Trẻ ăn dặm bị táo bón – Nguyên nhân và cách khắc phục
Tình trạng trẻ ăn dặm bị táo bón có thể xảy ra do ăn dặm quá sớm, chế độ ăn ít chất xơ, không cung cấp đủ nước cho cơ thể,… Táo bón ở trẻ thường có mức độ nhẹ và có thể thuyên giảm sau khi thực hiện một số biện pháp cải thiện ngay tại nhà.
Trẻ ăn dặm bị táo bón và triệu chứng nhận biết
Ăn dặm là giai đoạn trẻ bắt đầu làm quen với thức ăn. Ăn dặm thường được thực hiện khi trẻ tròn 6 tháng tuổi và kéo dài đến khi đủ 1 tuổi. Tuy nhiên khi mới bắt đầu ăn dặm, trẻ có thể gặp phải một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa – chẳng hạn như táo bón.
Táo bón ở trẻ ăn dặm xảy ra khi nhu động ruột giảm, khiến phân ở bên trong trực tràng lâu hơn bình thường và chuyển sang trạng thái vón cục, cứng, có màu đậm hơn bình thường. Triệu chứng nhận biết trẻ ăn dặm bị táo bón:
- Trẻ không đi tiêu trong vòng 3 ngày liên tục
- Tần suất đi tiêu dưới 2 – 3 lần/ tuần
- Khi đại tiện trẻ thường quấy khóc và “rặn” để đào thải phân
- Phân có màu nâu, đen, vón cục và cứng hơn bình thường
- Bụng trẻ cứng và đầy chướng
- Hay xì hơi.
Nguyên nhân trẻ bị táo bón khi ăn dặm
Trẻ ăn dặm bị táo bón có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
1. Cho trẻ ăn dặm quá sớm
Thời điểm thích hợp để trẻ bắt đầu ăn dặm là khi tròn 6 tháng tuổi. Vì lúc này cơ quan tiêu hóa của trẻ đã phát triển tương đối hoàn chỉnh và có khả năng chuyển hóa, hấp thu các thực phẩm phức tạp hơn sữa mẹ.
Do đó nếu bạn cho trẻ ăn dặm sớm hơn thời gian này, trẻ có thể bị táo bón và tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra ở một số trẻ có đường ruột kém, bạn nên cho trẻ ăn dặm trễ hơn độ tuổi trung bình.
2. Không cho trẻ uống đủ nước
Không bổ sung đủ nước là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị táo bón khi bắt đầu ăn dặm.
Thông thường, trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần uống nước vì đã có nguồn nước từ sữa mẹ. Tuy nhiên khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cơ thể sẽ cần một lượng nước nhất định để đảm bảo hoạt động của đường ruột.
3. Giảm tần suất bú sữa mẹ
Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ bắt đầu ăn dặm không cần phải bú sữa mẹ vì đã có đủ dinh dưỡng từ thực phẩm. Tuy nhiên quan niệm sai lầm này có thể khiến trẻ bị táo bón hoặc tiêu chảy.
Ngoài vi chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn chứa một lượng enzyme giúp chuyển hóa và hấp thu thức ăn. Hơn nữa sữa mẹ còn cung cấp cho trẻ lượng nước dồi dào, giúp giữ nước trong lòng ruột và hạn chế nguy cơ táo bón.
4. Tiêu thụ quá nhiều sản phẩm từ sữa bò
Khi đủ 6 tháng tuổi, nhiều mẹ cho con ăn dùng thêm sữa bò tươi, phô mai,… để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ phát triển toàn diện. Tuy nhiên nếu tiêu thụ quá nhiều sản phẩm từ sữa bò, trẻ có thể bị táo bón, đầy hơi, nôn trớ và tiêu chảy.
Nguyên nhân là do hàm lượng đạm trong sữa bò cao. Tiêu thụ quá nhiều sẽ gây áp lực lên hệ tiêu hóa và làm phát sinh các triệu chứng bất lợi.
5. Công thức sữa bột không phù hợp
Sữa bột thường được sử dụng nhằm bổ sung thêm dinh dưỡng cho trẻ trong thời gian bắt đầu ăn dặm. Mỗi sản phẩm sữa sẽ có công thức khác nhau nhằm phù hợp với từng đối tượng nhất định. Do đó nếu bạn sử dụng sữa có công thức không phù hợp với độ tuổi, trẻ có thể bị tiêu chảy, táo bón, nôn trớ,…
Ngoài ra tình trạng táo bón ở trẻ ăn dặm cũng có thể xảy ra do bạn pha sữa không theo tỷ lệ được hướng dẫn trên bao bì. Nồng độ sữa đậm đặc có thể làm tăng áp lực lên đường ruột và khiến hoạt động tiêu hóa bị trì trệ.
Đừng bỏ qua: Nhận biết trẻ sơ sinh uống sữa ngoài bị táo bón và cách khắc phục
Trẻ ăn dặm bị táo bón phải làm sao?
Táo bón khi ăn dặm là một trong những vấn đề khá phổ biến ở trẻ. Tình trạng này thường không quá nặng nề và có thể thuyên giảm sau khi thực hiện một số biện pháp khắc phục.
1. Thay đổi thực đơn ăn dặm
Khi trẻ mới bắt đầu ăn dặm, bạn nên hạn chế các món ăn đặc và khó tiêu hóa. Thay vào đó nên chế biến thực phẩm ở dạng lỏng, mềm và dễ hấp thu. Chế độ ăn dặm giúp hạn chế táo bón ở trẻ nhỏ:
- Khi trẻ mới bắt đầu làm quen với thức ăn, bạn nên cho trẻ ăn cháo loãng trong vài ngày đầu để hệ tiêu hóa bắt đầu quen dần với thức ăn.
- Sau đó, có thể nghiền nát rau xanh và các loại củ vào cháo để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Khi hệ tiêu hóa bắt đầu quen với các loại thức ăn, bạn có thể bổ sung thêm các thực phẩm dinh dưỡng như trứng, cá hồi,…
- Tuy nhiên khi chế biến nên cân bằng dinh dưỡng cho trẻ, tránh sử dụng quá nhiều thực phẩm giàu đạm.
- Ngoài ra bạn cũng nên giới hạn sản phẩm sữa trẻ tiêu thụ hàng ngày. Thay vào đó có thể cho trẻ dùng sữa chua để bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột.
Đừng bỏ qua: Trẻ táo bón nên ăn gì? ( Các loại rau, cháo, món ăn tốt nhất)
2. Bổ sung nước cho trẻ
Lượng nước trong sữa mẹ chỉ đủ cung cấp cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Vì vậy khi trẻ bắt đầu bước sang giai đoạn ăn dặm, bạn nên bổ sung nước cho trẻ theo nhu cầu của cơ thể.
Thông thường trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi cần trung bình khoảng 200 – 300ml nước/ ngày. Tuy nhiên bạn có thể xem xét của nhu cầu của từng trẻ để cân chỉnh lượng nước cho phù hợp.
3. Sử dụng men tiêu hóa trị táo bón cho trẻ ăn dặm
Rối loạn tiêu hóa là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ ăn dặm bị táo bón. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể sử dụng men tiêu hóa cho trẻ.
Men tiêu hóa thường được trộn đều trong cháo hoặc đồ uống nhằm cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột. Khi số lượng lợi khuẩn tăng lên, hoạt động chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng của cơ quan này cũng được cải thiện đáng kể.
Sử dụng men tiêu hóa có thể giảm táo bón trong giai đoạn ăn dặm. Tuy nhiên lạm dụng loại thuốc này có thể gây tiêu chảy và một số vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy trước khi sử dụng men tiêu hóa cho trẻ, bạn nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa.
4. Massage bụng cho trẻ ăn dặm bị táo bón
Massage là phương pháp trị liệu được ứng dụng trong quá trình điều trị nhiều vấn đề sức khỏe. Tác động từ phương pháp này có thể hỗ trợ giảm đau, tăng cường tuần hoàn máu và kích thích nhu động ruột.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, massage bụng cho trẻ thường xuyên có thể làm thuyên giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nhất là tình trạng táo bón ở trẻ bắt đầu ăn dặm.
Thực hiện massage giảm táo bón cho trẻ:
- Cho trẻ nằm trên giường, sau đó dùng ngón tay trỏ đặt dưới rốn của trẻ
- Tiến hành xoay ngón tay theo chuyển động kim đồng hồ
- Sau đó dùng bàn táp áp nhẹ lên thành bụng để kích hoạt nhu động ruột
Thực hiện phương pháp này thường xuyên không chỉ cải thiện hoạt động tiêu hóa của trẻ mà còn giúp trẻ thư giãn và dễ chịu hơn. Khi thực hiện, bạn nên cắt móng tay và vệ sinh tay sạch sẽ để tránh gây trầy xước da của trẻ.
Xem thêm: 2 Cách massage bụng cho trẻ sơ sinh bị táo bón dễ đi cầu
5. Tắm nước ấm
Tắm nước ấm thường xuyên có thể kích thích nhu động ruột và làm giãn cơ vòng hậu môn. Tác động này sẽ giúp phân dễ dàng đi ra ngoài mà không gây đau rát hay chảy máu ở hậu môn.
Ngoài ra tắm nước ấm còn giúp tăng cường tuần hoàn máu, đem lại cảm giác thoải mái và thư giãn cho trẻ. Hơn nữa, tắm nước ấm thường xuyên còn giúp trẻ dễ ngủ và ít quấy khóc.
6. Tập cho trẻ vận động
Vận động không chỉ giúp xương khớp của trẻ cứng cáp mà còn thúc đẩy nhu động của đường ruột. Trẻ từ 6 tháng tuổi có thể biết ngồi, bò và bắt đầu biết cầm nắm.
Lúc này bạn nên tập cho trẻ thói quen vận động để thúc đẩy sự tăng trưởng của xương và hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa.
7. Thay đổi sản phẩm sữa bột
Trong trường hợp trẻ ăn dặm bị táo bón do sữa bột, bạn nên thay thế bằng sản phẩm có công thức phù hợp với cân nặng và độ tuổi của trẻ. Ngoài ra khi pha chế sữa, cần cân chỉnh lượng nước phù hợp để tránh gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ.
Tham khảo thêm: 6 loại sữa cho trẻ táo bón này được tin dùng nhiều nhất
Phòng ngừa tình trạng trẻ bị táo bón khi ăn dặm
Trẻ ăn dặm bị táo bón có thể dễ dàng được cải thiện. Tuy nhiên tình trạng này rất dễ tái phát nếu bạn không thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Hơn nữa, táo bón tái phát thường xuyên có thể khiến trẻ chậm phát triển, suy dinh dưỡng, thiếu máu, còi xương và dễ mắc các bệnh về hậu môn như nứt kẽ hậu môn, bệnh trĩ, áp xe hậu môn,…
Vì vậy bạn nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa để hạn chế nguy cơ táo bón tái phát:
- Cân bằng vi chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của trẻ. Không nên tập trung vào các thực phẩm chứa quá nhiều đạm và các nguyên tố vi lượng khác.
- Có thể tìm gặp chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn cách xây dựng chế độ ăn phù hợp với trẻ ở từng độ tuổi cụ thể.
- Bổ sung nước đầy đủ cho trẻ, đồng thời cần duy trì cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất 1 năm đầu đời.
- Cho trẻ vận động thường xuyên có thể hạn chế được nguy cơ táo bón.
- Nên tập cho trẻ thói quen đại tiện đúng giờ.
- Đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám thường xuyên để kịp thời phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn.
Tham khảo thêm:
- Trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu – Cách xử lý, điều trị
- 10+ cách trị táo bón cho trẻ theo dân gian hiệu quả nhất
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!