Nổi mề đay ở tay – Nguyên nhân và cách trị nhanh nhất
Nổi mề đay ở tay thường khởi phát do dị ứng thực phẩm, tiếp xúc với côn trùng, căng thẳng thần kinh hoặc do các bệnh nhiễm trùng gây ra. Tình trạng này thường được chữa khỏi bằng thuốc và các thảo dược.
Các dấu hiệu nhận biết nổi mề đay ở tay
Nổi mề đay là một trong những dạng tổn thương da thường gặp. Tình trạng này đặc trưng bởi sự xuất hiện các đốm đỏ/ hồng, có kích thước đa dạng và thường gây ngứa, khó chịu. Triệu chứng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, cánh tay hoặc ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.
Các dấu hiệu nhận biết nổi mề đay ở tay, bao gồm:
- Xuất hiện các đốm đỏ nhỏ ở cánh tay và lòng bàn tay
- Ngứa ngáy dữ dội
- Một số trường hợp nổi mề đay có thể bị viêm sưng và phù mạch
- Có thể đi kèm với một số biểu hiện khác như sưng môi, đau họng và sưng mí mắt.
Nổi mề đay ở tay có nguy hiểm không?
Tình trạng phù mạch, viêm sưng nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng cuộc sống và công việc. Nhiễm trùng thường rất khó khắc phục và dễ để lại sẹo.
Bên cạnh đó, mề đay có thể lan rộng ra các vùng da khác hoặc xuất hiện tại đường thở. Nhiều trường hợp mề đay gây sốc phản vệ, nghẹt thở cần cấp cứu nhanh. Vì vậy, dù là mề đay ở tay, chân hay ở vị trí nào trên cơ thể cũng cần được khám chữa sớm bằng phương pháp an toàn.
Các nguyên nhân phổ biến gây nổi mề đay ở tay
Nổi mề đay ở tay được cho là phản ứng của cơ thể với các tác nhân kích thích. Một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này, bao gồm:
Nổi mề đay do dị ứng
Dị ứng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng nổi mề đay ở tay. Khi phản ứng dị ứng bị kích thích, cơ thể sẽ giải phóng các hoạt chất trung gian và làm phát sinh triệu chứng trên bề mặt da.
Với những trường hợp dị ứng nghiêm trọng, nổi mề đay ở tay có thể đi kèm với biểu hiện sưng mắt, sưng cổ họng, chảy nước mắt, nghẹt mũi,…
Một số nguyên nhân gây dị ứng thường gặp:
- Tiếp xúc với hóa chất, mỹ phẩm, côn trùng
- Hít phải khói thuốc lá, phấn hoa và mạt bụi
- Ma sát giữa da và quần áo
- Dị ứng thực phẩm (hải sản, đậu phộng, mè đen,…)
- Tiếp xúc với ánh nắng cường độ cao trong thời gian dài
- Dị ứng nguồn nước, không khí,…
Căng thẳng thần kinh gây nổi mề đay ở tay
Phản ứng trên da cũng có thể là hệ quả do căng thẳng thần kinh gây ra. Stress gây áp lực lên hệ thần kinh trung ương và khiến hệ miễn dịch suy yếu. Đây là điều kiện thuận lợi khiến các tình trạng trên da bùng phát mạnh như mề đay – mẩn ngứa, chàm, bệnh vảy nến,…
Tổn thương trên da sẽ nhanh chóng được cải thiện nếu bạn kiểm soát căng thẳng và giữ cho đầu óc thư giãn. Ngược lại căng thẳng kéo dài có thể khiến mề đay ở tay lan rộng ra vùng lưng, ngực và phần chi dưới.
Hệ quả của nhiễm trùng
Các bệnh nhiễm trùng cấp (sởi, sốt phát ban, viêm họng cấp,…) có thể khiến thân nhiệt tăng cao và làm phát sinh tình trạng nổi mề đay ở tay hoặc toàn bộ cơ thể.
Tuy nhiên, tình trạng nổi mề đay do nhiễm trùng thường có dấu hiệu tự thuyên giảm khi bệnh lý được kiểm soát. Hơn nữa nổi mề đay do nguyên nhân này ít khi gây đau và ngứa ngáy.
Thay đổi thời tiết đột ngột
Thời tiết thay đổi ngột từ mùa lạnh sang mùa nóng có thể là nguyên nhân gây phát ban và nổi mề đay ở tay, chân. Nếu nổi mề đay do nguyên nhân này, bạn có thể nhận thấy triệu chứng trên da có xu hướng khởi phát ở từng thời điểm cụ thể trong năm và thuyên giảm khi thời tiết ổn định trở lại.
Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (Ibuprofen, Diclofenac, Aspirin,…), thuốc giảm đau gây nghiện (Oxycodon, Morphine,…), thuốc kháng sinh (Cephalosporin, Penicillin,…) có thể gây phát ban và nổi mề đay trên da.
Thông thường hiện tượng này chỉ xảy ra trong vài ngày đầu sử dụng thuốc và có xu hướng thuyên giảm sau 3 – 5 ngày tiếp theo.
Tuy nhiên nếu tình trạng trên da khởi phát muộn và đi kèm với các biểu hiện nghiêm trọng, bạn nên ngưng sử dụng thuốc và thông báo với bác sĩ trong thời gian sớm nhất.
Các nguyên nhân khác
Ngoài ra nổi mề đay ở lòng bàn tay và cánh tay có thể khởi phát do một số nguyên nhân khác như:
- Bệnh Celiac (xảy ra khi đường ruột nhạy cảm với protein có trong lúa mì)
- Bệnh tiểu đường type 1
- Bệnh tuyến giáp
- Bệnh lupus ban đỏ
- Hội chứng Sjogren
- Không dung nạp rượu bia
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nổi mề đay là phản ứng da cấp tính và có xu hướng thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, nổi mề đay có thể là dấu hiệu của sốc phản vệ.
Do đó bạn cần gọi cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu sau:
- Khó thở
- Nôn mửa
- Buồn nôn
- Sưng môi
- Sưng cổ họng
- Nhịp tim bất thường
- Choáng váng
- Chóng mặt
- Mất thăng bằng
Các biện pháp điều trị nổi mề đay ở tay
Nổi mề đay có thể tự thuyên giảm mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên ở một số trường hợp, nổi mề đay có thể kéo dài và chuyển sang giai đoạn mãn tính, cần được điều trị.
Điều trị nổi mề đay nhẹ
Với trường hợp nổi mề đay khu trú ở cánh tay và bàn tay, bạn có thể áp dụng một số biện pháp điều trị sau:
- Sử dụng thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 có thể ức chế hoạt động giải phóng histamine và cải thiện các triệu chứng do dị ứng gây ra. Tuy nhiên khi sử dụng nhóm thuốc này, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như buồn ngủ, giảm tập trung, chóng mặt,… Các loại thuốc kháng histamine H1 thường được sử dụng, bao gồm: Loratadine, Desloratadine, Fexofenadine, Cetirizine,…
- Chườm lạnh hoặc tắm nước mát: Nhiệt độ lạnh có thể làm co mạch máu ở các mô da và làm giảm tình trạng nổi mề đay. Bên cạnh đó, chườm lạnh còn cải thiện tình trạng viêm sưng và hạn chế ngứa ngáy.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Thoa kem dưỡng ẩm lên vùng da tổn thương 2 lần/ ngày có thể làm dịu da và giảm hiện tượng nổi mề đay ở tay.
- Bổ sung vitamin C: Vitamin C có tác dụng tăng cường miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể. Bổ sung thực phẩm giàu loại vitamin này có thể ức chế quá trình giải phóng histamine và làm giảm tình trạng nổi mề đay trên da.
- Uống nhiều nước: Bổ sung 2 – 3 lít nước/ ngày có thể duy trì độ ẩm trong da, giảm ngứa và tình trạng viêm. Ngoài ra uống nhiều nước còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đào thải độc tố trong cơ thể.
Xem thêm: 20 cách trị nổi mề đay tại nhà đơn giản, giúp hết ngứa nhanh nhất
Điều trị nổi mề đay nặng
Với những trường hợp nổi mề đay xuất hiện ở tay, ngực, lưng và có mức độ ngứa dữ dội, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Để làm giảm tình trạng trên da, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc sau:
- Thuốc chống viêm chứa corticoid: Corticoid đường uống/ tiêm có thể được sử dụng nhằm giảm viêm, sưng đỏ và ngứa đối với những trường hợp mề đay gây phù mạch. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, vì vậy bạn chỉ nên sử dụng khi có yêu cầu từ bác sĩ.
- Thuốc chống trầm cảm: Với trường hợp nổi mề đay ở tay kéo dài do trầm cảm, bác sĩ có thể kê toa nhóm thuốc này để cải thiện. Khi sử dụng thuốc chống trầm cảm, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt,…
- Thuốc ức chế miễn dịch: Trong trường hợp nổi mề đay tiếp tục phát triển, bạn có thể sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (Tacrolimus và Cyclosporine) để ngăn chặn quá trình giải phóng histamine và giảm các triệu chứng trên da.
*Lưu ý: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ. Mề đay ở trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và sau sinh thường chống chỉ định với thuốc.
Những lưu ý khi bị nổi mề đay ở cánh tay
Nổi mề đay ở tay có thể tiến triển tiêu cực và nghiêm trọng dần nếu bạn chăm sóc không đúng cách. Vì vậy trong quá trình điều trị, bạn nên lưu ý những thông tin sau đây:
- Không gãi và cào lên vùng da tổn thương
- Mặc quần áo rộng rãi nhằm hạn chế ma sát lên da
- Nếu nổi mề đay do thời tiết lạnh, nên mặc áo ấm và hạn chế hoạt động ở ngoài trời
- Sử dụng kem chống nắng khi di chuyển và hoạt động dưới ánh nắng
- Dùng máy tạo độ ẩm để tránh tình trạng da khô và giảm nguy cơ nổi mề đay bùng phát trên diện rộng
- Tránh xa các tác nhân kích thích (thuốc lá, phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi, nấm mốc,…)
- Hạn chế sử dụng thực phẩm dễ gây dị ứng trong thời gian điều trị
Nổi mề đay ở tay có thể được điều trị tại nhà bằng cách sử dụng thuốc kháng histamine H1, dưỡng ẩm da và chườm lạnh. Trong trường hợp tình trạng không có cải thiện, bạn nên đến bệnh viện để thực hiện chẩn đoán và can thiệp các biện pháp y tế.
Có thể bạn quan tâm:
- Bé nổi mẩn đỏ khắp người sau sốt có nguy hiểm không?
- Top 6 cách chữa bệnh nổi mề đay tại nhà bằng dân gian an toàn, hiệu quả
Bình luận (1)
Giá bn a