Sâu răng có mủ: Nguyên nhân, cách điều trị hiệu quả
Sâu răng có mủ là hiện tượng xảy ra khi hại khuẩn đã xâm nhập vào bên trong ngà răng và tủy răng. So với thời điểm mới khởi phát, giai đoạn sâu răng này có mức độ nghiêm trọng và dễ phát sinh biến chứng. Bởi thế, việc điều trị bệnh sớm là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.
Răng sâu có mủ là bệnh gì? Triệu chứng nhận biết
Sâu răng là một trong những vấn đề nha khoa có thể gặp ở mọi đối tượng, từ trẻ nhỏ cho đến người trưởng thành. Bệnh lý này thường âm thầm xuất hiện, có tiến triển chậm và gần như không gây ra triệu chứng bất thường trong giai đoạn mới khởi phát nên ít được quan tâm, chú ý.
Trong giai đoạn đầu khởi phát, trên bề mặt răng người bệnh thường xuất hiện các chấm đen và lỗ hổng nhưng ít gây đau nhức khó chịu. Về lâu dài, sâu răng sẽ lan dần sang ngà răng, tủy răng, mô nướu và chân răng. Từ đây, răng thường bị đau nhức, sưng viêm và ê buốt nghiêm trọng. Không dừng lại ở đó, khi hại khuẩn phát triển mạnh sẽ có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng khiến lợi bị sưng kèm theo hiện tượng tụ mủ.
Dấu hiệu thường gặp của sâu răng có mủ là cảm giác đau nhói xảy ra ở chân răng và nướu bao quanh răng bị viêm. Kèm theo đó là một số triệu chứng thường gặp như:
- Cơn đau xuất hiện ở chân răng có thể lan ra khắp hàm, đến cả tai và cổ. Cảm giác đau sẽ rõ rệt hơn khi bạn nằm nghiêng về bên có răng bị viêm và khi nhai hoặc cắn.
- Vùng mặt phía bên có răng bị viêm thường sưng to, có thể nhận biết khi quan sát kỹ.
- Nướu răng sưng đỏ, mềm, sưng và có cảm giác nóng hơn chỗ khác.
- Răng trở nên nhạy cảm, ê buốt, đổi màu hoặc lung lay.
- Hơi thở người bệnh thường có mùi hôi khó chịu, miệng có vị tanh. Bị sâu răng hôi miệng là điều đương nhiên, đặc biệt là khi răng bị sâu có mủ.
- Một số trường hợp có thể xuất hiện hạch huyết ở cổ hoặc dưới hàm kèm sốt.
Sâu răng đau nhức có mủ có nguy hiểm không?
Sâu răng có mủ là giai đoạn nặng của bệnh sâu răng, bởi thế nếu không được khắc phục kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng sau:
- Viêm nha chu: Sâu răng tụ mủ xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng và lan tỏa đến các mô nướu. Nếu không được điều trị triệt để, kịp thời, vi khuẩn có thể lây lan đến dây chằng, ổ xương, gai lợi và gây ra viêm nha chu. Lúc này toàn bộ tổ chức bao xung quanh răng bị nhiễm trùng, gây đau nhức, hôi miệng và chảy máu chân răng.
- Áp xe chân răng: Khi sâu răng ăn vào tủy không được điều trị kịp thời, lúc này áp xe chân răng có thể xảy ra. Đây tình trạng hình thành ổ mủ tại chân răng, khiến răng đau nhức, sưng hạch cổ, gây hôi miệng, sưng mô nướu,…
- Mất răng: Trong trường hợp sâu răng đã ăn vào tủy, gây sưng lợi, đau nhức và tụ mủ, lúc này răng có thể bị hư hại nghiêm trọng và làm tăng nguy cơ mất răng.
Bên cạnh các biến chứng kể trên, sâu răng có mủ có thể ảnh hưởng đến khả năng nhai, gây ra tình trạng chán ăn, ăn không ngon miệng, làm suy giảm chất lượng cuộc sống,… Ngoài ra, người bệnh thường tự ti và e ngại trong giao tiếp do hơi thở có mùi hôi khó chịu.
Cách điều trị sâu răng có mủ hiệu quả
Lựa chọn phương pháp điều trị sâu răng có mủ tùy thuộc vào mức độ viêm nhiễm của từng bệnh nhân. Về cơ bản, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian hoặc lựa chọn một số bài thuốc Đông y để làm thuyên giảm các triệu chứng. Sau đó, bạn cần tiếp tục áp dụng điều trị nha khoa để loại bỏ hoàn toàn ổ viêm, góp phần phục chế răng bị ảnh hưởng do viêm tủy.
Điều trị sâu răng có mủ bằng mẹo dân gian
Trong dân gian lưu truyền nhiều mẹo dân gian sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm hiệu quả. Nếu bạn áp dụng đúng cách sẽ góp phần loại bỏ cơn đau nhức tạm thời và cải thiện tình trạng viêm tủy gồm:
- Nước muối: Việc súc miệng với nước muối hàng ngày sẽ giúp giảm đau và loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng rất tốt. Bạn nên sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng 2-3 lần vào buổi sáng, sau khi ăn và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Đu đủ non: Sử dụng một trái đu đủ non, bổ đôi rồi dùng bông gòn thấm nhựa dầu chảy ra trên trái đu đủ. Sau đó, bạn chấm bông gòn vào vị trí răng bị tổn thương, để khoảng 5 phút rồi súc miệng lại bằng nước sạch.
- Nước ép hành tây: Sử dụng nước ép hành tây chấm lên răng đang bị viêm tủy hoặc có mủ sẽ có tác dụng tiêu viêm và giảm sưng đau mạnh. Từ đây, cách thức này sẽ nhanh chóng kiểm soát cơn đau do tụ mủ gây ra.
- Trà xanh: Dùng nước lá trà xanh súc miệng hàng ngày cũng góp phần loại bỏ vi khuẩn và mảng bám thức ăn trong khoang miệng. Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa trong trà xanh còn góp phần cải thiện men răng yếu với hiệu quả cao.
Xem thêm:
Phương pháp điều trị sâu răng mủ bằng thuốc Đông y
Với phương pháp điều trị bằng Đông y, một số bài thuốc đặc trị sâu răng có mủ mà người bệnh nên tham khảo gồm có:
- Bài thuốc 1: Sử dụng các nguyên liệu gồm bạc hà, kim ngân hoa, bồ công anh và một số dược liệu khác để sắc cùng với 1 lít nước cho đến khi cạn còn 1 bát nước. Người bệnh sử dụng để uống trong ngày, uống liên tục đến khi triệu chứng đau nhức thuyên giảm.
- Bài thuốc 2: Sử dụng các nguyên liệu gồm sa sâm cùng với bạch thược, kỷ tử, sinh địa sắc với 1 lít nước trong 1 giờ. Sau đó, hãy chắt lấy nước uống khi còn ấm, mỗi ngày uống một thang, dùng liên tục trong nhiều ngày cho đến khi bệnh thuyên giảm.
Điều trị sâu răng mủ tại các phòng khám nha khoa
Trước khi chỉ định biện pháp điều trị sâu răng có mủ, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra răng miệng và chụp X-Quang để xác định mức tổn thương của răng cũng như biến chứng do sâu răng gây ra. Sau đó, một số cách thức điều trị thường được chỉ định áp dụng gồm có:
- Trám răng: Nếu sâu răng nhẹ nhưng gây đau và có mủ, bắt đầu có dấu hiệu gây tổn thương ngà răng và mô lợi, bác sĩ nha khoa sẽ tiến hành can thiệp bằng thủ thuật trám răng. Cụ thể, sau khi loại bỏ ổ sâu răng, bác sĩ sẽ chiếu tia laser/ sóng siêu âm để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Cuối cùng, bác sĩ sẽ dùng nhựa composite trám lên ổ sâu để ngăn ngừa vi khuẩn tái phát và phục hồi chức năng thẩm mỹ của răng.
- Rút tủy răng: Cách thức này được thực hiện khi sâu răng ăn vào tủy khiến cơ quan này bị viêm nhiễm và hoại tử. Bác sĩ sẽ tiến hành tạo lỗ khoan trên bề mặt răng, sau đó dùng thiết bị rút hết dịch tủy bị viêm nhiễm đồng thời sử dụng vật liệu nhân tạo trám vào khoang tủy.
- Nhổ răng: Nếu sâu răng có mủ gây hư hại chân răng nghiêm trọng, việc nhổ răng là điều cần thiết giúp tránh lây lan sang mô nướu và răng ở những vị trí lân cận.
Trích rạch mủ: Nếu sâu răng sưng lợi gây ra ổ mủ lớn có nguy cơ vỡ ra, bác sĩ cần phải trích rạch, dẫn lưu mủ và làm sạch ổ nhiễm trùng. Trong trường hợp không can thiệp để ổ mủ tự vỡ có thể gây nhiễm trùng nướu, nha chu và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết. - Các biện pháp khác: Bên cạnh đó, sâu răng có mủ còn có thể được điều trị bằng các phương pháp như bọc răng, dùng thuốc kháng sinh, sử dụng kem đánh răng chứa fluoride… Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp áp dụng cho từng bệnh nhân riêng biệt sau khi tiến hành thăm khám.
Hướng dẫn chăm sóc sâu răng mủ
Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị, người bệnh cần kết hợp với chế độ chăm sóc đúng cách nhằm hỗ trợ điều trị sâu răng sưng lợi có mủ và đau nhức gồm:
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng thường xuyên từ 2-3 lần/ngày và súc miệng bằng nước muối sinh lý sau khi đánh răng.
- Uống nhiều nước giúp khoang miệng không bị khô, giảm nguy cơ bùng phát số lượng hại khuẩn.
- Hạn chế hút thuốc lá, sử dụng nước ngọt, cà phê, thực phẩm nhiều đường khi đang trị bệnh.
- Ăn nhiều sữa chua, rau xanh, trái cây,… để cải thiện hệ vi sinh trong khoang miệng và hỗ trợ làm sạch mảng bám trên bề mặt răng.
Biện pháp phòng ngừa răng sâu kèm theo mủ
Sâu răng có mủ tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe, bởi vậy áp dụng các giải pháp phòng ngừa luôn là điều vô cùng cần thiết.
- Chú ý đánh răng đúng cách, tuyệt đối không chải răng ngang mà nên chải xoay tròn, chiều dọc để làm sạch răng cũng như tránh làm tổn thương lợi và men răng.
- Nên chọn mua và sử dụng kem đánh răng chứa fluoride bởi thành phần này sẽ góp phần bảo vệ răng miệng hiệu quả trước sâu răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa sau khi ăn để loại bỏ thức ăn thừa ở kẽ răng thay vì dùng tăm xỉa răng nhằm hạn chế tác động mạnh lên nướu.
- Xây dựng chế độ ăn phù hợp, ưu tiên sử dụng các thực phẩm giàu canxi giúp răng chắc khỏe.
- Thăm khám nha khoa thường xuyên, định kỳ 6 tháng/ lần để đảm bảo sức khỏe răng miệng.
- Ăn nhiều hoa quả, rau xanh để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng. Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều đường, đồ ăn nhanh, đồ ăn cứng, đồ ăn chiên rán…
Sâu răng có mủ là triệu chứng nguy hiểm, cảnh báo vi khuẩn gây sâu răng đã xâm nhập vào ngà răng và tủy. Trong trường hợp không điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể xâm nhập vào nha chu, gây áp xe và làm gia tăng nguy cơ mất răng. Bởi thế, bạn nên chú ý quan sát răng miệng thường xuyên. Nếu thấy lợi sưng đau, răng bị sâu nghiêm trọng và đau nhức, bạn nên thăm khám sớm để được điều trị kịp thời và hiệu quả.
Đọc ngay:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!