể kiểm soát tình trạng này với một số cách đơn giản như sau:
1. Áp dụng các mẹo giảm đau dạ dày cấp tại nhà
Nếu cơn đau dạ dày không quá nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng các mẹo tự nhiên để đẩy lùi cơn đau ngay tại nhà mà không phải dùng thuốc:
+ Uống nước đường lạnh:
Nước đường lạnh có thể giúp ổn định tức thì lượng acid dịch vị trong dạ dày. Từ đó có thể làm thuyên giảm một số triệu chứng khó chịu.
Cách thực hiện:
- Chỉ cần pha khoảng 2 thìa cà phê đường trong 220ml nước lạnh và uống trực tiếp.
- Có thể lặp lại một vài lần đến khi thấy cơn đau dạ dày cấp được khắc phục.
+ Sử dụng gừng:
Gừng có đặc tính ấm, tác dụng sát khuẩn, chống viêm, giảm đau nên thường được dùng phổ biến trong khắc phục các vấn đề tiêu hóa. Khi bị đau dạ dày đột ngột bạn cũng có thể sử dụng gừng để khắc phục tạm thời.
Thực hiện:
- Sử dụng một miếng gừng nhỏ sửa sạch cạo vỏ rồi thái lát.
- Hãm gừng đã thái với 220ml nước sôi.
- Chờ cho nước ấm rồi uống trực tiếp.
- Nên uống chậm rãi để nước gừng có thể thấm dần vào niêm mạc đường tiêu hóa.
+ Uống nước dừa:
Đây cũng là một mẹo dân gian được cho là có thể khắc phục bệnh đau dạ dày cấp tính. Hàm lượng khoáng chất và chất xơ dồi dào trong nước dừa có thể hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, giảm tiết acid dịch vị, xoa dịu cơn đau, ngăn ngừa sự phát triển của các vết loét.
Đặc biệt, các trường hợp có biểu hiện nôn ói nhiều nên uống nước dừa để ngăn ngừa mất nước và cân bằng điện giải.
+ Chữa đau dạ dày cấp bằng baking soda:
Đây là mẹo đơn giản, đang được áp dụng phổ biến trong dân gian. Baking soda có khả năng sát khuẩn, ức chế phản ứng viêm và làm dịu vùng tổn thương, từ đó xoa dịu đáng kể cơn đau dạ dày cấp.
Với cách này, bạn chỉ cần dùng 1 thìa baking soda hòa tan với 150ml nước ấm và uống trực tiếp.
+ Duy trì chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học:
Cách bác sĩ chuyên khoa khuyên rằng, khi gặp phải những cơn đau dạ dày cấp bạn không nên ăn trong khoảng vài giờ sau đó. Khi bổ sung thức ăn nên chọn đồ ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Có thể lựa chọn cơm nhão, cháo, súp hay vài lát bánh mì để tránh gây kích ứng dạ dày.
Đồng thời, bạn nên tránh hoàn toàn các loại đồ ăn chua, cay hay nóng. Thức ăn nhanh, chế biến sẵn, đồ ăn chứa nhiều muối đường, dầu mỡ cũng không nên dung nạp khi dạ dày đang bị đau.
Ngoài việc ăn uống thì bạn chú ý nghỉ ngơi cũng là điều nên làm để tránh áp lực lên thành dạ dày. Tư thế nằm nghiêng là tư thế phù hợp khi đang bị đau dạ dày cấp.
Bỏ túi: 5 cách chữa đau dạ dày khẩn cấp – Hiệu quả nhanh
2. Dùng thuốc trị đau dạ dày cấp
Thuốc kháng axit được sử dụng phổ biến trong điều trị đau dạ dày cấp. Nhóm thuốc này sẽ giúp làm giảm sự tiết acid dạ dày trong quá trình hấp thụ thức ăn. Mặc dù không có tác dụng điều trị vết loét nhưng thuốc kháng acid có thể khắc phục được một số triệu chứng do dư thừa acid.
Khi bị đau dạ dày cấp, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc kháng acid không kê đơn để khắc phục. Các loại phổ biến bao gồm:
- Magiê hydroxit
- Canxi cacbonat
- Nhôm hydroxit
- Magiê hydroxit (Maalox, Mylanta)
- Natri bicarbonate (Alka-S)…
Mặc dù đây là nhóm thuốc không kê đơn nhưng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Đảm bảo về liều lượng và tần suất sử dụng để tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn.
Xem thêm: Khi bị đau dạ dày cấp nên uống thuốc gì?
Cách phòng ngừa đau dạ dày cấp
Để phòng ngừa đau dạ dày cấp tái phát, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Ăn uống điều độ: Tránh ăn quá no hoặc bỏ bữa. Ăn nhỏ và thường xuyên hơn để giảm áp lực lên dạ dày.
- Tránh thực phẩm kích thích: Hạn chế các thực phẩm và đồ uống có thể gây kích ứng dạ dày như cà phê, rượu, đồ ăn cay nóng và các loại thức ăn có nhiều gia vị.
- Không hút thuốc: Hút thuốc có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày và làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, đau dạ dày cấp.
- Giảm stress: Stress có thể tăng acid dạ dày và làm trầm trọng thêm các triệu chứng khó chịu. Tìm cách thư giãn như thiền, yoga hoặc các hoạt động giải trí khác ngay khi bạn cảm thấy căng thẳng để tránh làm ảnh hưởng đến dạ dày.
- Sử dụng thuốc thận trọng: Một số loại thuốc như Aspirin và các NSAID khác có thể làm tổn thương dạ dày, đồng thời kích hoạt cơn đau. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này, đặc biệt nếu bạn cần dùng chúng trong thời gian dài.
- Kiểm soát cân nặng: Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng áp lực lên bụng, dẫn đến trào ngược axit và gây đau dạ dày.
- Bảo vệ bản thân trước các vi khuẩn: Rửa tay thường xuyên và ăn uống vệ sinh để tránh nhiễm các loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng dạ dày.
- Kiểm tra y tế định kỳ: Thăm khám định kỳ có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề về dạ dày có thể gây đau và điều trị kịp thời trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn.
Đau dạ dày cấp là tình trạng mà bạn tuyệt đối không nên xem nhẹ. Cần theo dõi sát sao để kịp thời thăm khám và có cách can thiệp đúng đắn nhất. Tránh chủ quan, tạo điều kiện cho các vấn đề nghiêm trọng phát sinh khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
Có thể bạn chưa biết:
- 13 Cách Chữa Đau Dạ Dày Tại Nhà Hiệu Quả, Giảm Đau Nhanh
- Đang đau dạ dày nên ăn gì giảm đau nhanh nhất?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!