Viêm Niêm Mạc Miệng: Biểu Hiện và Biện Pháp Khắc Phục
Viêm niêm mạc miệng là tình trạng các lớp bao phủ quanh miệng, lưỡi bị viêm tạo thành vết loét. Tổn thương này thường xuất hiện do các tổn thương tác động từ bên ngoài hoặc là có thể là dấu hiệu của các bệnh lý răng miệng. Các vết loét viêm niêm mạc miệng thường gây đau nhức, mưng mủ rát xót, sưng đỏ và gây khó khăn trong việc ăn uống, giao tiếp bình thường của người bệnh.
Viêm niêm mạc miệng là bệnh gì?
Viêm niêm mạc miệng hay còn được gọi là viêm miệng, tên khoa học là Oral mucostitis. Đây là một trong những dạng viêm loét niêm mạc phổ biến, bên cạnh viêm niêm mạc họng, ruột, thực quản. Niêm mạc miệng là lớp bao phủ khoang miệng, được giới hạn bởi môi (phía trước), vòm hầu (phía sau), má (hai bên) và lưỡi (phía dưới). Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các tác nhân gây viêm từ bên ngoài hoặc chính bên trong cơ thể, lớp niêm niêm mạc này dần bị tổn thương và phát sinh các triệu chứng viêm nhiễm.
Những tổn thương viêm niêm mạc miệng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong khoang miệng và rất đau nhức, gây khó khăn trong việc ăn uống, giao tiếp nói chuyện hàng ngày. Theo một số nghiên cứu, viêm niêm mạc miệng thường xuất hiện phổ biến trong các trường hợp như:
- Những bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng các phương pháp hóa – xạ trị, cấy ghép tế bào gốc, cấy ghép tủy xương…;
- Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới;
- Người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh thận;
- Thường xuyên mất nước;
- Người nghiện rượu bia, thuốc lá;
- Sức khỏe răng miệng kém;
- Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp quá mức;
- …
Hầu hết các trường hợp viêm niêm mạc miệng thông thường ở mức độ nhẹ đều có khả năng tự phục hồi sau 7 – 14 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp vết viêm niêm mạc miệng nặng, triệu chứng nghiêm trọng và có xu hướng lan rộng từng ngày bắt buộc phải can thiệp điều trị nhằm ngăn chặn diễn tiến của bệnh, phòng ngừa biến chứng cũng như đảm bảo sức khỏe.
Nguyên nhân gây viêm niêm mạc miệng
Có rất đa dạng các nguyên nhân gây ra viêm niêm mạc miệng, có thể kể đến một vài nguyên nhân thường gặp nhất là:
1. Viêm niêm mạc miệng liên quan đến ung thư
Điều trị ung thư là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm niêm mạc miệng. Cụ thể là do thực hiện một số phương pháp điều trị như: xạ trị vùng đầu, cổ, ngực, hóa trị liệu, cấy ghép tế bào gốc, cấy ghép tủy xương. Các chuyên gia cho rằng có khoảng 40% người thực hiện hóa trị ung thư có nguy cơ bị viêm niêm mạc miệng ở một mức độ nhất định.
Nguyên nhân được xác định là do các phương pháp điều trị này gây tổn thương đến các tế bào, ức chế quá trình phân chia bình thường của chúng. Hậu quả là dẫn đến việc các tế bào gặp rắc rối trong việc tự phục hồi và bảo vệ niêm mạc miệng. Cộng với việc cơ thể kích thích tạo ra phản ứng viêm nhằm mục đích bảo vệ bản thân chính là cơ chế hình thành viêm niêm mạc miệng.
Thông thường, tổn thương viêm loét niêm mạc miệng thường xảy ra ở tuần điều trị ung thư thứ 3, thứ 4 hoặc trở nên nặng hơn khi đang trong quá trình xạ trị. Các triệu chứng viêm niêm mạc miệng ở bệnh nhân ung thư khá rõ ràng như nước bọt cô đặc, khô miệng, nướu răng sưng đỏ, bóng hơn, lưỡi xuất hiện mảng trắng, có mủ hoặc không, kèm theo đau nhức, rát buốt khi ăn uống, nói chuyện.
2. Các chấn thương, tác động vật lý
Trong trường hợp viêm niêm mạc miệng do các tác nhân ngoại lực, vết loét thường chỉ khu trú ở vùng niêm mạc bị kích thích và ít khi lan rộng sang các vị trí niêm mạc xung quanh. Có thể kể đến một số tác nhân gây kích thích tại chỗ như:
- Tai nạn, té ngã: Các chấn thương xuất phát từ tai nạn, té ngã gây tác động lực mạnh làm dập niêm mạc miệng, răng bị mẻ, gãy, trẻ em dùng bút viết hoặc vật cứng sắc nhọn đâm vào miệng lưỡi… là những tác nhân dễ gây ra viêm loét niêm mạc.
- Bỏng nhiệt do ăn uống: Thói quen ăn uống đồ nóng dễ gây tình trạng bỏng nhiệt ở vòm miệng, cung răng trên hàm vô tình gây kích thích tại chỗ, thậm chí hình thành vết viêm loét niêm mạc miệng.
- Các thủ thuật nha khoa: Một số thủ thuật nha khoa phổ biến như hàn trám răng sâu, tháo lắp hàm giả không vừa, cạo vôi răng không đúng kỹ thuật gây tổn thương nướu, niêm mạc… cũng là những nguyên nhân khởi phát viêm niêm mạc miệng.
3. Tác động của hóa chất
Một số hóa chất trong các loại kem đánh răng, nước súc miệng, axit, nước vôi hoặc chất nicotine trong thuốc lá… cũng có thể là nguyên nhân gây ra viêm loét niêm mạc miệng. Biểu hiện do nguyên nhân này thường đặc trưng với tình trạng đau rát, nổi mụn nước, sưng đỏ…
4. Dấu hiệu của các bệnh lý
Viêm loét niêm mạc miệng có thể là dấu hiệu nhận biết giai đoạn sớm của một số bệnh lý. Việc phát hiện từ giai đoạn này sẽ giúp việc điều trị thuận lợi hơn, tỷ lệ chữa khỏi dứt điểm và bảo tồn gần như 100%. Chẳng hạn như:
- Các bệnh về răng miệng: như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu, viêm quanh răng, viêm tủy răng…;
- Các bệnh lý tự miễn: như lao, giang mai, lupus ban đỏ hệ thống, viêm loét áp tơ miệng (aphthous), lichen phẳng, bệnh bóng nước Pemphigoid, Pemphigus, bệnh Crohn, hội chứng Behcet, hội chứng hoại tử chuyển sản tuyến nước bọt…;
5. Nhiễm khuẩn, nấm
Theo nghiên cứu, trong khoang miệng có thể chứa hơn 50 tỷ loại vi khuẩn bao gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Nhưng chúng chỉ tồn tại với mức độ hạn chế dưới sự kiểm soát của nước bọt và hệ miễn dịch. Tuy nhiên, khi suy giảm sức đề kháng, cơ thể không có khả năng chống lại các tác nhân như vi khuẩn hay nấm Candida albicans, chúng sinh sôi phát triển và gây viêm loét niêm mạc miệng, nướu, lưỡi, má trong…
Hiện tượng này thường xuất hiện chủ yếu ở những người mắc phải một số hội chứng suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, thói quen nghiện rượu bia, thuốc lá trong thời gian dài hoặc vệ sinh răng miệng kém.
6. Nhiễm virus
Virus là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra viêm niêm mạc miệng. Trong đó, một số loại virus thường gặp nhất là:
- Virus Herpes: Đây là loại virus gây viêm niêm mạc miệng phổ biến nhất, nó có thể lây lan nhanh chóng thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Chúng xâm nhập vào trong khoang miệng và trú ngụ phát triển. Đầu tiên hình thành các đốm mụn nước, sau đó lan rộng ra và vỡ tạo ra vết loét. Vết loét do virus Herpes thường xuất hiện ở vị trí niêm mạc môi và miệng. Ngoài đau nhức thì khi nhiễm virus Herpes còn gây ra một số triệu chứng như sốt, viêm họng, nổi hạch…
- Virus Coxsackie: Đây là loại virus hàng đầu gây ra bệnh tay chân miệng ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh đặc trưng với các tổn thương là mụn nước ở tay, chân và trong niêm mạc miệng. Trong đó, riêng ở khoang miệng các tổn thương thường xuất hiện ở 2 bên má trong, lưỡi, lưỡi gà, amidan khẩu cái…
- Virus zoster virus (VZV): Đây là virus gây ra bệnh thủy đậu phổ biến. Mặc dù các triệu chứng thủy đậu đã được kiểm soát và thuyên giảm nhưng virus VZV vẫn còn trú ngụ trong các mô dây thần kinh. Khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ hình thành các đốm mụn nước (zona thần kinh). Ngoài các triệu chứng ngoài da, virus này còn phát sinh triệu chứng bên trong niêm mạc miệng và tạo thành vết loét.
- Virus Rubella: Rubella là một trong những tác nhân gây bệnh sởi. Và viêm niêm mạc miệng là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh trước khi phát sinh các triệu chứng toàn thân khoảng 1 2 ngày. Đặc điểm của vết loét do virus Rubella là làm xuất hiện các dải hồng ban nhỏ, vùng trung tâm bị hoại tử, chuyển màu trắng bên trong niêm mạc miệng.
- Virus Epstein – Barr: Đây là một trong những loại virus thuộc họ Herpes có khả năng lây lan trực tiếp thông qua dịch mủ tiết và nước bọt. Và viêm niêm mạc miệng chính là một trong những triệu chứng đặc trưng của loại virus này. Kèm theo đó là sưng hạch, sốt, viêm họng, mệt mỏi, phát ban…
7. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân vừa kể trên, viêm niêm mạc miệng cũng có thể xảy ra do một vài nguyên nhân khác hiếm gặp hơn như:
- Cơ thể thiếu hụt một số loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho niêm mạc như vitamin B1, B6, B12, PP, C, sắt, kẽm…;
- Dị ứng thực phẩm;
- Dị ứng thuốc;
- Rối loạn nội tiết tố khi mang thai, sau sinh, độ tuổi dậy thì, thời kỳ hành kinh;
- Thiếu máu;
- Stress căng thẳng trong thời gian dài;
- …
Dấu hiệu nhận biết viêm niêm mạc miệng
Sự đa dạng của các nguyên nhân gây viêm niêm mạc miệng dẫn đến việc các triệu chứng bệnh cũng khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có những đặc điểm chung mà hầu hết các trường hợp dù do nguyên nhân nào cũng đều gặp phải, chẳng hạn như:
- Xuất hiện các vết loét niêm mạc miệng với nhiều hình dáng, kích thước khác nhau, nhiều hoặc ít, rải rác hoặc tụ chung một chỗ, có thể kèm dịch mủ hoặc không;
- Tại vị trí vết loét sưng nóng, tấy đỏ, đau nhức, nhất là khi ăn uống hoặc cọ xát vào răng khi nói chuyện;
- Một số trường hợp có thể kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt cao, rát lưỡi đau họng, nổi hạch ở hàm…;
Riêng đối với từng nguyên nhân bệnh lý sẽ có các triệu chứng cụ thể hơn, chủ yếu để bác sĩ chẩn đoán bệnh:
- Do virus Herpes: Xuất hiện nhiều vết loét từ 10 – 100 đốm nhỏ, mọc chụm lại thành từng chùm, kích thước nhỏ như đầu đinh ghim từ 1 – 3mm. Tổn thương viêm niêm mạc miệng này thường kéo dài từ 1 – 2 tuần sẽ khỏi hẳn, không lây lan, ít khi để lại sẹo nhưng lại dễ tái phát.
- Loét áp tơ miệng (aphthous): Đây là một dạng tổn thương loét đau ở miệng với kích thước vết loét nhỏ dưới 1mm, có hình tròn hoặc bầu dục, bờ viền màu đỏ, khu trú, nông với đáy màu xám. Loại loét này cực kỳ phổ biến nên ai cũng phải mắc ít nhất 1 lần trong đời. Hầu hết các trường hợp áp tơ miệng đều có thể được kiểm soát sau 7 – 14 ngày mà không để lại biến chứng gì. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10% trường hợp vết loét áp tơ nghiêm trọng (hay còn gọi là bệnh Sutton), kích thước vết loét lớn, kéo dài, khó lành, dễ hoại tử và hình thành sẹo.
- Do virus Varicella zoster: Thường xảy ra ở những người lớn tuổi, các triệu chứng cơ bản xuất hiện ở niêm mạc má bên trong miệng, mụn nước nổi thành từng đám và kèm theo mệt mỏi, khó chịu.
- Do virus Coxsackie: Xảy ra chủ yếu ở trẻ em với các triệu chứng vết loét xuất hiện ở tay chân và cả trong lẫn ngoài miệng. Ngoài các tổn thương da thì niêm mạc cũng là nơi xuất hiện nhiều dấu hiệu viêm loét nhất và thường đi kèm với sốt cao, suy nhược cơ thể.
- Do săng giang mai: Các triệu chứng viêm niêm mạc miệng ở người bị săng giang mai thường xuất hiện sau khoảng 3 – 4 tuần. Bệnh đặc trưng với những biểu hiện hòn chắc, kích thước nhỏ vài cm ở mép môi, đầu lưỡi. Theo thời gian, bề mặt thương tổn hình thành vết loét sâu, màu đỏ tươi, có bờ gốc và không đau, có nổi hạch xung quang các vùng lân cận.
- Do ung thư: Chủ yếu là do ung thư Carcinom tế bào gai, đặc trưng với các triệu chứng như xuất hiện vết loét gồ cứng, nhổ cao, bờ loét không đồng đều, nhiều nhất là ở vị trí lưỡi, sàn miệng. Ngoài ra, ung thư tuyến dạng nang cũng khá phổ biến thường xảy ra ở khẩu cái, với triệu chứng sưng loét bề mặt niêm mạc.
- Do bệnh lao: Dạng viêm loét miệng do nguyên nhân này thường hiếm gặp. Vết loét có đặc điểm là bờ rách, có thể gây đau nhức hoặc không đau.
- Do hội chứng Behcet: Đây là một dạng rối loạn mô cơ xương và mô liên kết chưa xác định được nguyên nhân. Bệnh thường biểu hiện thông qua các triệu chứng như xuất hiện vết loét sâu ở miệng, mắt và cơ quan sinh dục.
- Do Pemphigoid: Đây là bệnh lý tự miễn với các triệu chứng ngoài da là chủ yếu. Ngoài ra, nhiều trường hợp còn xuất hiệm vết loét bên trong niêm mạc miệng. Tổn thương viêm loét do nguyên nhân này thường là các vết trợt, nổi bóng nước, mụn nước tại 2 bên niêm mạc má, nướu răng, sàn miệng và amindan khẩu cái.
- Do Pemphigus: Đây là bệnh bọng nước tự miễn xảy ra ngoài da và cả niêm mạc. Bệnh đặc trưng với các đốm bọng nước, vết trợt nặng ở niêm mạc má, nướu, amidan. Bệnh lý này được đánh giá khá nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị.
- Do lupus ban đỏ: Có khoảng 20% trường hợp mắc bệnh lupus ban đỏ có xuất hiện triệu chứng viêm loét niêm mạc miệng. Và thường chỉ ảnh hưởng ở 1 bên má hoặc amidan khẩu cái.
- Do lichen phẳng: Thường gây ra các triệu chứng tổn thương bên trong miệng với các dạng như loét, teo, trợt… tại các vị trí cụ thể như niêm mạc má, mô nướu và lưng lưỡi. Các tổn thương loét do lichen phẳng thường có tính chất đối xứng, xuất hiện đều ở cả hai bên.
- Do hồng ban đa dạng: Đây là một dạng viêm da phát ban phổ biến ở người trẻ. Trong đó, khoảng 30% trường hợp mắc bệnh sẽ có xuất hiện triệu chứng viêm niêm mạc miệng với các tổn thương áp tơ miệng lớn tại vị trí môi dưới.
Bệnh viêm niêm mạc miệng nguy hiểm như thế nào?
Mặc dù viêm niêm mạc miệng có rất đa dạng nguyên nhân với các mức độ khác nhau nhưng trên thực tế khoảng 90% trường hợp mắc bệnh đều là dạng nhẹ. Hầu hết đều ít ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể tự thuyên giảm sau 1 – 2 tuần mà không cần áp dụng các biện pháp đặc trị.
Trong đó, với những dạng viêm niêm mạc miệng do chấn thương, kích thích tại chỗ, các tác nhân về ăn uống, dùng thuốc, vệ sinh răng miệng, thậm chí là nhiễm virus Herpes… đều có thể được kiểm soát một cách hiệu quả. Nguyên tắc điều trị chủ yếu là loại bỏ tác nhân kích thích gây viêm loét, thay vào đó là điều chỉnh các thói quen ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh chăm sóc hàng ngày. Một số trường hợp có thể sẽ phải dùng thuốc kháng sinh để kiểm soát viêm nhiễm hiệu quả hơn.
Những trường hợp chủ quan, lơ là trong điều trị sẽ tạo điều kiện cho bệnh tái đi tái lại nhiều lần, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe toàn diện, sức khỏe răng miệng, chất lượng cuộc sống, đời sống sinh hoạt, khả năng ăn uống, lâu ngày dẫn đến suy nhược, ảnh hưởng tinh thần, tính thẩm mỹ…
Bên cạnh đó, những trường hợp đặc biệt viêm loét niêm mạc miệng là dấu hiệu sớm của các bệnh lý nguy hiểm sẽ là vấn đề rất đáng lo ngại. Không chỉ gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe mà còn đe dọa đến tính mạng của người bệnh, mặc dù chỉ là nguyên nhân gián tiếp. Do đó, tốt nhất bệnh nhân nên chủ động thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả bằng các phương pháp phù hợp.
Các giải pháp điều trị viêm niêm mạc miệng hiệu quả
Có rất nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng viêm niêm mạc miệng. Tùy thuộc vào mức độ viêm loét và nguyên nhân gây ra là gì mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp.
1. Dùng thuốc Tây
Hầu hết các trường hợp bị viêm loét niêm mạc miệng đều đáp ứng tốt khi điều trị bằng thuốc, nhất là đối với những người mắc bệnh lần đầu. Một số loại thuốc chữa viêm niêm mạc miệng thường dùng như:
- Dung dịch sát khuẩn: Một vài loại thường dùng phổ biến là các dung dịch có chứa thành phần Clorhexidine, Hydrogen peroxide 1%, Tetracycline,… Chúng có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn mạnh, ngăn chặn sự lan rộng của vết loét và hỗ trợ thúc đẩy quá trình tự phục hồi của niêm mạc miệng.
- Thuốc kháng sinh, kháng virus, kháng nấm: Có thể kể đến một số loại bao gồm cả dạng bôi và dạng uống như thuốc kháng virus (famciclovir, acyclovir, alcyclovir…), thuốc kháng sinh (tetracycline dạng bôi, sulfamethoxazole + trimethoprim, metronidazol + spiramycin), thuốc kháng nấm (như fluconazol, itranazol, nystatin).
- Thuốc giảm đau: Nếu viêm niêm mạc miệng gây đau nhức có thể dùng paracetamol để giảm đau, các loại kem, gel bôi có chứa benzocaine, lidocaine 2%, nitrate bạc, triamcinlone, fluocinonide 0.05%, amlexanox… Ngoài ra, những trường hợp đau nhiều có thể dùng thêm Prednisolon, cimetidine (thuốc dạ dày) + colchicine (thuốc trị gout) để tăng hiệu quả giảm đau và chống viêm.
- Viên uống bổ sung: Những trường hợp viêm niêm mạc miệng do cơ thể thiếu chất cần tăng cường sử dụng các loại viên uống tổng hợp để bổ sung các loại vitamin, khoáng chất thiếu hụt, tăng cường sức đề kháng và đẩy lùi viêm nhiễm cũng như thúc đẩy quá trình hồi phục. Các loại thường dùng như vitamin B, C, PP, sắt, acid folic…
2. Kết hợp các biện pháp chăm sóc hỗ trợ điều trị tại nhà
Bên cạnh điều trị bằng thuốc, người bệnh cũng nên kết hợp thực hiện một số biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà để làm giảm triệu chứng và ngăn chặn viêm nhiễm lây lan.
Các mẹo giảm đau, giảm viêm đơn giản
Để rút ngắn thời gian làm lành vết loét miệng và giảm bớt các cơn đau nhức, khó chịu, bạn có thể áp dụng ngay các mẹo đơn giản sau đây:
- Súc miệng nước muối: Mặc dù khi thực hiện có hơi rát xót nhưng nước muối sẽ giúp sát khuẩn, làm sạch và giảm viêm rất tốt, đặc biệt là giúp vết loét nhanh lành hơn. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý bán sẵn hoặc tự pha nước muối loãng đều được.
- Mật ong: Ngoài muối thì mật ong cũng có thể sát khuẩn, giảm viêm điều trị viêm niêm mạc miệng hiệu quả. Chỉ cần bôi một ít mật ong nguyên chất lên vết loét trong miệng sẽ giúp giảm đau, sưng viêm đáng kể.
- Dầu dừa: Dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn nhờ chứa hàm lượng cao acid lauric tự nhiên. Bạn dùng một lượng nhỏ dầu dừa bôi phủ lên vết loét miệng vài lần trong ngày sẽ đạt được hiệu quả rõ rệt sau một thời gian áp dụng.
- Trà hoa cúc: Không chỉ thơm ngon, giải nhiệt cơ thể mà trà hoa cúc còn có khả năng giảm đau và chữa lành vết thương hiệu quả. Đó là nhờ 2 hoạt chất quý azulene và levomenol với đặc tính sát khuẩn, giảm viêm. Để chữa viêm niêm mạc miệng, bạn dùng túi lọc trà hoa cúc đắp lên vị trí vết loét hoặc dùng nước trà để súc miệng.
Chú ý chăm sóc trong ăn uống, sinh hoạt
Người bệnh nên thực hiện theo một số cách cụ thể sau:
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng chuyên dụng nhằm loại bỏ vi khuẩn, virus, nấm – các tác nhân hàng đầu gây ra viêm niêm mạc miệng.
- Chải răng đúng kỹ thuật, nhẹ nhàng. Ưu tiên chọn lựa kem đánh răng và nước súc miệng lành tính, không chứa chất ăn mòn để giảm thiểu sự kích ứng lên vết loét niêm mạc.
- Trong thời gian điều trị, người bệnh nên hạn chế sử dụng các loại đồ ăn, thức uống có tính axit, gia vị, thực phẩm cay nóng như tỏi, tiêu, gừng, ớt, mù tạt, giấm, nước mắm…, các loại trái cây như chanh, cam, quýt, dứa…
- Không nên ăn các loại thực phẩm có kết cấu khô, cứng, ưu tiên những món lỏng, mềm, ít nhai, không quá nóng, quá lạnh và dễ tiêu hóa để giảm thiểu mức độ đau rát.
- Uống nhiều nước, ít nhất 1.5 – 2 lít nước để duy trì độ ẩm, kích thích khoang miệng tăng tiết nước bọt, thúc đẩy cơ chế tự làm sạch và làm lành vết viêm loét niêm mạc miệng.
3. Điều trị dứt điểm các nguyên nhân bệnh lý
Đối với những trường hợp bị viêm niêm mạc miệng xuất phát từ các bệnh lý, việc điều trị cần tuân theo chỉ định của bác sĩ sau khi được thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Tùy theo từng bệnh lý cụ thể mà hướng điều trị cũng như các phương pháp được áp dụng linh hoạt nhằm kiểm soát triệu chứng viêm niêm mạc miệng cũng như dứt điểm tận gốc nguyên nhân, ngăn ngừa các biến chứng liên quan.
Cách chăm sóc dự phòng viêm niêm mạc miệng
Viêm niêm mạc miệng là bệnh lý xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên không phải lúc nào cũng có thể chủ động phòng ngừa được. Tuy nhiên, bạn vẫn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc dự phòng tại nhà để giảm nguy cơ mắc phải. Chẳng hạn như:
- Giữ vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng bằng một số thói quen đơn giản như đánh răng, dùng bàn chải đánh răng mềm, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng thường xuyên để đạt hiệu quả làm sạch tối ưu.
- Uống nhiều nước để duy trì độ ẩm cho niêm mạc môi, miệng.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và cân bằng, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu gồm các vitamin, khoáng chất cho sự khỏe mạnh của niêm mạc miệng nói riêng và toàn bộ các niêm mạc trong cơ thể nói chung.
- Hạn chế sử dụng các loại thức ăn quá cay, nóng, mặn nhiều gia vị, thức uống có cồn, có gas, chất kích thích, tránh ăn thức ăn thô cứng, giòn, giảm lượng đường sử dụng hàng ngày.
- Tuyệt đối không nên hút thuốc lá.
Viêm niêm mạc miệng không chỉ đem lại cảm giác đau nhức, khó chịu ảnh hưởng ăn uống, đời sống sinh hoạt mà nó còn là mối rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe. Vì vậy, bất kỳ ai khi gặp các triệu chứng bất thường nghi ngờ do viêm niêm mạc miệng đều nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và có lời khuyên phù hợp về hướng điều trị tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!