Thuốc giảm đau xương khớp và lưu ý đặc biệt khi dùng

Thuốc giảm đau xương khớp là thuật ngữ đề cập đến tất cả các loại thuốc có khả năng cải thiện cơn đau ở cơ – xương – khớp, bao gồm cả cơn đau cấp và mãn tính. Hiện nay trên thị trường có 2 nhóm thuốc giảm đau khớp chính là thuốc Tây y và Đông Y.

viên giảm đau xương khớp
Thuốc giảm đau xương khớp được sử dụng để cải thiện cả cơn đau cấp và mãn tính

Các loại thuốc giảm đau xương khớp của Tây Y

Thuốc giảm đau cơ xương khớp Tây Y bao gồm thuốc giảm đau dạng bôi ngoài, thuốc tiêm và thuốc dạng viên uống. Trong đó thuốc dạng tiêm chỉ được sử dụng trong điều trị nội trú, vì vậy hầu hết bệnh nhân chỉ có thể dùng thuốc viên và thuốc bôi giảm đau cơ xương khớp tại nhà.

Tây Y thường sử dụng các thành phần hóa học tổng hợp có khả năng ức chế hiện tượng viêm, ngăn chặn hoạt động của hệ miễn dịch, tác động đến trung khu thần kinh,… nhằm cải thiện cơn đau do viêm khớp mãn tính hoặc do chấn thương cấp gây ra.

Dưới đây là một số loại thuốc Tây trị đau nhức xương khớp được sử dụng phổ biến:

1. Thuốc giảm đau thông thường

Acetaminophen (Paracetamol) là thuốc giảm đau được chỉ định ưu tiên trong điều trị cơn đau cơ xương khớp cấp và mãn tính. Loại thuốc này có khả năng dung nạp tốt và ít gây ra biến chứng nguy hiểm nên được ưu tiên trong quá trình điều trị.

viên giảm đau xương khớp
Acetaminophen (Paracetamol) là viên giảm đau xương khớp được sử dụng khá phổ biến

Tuy nhiên Acetaminophen không thích hợp với những bệnh nhân bị suy gan nặng, người thiếu hụt men G6PD, bệnh nhân thiếu máu nhiều lần, người từng có tiền sử nghiện rượu hoặc đang sử dụng các loại thuốc gây độc lên gan.

Mặc dù được đánh giá là khá an toàn nhưng Acetaminophen chỉ có tác dụng giảm cơn đau nhẹ đến trung bình. Vì vậy loại thuốc này thường chỉ có đáp ứng với những cơn đau cấp tính.

2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

NSAID là nhóm thuốc giảm đau và chống viêm được sử dụng phổ biến trong điều trị cơn đau cơ xương khớp cấp và mãn tính. So với Acetaminophen, NSAID có tác dụng chống viêm và giảm đau nhanh.

NSAID hoạt động bằng cách ức chế COX 1 và 2, từ đó ức chế quá trình sinh tổng hợp chất trung gian trong phản ứng viêm – prostaglandin. Khi prostaglandin bị ức chế, hiện tượng viêm và đau nhức ở xương khớp sẽ được cải thiện đáng kể.

thuốc giảm đau xương khớp
Không sử dụng NSAID cho bệnh nhân suy gan, suy thận nặng và bệnh nhân viêm loét dạ dày tiến triển

Tuy nhiên do hoạt động ức chế COX nên thuốc chống viêm không steroid chống chỉ định với bệnh nhân loét dạ dày tiến triển, người có tiền sử xuất huyết dạ dày, bệnh nhân suy tim, suy gan và suy thận nặng.

3. Thuốc chống viêm chứa corticoid

Corticoid (steroid/ corticosteroid) là thuốc chống viêm có tác dụng mạnh, được chỉ định trong điều trị viêm khớp mãn tính ở giai đoạn nặng. Các loại thuốc corticoid (Betamethasone, Prednisolone, Dexamethasone) có tác dụng ức chế miễn dịch nhằm ngăn chặn hiện tượng viêm, từ đó giảm sưng viêm và cải thiện cơn đau.

Tuy nhiên thuốc chống viêm chứa corticoid có khả năng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như loãng xương, hư hại sụn khớp khỏe mạnh, suy tuyến thượng thận, hội chứng Cushing,… Vì vậy bác sĩ thường chỉ định loại thuốc này trong một thời gian ngắn và chỉ được sử dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết.

4. Thuốc sinh học

Thuốc sinh học thường được chỉ định trong điều trị các bệnh lý xương khớp có liên quan đến rối loạn miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến,…

Thuốc sinh học có tác dụng ức chế các kháng thể được hệ miễn dịch sản sinh như tế bào B, thụ thể Interleukin 6 và 1, từ đó ngăn chặn quá trình tổn thương sụn khớp, giảm viêm và cải thiện cơn đau.

Tuy nhiên nhóm thuốc này vẫn cần được nghiên cứu trong một thời gian dài trước khi được sử dụng chính thức trong điều trị các bệnh cơ xương khớp.

5. Thuốc chống thấp khớp

Thuốc chống thấp khớp (Methotrexate, Hydroxychloroquine) thường được chỉ định trong điều trị các bệnh xương khớp do miễn dịch như viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp.

Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế hệ miễn dịch, từ đó làm giảm số lượng kháng thể tấn công vào hệ thống xương khớp, giúp giảm viêm và cải thiện cơn đau đáng kể.

thuốc giảm đau khớp
Thuốc chống thấp khớp hoạt động bằng cách ức chế hệ miễn dịch của cơ thể

Tuy nhiên do hoạt động ức chế miễn dịch nên thuốc chống thấp khớp có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng, giảm bạch cầu, tiểu cầu, làm suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Do đó nhóm thuốc này thường chống chỉ định với bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (tiểu đường, HIV), người có rối loạn đông máu, suy giảm chức năng thận,…

6. Thuốc bôi giảm đau khớp tại chỗ

Với những cơn đau cấp tính do lao động nặng nhọc, té ngã, va chạm, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc bôi giảm đau khớp tại chỗ có chứa các hoạt chất sau:

thuốc giảm đau khớp
Với những cơn đau cấp, bạn nên sử dụng thuốc giảm đau khớp dạng bôi, miếng dán hoặc cao lỏng
  • Lidocaine: Lidocaine có tác dụng gây tê và làm co mạch tại chỗ. Hiện nay thuốc Lidocaine giảm đau thường được bào chế ở dạng thuốc bôi hoặc miếng dán, được sử dụng trực tiếp lên vùng khớp bị tổn thương.
  • Capsaine: Là hoạt chất được chiết xuất từ quả ớt, có tác dụng giảm đau nhức tại chỗ. Tuy nhiên chế phẩm chứa Capsaine có thể gây kích ứng và đỏ da đối với những trường hợp có cơ địa nhạy cảm.
  • Methyl salicylate: Methyl salicylate là hoạt chất có trong nhiều loài thực vật, có tác dụng xung huyết da nên được sử dụng để giảm đau tại chỗ. Hoạt chất Methyl salicylate có mặt trong nhiều thuốc giảm đau khớp ở dạng bôi ngoài, miếng dán và xoa bóp.
  • Menthol: Menthol là tinh chất từ lá bạc hà, có tác dụng làm mát, gây tê, giảm sưng đau tại chỗ. Tương tự như Capsaine, Menthol cũng được bào chế chủ yếu ở dạng thuốc bôi và miếng dán.

Thuốc giảm đau dạng điều trị tại chỗ chỉ có tác dụng giảm đau khu trú và gần như không có đáp ứng với cơn đau mãn tính. Tuy nhiên thuốc ở các dạng bào chế này có mức độ an toàn cao và ít gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận và tuần hoàn máu.

7. Thuốc giảm đau gây nghiện (Opioids)

Opioids là thuốc giảm đau có tác dụng gây nghiện, được sử dụng trong trường hợp cơn đau kéo dài do thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm hoặc gai cột sống. Nhóm thuốc này giảm đau bằng cách ức chế thụ thể opioids ở trung khu thần kinh nhằm ngăn chặn tín hiệu đau từ xương khớp truyền về não bộ.

Do thuốc có khả năng gây nghiện cao nên Opioids chỉ được dùng với liều thấp nhất có đáp ứng và cần được kiểm soát chặt chẽ khi sử dụng. Nhóm thuốc này chống chỉ định với bệnh nhân trầm cảm, từng có tiền sử nghiện chất kích thích hoặc nghiện rượu.

Hiện nay để giảm nguy cơ nghiện thuốc đồng thời làm tăng tác dụng giảm đau, Opioids thường được phối hợp với thuốc giảm đau Paracetamol.

Thuốc giảm đau khớp trong Đông Y

Khác với thuốc giảm đau cơ xương khớp Tây Y, thuốc Đông Y tận dụng dược tính tự nhiên của các thảo dược nhằm kiểm soát cơn đau, cải thiện viêm sưng và ngăn ngừa tiến triển của bệnh. Thuốc Đông Y bao gồm thuốc thang (thuốc sắc uống), thuốc ngâm rượu, thuốc xoa bóp và bài thuốc đắp.

1. Bài thuốc sắc giảm đau khớp từ Đông Y

Tương tự như Tây Y, Đông Y cũng chia đau nhức xương khớp theo từng nguyên nhân gây bệnh. Với từng thể bệnh cụ thể, Đông Y sẽ áp dụng các bài thuốc có tác dụng tương ứng nhằm cải thiện triệu chứng và tác động trực tiếp đến căn nguyên gây bệnh.

thuốc giảm đau cơ xương khớp
Đông Y tận dụng dược tính của các thảo dược tự nhiên để cải thiện viêm và cơn đau

– Bài thuốc giảm đau khớp gối

  • Bài thuốc 1: Dùng rễ xấu hổ và thổ phục linh mỗi vị 20g, chích cam thảo, thạch xương bồ, đương quy mỗi vị 12g, thiên niên kiện, quế chi mỗi vị 10g, huyết đằng, kinh giới, nam tục đoạn và hà thủ ô mỗi vị 16g, đậu đen (sao thơm) 24g. Đem các vị sắc với 1 lít nước đến khi còn 350ml, đem chia thành 2 lần uống.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị cỏ xước, ngải diệp phơi khô, lá và cây cối xay, tục đoạn, kinh giới, đơn hoa, bưởi bung, đinh lăng, tang chi và rễ xấu hổ mỗi vị 16g, chích cam thảo, xa tiền mỗi vị 12g, thiên niên kiện, quế chi mỗi vị 10g, thổ phục linh 20g. Cho các vị sắc với 1 lít nước đến khi còn 350ml, chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.

– Bài thuốc giảm đau vai gáy

  • Bài thuốc 1: Ngải diệp, ngũ gia bì, thổ phục linh, cỏ xước, rễ xấu hổ mỗi vị 16g, đơn hoa, kinh giới, xuyên khung, thạch xương bồ, hà thủ ô chế, đan sâm, lá lốt và chích cam thảo mỗi vị 12g, trần bì và quế chi mỗi vị 10g. Cho các vị vào ấm sắc với 1 lít nước đến khi còn 350ml, chia nước sắc thành 2 – 3 lần uống.
  • Bài thuốc 2: Nam tục đoạn, rễ cúc tần mỗi vị 16g, cam thảo, rễ tất bát, đương quy, cẩu tích, kinh giới mỗi vị 12g, sinh khương 3 lát, quế 10g, tần giao 10g, đỗ trọng 10g, phòng phong 10g. Đem sắc với 1 lít nước còn lại 350ml, chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

– Bài thuốc chữa đau gót chân

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị ngưu tất, hà thủ ô chế, nam tục đoạn, ngũ gia bì, thổ phục linh, ngải diệp và hương nhu trắng mỗi vị 16g, cà gai leo, rễ lá lốt, củ riềng, rễ cúc tần và chích cam thảo mỗi vị 12g, thiên niên kiện, quế chi mỗi vị 10g. Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang.
  • Bài thuốc 2: Đơn hoa, bưởi bung, kinh giới, xấu hổ, tang ký sinh mỗi vị 16g, lá tre, xa tiền, đẳng sâm và cẩu tích mỗi vị 12g, thổ phục linh 20g, quế chi và thiên niên kiện mỗi vị 10g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

– Bài thuốc chữa đau thắt lưng

  • Bài thuốc 1: Tang ký sinh, độc hoạt, xuyên khung, đương quy, đỗ trọng mỗi vị 12g, phòng phong, tần giao, tế tân, địa hoàng, quế tâm, phục linh, ngưu tất và nhân sâm mỗi vị 8g, thược dược 10g, cam thảo 6g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
  • Bài thuốc 2: Đương quy, đào nhân, xuyên khung, hồng hoa, ngưu tất mỗi vị 12g, cam thảo, ngũ linh chi, một dược và địa long mỗi vị 8g, khương hoạt, tần giao và hương phụ mỗi vị 4g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

2. Bài thuốc ngâm rượu chữa đau nhức xương khớp

Ngoài bài thuốc uống, Đông y còn chữa đau nhức xương khớp bằng các bài thuốc ngâm rượu. Bên cạnh tác dụng giảm đau, các bài thuốc ngâm rượu còn có tác dụng bổ thận, nâng cao sức khỏe và cải thiện chức năng sinh lý.

thuốc giảm đau cơ xương khớp
Bài thuốc ngâm rượu không chỉ có tác dụng giảm đau khớp mà còn bồi bổ sức khỏe và cải thiện sinh lý

– Bài thuốc ngâm rượu trị đau lưng, mỏi gối, tráng dương

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị rượu 30 – 35 độ 500ml và đỗ trọng 30 – 60g, đem ngâm trong 7 – 10 ngày. Sau đó dùng uống 20ml, ngày uống từ 2 – 3 lần.
  • Bài thuốc 2: Dùng rượu 30 – 35 độ 500ml, ngưu tất và ba kích mỗi vị 30g. Đem ngưu tất thái lát mỏng, ba kích bỏ lõi rồi thái mỏng, sau đó ngâm với rượu trong 7 – 10 ngày. Mỗi lần uống 30 – 50ml với nước nóng.
  • Bài thuốc 3: Chuẩn bị tục đoạn, uy linh tiên, đỗ trọng, ngũ gia bì và ngưu tất mỗi vị 15g, cẩu tích 18g, rượu 30 – 35 độ 1 lít. Đem ngâm dược liệu với rượu trong 7 – 10 ngày, mỗi lần uống 20ml, ngày dùng 2 lần (sáng – tối).

– Bài thuốc ngâm rượu trị đau nhức toàn thân, chân tay tê bì, bại liệt nửa người, giảm chức năng sinh lý, tiểu tiện kém

  • Bài thuốc 1: Đem ngâm dâm dương hoắc 500g (tán vụn và bọc trong vải xô) với rượu 30 – 35 độ 3 lít. Dùng uống một lượng vừa đủ trong 3 – 5 ngày (tránh uống say), sau đó nghỉ và dùng lại.
  • Bài thuốc 2: Ngâm rượu 30 – 35 độ 500ml với dâm dương hoắc 100ml trong 7 – 10 ngày. Hằng ngày đem lắc đều để dược liệu ra hết tinh chất. Khi uống đem hâm nóng, mỗi lần dùng 20 – 30ml, ngày uống từ 1 – 2 lần.

3. Rượu thuốc xoa bóp giảm đau cơ xương khớp

Rượu thuốc xoa bóp thường được sử dụng với cơn đau cấp và mãn tính không có vết thương hở. Xoa bóp dịch thuốc kết hợp với bấm huyệt có thể làm giảm cơn đau nhanh chóng, cải thiện triệu chứng tê bì và nâng cao khả năng vận động.

  • Bài thuốc 1: Dùng hạt tiêu, đương quy và xuyên khung mỗi vị 50g, thảo ô và đào nhân mỗi vị 20g, hồng hoa 12g. Đem các vị tán vụn, sau đó ngâm với 1 lít rượu gạo 45 – 50 độ trong ít nhất 20 ngày. Khi dùng, lấy bông gạc tẩm 1 ít rượu thoa lên khớp rồi xoa bóp.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị tô mộc, đương quy, độc hoạt, tần giao, huyết giác và khương hoạt mỗi vị 12g, nhục quế, hồng hoa mỗi vị 8g, ngải cứu 6g, mộc qua và thiên niên kiện mỗi vị 10g. Đem các vị ngâm với rượu gạo trong 30 ngày rồi dùng để xoa bóp.
  • Bài thuốc 3: Đem ngâm tang chi 30g, mộc hương, nhũ hương, khương hoạt, một dược, dây đau xương, độc hoạt, đương quy, tần giao và quế chi mỗi vị 15g trong rượu gạo 45 – 50 độ.

4. Bài thuốc chườm giảm đau khớp từ Đông Y

Bài thuốc chườm có tác dụng tương tự như bài thuốc xoa bóp. Tuy nhiên với những trường hợp khớp đau và kèm sưng, bạn nên thực hiện bài thuốc chườm để làm tan máu bầm và giảm sưng. Tác động xoa bóp vào khớp sưng viêm có thể kích thích cơn đau và gây ra các triệu chứng khó chịu.

  • Bài thuốc 1: Đem củ thạch xương bồ (giã dập) 24g và lá ngải diệp 1 nắm trộn với nhau. Sau đó sao nóng và dùng vải thô bọc lại rồi chườm trực tiếp lên chỗ đau nhức. Khi thuốc nguội đem sao nóng rồi chườm lại.
  • Bài thuốc 2: Dùng 1 nắm vỏ cây gạo, cạo bỏ vỏ bần bên ngoài rồi giã nhỏ. Cho vào chảo, thêm đồng tiện vào rồi xào nóng, rồi để nguội bớt và đắp vào chỗ đau nhức. Nên áp dụng bài thuốc này trước khi đi ngủ.

Lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc giảm đau cơ xương khớp

Thuốc giảm đau cơ xương khớp được sử dụng trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên khi sử dụng nhóm thuốc này, bạn cần lưu ý những thông tin sau:

1. Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau khớp Tây Y

Thuốc Tây Y có tác dụng nhanh chóng hơn so với Đông Y. Tuy nhiên do chủ yếu được chuyển hóa qua gan và thận nên các loại thuốc này dễ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

thuốc giảm đau cơ xương khớp
Tránh uống rượu bia và đồ uống chứa cồn khi đang sử dụng viên uống giảm đau xương khớp

Vì vậy khi sử dụng thuốc Tây Y giảm đau cơ xương khớp, bạn nên lưu ý những thông tin sau:

  • Không tùy tiện sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ hoặc dược sĩ.
  • Thông báo với nhân viên y tế tình trạng sức khỏe (mang thai, loãng xương, suy gan, thận,…) và tiền sử dị ứng thuốc để được chỉ định loại thuốc giảm đau khớp thích hợp.
  • Tránh dùng cà phê, rượu bia, đồ uống chứa cồn, hút thuốc lá và chất kích thích trong thời gian điều trị bởi một số hoạt chất có thể ảnh hưởng đến cơ chế, khả năng chuyển hóa và thanh thải thuốc.
  • Không dùng thuốc dạng bôi, miếng dán và cao lỏng lên vùng da có vết thương hở.

2. Lưu ý khi sử dụng thuốc trị đau khớp Đông Y

Các bài thuốc của Đông Y có độ an toàn và mức độ hấp thu tốt hơn so với thuốc Tây. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tình trạng sử dụng thuốc Đông Y bừa bãi có thể gây suy thận cấp, suy giảm chức năng gan, đau dạ dày,…

Do đó trước khi dùng thuốc Đông Y giảm đau nhức xương khớp, bạn nên lưu ý các thông tin sau:

  • Cần gặp thầy thuốc để xác định mức độ bệnh lý và thể bệnh nhằm được chỉ định bài thuốc thích hợp.
  • Nên thận trọng khi chọn mua dược liệu vì một số dược liệu có tên gọi khá giống nhau dễ gây nhầm lẫn. Hơn nữa, hiện nay có nhiều cơ sở kinh doanh dược liệu kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến tác dụng điều trị của các bài thuốc.
  • Dược liệu có khả năng tương tác với thuốc Tây, vì vậy trước khi sử dụng phối hợp cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.
  • Không dùng bài thuốc chườm và bài thuốc xoa bóp lên vùng da bị xây xát và chảy máu.
  • Bài thuốc Đông Y có tác dụng chậm nên chỉ thích hợp dùng trong giai đoạn bệnh đã ổn định.

Bài viết đã tổng hợp các loại thuốc giảm đau xương khớp được sử dụng trong Tây Y và Đông Y. Để giảm thiểu rủi ro và tác dụng phụ, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ/ thầy thuốc trước khi dùng thuốc.

Chia sẻ:
Hướng dẫn xoa bóp chữa viêm quanh khớp vai tại nhà

Thực hiện xoa bóp chữa viêm quanh khớp vai thường xuyên có khả năng giảm đau, cải thiện tình trạng…

Thoái hóa đốt sống cổ là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ (hay cột sống cổ) tác động trực tiếp tới các khớp và đĩa đệm…

Bệnh still ở người lớn là gì, nguy hiểm không, làm sao chữa?

Bệnh Still ở người lớn là bệnh gì, có nguy hiểm không, tại sao khoa Cơ xương khớp ở các…

Các bài thuốc đông y trị bệnh gai cột sống

Nhiều bệnh nhân đang áp dụng các bài thuốc đông y trị bệnh gai cột sống và thấy có tiến…

7 bài thuốc nam chữa đau thần kinh tọa cho hiệu quả tốt nhất

Đau thần kinh tọa là căn bệnh gây ra nhiều đau đớn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua