Không Ăn Không Ngủ Được Là Bệnh Gì? Cách Cải Thiện
Không ăn không ngủ được là một trong những vấn đề sức khỏe mà rất nhiều người đang gặp phải. Đây có thể là hệ quả của tình trạng căng thẳng thần kinh, lo lắng kéo dài, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý. Nếu dấu hiệu bất thường kéo dài, cần tìm đến bác sĩ để được thăm khám và chữa trị.
Không ăn không ngủ được là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Mất ngủ là tình trạng thường gặp, nhất là ở những người cao tuổi. Trong nhiều trường hợp, nó còn đi kèm với biểu hiện chán ăn, ăn không ngon miệng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, không chỉ khiến tinh thần sa sút, mệt mỏi mà còn khiến cân nặng tụt dốc không phanh.
Ăn ngủ không ngon cũng có thể là do căng thẳng và lo lắng quá mức. Tuy nhiên, nó cũng có thể là hệ quả của các vấn đề tiềm ẩn bên trong cơ thể. Dưới đây là một số vấn đề bệnh lý có thể liên quan:
1. Không ăn không ngủ được là hệ quả của các bệnh về thần kinh
Các vấn đề thần kinh thường dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là khó ngủ, mất ngủ và giấc ngủ không sâu. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, gây mệt mỏi và chán ăn. Một số bệnh lý thường gây ra tình trạng mất ngủ, mất ăn là:
- Suy nhược thần kinh: Là bệnh lý khi đại não hoạt động quá liên tục và căng thẳng kéo dài, dẫn đến mất cân bằng về hưng phấn, ức chế đại não và hệ thần kinh. Người bệnh thường có các triệu chứng như mệt mỏi, không ngủ được, chán ăn, dễ kích thích, đau đầu…
- Rối loạn lo âu: Xuất hiện lo lắng, sợ hãi với đối tượng hoặc tình huống cụ thể, thường kèm theo triệu chứng lo lắng hoảng loạn về thể chất, có thể dẫn đến vấn đề về ăn và ngủ.
- Rối loạn tâm trạng: Liên quan đến biến động cảm xúc như trầm cảm, rối loạn khí sắc, rối loạn lưỡng cực… thường kéo dài hoặc đột ngột thay đổi giữa các cảm giác.
Tham khảo thêm: Khó ngủ vì suy nghĩ nhiều – Cách giảm căng thẳng, dễ ngủ
2. Bệnh đường tiêu hóa
Khi nói đến tình trạng chán ăn, ăn không được, không ngon miệng thì có thể nghĩ ngay đến các bệnh đường tiêu hóa. Bởi lúc này, hệ tiêu hóa thường làm việc kém hiệu quả và phát sinh các triệu chứng ảnh hưởng.
Triệu chứng bệnh thường trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc ngủ, hoặc không ngủ được hoặc ngủ không sâu. Một số bệnh lý thường gặp là:
- Trào ngược dạ dày thực quản: Dịch dạ dày trào ngược lên thực quản gây viêm nhiễm và tổn thương, gây nhiều triệu chứng khó chịu như mất ăn mất ngủ.
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Tổn thương niêm mạc dạ dày gây đau đớn, mệt mỏi, chán ăn, đặc biệt sau khi tiêu thụ đồ ăn không lành mạnh.
- Xuất huyết tiêu hóa: Gây ra nôn máu, phân đen, có thể đe dọa tính mạng với triệu chứng như tụt huyết áp, cơ thể lạnh, mệt mỏi, mồ hôi nhiều…
3. Bệnh huyết áp cao
Đây là một bệnh lý tim mạch mãn tính xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao, gây ra nhiều áp lực cho tim và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Phải kể đến như suy tim, bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…
Đa phần các triệu chứng của bệnh đều mờ nhạt, không thể hiện rõ ràng. Đôi khi bệnh đã tiến triển nghiêm trọng nhưng người bệnh vẫn không nhận thấy những dấu hiệu cụ thể. Tuy nhiên, khi huyết áp tăng, có thể bạn sẽ thấy khó thở, đau đầu, mệt mỏi, không ăn không ngủ được…
Tham khảo thêm: Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là gì? Cách điều trị
4. Bệnh suy thận gây mất ăn mất ngủ
Suy thận hay còn được gọi là tổn thương thận – đặc trưng bởi tình trạng suy giảm chức năng hoạt động của thận. Triệu chứng của bệnh lý này thường phát triển theo thời gian khi tổn thương thận tiến triển chậm.
Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng của suy thận thường không rõ ràng và có thể bị bỏ qua. Người bệnh thường chỉ nhận biết khi bệnh đã phát triển sang giai đoạn muộn hơn. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Buồn nôn, nôn ói
- Chán ăn, ăn không ngon miệng
- Ớn lạnh, mệt mỏi
- Rối loạn giấc ngủ
- Bất thường khi đi tiểu
- Hoa mắt, chóng mặt, tinh thần giảm sút
- Chuột rút, co giật cơ bắp
- Phù các vị trí mặt, cổ, chân, tay
- Ngứa dai dẳng toàn thân
- Đau ngực, khó thở, tăng huyết áp
Với suy thận cấp, bệnh chỉ kéo dài vài ba ngày và có thể phục hồi hoàn toàn nếu điều trị đúng cách trong 1 – 2 tuần. Ngược lại, suy thận mãn tính không thể phục hồi chức năng thận. Điều trị chỉ giúp chậm lại tiến triển bệnh và ngăn ngừa biến chứng.
Tham khảo thêm: Mất ngủ kéo dài lâu ngày là bệnh gì? Có sao không?
5. Hội chứng mệt mỏi mãn tính
Hội chứng mệt mỏi mãn tính là một dạng bệnh lý gây ra tình trạng mệt mỏi ở nhiều mức độ khác nhau, kéo dài ít nhất 6 tháng. Thường đi kèm với nhiều triệu chứng thực thể, tâm lý hay thần kinh khác.
Sự mệt mỏi do hội chứng này gây ra sẽ không được cải thiện tốt dù người bệnh đã dành thời gian nghỉ ngơi. Và nó cũng không liên quan đến các bệnh lý gây mệt mỏi khác như bệnh lý tuyến giáp hay bệnh tim mạch.
Bệnh có thể đi kèm với triệu chứng của các cơ quan khác. Phải kể đến như cơ quan tiêu hóa, hô hấp, thần kinh cơ, tiết niệu và các triệu chứng tâm thần như:
- Ăn không ngon, ngủ không yên
- Khó tập trung
- Đau đầu, sốt nhẹ
- Đau họng, nổi hạch ở cổ
- Đau ngực, đau cơ, đau khớp
- Tim đập nhanh, hay đổ mồ hôi vào ban đêm
Thống kê ghi nhận rằng, hội chứng mệt mỏi mãn tính có xu hướng kích hoạt ở nữ giới nhiều gấp khoảng 4 lần so với nam giới.
6. Suy tuyến thượng thận
Thượng thận chính là một tuyến nội tiết nhỏ nằm ngay phía trên của 2 quả thận. Suy tuyến thượng thận là thuật ngữ đề cập đến tình trạng cơ quan này sản xuất ra quá ít cortison, làm rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh. Triệu chứng:
- Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối
- Cảm giác chán ăn, mất ngủ, khó ngủ
- Bị rối loạn tâm thần, thường xuyên buồn nôn, chóng mặt, ói mửa
- Nhịp tim nhanh, huyết áp thấp
- Thường xuyên bị sốt đột ngột
- Cơ thể bị lạnh nhưng lại có cảm giác đổ mồ hôi
- Cơn đau đột ngột xuất hiện ở dưới chân và vùng lưng
Bệnh lý này nếu không được chữa trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm, có thể làm phát sinh các biến chứng như sốc, co giật, hôn mê, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Tham khảo thêm: 5 Cách chữa mất ngủ không dùng thuốc đơn giản nhưng hiệu quả
7. Bệnh suy giáp
Suy giáp là một bệnh nội tiết có thể gây ra tình trạng không ăn không ngủ được do rối loạn chức năng của tuyến giáp, làm suy giảm sản xuất hormone cần thiết cho quá trình kiểm soát sự trao đổi chất trong cơ thể.
Biểu hiện rõ ràng khi bị suy tuyến giáp là hạ canxi máu, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của tim, hệ thần kinh hay sự điều tiết nhiệt lượng của cơ thể. Sau đây là một số triệu chứng thường gặp:
- Ăn không ngon miệng, dễ bị táo bón
- Trầm cảm, trí nhớ giảm sút
- Khó ngủ, không ngủ được hay ngủ không ngon giấc
- Giọng trở nên trầm và khàn
- Da khô, tái xanh, dễ bị lạnh
- Đau cơ, đau khớp
- Thay đổi nhịp tim, thở gấp
- Phụ nữ dễ gặp phải các vấn đề kinh nguyệt
- Giảm ham muốn tình dục
Bệnh nếu không điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới tử vong trong thời gian ngắn. Một số trường hợp có thể gây ra các biến chứng không phục hồi và cần phải can thiệp phẫu thuật phức tạp.
Cách giúp cải thiện tình trạng không ăn không ngủ được
Tình trạng ăn không ngon ngủ không yên kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Bởi nguyên nhân đa phần liên quan đến các vấn đề bệnh lý. Dưới đây là các giải pháp mà người bệnh nên thực hiện khi gặp phải tình trạng này:
1. Thăm khám và điều trị y tế
Tình trạng khó ăn khó ngủ thường là dấu hiệu cảnh báo về vấn đề sức khỏe nội tại và cần chú ý. Việc tìm kiếm sự tư vấn và thăm khám từ bác sĩ là quan trọng để xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Tuân thủ phác đồ điều trị một cách nghiêm túc và liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề nào. Điều chỉnh phác đồ nếu cần và tuân thủ lịch hẹn thăm khám để kiểm soát diễn tiến bệnh tốt nhất.
Tham khảo thêm: Mất ngủ làm giảm trí nhớ, mất tập trung phải làm sao?
2. Một số giải pháp tại nhà
Trong nhiều trường hợp, tình trạng không ăn không ngủ được có thể do căng thẳng, lo lắng. Áp dụng các biện pháp tại nhà sau có thể giúp cải thiện:
- Thiết lập chế độ sinh hoạt cân bằng, tránh làm việc quá sức, đặc biệt vào buổi tối.
- Đi ngủ và thức dậy đều đặn vào cùng một khung giờ hàng ngày.
- Uống trà hoa cúc giúp giảm căng thẳng và đau dạ dày, thư giãn trước khi ngủ.
- Thực hiện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao đề kháng và hỗ trợ chuyển hóa.
- Bổ sung đầy đủ các loại vitamin từ thực phẩm để kích thích vị giác, cải thiện giấc ngủ.
- Hạn chế tiêu thụ rượu, thuốc lá và các chất kích thích.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng để tăng sản xuất vitamin D.
- Uống đủ từ 2 – 2,5 lít nước hàng ngày để hỗ trợ hoạt động trao đổi chất và đào thải độc tố.
Tình trạng không ăn không ngủ được cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm, vì vậy mỗi người cần chú ý lắng nghe cơ thể mình và không ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ y tế khi cần thiết. Việc duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý và cân bằng là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe toàn diện, mang đến một cuộc sống hạnh phúc và thành công.
Có thể bạn quan tâm:
- Mẹo chữa trằn trọc khó ngủ đơn giản – Ai dùng cũng hết
- Khó ngủ nên làm gì? Đây là cách giúp bạn nằm xuống là ngủ ngay
Bình luận (1)
Em bị mắt ăn mắt ngủ kéo dài 1 tuần nay rồi ạ . Không có cảm giác thèm ăn và khi ăn chỉ được vài muổng cỏm là ăn không được nữa ạ xin thưa bác sĩ !