Bệnh gút có mấy giai đoạn? Dấu hiệu và sự nguy hiểm

Bệnh gút tiến triển qua 4 giai đoạn. Trong đó giai đoạn hình thành hạt tophi có mức độ nguy hiểm nhất và rất khó để kiểm soát.
Bệnh gút có mấy giai đoạn?
Gút (gout) là một dạng viêm khớp mãn tính phổ biến ở người trong độ tuổi trung niên – đặc biệt là nam giới. Nguyên nhân gây bệnh là do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, thường xuyên uống rượu bia, béo phì và lười vận động.

Yếu tố giúp phân biệt bệnh gout với các dạng viêm khớp khác là nồng độ axit uric cao. Axit uric là kết quả của quá trình thoái giáng nhân purin, thành phần này thường được lọc ở thận và đào thải qua đường tiểu. Tuy nhiên ở những người có hàm lượng axit uric máu cao, thành phần này sẽ có xu hướng tích tụ trong máu và gây ra bệnh gout.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan – Chuyên khoa Xương Khớp tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc: Bệnh gút tiến triển qua 4 giai đoạn. Bệnh khởi phát với tình trạng tăng acid uric trong máu dẫn đến tích tụ các tinh thể muối khiến các cơn gút cấp bùng phát. Do không được điều trị tốt, bệnh gút sẽ tiến triển sang giai đoạn mãn, hình thành cục tophi và gây ra nhiều bến chứng nguy hiểm.
Tham khảo thêm: Bệnh gút là gì? Những thông tin cần biết
Các giai đoạn của bệnh gút
Đi từ mức độ nhẹ đến nặng, bệnh gút trải qua 4 giai đoạn phát triển chính như sau:
1. Giai đoạn axit uric cao
Giai đoạn axit uric cao còn được gọi là tăng axit uric máu không triệu chứng. Ở giai đoạn này, tổn thương thực thể và các triệu chứng cơ năng chưa xuất hiện. Yếu tố duy nhất được xác định là nồng độ axit uric máu tăng cao bất thường.
Tăng axit uric máu được xác định khi nồng độ cao hơn 7mg/ dl (đối với nam giới) và 6mg/ dl (đối với nữ giới). Tuy nhiên gout là bệnh lý có tiến triển chậm, do đó nếu phát hiện sớm, bạn có thể điều chỉnh nồng độ axit uric và ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh gút bùng phát.

Các thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 20% trường hợp tăng axit uric máu phát triển thành bệnh gout. Với những trường hợp thăm khám và kịp thời điều chỉnh, nồng độ axit uric có thể trở về mức cân bằng và hạn chế được các cơn đau gout cấp tính.
Giai đoạn tăng axit uric máu thường không phát sinh bất cứ triệu chứng cơ năng và thực thể nào. Do đó để được xác định, bạn cần đến bệnh viện để đo nồng độ axit uric máu.
Tìm hiểu chi tiết: Chỉ số acid uric bình thường – bất thường và cách xử lý
2. Giai đoạn gút cấp
Giai đoạn gút cấp đề cập đến thời điểm bệnh bắt đầu bùng phát các cơn đau cấp tính. Cơn đau này thường bị kích thích bởi một số yếu tố như uống quá nhiều rượu, ăn nhiều hải sản và thịt đỏ trong một thời gian ngắn.
Nồng độ axit uric dư thừa sẽ tạo thành các tinh thể urat (muối urat). Các tinh thể này có xu hướng lắng đọng thành từng mảng và tích tụ quanh khớp (thường là khớp ngón chân cái).

Dấu hiệu nhận biết:
- Đau nhức khớp dữ dội (cơn đau do bệnh gout cấp thường có mức độ nặng nề hơn triệu chứng đau do thoái hóa và viêm khớp dạng thấp).
- Khớp sưng đỏ và nóng
- Triệu chứng bùng phát dữ dội và kéo dài trong vòng 6 – 24 giờ.
- Cơn đau có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây suy nhược cơ thể và khó khăn khi đi lại.
- Các triệu chứng có xu hướng thuyên giảm và biến mất sau 3 – 10 ngày.
Một số trường hợp chỉ trải qua duy nhất một đợt tấn công của bệnh gout nếu có các biện pháp kiểm soát và điều trị kịp thời. Tuy nhiên phần lớn (khoảng 60%) bệnh nhân có thể gặp phải cơn đau do bệnh gout trong vòng 1 – 3 năm.
Gout ở giai đoạn cấp có thể được điều trị bằng cách sử dụng thuốc tăng đào thải axit uric kết hợp với thuốc chống viêm và giảm đau. Bên cạnh đó cần luyện tập thể thao thường xuyên và xây dựng chế độ ăn ít purin.
Với các trường hợp không can thiệp điều trị, nồng độ axit uric có xu hướng tăng lên theo thời gian và khiến bệnh chuyển sang giai đoạn gout mãn tính.
3. Giai đoạn tổn thương khớp/ giai đoạn gout mãn tính
Sau khi triệu chứng của bệnh gút cấp tính biến mất, bạn có thể không nhận thấy cơn đau trong một thời gian dài. Tuy không phát sinh triệu chứng cơ năng nhưng bệnh gout vẫn đang tiến triển âm thầm và bắt đầu quá trình gây tổn thương khớp.
Đây là giai đoạn bệnh ít gây ra triệu chứng nhưng có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của bệnh. Nếu không can thiệp điều trị, tinh thể muối urat có thể tích tụ dần theo thời gian và gây hủy hoại mô sụn, tổn thương đầu xương,…

Dấu hiệu nhận biết:
- Cơn đau khớp có thể xuất hiện hoặc không, mức độ đau thường không dữ dội như cơn đau gút cấp tính.
- Khớp có dấu hiệu sưng đỏ và nóng
- Khó khăn và giảm phạm vi vận động (thường là ở khớp ngón chân cái)
- Một số trường hợp có thể không nhận thấy bất cứ triệu chứng đặc trưng nào.
Điều trị trong giai đoạn này đòi hỏi phải sử dụng thuốc kết hợp với lối sống lành mạnh để duy trì nồng độ axit uric ở mức 6 – 7mg/ dl. Với những trường hợp không điều trị, axit uric máu có thể tăng nhanh và khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng tiêu cực.
Xem thêm: Bệnh gút mạn tính và cách điều trị hiệu quả
4. Giai đoạn xuất hiện hạt tophi
Xuất hiện hạt tophi được cho là giai đoạn cuối của bệnh gout. Lúc này các tinh thể urat sẽ bám chặt vào khớp và gây ra các hạt tophi. Các hạt này thường lắng đọng ở khớp ngón chân và ngón tay, gây đau nhức, giảm chức năng vận động, tăng nguy cơ biến dạng khớp và tàn phế.
So với những giai đoạn trước, giai đoạn cuối của bệnh gout thường có tiến triển nhanh chóng, phức tạp và rất khó kiểm soát.

Dấu hiệu nhận biết:
- Khớp sưng to và quan sát thấy các hạt trắng nổi rõ lên
- Khớp biến dạng và khó khăn khi vận động
- Một số trường hợp hạt tophi có thể xuất hiện ở vành tai, thận và mạch máu
Ở giai đoạn này, bệnh gout không chỉ gây biến chứng ở khớp mà còn tác động tiêu cực đến huyết áp, đường huyết, tim mạch và tăng nguy cơ suy thận. Phương pháp điều trị cần kết hợp với việc sử dụng thuốc, phẫu thuật cắt bỏ hạt tophi và tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng được bác sĩ đề ra.
Nhận biết được bệnh gút có mấy giai đoạn và triệu chứng đi kèm sẽ giúp bạn sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn được các biến chứng nguy hiểm. Hãy theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của bản thân và đến bệnh viện thăm khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ dù bệnh còn ở mức độ nhẹ.
Có thể tham khảo thêm:
- Bệnh gút có bị lây không, qua đường nào?
- Bệnh gút nên kiêng cữ những gì để giảm đau, kìm hãm bệnh?
