Dị Ứng Thức Ăn Nổi Mề Đay và Cách Điều Trị, Khắc Phục
Dị ứng thức ăn nổi mề đay xảy ra khi cơ thể phản ứng với loại thực phẩm hoặc một chất có trong món ăn được tiêu thụ. Tình trạng có các triệu chứng thường xảy ra trong vòng vài phút đến 2 giờ sau khi ăn.
Nguyên nhân gây dị ứng thức ăn nổi mề đay
Biểu hiện nổi mề đay do dị ứng thức ăn xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng lại với một hoặc nhiều thành phần có trong thực phẩm. Lúc này, các histamin sẽ được phóng thích vào da, niêm mạc hô hấp và dạ dày. Từ đó xuất hiện các biểu hiện dị ứng nổi mề đay (mẩn đỏ, phù nề, ngứa da), đôi khi là khó thở.
Những loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến: Nhóm thực phẩm chứa hàm lượng protein cao như hải sản (tôm, cua, mực, sò, ốc,…), sữa bò, phô mai, đậu phộng, cá biển, trứng, một số loại thịt đỏ,…
Phản ứng có thể xảy ra ngay sau khi ăn thức ăn gây dị ứng hoặc sau vài giờ. Các triệu chứng có thể từ nhẹ (nổi mề đay, ngứa) đến nghiêm trọng (sưng họng, khó thở, sốc phản vệ).
Những yếu tố nguy cơ:
- Yếu tố di truyền: Dị ứng thức ăn thường xuất hiện trong gia đình có tiền sử dị ứng.
- Tuổi tác: Trẻ em thường dễ bị dị ứng thức ăn hơn người lớn.
- Các dị ứng khác: Những người có các loại dị ứng khác (như dị ứng da, viêm mũi dị ứng) có nguy cơ cao hơn.
Một số người bị dị ứng thức ăn nổi mề đay không liên tục. Nghĩa là trong một giai đoạn khi dung nạp các thực phẩm trên, cơ thể hoàn toàn bình thường. Nhưng sau một thời gian khi ăn sẽ xuất hiện các biểu hiện nổi mẩn, phát ban, ngứa ngáy, đau bụng, sưng mí mắt, cổ họng, khó thở,… Điều này có thể do:
- Thiếu hụt canxi và vitamin D
- Hệ miễn dịch suy giảm
- Người thừa cân, béo phì
- Gia đình có tiền sử dị ứng thức ăn nổi mề đay
- Tuổi tác cao
- Chế biến thực phẩm không đúng cách
Không ít người nhầm lẫn giữa tình trạng không dung nạp thức ăn và nổi mề đay do dị ứng thức ăn. Về bản chất thì 2 tình trạng này hoàn toàn khác nhau. Nổi mề đay do dị ứng thức ăn có liên quan trực tiếp đến hệ miễn dịch và thường có xu hướng nghiêm trọng hơn.
Biểu hiện nhận biết
Các biểu hiện dị ứng thức ăn nổi mề đay có thể xuất hiện sau vài phút đến vài giờ sau khi ăn.
Dưới đây là một số biểu hiện nổi mề đay do dị ứng thức ăn:
- Trên da xuất hiện các sẩn đỏ có kích thước lớn nhỏ không đều gây ngứa ngáy
- Ngứa mũi, mắt, cổ họng, chảy nước mắt, nước mũi và kèm theo một số biểu hiện của hen suyễn như ho, đau thắt ngực, khò khè, khó thở;
- Sưng môi, mặt, cổ họng, lưỡi khiến người bệnh gặp khó khăn trong ăn uống, hít thở;
- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt, đắng miệng,…
- Dấu hiệu phản ứng phản vệ hay sốc phản vệ
Sốc phản vệ xảy ra khi thanh quản bị phù, hạ huyết áp, ngạt thở. Tình trạng này nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Vì vậy, người bệnh cần chủ động theo dõi các phản ứng của cơ thể để xử lý đúng cách.
XEM THÊM: Dị Ứng Tôm Cua – Cách chữa nhanh nhất và lưu ý cần biết
Nổi mề đay do dị ứng thức ăn có nguy hiểm không?
Nổi mề đay do dị ứng thực phẩm thường không quá nguy hiểm, có thể kiểm soát nhanh bằng biện pháp phù hợp. Tuy nhiên một số người có phản ứng nghiêm trọng đến mức bị sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng.
Vì vậy, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu dị ứng thức ăn nổi mề đay, đặc biệt khi nổi mề đay gây khó thở, sưng mặt hoặc môi.
Điều trị dị ứng thức ăn nổi mề đay
Dưới đây là cách điều trị dị ứng thực phẩm gây nổi mề đay:
Xử lý tại chỗ
Nếu bị dị ứng thức ăn, cần nhanh chóng thực hiện các cách xử lý gồm:
- Cố gắng nôn hết thức ăn để ngăn chặn các biểu hiện dị ứng tiến triển nặng nề và gây ra phản ứng phản vệ.
- Dùng nước muối sinh lý hoặc nước muối ấm súc miệng và súc họng nhiều lần để làm sạch khoang miệng.
- Uống 1 cốc nước ấm để làm giảm cảm giác khó chịu ở cổ họng, dạ dày, đồng thời giúp bù nước cho cơ thể, cân bằng điện giải.
- Chú ý theo dõi các phản ứng để nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và xử lý đúng cách.
Điều trị y tế
Nếu triệu chứng không giảm sau khi xử lý tại chỗ, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và can thiệp điều trị y tế. Trường hợp nhẹ thường được chỉ định dùng thuốc để kiểm soát. Trường hợp sốc phản vệ có thể dùng thuốc kết hợp đặt nội khí quản hoặc thở oxy để hỗ trợ hô hấp.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc điều trị nổi mề đay do dị ứng thức ăn bao gồm thuốc kháng histamin, thuốc Epinephrine, corticoid, thuốc bôi ngoài da chứa Menthol, Zinc, dung dịch bù điện giải, thuốc điều hòa nhu động ruột,…
- Thở oxy mũi: Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp dị ứng thức ăn gây phù mạch cổ họng, lưỡi dẫn đến suy hô hấp. Việc cho bệnh nhân thở oxy mũi giúp dễ dàng lưu thông không khí đến phổi và ngăn ngừa biến chứng xấu.
- Đặt nội khí quản: Trường hợp có biểu hiện phù thanh môn, bác sĩ sẽ chỉ định đặt nội khí quản để cấp cứu, kiểm soát tình trạng ngạt thở do dị ứng thức ăn gây ra.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà
Bên cạnh các biện pháp trên, người bị dị ứng thức ăn nổi mề đay nên thực hiện thêm các cách chăm sóc tại nhà để sớm khắc phục.
- Uống trà gừng ấm: Hãy uống một tách trà gừng ấm. Gừng có tác dụng làm ấm bụng, giảm các triệu chứng dị ứng thức ăn ở đường ruột và ngoài da. Theo đó, bạn chỉ cần cho vài lát gừng vào tách hãm cùng với 200ml sôi trong vòng 15 phút. Mỗi lần uống từng ngụm nhỏ, dùng khi còn ấm để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Nước chanh: Chanh giúp đào thải chất gây dị ứng, giảm tình trạng ngứa ngáy, nổi sẩn trên da do dị ứng thức ăn gây ra. Cho vài muỗng nước cốt chanh hòa tan với một ít nước ấm và uống trực tiếp. Mẹo chữa này phù hợp với những trường hợp dị ứng hải sản (tôm, cua, mực,…)
- Lá trà xanh: Uống nước lá chè xanh kết hợp tắm nước lá chè xanh để giảm triệu chứng trên da và ở đường ruột. EGCG, catechin, quercetin,… trong thảo dược có tác dụng giảm sưng, ngứa ngáy, nổi mẩn, hỗ trợ giải độc, cải thiện tình trạng buồn nôn, nôn mửa nhanh chóng.
- Chườm mát: Người bị nổi mề đay sưng đau, ngứa ngáy khó chịu có thể áp dụng biện pháp chườm mát để cải thiện. Chỉ cần cho vài viên đá lạnh vào túi chườm và áp nhẹ lên vùng da bị sưng, nổi sẩn rồi giữ khoảng 10 phút. Mỗi ngày thực hiện 2 – 3 lần để cải thiện tổn thương da.
- Ăn uống hợp lý: Nên ưu tiên các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh hầm,… Bên cạnh đó, bổ sung các loại trái cây, rau xanh giàu vitamin giúp tăng cường miễn dịch để chống lại tác nhân gây bệnh.
- Tránh cào gãi, chà xát da: Tránh tác động vật lý lên vùng da bị tổn thương như cào, gãi để ngăn nhiễm trùng. Trường hợp bị ngứa ngáy dữ dội có thể trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định một số loại thuốc giúp cải thiện triệu chứng.
Thông tin hữu ích: Bị Mề Đay Có Phải Kiêng Nước Không? Có Cần Kiêng Tắm?
Phòng ngừa dị ứng thức ăn nổi mề đay
Những bước đơn giản giúp phòng ngừa dị ứng thức ăn nổi mề đay:
- Loại bỏ các thực phẩm có khả năng gây dị ứng. Thận trọng khi dùng các món ăn lạ.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh bằng cách tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, uống nhiều nước; hạn chế đồ ăn đóng hộp, chứa nhiều gia vị, chất bảo quản.
- Tập thói quen ăn chín, uống sôi, ưu tiên các món ăn tự chế biến để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế nổi mề đay do dị ứng thực phẩm.
- Vệ sinh cá nhân và chăm sóc da mỗi ngày.
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất, bụi bẩn cũng như giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh.
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao giúp nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng. Bởi nhiều nghiên cứu nhận thấy, người có sức khỏe tốt thường ít bị nổi mề đay và các bệnh ngoài da nói chung.
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin về dị ứng thức ăn nổi mề đay. Có thể nhận thấy, tình trạng này mặc dù không quá nguy hiểm nhưng cũng không nên chủ quan. Bởi trong một số trường hợp dị ứng thức ăn có thể dẫn đến phản ứng phản vệ và tử vong nếu không được xử lý đúng cách.
Có thể bạn quan tâm:
- Mề đay cholinergic – Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
- Bệnh mề đay da vẽ nổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!