Đau vùng xương chậu (trái – phải): Nguyên nhân & cách trị
Đau vùng xương chậu có thể liên quan đến một số bệnh lý liên quan đến hệ thống tiêu hóa, sinh sản hoặc tiết niệu. Đôi khi đau vùng xương chậu có thể liên quan đến sự kích thích các dây thần kinh xung quanh xương chậu.
Nguyên nhân chung gây đau vùng xương chậu
Các nhiều nguyên nhân từ nhẹ đến nghiêm trọng có thể dẫn đến đau xương chậu. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cách tìm ra các nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân phổ biến có thể bao gồm:
1. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc viêm đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn ở hệ thống tiết niệu. Điều này có nghĩa là vi khuẩn có thể xuất hiện ở bàng quang, niệu quản hoặc thận.
Mặc dù bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, tình trạng này thường phổ biến ở phụ nữ. Theo thống kê, có khoảng 40 – 60% phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong đời, thường là ở bàng quang.
Thông thường khi nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh sẽ bị đau ở giữa xương chậu và khu vực xung quanh xương mu.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Có nhu cầu đi tiểu thường xuyên
- Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
- Nước tiểu đục, có máu hoặc có mùi khó chịu
- Đau xương chậu phía sau (nếu nhiễm trùng thận)
- Sốt
2. Nhiễm trùng qua đường tình dục
Một số bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục như bệnh lậu hoặc bệnh Chlamydia có thể khiến người bệnh bị đau xương chậu.
Mặc dù hầu hết các trường hợp, bệnh lậu và Chlamydia không gây ra các dấu hiệu bất thường nào. Tuy nhiên, phụ nữ có thể cảm thấy đau ở khu vực xương chậu, đặc biệt là khi đi tiểu. Ở nam giới, cơn đau có thể xuất hiện ở tình hoàn.
Các dấu hiệu khác của bệnh lậu có thể bao gồm:
- Tiết dịch âm đạo bất thường hoặc chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt (ở phụ nữ).
- Đau hoặc chảy máu từ trực tràng.
- Các dấu hiệu khác của bệnh Chlamydia bao gồm:
- Tiết dịch từ âm đạo hoặc dương vật nam giới
- Có mủ trong nước tiểu
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường
- Đau hoặc rát khi đi tiểu
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau và sưng tinh hoàn (ở nam giới)
- Chảy máu từ trực tràng hoặc hậu môn
3. Đau vùng xương chậu do thoát vị bẹn
Tình trạng thoát vị bẹn xảy ra khi một cơ quan hoặc mô nào đó bị đẩy lên cơ bụng, lồng ngực hoặc đùi và rời khỏi vị trí ban đầu. Điều này có thể gây ra một vị trí căng phồng và đau ở bụng của người bệnh. Ngoài ra, tình trạng căng bụng có thể được cải thiện khi người bệnh nằm xuống.
Các cơn đau do thoát vị bẹn có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh ho, cười, cúi người hoặc nâng một vật nào đó.
Các triệu chứng nhận biết thoát vị bẹn thường bao gồm:
- Đau ở khu vực bẹn, xương chậu
- Cảm thấy yếu hoặc có áp lực ở khu vực bẹn
- Đau hoặc sưng tinh hoàn (ở nam giới)
4. Nhiễm trùng thận hoặc sỏi thận
Nhiễm trùng thận là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào thận. Điều này có thể dẫn đến đau lưng, bẹn, bụng dưới, háng và đau khu vực xương chậu.
Tình trạng sỏi thận được hình thành khi các khoáng chất như Canxi hoặc Axit Uric kết tụ với nhau bên trong nước tiểu và tạo ra sỏi cứng. Sỏi thận thường phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
Hầu hết tình trạng sỏi thận không có triệu chứng cho đến khi soi di chuyển qua niệu quản (các ống nhỏ chứa nước tiểu từ thận đến bàng quang). Các ống nhỏ này thường không linh hoạt do đó sỏi đi qua khu vực này thường kéo dài và dẫn đến cảm giác đau đớn.
Các cơn đau do sỏi thận và nhiễm trùng thận thường gây đau vùng xương chậu bên trái hoặc phải và khu vực lưng. Tuy nhiên, đôi khi cơn đau có thể tỏa ra dưới bụng và háng của người bệnh.
Các dấu hiệu nhận biết khác có thể bao gồm:
- Có máu trong nước tiểu, nước tiểu có màu hồng hoặc nâu
- Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
- Có nhu cầu đi tiểu thường xuyên và cấp bách
- Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
- Buồn nôn hoặc nôn
- Sốt hoặc ớn lạnh
5. Viêm ruột thừa gây đau vùng xương chậu
Ruột thừa là một ống mỏng được gắn vào ruột già. Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm và sưng lên. Tình trạng này thường phổ biến thanh thiếu niên trong độ tuổi 20.
Viêm ruột thừa là tình trạng đột ngột và gây đau vùng xương chậu bên phải. Đôi khi các cơn đau có thể xuất hiện ở quanh bụng sau đó di chuyển đến khu vực bệnh dưới bên phải. Cơn đau cũng có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn khi hít thở sâu, ho hoặc hắt hơi.
Các triệu chứng khác thường bao gồm:
- Buồn nôn và nôn
- Mất cảm giác ngon miệng
- Sốt nhẹ
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Bụng sưng to
6. Viêm bàng quang
Viêm bàng quang là tình trạng bàng quang bị viêm và thường là hậu quả của nhiễm trùng đường tiết niệu. Tình trạng này thường gây ra triệu chứng đau xương chậu hoặc bụng dưới của người bệnh.
Các triệu chứng khác thường bao gồm:
- Thường xuyên cần đi tiểu
- Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
- Đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu thường ít
- Có máu trong nước tiểu
- Nước tiểu đục hoặc có mùi mạnh
- Sốt nhẹ
7. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể dẫn đến các triệu chứng ở đường ruột và đau vùng xương chậu. Cơn đau thường có xu hướng được cải thiện khi người bệnh đi đại tiện.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Đầy hơi
- Ợ hơi
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Có chất nhầy trong phân
Nguyên nhân gây đau vùng xương chậu chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ
Một số nguyên nhân gây đau vùng chậu chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ. Các nguyên nhân thường bao gồm:
1. Hội chứng Mittelschmerz
Mittelschmerz trong tiếng Đức có nghĩa là các cơn đau ở giữa. Do đó, hội chứng Mittelschmerz là tình trạng đau vùng xương chậu và bụng dưới ở một số phụ nữ trong thời kỳ rụng trứng. Rụng trứng là sự giải phóng trứng từ ống dẫn trứng xảy ra ở giữa chu kỳ kinh nguyệt.
Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết hội chứng Mittelschmerz phổ biến thường bao gồm:
- Xuất hiện các cơn đau ở giữa vùng xương chậu, nơi trứng được giải phóng
- Các cơn đau có thể kéo dài trong vài phút đến vài giờ
- Cơn đau có thể lặp lại mỗi tháng hoặc vài tháng một lần
- Chảy máu âm đạo bất thường (không phổ biến)
Thông thường hội chứng Mittelschmerz không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng như sốt, buồn nôn, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa.
2. Hội chứng tiền kinh nguyệt và đau bụng kinh
Hầu hết phụ nữ thường bị đau xương chậu hoặc bụng dưới ngay trước chu kỳ kinh nguyệt hoặc ngay trong chu kỳ kinh nguyệt. Các cơn đau này thường xuất hiện do sự thay đổi hormone và do tử cung co bóp.
Các cơn đau bụng kinh có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng. Tuy nhiên, có khoảng 10% phụ nữ bị đau nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Bên cạnh việc gây đau vùng chậu, các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Đau ngực
- Đầy hơi
- Thay đổi tâm trạng
- Thèm ăn
- Cáu gắt, dễ giận dữ
- Buồn nôn hoặc nôn
- Tiêu chảy
- Đau đầu
- Mệt mỏi
3. Mang thai ngoài tử cung
Việc mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng được thụ tinh và phát triển bên ngoài tử cung, thường là bên trong ống dẫn trứng. Khi trứng phát triển đủ lớn có thể khiến ống dẫn trứng bị căng hoặc vỡ ra. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ.
Các cơn đau do mang thai ngoài tử cung thường xuất hiện thoáng qua. Thông thường tình trạng này chỉ có thể gây đau xương chậu bên trái hoặc bên phải.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Chảy máu từ âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt
- Đau xương chậu phía sau, lưng dưới hoặc vai
- Chóng mặt, mệt mỏi
Mang thai ngoài tử cung có thể dẫn đến tử vong. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng này, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.
4. Sảy thai
Sảy thai là tình trạng mất thai trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Có khoảng 10 – 15% các trường hợp mang thai có thể dẫn đến sảy thai. Thậm chí trong một số trường hợp, phụ nữ có thể bị sảy thai trước khi biết bản thân mang thai.
Đau dữ dội ở khu vực xương chậu là dấu hiệu đầu tiên của việc sảy thai. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị chảy máu bất thường từ âm đạo.
Các triệu chứng sảy thai thường không rõ ràng. Do đó, đến bệnh viện ngay nếu nghi ngờ sảy thai hoặc nhận thấy các dấu hiệu bất thường.
5. Bệnh viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu là tình trạng nhiễm đường sinh sản ở phụ nữ. Đây là tình trạng khi vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo và di chuyển đến buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc các cơ quan sinh sản khác.
Các cơn đau do viêm vùng chậu thường tập trung ở khu vực xương chậu. Cơn đau có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Tiết dịch âm đạo một cách bất thường
- Chảy máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt
- Sốt
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau khi đi tiểu
- Có nhu cầu đi tiểu thường xuyên
Viêm vùng chậu có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều trị phù hợp. Do đó, đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu viêm vùng chậu.
6. U xơ tử cung
U xơ tử cung là sự tăng trưởng nhanh trong thành tử cung. Tình trạng thường phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và thường không phát triển thành ung thư.
Các khối u xơ có thể có kích thước nhỏ đến lớn khiến cho bụng người bệnh có vẻ căng lên. Thông thường, u xơ tử cung thường không dẫn đến bất cứ triệu chứng hoặc dấu hiệu nhận biết nào. Tuy nhiên, các khối u xơ lớn có thể dẫn đến đau vùng xương chậu.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Chảy máu nghiêm trọng trong chu kỳ kinh nguyệt
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 1 tuần
- Có cảm giác đầy hơi hoặc sưng ở bụng dưới
- Đau lưng
- Đau khi quan hệ tình dục hoặc đau khi đi tiểu
- Táo bón
- Có cảm giác khó làm sạch bàng quang
7. Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô trong tử cung phát triển ở một bộ phận khác của khung chậu. Theo thời gian, mô này có thể dày lên và cố gắng rụng đi, tương tự như trong tử cung. Tuy nhiên, các mô bên ngoài tử cung không thể ra khỏi cơ thể theo đường âm đạo. Điều này dẫn đến đau và một số triệu chứng khác.
Có khoảng 11% phụ nữ trong độ tuổi 15 – 44 gặp các triệu chứng lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, tình trạng này thường phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi 30 – 40.
Triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng này là đau vùng chậu trước và sau chu kỳ kinh nguyệt. Các cơn đau có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh đi tiểu hoặc quan hệ tình dục.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Chảy máu nghiêm trọng trong chu kỳ kinh nguyệt
- Mệt mỏi
- Bệnh tiêu chảy
- Táo bón
- Buồn nôn
Nguyên nhân gây đau vùng xương chậu chỉ ảnh hưởng đến nam giới
Các bệnh lý và nguyên nhân chỉ gây đau vùng xương chậu ở nam giới bao gồm:
1. Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng sưng và viêm tuyến tiền liệt. Có khoảng 1/4 nam giới có các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt tại một số thời điểm trong đời. Tuy nhiên có ít hơn 10% các trường hợp viêm tuyến tiền liệt có liên quan đến vi khuẩn.
Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn có thể gây đau ở vùng xương chậu. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Có nhu cầu đi tiểu thường xuyên hoặc khẩn cấp
- Đau khi đi tiểu
- Sốt, ớn lạnh
- Buồn nôn và nôn
- Mệt mỏi
2. Hội chứng đau vùng chậu mãn tính
Một số nam giới có thể bị đau vùng chậu kéo dài (thường là hơn 3 tháng) mà không liên quan đến nhiễm trùng. Tình trạng này thường không có nguyên nhân rõ ràng do đó rất khó chẩn đoán và điều trị.
Có khoảng 3 – 6% năm giới bị viêm vùng chậu mãn tính và thường phổ biến ở nam giới 50 tuổi. Tình trạng này có thể dẫn đến việc đau khu vực giữa tình hoàn và đáy chậu (trực tràng), dương vật, tinh hoàn và khu vực bụng dưới.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Đau khi đi tiểu và xuất tinh
- Thường xuyên có nhu cầu đi tiểu
- Đau cơ hoặc các khớp
- Mệt mỏi
3. Hẹp niệu đạo
Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu đi qua bàng quang để ra khỏi cơ thể. Tình trạng hẹp niệu đạo có thể do tình trạng tắc nghẽn, sưng, chấn thương hoặc nhiễm trùng gây ra.
Hẹp niệu đạo thường gây ảnh hưởng đến khoảng 0.6% nam giới. Các triệu chứng phổ biến thường bao gồm:
- Dòng nước tiểu chậm
- Đau khi đi tiểu
- Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch
- Rò rỉ nước tiểu
- Sưng dương vật
- Mất kiểm soát bàng quang
4. Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính là tình trạng mở rộng tuyến tiền liệt không gây ung thư. Tuyến tiền liệt bổ sung chất lỏng cho tình dục và thường có kích thước bằng một quả óc chó. Tuyến này sẽ tiếp tục phát triển theo thời gian.
Khi phát triển quá mức, tuyến tiền liệt có thể chèn ép lên niệu đạo. Điều này khiến các cơ bàng quang phải làm việc nhiều hơn để đẩy nước tiểu ra ngoài. Theo thời gian cơ bàng quang có thể bị yếu đi và phát triển các triệu chứng bệnh về tiết niệu.
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính thường phổ biến ở nam giới lớn tuổi. Có khoảng 50% nam giới từ 51 – 60 tuổi mắc tình trạng này và ở tuổi 80 là 90%.
Các dấu hiệu nhận biết phổ biến của tình trạng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính thường bao gồm:
- Có nhu cầu đi tiểu thường xuyên và khẩn cấp
- Dòng nước tiểu yếu hoặc rò rỉ
- Gặp rắc rối trong việc bắt đầu đi tiểu và kiểm soát dòng nước tiểu
5. Hội chứng đau sau khi thắt ống dẫn tinh
Thắt ống dẫn tinh là tình trạng một người đàn ông phẫu thuật cắt một dẫn tinh để tinh trùng không thể đi vào tinh dịch.
Có khoảng 1 – 2% nam giới sau phẫu thuật này có thể bị đau tinh hoàn và khu vực chậu trong suốt 3 tháng sau khi làm thủ thuật. Đây được gọi là hội chứng đau sau thắt ống dẫn tinh. Các cơn đau có thể được gây ra khi cấu trúc tinh hoàn bị phá hủy, áp lực lên các dây thần kinh trong khu vực hoặc một số yếu tố tác động khác.
Cơn đau này có thể được cải thiện sau 3 tháng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cơn đau có thể xuất hiện thoáng qua và được cải thiện ngay sau đó. Một số nam giới cũng có thể bị đau khi cương cứng, quan hệ tình dục hoặc xuất tinh. Cơn đau có thể đau nhẹ, đau nhói hoặc đau nghiêm trọng.
Đến bệnh viện hoặc trao đổi với bác sĩ nếu cơn đau gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Chẩn đoán và điều trị tình trạng đau vùng xương chậu
Việc điều trị tình trạng đau xương chậu thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
1. Chẩn đoán tình trạng đau vùng xương chậu
Để kiểm tra tình trạng đau vùng xương chậu, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp sau:
- Kiểm tra vùng chậu: Điều này nhằm mục đích tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng, tăng trưởng bất thường hoặc căng thẳng ở vùng chậu.
- Siêu âm: Thử nghiệm này là việc sử dụng sóng âm thành tần số cao để phản chiếu hình ảnh chính xác của cấu trúc vùng chậu. Siêu âm đặc biệt hiệu quả trong việc chẩn đoán khối u hoặc u nang bên trong vùng chậu như tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc các bộ phận khác.
- Các xét nghiệm hình ảnh khác: Như hình X – quang bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để phát hiện các cấu trúc bất thường hoặc tăng trưởng.
- Nội soi ổ bụng: Thủ thuật này giúp bác sĩ kiểm tra các cơ quan ở vùng chậu, nhiễm trùng hoặc các dấu hiệu bất thường khác.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này có thể kiểm tra các bệnh lý nhiễm trùng như lậu hoặc Chlamydia. Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng có thể kiểm tra số lượng tế bào máu và phân tích nước tiểu để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tìm ra nguyên nhân cơ bản là biện pháp tốt nhất để điều trị và phòng ngừa viêm vùng chậu.
2. Điều trị đau vùng xương chậu
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau xương chậu. Do đó, điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện để xác định các nguyên nhân để tập trung và việc điều trị. Ngoài ra, để kiểm soát các cơn đau, bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp cải thiện và thuốc.
Thuốc chữa đau xương chậu phổ biến bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Như Aspirin, Ibuprofen hoặc Acetaminophen có thể cải thiện tình trạng đau vùng xương chậu.
- Kháng sinh: Để điều trị tình trạng nhiễm trùng.
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể hiệu quả để điều tị đau vùng chậu mãn tính. Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như Amitriptyline, Nortriptyline.
Các liệu pháp điều trị khác:
- Vật lý trị liệu: Các bài tập kéo dài, xoa bóp và các kỹ thuật khác có thể thư giãn và cải thiện các cơn đau.
- Kích thích thần kinh tủy sống: Đây là liệu pháp thần kinh nhằm ngăn chặn việc truyền tín hiệu đau đến não.
- Tiêm vào vị trí đau: Nếu bác sĩ của bạn tìm thấy những điểm cụ gây đau ở vùng chậu, bác sĩ có thể tiêm thuốc gây tê vào những điểm đó. Thuốc thường là thuốc gây tê cục bộ có tác dụng lâu dài, hỗ trợ ngăn chặn các cơn đau và giảm bớt sự khó chịu.
Tình trạng đau vùng chậu có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đến bệnh viện để kiểm tra và có biện pháp khắc phục phù hợp. Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào có liên quan, người bệnh vui lòng trao đổi với bác sĩ chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm:
- Đau Xương Cụt Là Bệnh Gì? Cách Điều Trị (Tự Nhiên + Thuốc)
- Đau xương chậu ở nam giới là bị gì và cách khắc phục
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!