Nổi mẩn đỏ ngứa ở tay và chân: Nguyên nhân và cách điều trị

Nổi mẩn đỏ ngứa ở tay, chân thường có triệu chứng ngứa ngáy kéo dài do phải tiếp xúc với các loại hóa chất như nước tẩy rửa, bột giặt, nước rửa bát… Vì vậy mà việc điều trị cũng khó hơn so với những vùng da khác.

Nguyên nhân nổi mẩn đỏ ngứa ở tay và chân
Việc xác định nguyên nhân và bệnh lý gây nổi mẩn ngứa ở tay và chân thường dựa trên các triệu chứng cụ thể và thời gian phát triển của bệnh. Một số trường hợp mẩn ngứa sẽ tự biến mất sau vài ngày trong khi một số trường hợp khác kéo dài đến vài tuần.
Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến có thể gây ra tình trạng tay chân nổi mẩn ngứa:
1. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da chạm vào một chất kích ứng bao gồm hóa chất có trong xà phòng, nước hoa hoặc các chất tẩy rửa. Các triệu chứng bệnh phổ biến bao gồm ngứa, đỏ, phồng rộp hoặc đôi khi trông giống như một vết bỏng kéo dài. Các triệu chứng viêm da tiếp xúc có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào tiếp xúc với tác nhân dị ứng bao gồm cả tay và chân.
2. Bệnh vẩy nến
Vẩy nến là một dạng rối loạn da mãn tính được hình thành từ các vùng da chết không bị đào thải. Các triệu chứng của bệnh vẩy nến bao gồm xuất hiện các mảng da ngứa, đỏ hoặc đôi khi da có thể bị phủ một lớp vảy trắng. Bệnh thường phổ biến ở bàn tay, khuỷu tay, đầu gối, đùi và lưng dưới.
3. Bệnh chàm
Nổi mẩn ngứa ở tay, chân đôi khi là dấu hiệu của bệnh chàm (Eczema). Đây là tình trạng dị ứng da phổ biến ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thường có xu hướng được cải thiện khi trưởng thành.
Bệnh chàm gây ra các mảng da khô, nứt nẻ đôi khi có thể sưng lên và bị rò rỉ máu. Các triệu chứng bệnh có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào của cơ thể nhưng thường phổ biến ở những nơi có những nếp gấp
4. Bệnh tổ đỉa
Tổ đỉa là tình trạng da nổi nhiều mụn nước li ti thường phổ biến ở các ngón tay, lòng bàn tay hoặc các ngón chân. Các mụn nước do bệnh tổ đỉa thường rất ngứa, đau đớn và có thể bị vỡ ra khi người bệnh chạm vào.
Tình trạng bệnh có thể kéo dài trong 3 – 4 tuần. Tuy nhiên, tổ đỉa ở chân thường khó điều trị hơn bởi vì chân thường di chuyển liên tục và chịu trọng lượng của cơ thể.

5. Mề đay mẩn ngứa
Mề đay mẩn ngứa là tình trạng da bị nổi mẩn đỏ khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Khi bị kích ứng cơ thể sẽ giải phóng Histamine khiến các mạch máu nhỏ rò rỉ các chất dịch lỏng. Chất dịch này tích tụ dưới da và gây nên hiện tượng mề đay mẩn ngứa. Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Bao gồm cánh tay, chân, lưng, bụng thậm chí là trên mặt.
Xem thêm: Nguyên nhân nổi mề đay ở chân và cách khắc phục
6. Lichen phẳng
Bệnh Lichen phẳng có tên khoa học là Lichen planus. Đây là một tình trạng rối loạn tự miễn không truyền nhiễm khá phổ biến. Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, bao gồm lưng, ngực, bụng, cổ tay, móng tay, mắt cá chân thậm chí là ở miệng.
Các triệu chứng bệnh cơ bản là xuất hiện nhiều mảng da sưng nhỏ thường có màu tím, căng bóng và rất cứng khi chạm vào. Đôi khi bên ngoài các mẩn ngứa có thể xuất hiện một đường viền mỏng màu trắng bao quanh.
7. Bệnh ghẻ
Ghẻ là một bệnh gây nổi mẩn ngứa ở tay, chân khá phổ biến và có thể lây lan. Các triệu chứng bệnh phổ biến bao gồm việc xuất hiện nhiều mẩn sưng nhỏ, ngứa có màu hồng nhạt hoặc đỏ.
Bệnh ghẻ thường xuất hiện ở những nơi có độ ẩm cao và khó vệ sinh như các ngón tay, quanh cổ tay, khuỷu tay, các ngón chân, bên trong đầu gối và mắt cá chân.
Ngoài ra, một số nguyên nhân không phổ biến có thể khiến tay chân nổi mẩn ngứa bao gồm:
- Nhiễm virus hoặc vi khuẩn
- Sốt phát ban (thường xảy ra ở trẻ em)
- Bệnh tay chân miệng ( thường xảy ra ở trẻ em)
- Phản ứng dị ứng thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh
- Mẩn ngứa khi thời tiết nóng
- Dị ứng thời tiết
Nổi mẩn ngứa ở tay chân có nguy hiểm không? Khi nào cần gặp bác sĩ
Hầu hết các trường hợp nổi mẩn ngứa ở tay và chân sẽ biến mất trong một vài giờ đến một vài ngày. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này không thể tự cải thiện hoặc có xu hướng nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt, nếu người bệnh không kiểm soát được hành động gãi ngứa sẽ khiến da bị trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập gây nhiễm trùng da, có thể chảy mủ, dịch vàng, lở loét… Lúc này người bệnh cần được tư vấn và có biện pháp điều trị hợp lý hơn.

Đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa để gặp bác sĩ ngay nếu:
- Sốt cao hoặc sốt lặp lại nhiều lần.
- Nổi mẩn ngứa lan khắp cơ thể.
- Tình trạng mề đay xuất hiện một cách đột ngột và lây lan nhanh chóng.
- Khó chịu ở miệng hoặc bộ phận sinh dục.
- Có dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm sưng, xuất hiện mủ vàng hoặc xanh.
Xem thêm: Ngón tay bị sưng và ngứa: Có phải cơ thể đang mắc bệnh?
Cách chữa nổi mẩn đỏ ngứa ở tay và chân
Đối với các trường hợp bệnh vừa khởi phát hoặc không có dấu hiệu nguy hiểm, người bệnh có thể tự khắc phục tại nhà bằng một số biện pháp sau:
- Rửa tay và chân bằng nước mát thay vì nước nóng.
- Chườm lạnh hoặc ngâm tay, chân trong nước mát để giảm ngứa.
- Bôi kem dưỡng ẩm để tránh khô và kích ứng da.
- Tắm hoặc ngâm vùng da bệnh với bột yến mạch hoặc baking soda.
- Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng da.
Nếu tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở tay và chân không có dấu hiệu tự biến mất, người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa uy tín để xác định chính xác bệnh lý và điều trị theo phác đồ phù hợp.
Thông thường, tình trạng nổi mẩn ngứa ở tay, chân là triệu chứng của các căn bệnh viêm da. Bệnh nhân có thể tiến hành điều trị theo một trong các cách sau đây:
Chữa nổi mẩn ngứa ở tay và chân bằng Tây y
Phương pháp Tây y chủ yếu sử dụng các loại thuốc uống và bôi để kiểm soát triệu chứng ngứa và nổi mẩn đỏ trên da. Cách điều trị này cho tác dụng nhanh chóng ngay sau khi dùng thuốc.
Tuy nhiên, các loại thuốc Tây y đều tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ cho sức khỏe, do đó việc sử dụng cần hết sức thận trọng, tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Một số loại thuốc Tây y thường được kê đơn như:
- Thuốc kháng Histamin h1 như: promethazin, Cetirizine, Loratadine
- Thuốc corticoid dạng uống hoặc tiêm: Loại thuốc này được khuyến cáo không sử dụng lâu dài vì nguy cơ tác dụng phụ cao.
- Kháng sinh dùng trong trường hợp có nhiễm trùng.
- Kem dưỡng ẩm.
- Thuốc bôi giảm ngứa…

Phương pháp dân gian chữa nổi mẩn đỏ ngứa ở tay và chân
Trường hợp nổi mẩn ngứa nhẹ, bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp dân gian để giảm bớt triệu chứng. Tuy nhiên, các mẹo dân gian không giúp điều trị triệt để và tận gốc các căn bệnh viêm da.
Một số cách dân gian thường được áp dụng để chữa mẩn ngứa tay, chân như:
- Tắm lá: Sử dụng các loại lá như lá sài đất, lá vòi voi, lá khế chua… rửa sạch, đun nước uống.
- Uống nước trà xanh, trà hoa cúc để thanh nhiệt, giảm ngứa.
- Dùng lá tía tô hoặc lá sài đất rửa sạch, vò nát chà lên vùng da bị mẩn ngứa.
Nổi mẩn ngứa ở chân, tay kiêng gì?
Khi bị nổi mẩn ngứa ở chân, tay bên cạnh việc điều trị sớm bằng phương pháp thích hợp, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày để tránh khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
- Hạn chế tối đa tiếp xúc với các loại hóa chất.
- Đeo găng tay khi rửa bát.
- Không sử dụng các loại sữa tắm, xà phòng chứa chất tẩy mạnh. Nên ưu tiên sử dụng những loại có thành phần tự nhiên, dịu nhẹ.
- Không nên tắm nước quá nóng sẽ khiến da khô và ngứa hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh nên chú hơn về vấn đề ăn uống. Hạn chế các loại thực phẩm giàu đạm hoặc dễ gây dị ứng để tránh khiến cơn ngứa nghiêm trọng hơn. Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và chất xơ như trái cây, rau củ để tăng dinh dưỡng cho da, nâng cao sức đề kháng để phòng tránh bệnh tái phát.
Có thể bạn quan tâm:
- Nổi mẩn ngứa ở khuỷu tay và đầu gối là do bệnh gì gây ra?
- Nổi mẩn ngứa khi trời nóng do đâu? Cách xử lý hiệu quả, an toàn
