Trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu – Cách xử lý, điều trị
Trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu là triệu chứng rối loạn tiêu hóa khá phổ biến. Tình trạng này thường gặp ở trẻ có chế độ ăn ít chất xơ, không uống đủ nước, thường xuyên nhịn đi đại tiện hoặc mắc các bệnh lý bẩm sinh như phình đại tràng, suy giáp trạng,…
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu
Táo bón ra máu là hiện tượng phổ biến ở trẻ từ 2 – 6 tuổi. Hiện tượng này xảy ra khi trẻ cố “rặn” lúc đi đại tiện, khiến phân ma sát lên niêm mạc và gây chảy máu.
Trẻ bị đi ngoài ra máu thường là hệ quả do táo bón kéo dài và không được khắc phục kịp thời. Cha mẹ có thể nhận biết tình trạng này thông qua các dấu hiệu dưới đây:
+ Trẻ dưới 1 tuổi:
- Trẻ không đi đại tiện trong 3 ngày liên tục
- Với một số trẻ đang bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ có thể không đi tiêu trong vòng 1 tuần
- Phân có xu hướng khô, vón cục và cứng
- Một số trường hợp phân có lẫn máu tươi
- Trẻ quấy khóc khi đại tiện
+ Trẻ trên 1 tuổi:
- Trẻ đi tiêu ít hơn 3 lần/ tuần
- Khi đi tiêu thường phải “rặn”
- Phân thường cứng, khô và lẫn máu hoặc dịch nhầy
- Trẻ sợ đại tiện và có xu hướng thường xuyên quấy khóc
Nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón ra máu
Trẻ bị táo bón ra máu chủ yếu là do táo bón chức năng (nguyên nhân do chế độ ăn, sinh hoạt và hoạt động tiêu hóa kém). Ngoài ra ở một số bé, táo bón kèm theo máu khi đi ngoài có thể là biểu hiện của một số bệnh lý về hậu môn – trực tràng hoặc các bệnh tiềm ẩn khác.
Các nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu, bao gồm:
- Trẻ mắc các dị tật bẩm sinh như suy giáp trạng và phình giãn đại tràng. Khi mắc các bệnh lý này, trẻ thường bị táo bón chỉ sau khoảng vài ngày chào đời.
- Chế độ ăn ít chất xơ, ăn quá nhiều đạm, muối, đường,… hoặc do trẻ uống quá ít nước.
- Trẻ uống quá nhiều sữa bò hoặc sữa chứa công thức giàu protein cũng có thể là nguyên nhân gây táo bón. Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ thường chưa phát triển hoàn chỉnh. Vì vậy nếu bạn sử dụng sữa có quá nhiều đạm, trẻ có thể bị tiêu chảy, táo bón, đầy bụng,…
- Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn có thể bị táo bón do chế độ ăn của người mẹ.
- Giảm trương lực ruột ở trẻ có thể gây táo bón lâu ngày. Tình trạng này có thể là hệ quả do trẻ bị thiếu máu, suy dinh dưỡng hoặc còi xương.
- Trẻ hay nhịn đại tiện.
- Trẻ mắc các bệnh về hậu môn – trực tràng như nứt kẽ hậu môn, bệnh trĩ, rò hậu môn,… Khi mắc những bệnh lý này, quá trình đại tiện thường diễn ra khó khăn và hay đi kèm với hiện tượng chảy máu, đau rát,…
Trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu có nguy hiểm không?
Táo bón là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên khi trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu, bạn cần xác định nguyên nhân và tiến hành các biện pháp điều trị kịp thời. Hiện tượng ra máu khi đi ngoài cho thấy tình trạng táo bón của trẻ đang ở mức nghiêm trọng.
Nếu tiếp tục để kéo dài, táo bón có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược, tâm lý sợ đại tiện,… Ngoài ra ở một số trẻ, táo bón kéo dài cũng có thể gây ra một số bệnh lý ở đường tiêu hóa như bệnh trĩ, kiết, nứt kẽ hậu môn, lồng ruột, tắc ruột,…
Cách xử lý và điều trị trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu
Táo bón đi ngoài ra máu không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tạo tâm lý lo lắng và sợ đại tiện ở trẻ nhỏ. Vì vậy khi nhận thấy trẻ có những triệu chứng này, bạn nên tiến hành các biện pháp khắc phục sau đây.
1. Áp dụng mẹo chữa táo bón ra máu dân gian
Mẹo chữa táo bón từ dân gian được nhiều phụ huynh áp dụng vì có độ an toàn cao và dễ thực hiện. Những mẹo chữa này tận dụng thảo dược từ thiên nhiên nên hầu như không gây khó chịu hay kích ứng đối với cơ địa của trẻ.
– Nước sắc từ hoa hòe
Hoa hòe là vị thuốc Nam quen thuộc và thường được sử dụng để chữa các chứng bệnh về đường ruột. Với vị đắng, tính mát, hoa hòe có tác dụng giải nhiệt cơ thể, cầm máu và tăng độ bền của thành mao mạch. Sử dụng nước sắc từ hoa hòe có thể giảm hiện tượng chảy máu khi đi ngoài ở trẻ nhỏ.
Thực hiện:
- Chuẩn bị hoa hòe sao qua 10 – 15g
- Sau đó sắc uống và dùng hết trong ngày
Hoa hòe có vị đắng nhẹ, vì vậy bạn nên sắc với khoảng 1 – 1.5 lít nước để làm loãng vị đắng của dược liệu. Sau đó cho trẻ dùng nước sắc thay thế cho nước lọc nhằm hỗ trợ làm giảm táo bón và hiện tượng chảy máu ở hậu môn.
– Lá diếp cá giảm táo bón ra máu
Lá diếp cá có vị hơi tanh, tính hàn, tác dụng giảm viêm, sát trùng và thanh nhiệt cơ thể. Ngoài ra y học hiện đại cũng tìm thấy trong dược liệu này chứa hoạt chất kháng sinh mạnh và Quercetin – thành phần có tác dụng làm bền thành mạch.
Hơn nữa, diếp cá còn có tác dụng nhuận tràng giúp giảm tình trạng táo bón ở trẻ nhỏ. Nguyên liệu này rất dễ kiếm, cách làm cũng đơn giản. Sau khi lấy nước cho con uống mẹ có thể lấy bã đắp cho con trong những trường hợp con ốm kèm sốt cao.
Thực hiện:
- Rửa sạch 1 nắm lá diếp cá tươi, sau đó phơi khô trong khoảng 2 – 3 ngày
- Dùng diếp cá khô nấu với 500ml nước và cho trẻ uống hằng ngày
Đừng bỏ qua: 20 Mẹo chữa táo bón bằng bài thuốc dân gian cực hay tại nhà
– Massage bụng giúp tăng nhu động ruột
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ nhỏ hay gặp phải tình trạng táo bón là do hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh. Điều này khiến cho đường ruột dễ bị rối loạn và gây ra các triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, hấp thu kém,…
Do đó ngoài các mẹo áp dụng trên, bạn thể xoa bụng cho trẻ hằng ngày để tăng nhu động ruột và hỗ trợ điều trị táo bón.
Thực hiện:
- Cho trẻ nằm trên giường
- Dùng hai tay vuốt bụng cho trẻ từ trái sang phải và từ trên xuống dưới
- Thực hiện trong 10 – 15 phút/ ngày
Ngoài ra bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các cách xoa bụng khác nhằm giúp trẻ thư giãn và tăng cường hoạt động của cơ quan tiêu hóa.
Xem thêm: 2 Cách xoa bụng chữa táo bón hiệu quả tức thì cho trẻ
2. Sử dụng thuốc trị táo bón đi ngoài ra máu cho trẻ
Với những trẻ bị táo bón mãn tính, bạn có thể sử dụng thuốc điều trị để cải thiện. Tuy nhiên chỉ nên dùng thuốc cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Các loại thuốc Tây y trị táo bón ra máu ở trẻ em:
- Thuốc tăng nhu động ruột (Bisacardyl): Thuốc được sử dụng nhằm làm tăng chuyển động của ruột và giúp quá trình bài tiết phân diễn ra nhanh chóng hơn. Loại thuốc này rút ngắn thời gian phân ở bên trong ruột, vì vậy có thể cải thiện tình trạng phân khô cứng và vón cục.
- Thuốc làm mềm phân (Docusat): Loại thuốc này hoạt động bằng cách chuyển nước và chất béo vào phân nhằm giúp phân mềm và dễ dàng đi ra bên ngoài.
- Thuốc bôi trơn hậu môn (Microlax): Thuốc bôi trơn hậu môn được bơm trực tiếp vào hậu môn trước khi đại tiện nhằm làm giảm ma sát giữa phân và niêm mạc.
- Thuốc tăng thẩm thấu (Sorbitol): Thuốc tăng thẩm thấu giúp giữ nước trong lòng ruột, từ đó làm mềm phân và giúp cơ thể dễ dàng đào thải.
- Men tiêu hóa: Men tiêu hóa là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất cho trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu. Nhóm thuốc này bổ sung lợi khuẩn nhằm ổn định và duy trì hoạt động của đường ruột.
Xem thêm: 8 thuốc trị táo bón cho trẻ em hiệu quả & lưu ý khi dùng
Cách chăm sóc trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu
Táo bón là triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp. Triệu chứng này chịu chi phối bởi chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt.
Do đó ngoài việc áp dụng các biện pháp chữa trị cho trẻ bị táo bón ra máu, phụ huynh cũng cần biết cách chăm sóc con yêu để bé nhanh hồi phục và không còn tái phát bệnh. Dưới đây là những vấn đề cần lưu ý:
- Cho trẻ uống nước theo nhu cầu của cơ thể. Trẻ dưới 6 tháng tuổi hầu như không phải uống nước, tuy nhiên trẻ bị táo bón bạn nên cho trẻ uống từ 100 – 200ml nước/ ngày. Trẻ từ 6 – 12 tháng cần 200 – 300ml nước/ ngày, trẻ từ 1 – 3 tuổi cần 500 – 600ml/ ngày và trẻ từ 3 – 10 tuổi cần khoảng 1000 – 1500ml/ ngày.
- Với những trẻ đã ăn dặm, bạn nên bổ sung cho trẻ các loại rau, củ, quả mềm, dễ tiêu hóa như rau mồng tơi, rau dền, khoai lang, đu đủ, chuối,…
- Lựa chọn sản phẩm sữa phù hợp với độ tuổi của trẻ. Tránh sử dụng sữa chứa quá nhiều đạm và vi chất dinh dưỡng.
- Không nên cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn vặt như snack, socola, nước ngọt có gas, kẹo,…
- Hướng dẫn trẻ đi tiêu theo giờ và cần đi vệ sinh ngay khi cơ thể có nhu cầu.
- Có thể khuyến khích trẻ bơi lội, đi bộ, vui chơi ngoài trời,… để tăng cường sức khỏe và kích thích hoạt động của đường ruột.
- Với những trẻ bị nứt kẽ hậu môn, bạn nên vệ sinh hậu môn đều đặn và sử dụng kem bôi dưỡng ẩm để tránh tình trạng viêm nhiễm, đau rát,…
Trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu có thể thuyên giảm sau khi bạn thay đổi chế độ ăn uống và áp dụng các biện pháp điều trị. Tuy nhiên trong trường hợp trẻ bị táo bón kéo dài do các bệnh lý tiềm ẩn, phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đến bệnh viện để can thiệp các biện pháp chuyên sâu.
Có thể bạn quan tâm:
- Trẻ 4 tuổi bị táo bón – Cách trị và phòng ngừa
- Trẻ táo bón nên ăn gì? ( Các loại rau, cháo, món ăn tốt nhất)
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!