Bị đau họng sau khi cắt amidan điều trị như thế nào?
Đau họng sau khi phẫu thuật cắt amidan là tình trạng khá phổ biến. Để làm giảm triệu chứng này, bạn có thể sử dụng thuốc, tận dụng thảo dược tự nhiên và xây dựng chế độ dinh dưỡng – chăm sóc hợp lý.
Nguyên nhân gây đau họng sau khi cắt amidan
Cắt amidan là thủ thuật ngoại khoa được thực hiện với các trường hợp nhiễm trùng amidan kéo dài và gây ra các biến chứng nặng nề. Tuy nhiên sau phẫu thuật, bạn có thể gặp phải triệu chứng đau họng kèm buồn nôn, nôn mửa, sốt nhẹ,…
Tình trạng đau họng sau khi cắt amidan thường do niêm mạc họng bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. Ngoài ra triệu chứng này cũng có thể khởi phát do vị trí vết mổ bị nhiễm trùng, gây viêm và đau ở các cơ quan lân cận.
Thông thường triệu chứng đau họng sau phẫu thuật amidan thường không cần phải điều trị y tế. Tuy nhiên với những trường hợp đau họng nghiêm trọng và kéo dài, bạn có thể gặp bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc thích hợp.
Đau họng sau khi cắt amidan có nguy hiểm không?
Như đã đề cập, đau họng sau khi cắt amidan là triệu chứng phổ biến và hầu như không gây nguy hiểm. Tuy nhiên trong trường hợp đau họng do vết mổ bị nhiễm trùng, bạn nên can thiệp điều trị sớm để tránh gây ra các biến chứng nghiêm trọng (mất tiếng, khàn tiếng vĩnh viễn).
Các phương pháp điều trị đau họng sau khi cắt amidan
Để làm giảm triệu chứng đau họng sau khi cắt amidan, bạn có thể xây dựng chế độ chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý hoặc tận dụng thảo dược tự nhiên và sử dụng thuốc.
1. Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc hợp lý
Chế độ chăm sóc có vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật amidan. Nếu thực hiện chế độ dinh dưỡng và chăm sóc hợp lý, vết mổ sẽ ít gây đau và phục hồi trong thời gian ngắn.
Ngoài ra việc chăm sóc sau phẫu thuật còn hỗ trợ làm giảm các triệu chứng như đau họng, buồn nôn, mệt mỏi, sốt,…
Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sau khi cắt amidan:
- Sau khoảng vài giờ phẫu thuật, bạn có thể dùng sữa lạnh để bổ sung dinh dưỡng và làm dịu cổ họng.
- Trong 1 – 3 ngày sau cắt amidan, nên ăn thực phẩm mềm như súp và cháo. Đồng thời cần hạn chế gia vị và dầu mỡ khi chế biến món ăn.
- Nên bằm nhỏ và xay nhuyễn thực phẩm trước khi chế biến nhằm giảm áp lực lên cổ họng và giảm triệu chứng đau họng sau phẫu thuật.
- Uống nhiều nước giúp làm dịu niêm mạc và vết mổ.
- Súc miệng với nước muối 2 lần/ ngày nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ và làm dịu vùng hầu họng bị kích thích.
- Đảm bảo vệ sinh răng miệng đúng cách nhằm hạn chế tình trạng nhiễm trùng vết mổ và cải thiện các triệu chứng ở cổ họng.
- Tăng cường bổ sung chất xơ, đạm, Omega 3, vitamin,… bằng các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, củ, thịt gà, cá, trái cây,…
- Hạn chế các thức uống có cồn, cà phê và trà đặc sau phẫu thuật. Các thức uống này có thể gây đau rát cổ họng và khiến vết mổ chậm lành.
- Cần nghỉ ngơi và tránh nói chuyện trong ít nhất 3 ngày sau phẫu thuật.
2. Tận dụng thảo dược tự nhiên
Ngoài chế độ dinh dưỡng và chăm sóc hợp lý, bạn cũng có thể tận dụng thảo dược từ thiên nhiên để làm giảm đau họng và thúc đẩy quá trình hồi phục của vết mổ sau phẫu thuật.
- Trà gừng: Gừng có tác dụng tiêu viêm và sát trùng mạnh, giúp giảm tình trạng viêm họng và ngăn ngừa nhiễm trùng ở vết mổ amidan. Ngoài ra các hợp chất chống oxy hóa trong gừng còn có tác dụng phục hồi niêm mạc bị tổn thương và bảo vệ cổ họng khỏi các tác nhân kích thích.
- Mật ong: Tương tự như gừng, mật ong cũng có tác dụng giảm viêm, kháng khuẩn và sát trùng. Tuy nhiên mật ong có vị ngọt dễ chịu, giúp làm giảm tình trạng đau rát và sưng viêm ở cổ họng.
- Sữa nghệ: Nghệ chứa curcumin, beta-carotene và hợp chất thực vật, có tác dụng giảm sưng viêm và đau nhức. Ngoài ra nghệ còn có khả năng phục hồi các mô bị thoái hóa, loét và tổn thương. Sử dụng sữa nghệ không chỉ hỗ trợ phục hồi vết mổ sau phẫu thuật mà còn cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể.
Đau họng thông thường có thể được điều trị bằng cách sử dụng tỏi hoặc lá bạc hà. Tuy nhiên các loại thảo dược này có vị cay và có thể gây kích thích lên vết mổ. Vì vậy bạn cần tránh sử dụng trong quá trình điều trị đau họng sau phẫu thuật cắt amidan.
3. Sử dụng thuốc điều trị
Trong trường hợp đau họng kéo dài và không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp trên, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau (Acetaminophen): Loại thuốc này tác động giảm đau toàn thân đối với những cơn đau nhẹ đến trung bình. Acetaminophen cũng có thể được sử dụng cho trẻ nhỏ và phụ nữ đang cho con bú theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thuốc chống viêm (Ibuprofen, Diclofenac,…): Thuốc chống viêm được sử dụng trong trường hợp triệu chứng đau họng không có cải thiện khi sử dụng Acetaminophen. Thuốc chống viêm giảm cơn đau bằng cách ức chế hoạt chất trung gian trong phản ứng viêm – prostaglandin.
- Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp đau họng do nhiễm khuẩn vết mổ, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để tiêu diệt và ức chế vi khuẩn.
- Siro/ viên ngậm thảo dược: Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng các loại siro và viêm ngâm thảo dược chứa cam thảo, bạc hà, gừng,… để làm giảm triệu chứng đau họng sau khi cắt amidan.
Đau họng sau khi cắt amidan là tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên nếu triệu chứng này đi kèm với các biểu hiện nghiêm trọng (chảy máu vết mổ, sốt cao, khó thở,…) bạn nên đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất nhằm hạn chế các tình huống rủi ro.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Sau cắt amidan có hết viêm họng không? [Chuyên gia giải đáp]
- Trẻ sơ sinh bị viêm amidan và những lưu ý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!