Mẹ bầu bị trào ngược dạ dày – Đâu là cách chữa an toàn?
Bà bầu bị trào ngược thực quản dạ dày nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của sự gia tăng nồng độ hormone progesterone hoặc do tăng cân quá mức. Việc thay đổi lối sống cùng chế độ ăn uống, vận động phù hợp sẽ giúp chị em khắc phục được căn bệnh này một cách an toàn.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị trào ngược dạ dày
Hiện tượng trào ngược dạ dày ở mẹ bầu có liên quan trực tiếp đến sự suy yếu của van đóng mở nằm ở phần dưới của thực quản, nơi tiếp giáp với dạ dày ( còn được gọi là cơ vòng thực quản). Bình thường van này sẽ mở ra để cho thức ăn di chuyển hết xuống dạ dày rồi đóng lại. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, van không thể đóng kín lại được khiến dịch vị, thức ăn và các chất trong dạ dày có cơ hội trào ngược trở lại thực quản.
Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi khác cũng làm tăng nguy cơ khiến mẹ bầu bị trào ngược dạ dày như:
- Sự gia tăng nồng độ hormone progesterone khi mang thai khiến cho các cơ bị mềm giãn ra, tạo điều kiện thuận lợi cho axit dạ dày đi vào thực quản.
- Thai nhi phát triển chèn ép lên dạ dày khiến cho thức ăn bị đẩy ngược lên trên.
- Thói quen ăn uống thiếu khoa học: Ăn vội vàng, không nhai kỹ trước khi nuốt, ăn nhiều vào lúc tối khuya, ăn xong đi nằm ngay, tiêu thụ nhiều đồ béo, thức ăn cay và các thức uống chứa caffein, ăn quá no…
- Mặc quần áo bó chặt.
- Tăng cân quá mức trong thai kỳ.
- Căng thẳng kéo dài làm tăng lượng cortisol – một loại hormone có khả năng kích thích dạ dày sản xuất ra nhiều axit và gây áp lực lên van co thắt dưới thực quản.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc chống viêm non-steroid, thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, thuốc kháng cholinergic hay thuốc điều trị bệnh hen suyễn, thuốc kháng histamin… Ngoài ra, việc bổ sung chất sắt, kali không đúng cách trong thai kỳ cũng khiến cho bà bầu bị trào ngược dạ dày.
- Bà bầu hút thuốc lá chủ động hay thụ động làm giảm khả năng sản xuất nước bọt và khiến dạ dày tiết ra nhiều axit hơn. Từ đó làm tăng nguy cơ bị trào ngược khi mang thai.
- Do ảnh hưởng của các bệnh lý mẹ bầu mắc phải trong thai kỳ: Hen suyễn, thoát vị hiatal.
Xác định được chính xác nguyên nhân chính là một bước quan trọng của quá trình chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai. Ngoài ra, bác sĩ cũng căn cứ vào các dấu hiệu chị em đang gặp phải để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bà bầu.
Xem thêm: Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản Có Lây Không? Lây Qua Đường Nào?
Triệu chứng nhận biết bệnh trào ngược dạ dày ở bà bầu
Hội chứng trào ngược dạ dày có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu cho mẹ bầu như:
- Ợ chua, nếm thấy vị chua trong miệng
- Ợ nóng
- Thường xuyên có cảm giác nóng rát ở cổ họng
- Hay bị viêm họng, đau họng
- Khó nuốt, có cảm giác nghẹn khi thức ăn đi tới thực quản bị mắc kẹt lại
- Có thể bị khàn tiếng, mất tiếng
- Thường xuyên bị nấc cụt
Ngoài ra, mẹ bầu bị trào ngược dạ dày cũng có thể gặp một số biểu hiện khác không được đề cập trong danh sách trên. Thảo luận với bác sĩ chuyên khoa sản khi đi khám thai nếu chị em gặp bất cứ biểu hiện nào nghi ngờ mắc bệnh.
Mẹ bầu bị trào ngược dạ dày có sao không?
Trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai là tình trạng khá phổ biến, chủ yếu xảy ra do sự thay đổi về hormone và áp lực lên dạ dày từ tử cung lớn dần. Mặc dù tình trạng này gây khó chịu nhưng thường không nguy hiểm và không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.
Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị trào ngược dạ dày nghiêm trọng và không được điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng như viêm thực quản, hẹp thực quản hoặc thậm chí là loét thực quản. Điều quan trọng là phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị phù hợp nhằm giảm thiểu triệu chứng và ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra.
Mẹ bầu cần biết: Những biến chứng trào ngược dạ dày thực quản nên đề phòng
Cách chữa trào ngược dạ dày cho mẹ bầu an toàn
Sử dụng thuốc trong thời gian mang thai là điều tối kỵ. Chính vì vậy, khi mẹ bầu bị trào ngược dạ dày, các bác sĩ thường khuyên chị em nên điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống để có thể khắc phục bệnh một cách an toàn, không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Dưới đây là một số mẹo trị trào ngược dạ dày tự nhiên, bà bầu có thể áp dụng để đẩy lùi bệnh ngay tại nhà.
1. Cải thiện tâm trạng
Việc đối mặt với các triệu chứng khó chịu do bệnh trào ngược dạ dày gây ra sẽ khiến chị em không khỏi lo lắng. Tuy nhiên cũng đừng vì thế mà căng thẳng quá mức bởi stress cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa và gây rối loạn hoạt động của các cơ co thắt ở thực quản dưới. Điều này càng khiến cho tình trạng trào ngược axit trở nên tồi tệ.
Do đó, thay vì suốt ngày ngồi lo âu, buồn bã thì mẹ bầu nên cố gắng giữ bình tĩnh để sớm tìm ra cách khắc phục bệnh. Luôn luôn giữ vững tinh thần lạc quan và nghĩ đến niềm vui sắp được làm mẹ.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể cải thiện tâm trạng bằng một số cách đơn giản như:
- Tập luyện bộ môn thiền định
- Thực hành các bài tập yoga phù hợp với mẹ bầu
- Xem phim, nghe nhạc
- Đọc sách báo tìm hiểu cách chăm sóc, nuôi dạy con cái sau này
- Nói chuyện hay ra ngoài ăn một bữa cơm chung với người thân…
Một khi tinh thần được thoải mái, mọi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể sẽ dần ổn định, bao gồm cả dạ dày, thực quản.
2. Mẹ bầu bị trào ngược dạ dày nên gối cao đầu khi nằm ngủ
Nằm gối kê cao đầu khi đi ngủ cũng là một cách hay để chống lại tình trạng trào ngược dạ dày ở mẹ bầu. Theo các chuyên gia y tế, việc nâng cao phần thân trên, bắt đầu từ bả vai tới đầu lên khoảng 6 -8 cm trong lúc ngủ sẽ giúp ngăn không cho axit dạ dày trào ngược lên trên thực quản.
Lúc này, dạ dày của bà bầu cũng giống như một cái lọ đựng axit. Khi chúng ta nằm ngửa ở tư thế cột sống thẳng với đầu mà không có gối, chiếc lọ giống như bị đổ và axit dễ dàng chảy ngược ra khỏi miệng chính là khoảng giữa dạ dày với thực quản. Ngược lại khi bạn kê cao phần thân trên trong khi nằm thì phần miệng lọ sẽ được giữ cao hơn so với đáy lọ, axit sẽ tập trung ở dưới đáy và khó có thể trào ngược lên trên.
Hiện nay, trên thị trường có bán nhiều sản phẩm gối dành riêng cho người mắc chứng trào ngược axit với mẫu mã và giá cả khá đa dạng. Phụ nữ bị trào ngược dạ dày khi mang bầu có thể tìm mua về sử dụng để có được một giấc ngủ ngon và trọn vẹn.
Tìm hiểu thêm: Gối Chống Trào Ngược Có Thực Sự Hiệu Quả, Nên Dùng Loại Nào?
3. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Ăn uống không đúng cách chính là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến mẹ bầu bị trào ngược dạ dày. Vì vậy thay đổi chế độ ăn uống cho phù hợp là việc làm cần thiết, bà bầu nên chú trọng thực hiện trước tiên.
Để hạn chế tình trạng trào ngược axit, bà bầu cần chú ý:
– Uống nhiều nước hơn:
Uống nhiều nước giúp thúc đẩy tiêu hóa, làm loãng nồng độ axit trong dịch vị, giảm cảm giác ợ chua và tác hại của axit tới niêm mạc dạ dày.
Mẹ bầu có thể uống nước lọc hoặc các loại sữa hạt giúp làm giảm tình trạng ốm nghén và bổ sung nhiều dưỡng chất thiết yếu cho thai nhi, chẳng hạn như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, hạt óc chó hay sữa mè đen…
Tuyệt đối tránh sử dụng bia rượu, nước ngọt có ga và các thức uống chứa caffein như trà, cà phê, soda, ca cao sữa. Bên cạnh đó, các loại nước ép trái cây có vị chua cũng không được khuyến khích sử dụng cho bà bầu bị trào ngược dạ dày vì nó làm tăng tiết axit, tăng cảm giác khó chịu.
Xem thêm: Bị Trào Ngược Dạ Dày Nên Uống Nước Gì Cải Thiện Nhanh?
– Ăn nhiều bữa nhỏ:
Thông thường, chúng ta thường chỉ ăn ba bữa chính trong ngày với khuynh hướng ăn rất nhiều để lấp đầy bao tử. Thói quen này nếu tiếp tục được duy trì sẽ kích thích bao tử sản xuất nhiều axit làm cho trình trạng trào ngược dạ dày của mẹ bầu thêm trầm trọng. Ngoài ra, nó còn dẫn đến hiện tượng khó tiêu, đau bao tử, cảm giác ì ạch, nặng nề ở bụng, nghiêm trọng hơn là khó thở.
Giải pháp đơn giản để mẹ bầu vừa thoát khỏi tình trạng vừa đảm bảo vẫn cơ thể vẫn được nạp đủ chất dinh dưỡng đó chính là chia nhỏ bữa ăn ra. Bà bầu có thể ăn ngày 7 -8 bữa và cắt bớt lượng thức ăn được tiêu thụ trong mỗi bữa để vơi bớt gánh nặng cho dạ dày.
– Tránh các thực phẩm làm tăng tiết axit dạ dày trong thực đơn
Một số thực phẩm có thể kích thích dạ dày sản xuất ra nhiều axit hơn và khiến hiện tượng trào ngược ở mẹ bầu càng thêm tồi tệ. Hãy cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn chúng ra khỏi thực đơn.
Nhóm thực phẩm gây bất lợi cho mẹ bầu bị trào ngược dạ dày bao gồm:
- Thức ăn cay
- Thực phẩm được tẩm ướp nhiều gia vị
- Các món chiên, xào rán, đồ béo
- Thức ăn nhanh
- Thực phẩm chế biến sẵn
- Chocolate
- Bạc hà
- Trái cây có vị chua, đặc biệt là các loại quả họ nhà cam/quýt.
Không phải tất cả các thực phẩm trên đều là thủ phạm khiến mẹ bầu bị trào ngược dạ dày. Mẹ có thể ghi chép vào nhật ký các thức ăn mình dùng hàng ngày và đánh dấu lại những món khiến các triệu chứng trào ngược axit dạ dày thêm nghiêm trọng để loại bỏ nó ra khỏi các bữa ăn trong tương lai.
Đừng bỏ qua: Trào Ngược Dạ Dày Nên Ăn Hoa Quả Gì? Tránh Loại Nào?
– Nhai nuốt một cách từ từ, chậm rãi
Thức ăn khi không được nhai kỹ sẽ ở lại lâu hơn trong dạ dày vì cần nhiều thời gian tiêu hóa hơn. Lúc này dạ dày cũng phải tiết ra nhiều axit để phân hủy thức ăn nên càng làm tăng nguy cơ bị trào ngược.
Vì vậy, lời khuyên hữu ích cho mẹ bầu là nên đầu tư nhiều thời gian hơn cho bữa ăn. Đừng ăn uống một cách vội vàng qua loa cho xong bữa. Hãy nhai kỹ để nghiền nhỏ thức ăn và để thức ăn được trộn lẫn nhiều dịch vị tiêu hóa trong nước bọt trước khi đi xuống dạ dày.
– Đừng uống quá nhiều nước khi ăn:
Nhiều mẹ bầu có thói quen trộn cơm với canh ăn cho dễ nuốt hoặc vừa ăn vừa uống nước. Những thói quen này đều ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa và kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit dẫn đến chứng trào ngược.
– Ngồi dậy và vận động nhẹ nhàng sau khi ăn
Sau khi ăn xong, cảm giác nặng bụng sẽ khiến mẹ bầu muốn đi nằm nghỉ ngay. Điều này hoàn toàn không tốt bởi đây chính là thời điểm lý tưởng để axit trong dạ dày dễ dàng trào ngược lên trên thực quản.
Tốt nhất sau khi ăn xong, mẹ bầu nên ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng để thức ăn được tiêu hóa bớt trước khi nằm xuống.
– Tránh ăn trước khi đi ngủ
Hiện tượng trào ngược dạ dày thường diễn ra vào ban đêm, nhất là khi mẹ bầu có thói quen ăn khuya, ăn trước khi đi ngủ. Để khắc phục tình trạng này, chị em nên cố gắng duy trì thói quen ăn tối trước khi đi ngủ ít nhất 3 giờ. Nếu trước khi đi ngủ mà cảm thấy đói bụng thì có thể lót dạ bằng một ly sữa ấm để ngủ ngon hơn.
Tìm hiểu thêm: Bị Trào Ngược Dạ Dày Có Nên Uống Sữa Không, Uống Loại Nào?
4. Lựa chọn trang phục phù hợp, rộng rãi
Để không gây áp lực lên vùng bụng cũng như dạ dày, chị em nên lựa chọn những chiếc đầm bầu rộng rãi, thoải mái, có chất liệu nhẹ nhàng, thoáng mát. Chúng vừa giúp cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày, vừa giúp mẹ thoải mái hơn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày.
Tránh mặc những bộ đồ ôm sát nếu không muốn tình trạng trào ngược axit ngày càng nặng hơn.
5. Chăm chỉ tập thể dục
Vận động hợp lý, chăm chỉ tập thể dục đều đặn trong thời gian mang thai sẽ giúp hệ tiêu hóa vận hành trơn tru và ngăn ngừa được nhiều vấn đề ở đường ruột, bao gồm cả chứng trào ngược dạ dày ở mẹ bầu.
Đi bộ chính là một hình thức tập luyện phù hợp và hữu ích cho những mẹ bầu bị trào ngược dạ dày. Hoạt động này giúp tăng cường lưu thông máu, đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn. Nhờ vậy dạ dày sẽ không sản xuất ra quá nhiều axit khiến chất này bị trào ngược lên trên. Chị em có thể đi bộ nhẹ nhàng 20 – 30 phút sau các bữa ăn hoặc bất kì lúc nào có thời gian rảnh trong ngày.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể tham gia các lớp học yoga dành riêng cho phụ nữ mang thai hoặc đi bơi… Chúng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và tạo điều kiện cho mẹ bầu dễ sinh nở trong ngày trở dạ.
Tham khảo thêm: Trào ngược dạ dày vào ban đêm nên làm gì?
6. Cách chữa trào ngược dạ dày cho mẹ bầu bằng trà thảo dược
Nhâm nhi 1 – 2 tách trà gừng hay trà hoa cúc mỗi ngày vừa giúp mẹ bầu thư giãn thần kinh vừa có tác dụng chống lại tình trạng trào ngược dạ dày. Những loại trà thảo mộc này hoạt động bằng cách trung hòa axit trong dạ dày, đồng thời kích thích tiêu hóa, giúp bà bầu giảm bớt các triệu chứng ốm nghén như buồn nôn, nôn ói.
Tuy nhiên, cần lưu ý tránh sử dụng trà bạc hà. Chất methol trong thảo dược này có thể kích thích dạ dày tiết nhiều axit và làm cơ co thắt dưới thực quản thư giãn, đóng mở không đúng cách.
Bỏ túi: 7 Cách Chữa Trào Ngược Dạ Dày Bằng Thuốc Nam An Toàn, Hiệu Quả
7. Bổ sung Probiotics
Probiotics là những vi sinh vật có lợi cho đường ruột, chúng giúp thúc đẩy tiêu hóa và ức chế hoạt động của các loại vi khuẩn có hại. Nghiên cứu cho thấy, bổ sung Probiotics có thể giúp mẹ bầu chống lại tình trạng khó tiêu, táo bón, buồn nôn, trào ngược – những vấn đề phổ biến ở phụ nữ mang thai.
Probiotics được tìm thấy nhiều trong các loại sữa chua hay các thức uống được lên men tự nhiên. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung các chế phẩm men vi sinh nếu cần thiết.
Mẹ bầu bị trào ngược dạ dày khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Những cách khắc phục bệnh tự nhiên ở trên có thể không phát huy được hiệu quả đối với mọi trường hợp. Điều quan trọng là mẹ bầu bị trào ngược dạ dày nên chú ý theo dõi sức khỏe của mình trong suốt quá trình điều trị tại nhà.
Nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng sau thì nên đến bệnh viện nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ ngay:
- Các triệu chứng bệnh xuất hiện liên tục hoặc ngày càng tăng nặng
- Đau tức ngực
- Khó thở, thở khò khè
- Trào ngược dạ dày ảnh hưởng đến ăn uống, gây mất ngủ, nôn ói nhiều
- Sút cân
Trong quá trình thăm khám, mẹ bầu bị trào ngược dạ dày nên trao đổi với bác sĩ để được giải đáp tất cả những thắc mắc về bệnh và được tư vấn cách chữa trị, phòng ngừa bệnh hiệu quả, an toàn nhất.
Bạn nên tham khảo thêm
- Món ăn kiểm soát cơn trào ngược dạ dày nhanh chóng
- Cách giảm axit trong dạ dày ngay tại nhà an toàn cho mẹ
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!