Viêm loét đại trực tràng chảy máu là gì? Có nguy hiểm?
Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu là tình trạng viêm loét, xuất huyết ở niêm mạc trực tràng, đại tràng sigma hay toàn bộ đại tràng. Đây là một căn bệnh tự miễn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.
Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu là gì?
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh tự miễn có tính chất mãn tính, xuất hiện các vết loét trên niêm mạc trực tràng và có thể lan rộng đến đại tràng. Tình trạng xuất huyết có thể nhẹ hoặc nặng tùy thuộc vào mức độ tổn thương.
Các trường hợp bệnh tập trung nhiều ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng gần đây, tình trạng này đã tăng ở khu vực châu Á. Nguy cơ mắc bệnh không phân biệt giới tính, thường xuất hiện ở nhóm tuổi từ 15 – 30 tuổi và 60 – 70 tuổi.
Hiện nay, việc điều trị bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhân có thể phải duy trì dùng thuốc chữa trị bệnh trong nhiều năm liền hoặc thậm chí là suốt đời.
Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng chảy máu
Trong nhiều năm qua, nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng vẫn chưa được khẳng định chính xác, nhưng có bằng chứng cho thấy tự miễn có thể đóng vai trò. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng tăng nguy cơ bệnh bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Sử dụng nguồn thực phẩm, thức ăn kém vệ sinh
- Dùng nhiều thuốc kháng sinh gây loạn khuẩn đường ruột
- Căng thẳng quá mức
- Táo bón kéo dài
- Có tiền sử mắc các bệnh lý tự miễn
- Xạ trị chữa ung thư ở các cơ quan trong vùng bụng làm tổn thương đến đại trực tràng.
Tham khảo thêm: Viêm đại tràng cấp tính là gì? Dấu hiệu và cách xử lý
Triệu chứng viêm loét đại trực tràng chảy máu
Bệnh viêm loét đại trực tràng thường bắt đầu ở trực tràng và lan dần vào đại tràng trái, đại tràng phải và có thể lan rộng đến toàn bộ đại tràng, thậm chí ảnh hưởng đến đoạn cuối của ruột non. Dấu hiệu nhận biết là:
- Đau bụng ở vùng dưới rốn, mạn sườn hoặc hai bên hố chậu, thường đi kèm với đau quặn, âm ỉ hoặc dữ dội.
- Chướng hơi và cảm giác đầy bụng.
- Khó tiêu sau khi ăn.
- Rối loạn đại tiện, có thể là táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày.
- Phân có chất nhày và máu, màu đỏ tươi hoặc sẫm màu.
- Sốt trong giai đoạn nặng hoặc có biến chứng.
- Mệt mỏi và cảm giác ăn uống kém, dẫn đến giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Thiếu máu và đôi khi có triệu chứng ngoài đường tiêu hóa như đau khớp, viêm màng bồ đào, hoặc viêm xơ hóa ống mật.
Bệnh viêm loét đại trực tràng xuất huyết có nguy hiểm không?
Bệnh có thể gây nhiều tác hại nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt. Nguy cơ gặp phải biến chứng cao hơn cả ở những người bị nặng, tổn thương ảnh hưởng đến toàn bộ đại tràng.
Các biến chứng thường gặp bao gồm:
- Phĩnh giãn đại tràng nhiễm độc
- Thủng đại tràng
- Thiếu máu
- Xuất huyết ồ ạt ở đường tiêu hóa dưới
- Viêm loét ruột non
- Ung thư đại tràng
Chẩn đoán viêm loét đại trực tràng chảy máu
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng và các thông tin liên quan người bệnh cung cấp, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh như:
Nội soi đại trực tràng:
Bệnh nhân được nội soi đại trực tràng bằng ống mềm gắn camera siêu nhỏ, giúp bác sĩ phân loại giai đoạn bệnh và xác định phạm vi tổn thương trong ruột già.
Chẩn đoán giai đoạn viêm loét đại trực tràng chảy máu theo hình ảnh nội soi:
- Giai đoạn O: Tổn thương chưa rõ ràng, lớp niêm mạc đại trực tràng nhợt nhạt, mạch máu phân bố thưa thớt. Có trường hợp hình ảnh nội soi bình thường.
- Giai đoạn 1 (nhẹ): Lớp niêm mạc ruột sần sùi, viêm đỏ do sung huyết, chỉ quan sát được một phần mạch máu.
- Giai đoạn 2 (vừa): Niêm mạc đại tràng mất nếp ngang, xuất hiện vết loét rõ ràng và không quan sát được mạch máu dưới niêm mạc. Tổn thương dễ chảy máu khi chạm đèn vào.
- Giai đoạn 3 (nặng): Niêm mạc đại tràng phù nề, sung huyết nghiêm trọng, có các ổ loét lớn ăn sâu dưới lớp niêm mạc, thường chảy máu tự phát.
Xác định phạm vi tổn thương trong đại trực tràng:
- Viêm loét trực tràng: Tổn thương chỉ gây ra trên trực tràng.
- Viêm loét trực tràng + đại tràng sigma: Vết loét lan từ trực tràng đến đoạn giữa đại tràng sigma.
- Viêm loét đại tràng trái: Vết loét ảnh hưởng đến đại tràng góc lách.
- Viêm loét đại tràng phải: Ổ loét lan từ trực tràng tới đại tràng góc gan.
- Viêm loét đại tràng toàn bộ: Tổn thương ảnh hưởng đến toàn bộ các phần nhỏ của đại tràng.
Xét nghiệm mô bệnh học:
Mẫu mô từ đại tràng bị bệnh thường cho kết quả sinh thiết như sau nếu mắc viêm loét đại trực tràng chảy máu:
- Tổn thương chỉ ảnh hưởng đến bề mặt niêm mạc và phần dưới niêm mạc, không ảnh hưởng đến lớp cơ.
- Lớp biểu mô phủ có dấu hiệu bong tróc và không bằng phẳng.
- Cấu trúc khe tuyết có dấu hiệu bị ngắn lại, phân chia nhánh hoặc mất trạng thái song song.
- Khe hốc bị áp xe.
- Các mạch máu dưới niêm mạc bị sung huyết và có hiện tượng xuất huyết niêm mạc.
Tham khảo thêm: Viêm đại tràng giả mạc là gì? Chẩn đoán và điều trị
Chụp x-quang khung đại tràng:
- Đại tràng có hình ống chì, không gian bị thu hẹp
- Xuất hiện hình ảnh giả polyp
- Bệnh nặng quan sát thấy đại tràng bị phình giãn
Chụp bụng:
Chụp bụng giúp phát hiện các vấn đề về ruột, như sự giãn nở bất thường của quai ruột, qua hình ảnh chụp rõ ràng. Kỹ thuật này cung cấp thông tin quan trọng cho việc chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị hiệu quả.
Chụp CT scan ổ bụng:
Chụp CT scan ổ bụng cho thấy ruột già, bao gồm trực tràng và đại tràng sigma, có độ dày liên tục không vượt quá 1,5 cm, không gây ảnh hưởng đến ruột non. Đây là dấu hiệu quan trọng giúp chẩn đoán và hướng dẫn điều trị.
Xét nghiệm máu:
- Số lượng tế bào hồng cầu giảm, mức độ tùy thuộc vào tình trạng xuất huyết
- VSS tăng, CRP tăng cho thấy hội chứng viêm
Chẩn đoán phân biệt:
Dựa trên các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm, bác sĩ sẽ chẩn đoán phân biệt bệnh các bệnh lý khác như:
- Bệnh crohn
- Lao ruột
- Hội chứng ruột kích thích
- Ung thư đại trực tràng
- Nhiễm trùng đại tràng do vi khuẩn hay amip.
Cách điều trị bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu
Bệnh cần điều trị tích cực bằng phác đồ chứa kháng sinh và các loại thuốc phù hợp, tùy theo nguyên nhân và mức độ tổn thương. Phẫu thuật có thể cần thiết cho các trường hợp nặng mà thuốc không đáp ứng được. Nguyên tắc điều trị bao gồm:
- Sử dụng 1 loại thuốc trong đợt điều trị khởi đầu và đánh giá lại sau khoảng 10-15 ngày dựa trên triệu chứng và tiến triển sức khỏe.
- Nếu bệnh tiến triển nặng, xây dựng lại phác đồ điều trị với 2 thuốc hiện tại kết hợp với 1 loại mới.
- Đối với bệnh nhân ngưng điều trị mà tái phát, áp dụng phác đồ khởi đầu như bệnh nhân mới và cân nhắc sử dụng các loại thuốc mới.
- Bổ sung thuốc thụt hoặc đặt hậu môn cho các trường hợp viêm loét đại trực tràng nhẹ với tổn thương tối thiểu.
- Tiếp tục điều trị duy trì sau khi triệu chứng giảm để duy trì sự ổn định lâu dài.
Chữa viêm loét đại trực tràng chảy máu bằng nội khoa
Với phương pháp điều trị nội khoa, bệnh nhân được điều trị với phác đồ tấn công và duy trì bằng các loại thuốc phù hợp.
Tham khảo thêm: 7 cách chữa viêm đại tràng bằng dân gian được tin dùng
1. Điều trị tấn công cho bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu
Giai đoạn bệnh nhẹ:
Ở mức độ nhẹ, tổn thương ảnh hưởng đến trực tràng và chưa lan rộng, xuất hiện các vết loét nhỏ và chảy máu ít. Bệnh cũng chưa gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Có thể sử dụng các loại thuốc sau:
- Thuốc 5- ASA: Được ứng dụng để ức chế tổng hợp prostaglandin, giảm sưng viêm và phù nề ở đường tiêu hóa. Có thể sử dụng dạng uống hoặc dạng đặt hậu môn. Dạng uống: Pentasa 0,5g, uống 4 lần mỗi ngày, mỗi lần 2 viên. Dạng đặt hậu môn: Sử dụng viên 1g/lần, đặt vào hậu môn và nằm yên từ 20-30 phút để hoạt chất hấp thụ vào cơ thể.
- Thuốc kháng viêm steroid: ASA có thể kết hợp với thuốc kháng viêm steroid và có thể sử dụng dưới dạng bột pha uống, dung dịch thụt hoặc viên nang đặt hậu môn. Liều dùng: 1-2 lần mỗi ngày, mỗi lần 100mg.
- Thuốc kháng sinh: Ngăn chặn sự lan rộng của vết loét và giúp chữa lành nhanh chóng. Ciprofloxacin: Ngày uống 1 gram x 7 ngày. Metronidazol: Ngày uống 1 gram. Đợt điều trị kéo dài 7 ngày hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng nhiễm trùng.
- Thuốc điều trị triệu chứng bệnh: Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày thì uống thuốc bọc niêm mạc Đau bụng thì sử dụng các thuốc giảm co thắt cơ trơn.
Giai đoạn vừa:
Bệnh ở mức độ vừa thường gây tổn thương đến toàn bộ phần đại tràng trái. Bệnh nhân có thể bị chảy máu nhiều hơn khi đi ngoài kèm theo nhiều triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa. Các thuốc điều trị thường dùng:
- Thuốc 5-ASA dạng uống: Uống 2 viên Pentasa 0,5g x 4 lần/ngày.
- Thuốc 5-ASA tại chỗ: Sử dụng dạng bột hoặc dung dịch thụt.
- Thuốc Hydrocortisone 100mg: Sử dụng dưới dạng dung dịch thụt, mỗi ngày thụt 1 lần vào buổi sáng.
- Thuốc kháng sinh: Sử dụng Ciprofloxacin, mỗi lần 500mg x 2 lần/ngày, hoặc có thể thay thế bằng Metronidazol với liều lượng 1g/ngày. Liều trình điều trị bằng kháng sinh kéo dài trong 7 ngày.
Kết hợp thêm thuốc chứa corticoid theo đường uống, mỗi ngày uống 40 – 60mg và dùng liên tục trong khoảng 10-14 ngày. Nếu bệnh vẫn không tiến triển tốt, có thể sử dụng Methylprednisolon với liều 40-80mg/ ngày trong thời gian từ 7-10 ngày.
Giai đoạn vừa đến nặng:
Ở mức độ này, vết loét có thể lan rộng đến đại tràng phải hoặc gây tổn thương cho toàn bộ đại tràng. Phác đồ điều trị như sau:
- Thuốc 5-ASA dạng uống: Pentasa 0,5g, uống 4 lần/ngày, mỗi lần 2 viên.
- Thuốc corticoid: Prednisolon uống 40-60mg/ngày trong 7-10 ngày, sau đó giảm dần liều. Trường hợp không đáp ứng tốt: Sử dụng corticoid đường tiêm tĩnh mạch với liều cao hơn.
- Thuốc kháng sinh: Ciprofloxacin uống 1g/ngày x 7 ngày. Hoặc Metronidazol: Uống 1g/ngày x 7 ngày.
- Trường hợp dùng 5-ASA kéo dài: Bổ sung thuốc sắt và a.folic mỗi ngày 1mg.
- Truyền bù nước và chất điện giải bị mất do tiêu chảy nhiều.
2. Điều trị duy trì cho bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu
Thông thường, sau 3 – 4 tuần điều trị phác đồ tấn công, triệu chứng bệnh thường giảm. Sau đó, bệnh nhân được duy trì bằng thuốc 5-ASA uống hàng ngày, liều 1g chia làm 2 lần. Thời gian điều trị duy trì phụ thuộc vào mức độ bệnh:
- Giai đoạn nhẹ: ít nhất 2 năm
- Giai đoạn vừa: có thể kéo dài nhiều năm
- Giai đoạn nặng: có thể duy trì suốt đời.
Tham khảo thêm: Bệnh viêm đại tràng có nguy hiểm không? Điều cần biết
3. Điều trị biến chứng phình giãn đại tràng nhiễm độc
Điều trị phình giãn đại tràng nhiễm độc bằng cách:
- Truyền dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.
- Tiêm Corticoid vào tĩnh mạch: Prednisolon (30mg sau mỗi 12h), Methylprednison (16-20mg sau mỗi 8h), hoặc Hydrocortisone (100mg sau mỗi 8h).
- Sử dụng thuốc 5-ASA uống: Pentasa 0,5g x 2 viên x 4 lần/ngày.
- Sử dụng kháng sinh qua đường tiêm tĩnh mạch: Ciprofloxacin (1g/ngày) hoặc Metronidazol (1-1,5g/ngày).
Theo dõi triệu chứng lâm sàng, bilan viêm và chụp X-quang bụng. Nếu triệu chứng không giảm sau 7-10 ngày, cân nhắc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu bằng ngoại khoa
Phẫu thuật ngoại khoa được đề nghị khi có biện pháp nội khoa không mang lại hiệu quả, chủ yếu trong các trường hợp:
- Thủng ruột già
- Phình giãn đại tràng nhiễm độc
- Xuất huyết đại trực tràng ồ ạt
- Ung thư hóa do mắc bệnh lâu năm
- Dị sản mức độ nặng
Bệnh nhân được mổ hở bằng phương pháp truyền thống hoặc phẫu thuật nội soi để cắt một đoạn hay toàn bộ đại tràng bị tổn thương.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bị viêm loét đại trực tràng chảy máu
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của viêm loét đại trực tràng, bệnh nhân cần chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp lành bệnh và tăng cường hiệu quả điều trị.
Giai đoạn bệnh nhẹ và vừa:
- Sử dụng thức ăn mềm, lỏng.
- Nấu chín mềm thực phẩm để giảm gánh nặng cho đường ruột.
- Uống nhiều nước để đào thải độc tố và ngăn ngừa mất nước.
- Hạn chế chất xơ sợi.
- Ưu tiên thực phẩm dễ tiêu hóa.
- Ăn ít nhưng nhiều bữa trong ngày.
- Bổ sung chất sắt từ rau cải và đậu phụ.
- Tránh thức ăn nhanh, đồ ngọt và uống bia rượu, cà phê…
- Không ăn các món sống, tái, nem, gỏi…
Giai đoạn nặng:
- Điều trị nội trú: Đưa bệnh nhân vào viện để giám sát và điều trị.
- Dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch: Bệnh nhân cần nhịn ăn và được cung cấp chất dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch, bao gồm đạm, axit béo và đường.
- Giảm căng thẳng tinh thần: Tránh suy nghĩ tiêu cực và căng thẳng, có chế độ làm việc nghỉ ngơi hợp lý.
- Ngủ đủ giấc và tập thể dục hợp lý: Đảm bảo bệnh nhân có đủ giấc ngủ và tập thể dục hàng ngày để cải thiện sức khỏe tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng.
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là một tình trạng y khoa nghiêm trọng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng có thể xảy ra. Sự chú ý và chăm sóc đúng đắn từ phía bệnh nhân cùng với sự hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ là chìa khóa để quản lý bệnh hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm:
- Khám viêm đại tràng ở đâu tốt tại TP HCM và Hà Nội?
- Viêm đại tràng khi mang thai – Cách xử lý & thông tin cần biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!