Cách điều trị “viêm dạ dày hp dương tính”

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Khi được chẩn đoán viêm dạ dày HP dương tính có nghĩa là các kết quả xét nghiệm đã tìm thấy có sự hiện diện vi khuẩn HP trong dạ dày. Người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc theo phác đồ chuẩn phối hợp 3 hay 4 thuốc trong một khoảng thời gian nhất định để tiêu diệt HP, phục hồi tổn thương ở niêm mạc dạ dày.

Bệnh viêm dạ dày HP dương tính là gì?

Bệnh viêm dạ dày HP dương tính là tình trạng viêm nhiễm, tổn thương ở niêm mạc dạ dày có liên quan đến vi khuẩn Helicobacter pylori ( còn gọi là HP hay H. pylori ). Loại vi khuẩn này được tìm thấy thông qua các xét nghiệm như kiểm tra hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hay sinh thiết dạ dày…

bệnh viêm dạ dày hp dương tính
Bệnh viêm dạ dày hp dương tính do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra

Theo thống kê ở nước ta, tỷ lệ người bị nhiễm vi khuẩn HP dương tính lên đến 70%. Tính riêng tại TPHCM có 90% các trường hợp bị viêm dạ dày tìm thấy sự hiện diện của vi khuẩn HP.

 

Không như các loại vi khuẩn khác, vi khuẩn HP có khả năng tồn tại ở môi trường axit dạ dày. Chúng có khả năng tiết ra một loại men có tên urease khiến axit bị trung hòa nên không bị tiêu diệt.

Không phải tất cả các trường hợp nhiễm vi khuẩn HP dương tính đều bị viêm dạ dày. Chúng chỉ gây tổn thương cho niêm mạc bao tử khi phát triển mạnh về số lượng và gặp các điều kiện thuận lợi như suy giảm hệ miễn dịch, ăn uống thiếu khoa học… Từ đó dẫn đến viêm nhiễm và nhiều vấn đề khác ở dạ dày.

Xem thêm: Vi khuẩn HP có ở đâu, làm sao phòng ngừa?

Nguyên nhân gây viêm dạ dày HP dương tính

HP là một loại vi khuẩn có khả năng lây lan từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Chúng tấn công vào cơ thể rồi gây viêm dạ dày cấp và mãn tính thông qua những con đường sau:

  • Tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết của người bị viêm dạ dày HP dương tính
  • Dùng chung bàn chải đánh răng, thìa, đũa của người bệnh
  • Ăn rau sống có nhiễm phân mang mầm bệnh
  • Sử dụng chung một số thiết bị y tế chưa được tiệt trùng như các dụng cụ nội soi tiêu hóa, thiết bị điều trị nha khoa.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm dạ dày HP dương tính như:

  • Sức đề kháng suy giảm
  • Lạm dụng thuốc giảm đau kéo dài
  • Uống nhiều bia rượu
  • Sử dụng các chất gây nghiện như thuốc lá, thuốc phiện
  • Căng thẳng thường xuyên
  • Nhiễm HIV/AIDS
  • Lớn tuổi
  • Trong gia đình từng có người bị nhiễm vi khuẩn HP dạ dày

Tìm hiểu thêm:Vi khuẩn HP có lây qua đường ăn uống không? – Chuyên gia giải đáp

Triệu chứng viêm dạ dày HP dương tính

Người bị viêm dạ dày dương tính với HP thường có những biểu hiện sau:

  • Đau bụng trên kéo dài: Cơn đau xuất hiện ngày dưới vùng ngực và một số trường hợp cảm giác này còn lan sang cả lưng. Đau tăng lên khi bụng đói hoặc sau một bữa ăn quá nhiều. Hầu hết những người bị viêm dạ dày dương tính  với HP đều gặp phải triệu chứng này.
  • Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng: Khi bị viêm dạ dày, nồng độ axit trong dịch vị tăng cao và trào ngược lên trên thực quản khiến người bệnh thường xuyên bị ợ nóng, ợ chua, nóng rát thượng vị. Bên cạnh đó, do chức năng tiêu hóa bị suy giảm nên thức ăn ở lại trong dạ dày lâu hơn. Dưới tác động của vi khuẩn HP cùng với quá trình lên men sẽ sinh ra nhiều khí hơi. Ợ hơi, đầy bụng, bụng ọc ạch khó chịu là những hậu quả thường gặp.
triệu chứng viêm dạ dày hp dương tính
Ợ nóng, buồn nôn là những triệu chứng điển hình của bệnh viêm dạ dày hp dương tính
  • Buồn nôn, nôn ói: Đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm dạ dày HP dương tính. Bệnh nhẹ thì chỉ gây cảm giác buồn nôn, nôn nao trong người. Nặng thì nôn ói nhiều dẫn đến mệt mỏi, mất nước, rối loạn điện giải.
  • Giảm cân ngoài mong đợi: Niêm mạc dạ dày bị tổn thương khiến cho khả năng hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn nạp vào bị giảm sút đáng kể. Kèm theo đó là tình trạng nôn ói diễn ra thường xuyên gây thiếu hụt chất dinh dưỡng và làm người bệnh bị sút cân nhanh chóng. Nếu không phải đang trong quá trình ăn kiêng hay tập luyện để giảm cân thì bạn nên nghĩ đến căn bệnh viêm dạ dày do HP.
  • Chán ăn, ăn uống không ngon miệng: Khả năng tiêu hóa kém khiến cho người bệnh chán ăn, mất cảm giác thèm ăn.
  • Chảy máu dạ dày: Bệnh nhân có thể phát hiện ra triệu chứng này thông qua việc ói ra thức ăn có lẫn máu hoặc đi ngoài phân đen. Chảy máu dạ dày là dấu hiệu cảnh báo bệnh đang bước vào giai đoạn nghiêm trọng, nếu để nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Viêm dạ dày Hp dương tính có nguy hiểm không?

Về bản chất, bệnh viêm dạ dày HP dương tính chỉ thật sự gây nguy hiểm nếu bệnh không được điều trị dứt điểm từ sớm. Lúc này, bệnh kéo dài khiến cho vi khuẩn HP có cơ hội phát triển về số lượng và lan rộng phạm vi ảnh hưởng. Chúng ăn sâu vào trong thành dạ dày, tá tràng và gây ra các biến chứng như:

Nguy hiểm hơn, viêm dạ dày HP dương tính tiến triển trong nhiều năm có thể gây biến đổi các gen, từ đó dẫn đến bệnh ung thư dạ dày. Thống kê cho thấy có khoảng 90% các trường hợp bị ung thư dạ dày tìm thấy vi khuẩn HP. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao do khó phát hiện, các triệu chứng cũng tương đồng với các bệnh lý thông thường ở đường tiêu hóa.

Để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm trên, việc sớm chẩn đoán và điều trị viêm dạ dày dương tính HP là cần thiết. Bệnh nhân cần thăm khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ và tích cực dùng thuốc chữa trị theo phác đồ của bác sĩ để diệt trừ vi khuẩn HP,  nhanh chóng chữa lành các tổn thương trong dạ dày.

Phương pháp chẩn đoán viêm dạ dày HP dương tính

Một số xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân gây viêm dạ dày cũng như xác định được sự hiện diện của vi khuẩn HP, bao gồm:

  • Chụp X-quang dạ dày:

Hình ảnh trên phim chụp X- quang có thể giúp phát hiện ra những vết trợt hay vết viêm loét ở niêm mạc dạ dày.

  • Xét nghiệm máu:

Bệnh nhân được lấy mẫu máu đem vào phòng thí nghiệm kiểm tra xem hệ miễn dịch có sản xuất kháng thể để chống lại vi khuẩn HP không. Nếu có thì cũng đồng nghĩa với việc chứng viêm dạ dày của bạn có liên quan đến vi khuẩn HP.

xét nghiệm máu chẩn đoán viêm dạ dày HP dương tính
Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện ra bệnh viêm dạ dày HP dương tính
  • Test hơi thở: 

Vi khuẩn HP tồn tại trong dạ dày khi trải qua quá trình thủy phân có thể tạo ra các khí ammonia, CO2 và NH3. Những chất này sau đó được hấp thụ và theo máu đi lên phổi, cuối cùng được giải phóng ra ngoài theo đường thở. Sử dụng một thiết bị đo độ phân giải của phóng xạ/phút (DPM) có thể giúp xác định bạn có bị viêm dạ dày HP dương tính hay không. 

Xét nghiệm này có thể cho ra các thông số sau:

  • DPM dưới 50: Viêm dạ dày HP âm tính, tức dạ dày của bạn không bị nhiễm vi khuẩn HP
  • DPM từ 50 đến 199: Không thể xác định được bạn có bị nhiễm HP không
  • DPM từ 200 trở lên: Có thể kết luận viêm dạ dày HP dương tính

Kỹ thuật test hơi thở mang lại kết quả có độ chính xác cao. Có đến 90-98% trường hợp có thể kết luận bệnh ngay mà không cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm xâm nhập khác. Mặc dù vậy, phương pháp kiểm tra hơi thở bằng đồng vị phóng xạ carbon 14C có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến trẻ em, bà bầu, phụ nữ đang cho con bú nên không được chỉ định cho nhóm đối tượng này.

  • Xét nghiệm phân:

Kiểm tra phân cũng có thể giúp tìm ra các kháng nguyên chống lại vi khuẩn HP hoặc máu trong phân ở những người bị biến chứng xuất huyết dạ dày. Kỹ thuật này được thực hiện lặp lại nhiều lần trong suốt quá trình điều trị để đánh giá kết quả nhận được.

  • Nội soi, sinh thiết dạ dày: 

Bác sĩ tiến hành nội soi dạ dày thông qua đường miệng. Hình ảnh thu nhận được từ camera gắn ở đầu ống nội soi mềm cho phép bác sĩ quan sát được toàn bộ mọi ngóc ngách bên trong dạ dày và đánh giá được mức độ tổn thương viêm ở niêm mạc.

Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng lấy mẫu làm sinh thiết để kiểm tra xem vi khuẩn HP có liên quan đến tình trạng viêm dạ dày của bạn hay không. Phương pháp này cũng giúp tầm soát, phát hiện sớm ung thư dạ dày nếu có.

Tìm hiểu thêmBảng Giá Nội Soi Dạ Dày – Chi Tiết Chi Phí Theo Từng Phương Pháp

Điều trị viêm dạ dày HP dương tính

Bệnh viêm dạ dày HP dương tính được điều trị theo phác đồ của Bộ Y Tế nhằm tiêu diệt vi khuẩn HP và kiểm soát các triệu chứng cho người bệnh. Các phác đồ được lựa chọn bao gồm:

Phác đồ phối hợp 3 thuốc

Được chỉ định cho những trường hợp mới điều trị lần đầu. Liệu trình điều trị có thể kéo dài từ 10 – 14 ngày. Bác sĩ sẽ cân nhắc áp dụng một trong 2 phác đồ sau:

– Số 1:

  • Thuốc ức chế bơm Proton (PPI). Loại thuốc này có tác dụng ức chế sản xuất axit dạ dày. Thông dụng nhất là omeprazol. Liều lượng 1 viên x 2 lần/ngày.
  • Thuốc kháng sinh Amoxicillin: Mỗi lần uống 1g x 2 lần/ngày
  • Thuốc kháng sinh nhóm macrolid – Clarithromycin: Mỗi lần uống 500mg x 2 lần/ngày

– Số 2: 

  • Thuốc ức chế bơm Proton: Ngày dùng 2 lần
  • Thuốc kháng sinh Amoxicillin: Ngày dùng 2 lần x 1g/lần
  • Thuốc kháng sinh  Metronidazol: Liều lượng 500mg x 2 lần/ngày

Xem thêm: Thuốc Ức Chế Bơm Proton Là Gì? Tác Dụng Và Thận Trọng

Phác đồ điều trị viêm dạ dày HP dương tính phối hợp 4 thuốc

Phác đồ 4 thuốc chỉ được sử dụng khi bệnh nhân đã được điều trị bằng phác đồ 3 thuốc nhưng thất bại hoặc bệnh nhân đã dùng thuốc clarithromycin nhưng không đáp ứng được. Liệu trình điều trị bằng 4 thuốc cũng kéo dài trong 10 – 14 ngày. Có 2 phác đồ 4 thuốc đang được áp dụng như sau:

– Số 1:

  • Thuốc ức chế bơm Proton: Ngày uống 2 lần
  • Tinidazole: Mỗi lần uống 500mg x 2 lần/ngày
  • Metronidazole: Ngày uống 2 lần, mỗi lần 500mg
  • Bismuth: Mỗi lần uống 60mg x 2 lần/ngày

– Số 2:

  • Thuốc ức chế bơm proton: Uống ngày 2 lần
  • Amoxicillin: Dùng mỗi lần 1g x 2 lần trong ngày
  • Clarithromycin và Metronidazole: Cả hai dùng với liều lượng x 2 lần/ngày
Thuốc amoxicillin điều trị viêm dạ dày HP dương tính
Amoxicillin là thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm dạ dày HP dương tính

Phác đồ điều trị viêm dạ dày HP dương tính nối tiếp

Bệnh nhân được sử dụng thuốc trong 10 ngày liên tục. Trong đó 5 ngày đầu điều trị bằng 2 thuốc, 5 ngày tiếp theo phối hợp 3 thuốc. Cụ thể như sau:

  • Trong 5 ngày đầu: Dùng một loại thuốc ức chế bơm Proton và thuốc kháng sinh Amoxicillin
  • 5 ngày cuối: Kết hợp thuốc ức chế bơm Proton và hai loại thuốc kháng sinh là Clarithromycin và Tinidazole

Phác đồ điều trị cứu vãn

Được sử dụng sau cùng khi tất cả các phác đồ còn lại không cho hiệu quả tốt. Các phác đồ điều trị cứu vãn bao gồm:

  1. PPI + Levofloxacin + Amoxicillin
  2. PPI + Furazolidone + Amoxicillin
  3. PPI + Rifabutin + Levofloxacin
  4. PPI + Levofloxacin + Amoxicillin
  5. PPI + Bismuth- + Doxycycline + Amoxicillin
  6. PPI + Rifabutin + Amoxicillin
  7. PPI + Bismuth + Tetracycline + Furazolidone
  8. PPI + Bismuth + Tetracycline + Amoxicillin
  9. PPI + Amoxicillin. Trong đó Amoxicillin dùng với liều mạnh là 1g x 3 lần uống mỗi ngày.

Hiện nay, việc tiêu diệt vi khuẩn HP đang ngày càng trở nên khó khăn do bị kháng thuốc kháng sinh. Chỉ có khoảng 34,5% bệnh nhân bị viêm dạ dày HP dương tính điều trị thành công với phác đồ ban đầu.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng vi khuẩn Hp kháng thuốc là do bệnh nhân tự ý mua thuốc về uống mà không qua thăm khám hoặc uống thuốc không đủ liều lượng, thời gian quy định. Điều này sẽ khiến người bệnh phải đối mặt với nguy cơ phải chung sống với vi khuẩn HP suốt đời và có thể gặp nhiều biến chứng vi khuẩn, nguy hiểm nhất là ung thư dạ dày.

Để tránh tình trạng trên, người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Kết thúc mỗi đợt dùng thuốc phải quay trở lại bệnh viện tiến hành xét nghiệm lại nhằm đảm bảo vi khuẩn HP đã được tiêu diệt hoàn toàn trước khi ngưng thuốc điều trị.

Chế độ ăn uống sinh hoạt khi bị viêm dạ dày HP dương tính

Để nhanh chóng tiêu diệt sạch vi khuẩn HP và phục hồi chức năng của dạ dày, trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày người bệnh cần chú ý:

  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân với mọi người, đặc biệt là các thành viên trong già đình gây lây nhiễm chéo vi khuẩn HP.
  • Tránh căng thẳng, làm việc quá sức hoặc ăn uống không đúng giờ giấc khiến cho các triệu chứng viêm dạ dày thêm trầm trọng.
  • Ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Tránh ăn các món sống như gỏi, salad, nộn… gây đau bụng, tiêu chảy và bị nhiễm khuẩn trầm trọng hơn.
  • Nói không với các chất kích thích như bia rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị cay.
  • Tích cực bổ sung các thực phẩm chứa chất kháng viêm, chống khuẩn, giúp hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn HP như bắp cải, nghệ, việt quất, gừng, súp lơ, dầu ô liu, rễ cam thảo… Ngoài ra, người bệnh cũng nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều vitamin C để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, làm mau lành tổn thương trong dạ dày.
  • Giảm lượng thức ăn tiêu thụ trong các bữa nhưng tăng số lượng bữa ăn trong ngày để giảm gánh nặng tiêu  hóa cho dạ dày, giúp cải thiện các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, ăn không tiêu, sụt cân do bệnh viêm dạ dày HP dương tính gây ra.

Viêm dạ dày HP dương tính là một vấn đề sức khỏe cần được chú ý nghiêm túc do các biến chứng nguy hiểm có thể gây ra. Để quản lý và điều trị bệnh hiệu quả, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ chặt chẽ phác đồ và tái khám định kỳ để theo dõi tiến trình bệnh.

Bạn nên tìm hiểu thêm

Chia sẻ:
Viêm loét hang vị dạ dày Bài thuốc đặc trị viêm hang vị dạ dày được chuyên gia khuyên dùng

Viêm loét hang vị dạ dày là một trong những bệnh phổ biến nhất bởi hang vị là nơi chứa…

Viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính: Bệnh lý chớ xem thường

Viêm dạ dày trợt xung huyết mãn tính do nhiều nguyên nhân gây ra như nhiễm vi khuẩn Hp, lạm…

Hoa Đu Đủ Đực Chữa Viêm Loét Dạ Dày – Mẹo Từ Dân Gian

Dùng hoa đu đủ đực chữa viêm loét dạ dày là mẹo dân gian được nhiều người áp dụng vì…

viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không Viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không?

"Viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không?" là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi gặp phải…

Viêm loét dạ dày hoàn toàn có thể điều trị được. Viêm loét dạ dày có chữa khỏi được không? Bác sĩ nói gì?

Bị viêm loét dạ dày vẫn chữa được nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thông qua…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua